søndag 9. mars 2014

Lấy Chồng Xứ Kim Chi


Chuyện đã ba năm qua, nhưng gia đình cô gái Mai Thị Lâm, sống ở một vùng quê hẻo lánh miệt sông nước Hậu Giang vẫn không thể nào quên được.

Đó là một buổi sáng, khi cả gia đình ngồi quây quần bên mâm cơm trước chái ngôi nhà mới mà con gái đi lấy chồng Hàn gửi tiền về xây, thì bỗng cô con gái mà họ đinh ninh đang tận hưởng hạnh phúc làm dâu ngoại bỗng lù lù xuất hiện.

Mai Thị Lâm, với dáng vẻ tơi tả òa khóc khi gặp gia đình. Sau cú sốc, ngồi lại, cả nhà mới rõ nguồn cơn.

Năm 2000, Mai Thị Lâm mới 19 tuổi, thông qua mai mối của một người chị bà con đã đi lấy chồng bên Hàn, có buổi gặp mặt người đàn ông Hàn Quốc họ Han. Ông Han hơn cô 30 tuổi, trông già và chẳng đẹp đẽ gì, thế nhưng với gia đình của Lâm, như vậy là may mắn lắm rồi, vì nhiều cô trong xóm còn phải chấp nhận lấy cả chồng què quặt để được xuất ngoại. Chỉ sau một lần gặp gỡ, Lâm đã lọt vào mắt ông Han. Thông qua người mai mối, đám cưới được xúc tiến gấp gáp cùng với các hồ sơ thủ tục khác.

Thực lòng, Lâm không hề muốn có cái đám cưới này lẫn chuyến làm dâu Hàn mà gia đình cô vẫn mong ước. Cô đã hẹn hò yêu đương với một thanh niên cùng xóm, là người bạn từ thời ấu thơ của Lâm. Thế nhưng, mối tình này bị cấm cản quyết liệt. Vì nhà Lâm vốn chẳng khá giả gì, mà nhà người yêu Lâm còn bi đát hơn: Cha mẹ mất sớm, để lại cho người yêu Lâm một gánh nặng là bốn đứa em. È cổ làm lụng nuôi em còn phải giật trước vá sau, thì Lâm về làm vợ thì chắc gì có tương lai tốt đẹp? Vì thế mới dẫn đến chuyện cả gia đình bàn nhau nhanh chóng làm mai mối gấp cho Lâm đi lấy chồng Hàn Quốc, để vừa được ấm thân, cả nhà vừa được nhờ.

Lý lẽ của cha mẹ và các anh chị Lâm cũng như nhiều gia đình nghèo khác ở miệt sông nước này: Lấy đàn ông chung quanh thì cũng gặp phải cái nghèo cái khó, rồi cả bầy con, lại khổ nheo khổ nhóc. Lấy chồng Hàn, dù già chút nhưng bù lại có của, được ra nước ngoài, sống sung sướng, mà cả nhà cũng thơm lây. Vậy là chống gia đình không được, Lâm đi lấy chồng, rồi xuất ngoại.

Sáu năm Lâm ở Hàn Quốc, chưa về thăm cha mẹ được một lần, dù là Tết nhất. Nhưng thi thoảng, một năm ba, bốn cuộc gọi về, Lâm nói mình vẫn ổn, bên này lạnh và không hợp khẩu vị nhưng đang quen dần, già đình chồng cũng không khó khăn gì. Lâm cũng hay gửi tiền về, cho cha mẹ xây nhà, anh chị mua xe máy, cho cháu học hành...

Tàn giấc mơ đổi đời nơi xứ người

Vậy mà đùng một cái, Lâm xuất hiện trước nhà với bộ dạng tả tơi. Ngày đi tròn trịa trắng trẻo, mà sáu năm qua, Lâm giờ ốm nhom như que củi, người như hết sức sống. Lâm kể, mình sống ở nhà chồng như địa ngục chốn trần gian.

Sang xứ người, lạ nước, lạ cái, nhưng gia đình chồng không cho Lâm học tiếng Hàn, họ muốn hạn chế giao tiếp của Lâm. Họ thẳng thừng nói, bao nhiêu cô dâu qua bên này, đủ lông đủ cánh là bay biến, tìm gia đình ngon lành, nên họ bỏ tiền ra cưới Lâm về, họ đâu có ngu!

Nhà chồng neo người, gồm có chồng Lâm và cha mẹ chồng, anh chồng. Khốn nỗi ngoài chồng Lâm ra thì cả nhà đều ốm yếu, bệnh tật, nhất là cha mẹ chồng đã ngoài 70. Cha chồng Lâm thậm chí nằm một chỗ, bao chuyện vệ sinh thân thể trước kia hai con trai thay phiên nhau lo, bây giờ phần Lâm hết.

Nhà không giàu có gì, lại người bệnh nhiều hơn người khỏe, nên cả hai vợ chồng phải cật lực làm. Suốt ngày Lâm phải cùng chồng cắm mặt trên những thửa ruộng. Tiếng là qua sáu năm, chứ ngoài vùng nông thôn Lâm sống, thì cô chẳng biết các địa danh của Hàn Quốc mặt mũi ra sao.

Chồng Lâm gần 50 rồi, lầm lì ít nói, tính tình cục súc. Lại khác biệt ngôn ngữ, chưa bao giờ Lâm có được một sự dịu dàng, một lời chăm sóc từ chồng, cô chỉ có nghĩa vụ là phục phụ nhà chồng, rồi phục vụ “chuyện ấy” cho chồng hằng đêm.

Lấy chồng mấy năm trời, Lâm vẫn chưa thấy có dấu hiệu sinh con. Suốt ngày cô bị chồng chửi mắng vì “không biết đẻ”. Đến trước khi về nước 8 tháng, Lâm bỗng có thai. Trong nỗi lo lắng, Lâm cũng thấy mừng rỡ, vì dù sao đã được làm mẹ. Biết đâu, nhờ đứa trẻ mà cô được chồng yêu thương hơn. Nhưng mọi sự chẳng có gì thay đổi, vẫn phải làm quần quật tối ngày, vẫn phải hầu hạ nhà chồng.

Cho đến cái lần bị chồng đánh, Lâm chạy ra ngoài, vấp té và sẩy thai. Nằm bẹp mấy ngày sau cú sốc, Lâm quyết tâm bỏ trốn. Cô không thể sống ở cái địa ngục này thêm nữa. Cô muốn trở về quê, dù xấu hổ với bà con họ hàng cũng được. Miễn là không phải đày ải nơi đây. Xin về không được gia đình chồng đồng ý, cô liên lạc với một người bạn đồng hương, nhờ giúp đỡ.

Sau nhiều tháng trời chuẩn bị và tìm nhiều cách khác nhau, có lúc tưởng như bị nhà chồng phát hiện, không trốn được, cuối cùng, Lâm cũng đặt chân được đến sân bay Tân Sơn Nhất. Từ đây, cô bắt xe đò về nhà. Về được đến quê hương, cô thất thần, nhưng mừng rơi nước mắt…

Nghe Lâm kể, cả nhà cô ai cũng xót xa, ân hận. Họ hối hận vì sống an nhàn hơn trên những đồng tiền cay đắng mà Lâm gửi về. Rồi nhiều lần gọi sang vòi vĩnh, muốn mua thêm ti vi, xe máy, cho cháu tiền đi học Anh văn, cho anh tiền mở quán nước.

Lâm trở về, đối mặt với không ít lời bàn tán, chê cười của xóm giềng. Người yêu cũ đã lấy vợ. Tay trắng với một thân hình tiều tụy, nhưng với Lâm, được về quê, thoát khỏi “địa ngục” bên kia đã là hạnh phúc lắm rồi. Cô còn trẻ, còn làm lại được.

Ba năm trôi qua, Lâm đã là một thợ may khá đông khách ở thị trấn. Cuộc sống dần xóa nhòa mọi khổ đau, nhưng những ký ức thì khó lòng mà quên được.

NST.

Ingen kommentarer: