Lịch Sử Ngàn Năm Bắc Thuộc
Hai Bà Trưng Khởi Nghĩa Dựng Nền Độc Lập
Dân tộc Việt Nam bị người Tàu đô hộ hơn một ngàn năm, từ năm 111 trước Tây Lịch đến năm 939 sau TL. Trong suốt thời gian đen tối ấy, với truyền thống bất khuất, có không biết bao nhiêu cuộc khởi nghĩa của người Việt nhằm đánh đuổi kẻ xâm lăng phương Bắc ở khắp mọi nơi như cuộc nổi dậy của Tây Vu Vương, con cháu An Dương Vương năm 106 trước TL, tức 5 năm sau khi bị đế quốc Hán cai trị và, trước cũng như sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng có rất nhiều cuộc khởi nghĩa khác.
Sử sách phổ thông thường chỉ ghi những biến cố quan trọng như cuộc khởi nghĩa của bà Trưng, bà Triệu, Lý Bí, Phùng Hưng mà không ghi những cuộc khởi nghĩa hoặc vì bị dập tắt nhanh chóng hoặc xẩy ra ở những vùng xa xôi, như năm 100 sau TL. hơn 2.000 dân huyện Tượng Lâm nổi lên đốt phá trụ sở huyện, năm 136 một cuộc nổi lên nữa làm tất cả quan lại của huyện này bị giết chết và huyện lị bị đốt phá, nhà Hán phải sai 40.000 quân sang đánh dẹp.
Tám năm sau, năm 144 bùng lên 1 cuộc chống đối khởi đầu từ Nhật Nam rồi lan tới Cửu Chân và Giao Chỉ, năm 157, 13 năm sau, ở huyện Chu Phong (Thanh Hóa). Cứ năm, mười năm lại có 1 cuộc nổi dậy (xin xem thêm TS. Nguyễn mạnh Hùng, Nhìn Lại Sử Việt – Từ tiền sử đến tự chủ – trg 129, 130, 131, TH Miền Đông xb 2007) liên tục như thế cho đến khi vua Ngô Quyền đánh cho quân Nam Hán tan tành ở sông Bạch Đằng (Đằng Giang tự cổ huyết do hồng - Sông Bạch Đằng ngàn xưa đã nhuộm đỏ máu) thì người Tàu mới bớt dòm ngó và dân tộc chúng ta mới có thời giờ xây dựng, củng cố vững chắc nền độc lập, tự chủ của mình.
Từ năm 111 trước TL. Đến năm 40 sau TL., hơn 150 năm dưới sự cai trị của nhà Hán, người dân Việt bị đàn áp và bóc lột tàn tệ đến nỗi trai gái lớn lên không có tiền làm lễ cưới hỏi vì ngoài thuế má nặng nề lại phải lao dịch phục vụ cho quan lại người Tàu như xuống biển mò ngọc trai, lên rừng săn tìm ngà voi, sừng tê giác giao nộp.
Bòn vét đến thế còn chưa đủ, năm giáp ngọ (34 sau TL.) vua Quang Vũ nhà Hán sai Tô Định sang làm thái thú quận Giao Chỉ. Định là 1 kẻ bạo ngược, tàn ác, rất tham lam, “thấy tiền là sáng mắt lên” như lời ghi trong biểu của Mã Viện gửi lên vua nhà Hán . Định dùng bọn gian ác làm tay chân, giết hại những người trung thực dám can ngăn và bóc lột dân bản xứ đến cùng cực.
Vì lòng thương nước thương dân, những người có lòng yêu nước, yêu nòi giống không thể ngồi yên. Gia đình bà Trưng trong đó chủ yếu là bà Thiện, vợ góa 1 Lạc Tướng, con rể là Thi Sách, con gái là Trưng Trắc và Trưng Nhị liên lạc với hào kiệt khắp nơi để tổ chức một cuộc khởi nghĩa đánh đuổi kẻ xâm lăng. Âm mưu bị bại lộ, Tô Định bắt giết ông Thi Sách.
Trước tình thế đó, Bà Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị truyền hịch khởi nghĩa và anh hùng từ các nơi ào ạt đem quân về Mê Linh hưởng ứng. Chỉ một thời gian ngắn, từ vài ngàn nghĩa sĩ, Hai Bà đã có tới 60 ngàn quân.
Thôi thúc bởi lòng dân oán hận, lòng quân sôi sục căm thù, Hai Bà và các tướng lãnh xuất quân đánh thẳng vào Liên Lâu nay là huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, trị sở của Tô Định làm quân Hán thua tan. Cùng lúc các quận Cửu Chân, Nhật Nam (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. . . ) cũng nổi lên nên chỉ trong vài tháng toàn bộ quân Tàu bị đánh đuổi ra khỏi bờ cõi. Tô Định – thái thú quận Giao Chỉ, Nhâm Diên – thái thú quận Cửu Chân nhanh chân chạy thoát . Thấy quân của Hai Bà đại thắng, các quận Nam Hải, Hợp Phố (Quảng Đông),Thương Ngô, Uất Lâm (Quảng Tây) cũng nổi lên theo Hai Bà và tiến quân lên phía bắc chiếm một số thành trì của nhà Hán tới tận tỉnh Hồ Nam. Hiện nay còn đền thờ Hai Bà Trưng ở tỉnh Hồ Nam.
Dân tộc ta thu hồi lại nền độc lập, một nền độc lập ngắn ngủi chỉ có 3 năm nhưng chứng tỏ tinh thần bất khuất, kiên cường cương quyết không cho kẻ khác tới xâm chiếm đất nước mình.
Không đành lòng với thất bại, năm 42 Quang Vũ cử Mã Viện đem quân thủy bộ sang đánh báo thù. Sau khi quân thủy do Đoàn Chí chỉ huy và quân bộ do Mã Viện cầm đầu hội tại Hợp Phố (Quảng Đông), quân Hán lên đường phục hận. Muốn dùng yếu tố bất ngờ để quân Nam không kịp phòng bị, Mã Viện không thẳng đường băng qua Lạng Sơn vào đất Việt mà âm thầm sai quân chặt rừng xẻ núi, vất vả vượt hơn ngàn dậm trong gần một năm trời mới tiến quân vào được đến Lãng Bạc ở vùng Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Hai Bà sai Thánh Thiên Công Chúa đem quân từ Mê Linh chặn đánh luôn mấy trận rất hăng , giết chết hàng ngàn quân Tàu làm Mã Viện phải lui về vùng Bắc Giang cầm cự.
Phần thì mấy tháng trời bị quân Việt vây đánh, phần thì mùa hè đang tới quân sĩ không quen với khí hậu nóng bức của phương nam nên bị ốm đau, Mã Viện nhiều lúc nản chí sợ bỏ mạng tại sa trường nên cho người ngày đêm về kêu cứu Quang Vũ tiếp viện. Quang Vũ không cho, khuyên Viện nên dùng mưu chước. Viện dùng kế nghi binh: Giả sai một đạo quân từ Cao Bằng đến đóng ở Tuyên Quang và hư truyền tiến đánh vùng thượng du Thái Nguyên, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái bây giờ. Hai Bà sai Thánh Thiên Công Chúa rút quân lên cứu vùng này.
Mã Viện thừa cơ tấn công vào Mê Linh. Hai bên đánh nhau mấy ngày đêm liên tiếp, quân của Mã Viện kéo về mỗi lúc một đông trong khi quân của Thánh Thiên Công Chúa không kịp về cứu giá . Hai Bà bỏ Mê Linh vượt qua sông Hồng rút về Kim Khê( Cấm Khê) ở vùng rừng núi Ba Vì định dùng nơi hiểm yếu này lập căn cứ kháng cự. Nhưng quân Tàu đuổi theo quá gấp, Hai Bà chạy về đến Hát Môn thì bị đuổi kịp. Hai Bà cùng đoàn nữ binh hộ tống nhảy xuống dòng sông Hát tự vẫn. Ngày buồn thảm đó là ngày mồng 6 tháng 3 năm 43 âm lịch! (*)
Dân tộc Việt Nam lại đắm chìm trong cảnh lầm than, làm trâu ngựa cho người bóc lột, đàm áp, giết chóc trong gần 900 năm với bao cuộc khởi nghĩa máu xương của Bà Triệu, Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Bố Cái Đại Vương . . . cho mãi đến năm 939 khi vua Ngô Quyền diệt quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng mới thu hồi được quyền tự chủ và xây dựng nền độc lập vững vàng truyền lại tới ngày nay:
Đất nước bao đời được đắp xây
Bằng xương, bằng máu của xưa nay
Tấm gương Trưng, Triệu luôn bừng sáng
Đốt cháy tim này rực lửa đây
Đốt cháy tim này rực lửa đây
Quyết đem tâm trí với tài trai
Noi gương nối gót người đi trước
Bảo vệ non sông đất nước này
Ghi Chú:
Theo truyền tích của Xã Hát Môn(trước đây là An Hát) thì khi Hai Bà chạy về tới đó là lúc dân làng đã gặt xong lúa chiêm và đang làm bánh trôi bằng nếp chiêm mới gặt ăn mừng mùa vụ. Dân làng bèn chọn mấy cô trinh nữ dâng bánh lên hai vị Vua của họ và đoàn tùy tùng. Chẳng bao lâu quân Tàu đuổi đến, Hai bà nhảy xuống sông Hát tuẫn tiết và các cô trinh nữ dâng bánh cũng nhảy theo. Hiện nay trước cổng đền thờ Hai Bà còn có cái miễu nhỏ (am) thờ các cô trinh nữ dâng bánh và hàng năm vào ngày mồng 6 tháng 3 âm lịch, sau khi vị chủ tế làm lễ tế Hai Bà xong thì ra Miếu Các Cô bái vọng 10 bái. Lễ dâng bánh trôi trong ngày đại lễ tế Hai Bà ( mồng 6 tháng 3) làm bằng gạo nếp chiêm gặt vào tháng 2, tháng 3 âm lịch được duy trì từ thời đó đến bây giờ.
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar