søndag 10. november 2013

Tôn Vinh Những Bậc Anh Hùng Dân Tộc

 
 
Mục đích nhằm xây dựng cuộc sống tinh thần, tâm linh một cách lành mạnh mang màu sắc cổ truyền cũng như gầy dựng lại một quá khứ thần thoại, hiển thánh của dân tộc.

Việt Điện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên được biên chép khoảng giữa thế kỷ 13; Đến thế kỷ thứ 15 được tiến sĩ Nguyễn Văn Chất bổ túc thêm những chuyện khác vào. Tên gọi là Việt Điện U Linh Tục Tập hay Tục Việt Điện U Linh Tập.

Như trên đã viết, đời vua Nhân Tông ghi ơn những người có công đánh giặc Nguyên bằng cách phong tước, phong hàm. Ngoài ra những ai lập chiến công đặc biệt thì vẽ hình cũng như chép sự tích vào tập sách Trùng hưng thực lục. Đồng thời một Thần Việt Điện đã được dựng nên (ghi chép và phổ biến Việt Điện U Linh Tập) để cho dân chúng tôn thờ những vị thần của tộc Việt, để cho mọi người có thể hãnh diện với quá khứ cao quý, hào hùng và thiêng liêng. Qua hành động này cho chúng ta thấy sự đối kháng mãnh liệt nhất của tộc Việt trên mặt văn hóa tư tưởng đối với giặc Tầu phương Bắc.

Tiếp nối tinh thần tôn vinh những bậc anh hùng dân tộc mà Việt Điện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên đã thực hiện  vào khoảng giữa thế kỷ thứ 13 và được tiến sĩ Nguyễn Văn Chất bổ túc vào thế kỷ thứ 15 qua Việt Điện U Linh Tục Tập, Hội Sử-Học Việt-Nam tại Âu-Châu thành lập Thần Việt Điện 2010 (trên trang Trúc Lâm Yên Tử) để tôn thờ những bậc anh hùng, anh thư thời hiện đại.

Ôn cố tri tân là tinh thần không thể thiếu vắng được ở bất kỳ không gian và thời gian nào. Chiến cuộc Việt Nam hay chiến tranh Đông Dương khởi sự từ 1946 và kết thúc năm 1975, đã gieo biết bao cảnh thống khổ đau thương cho đất nước và dân tộc Việt Nam.

Trong suốt cuộc chiến đã có không biết bao nhiêu bậc anh hùng, anh thư đã xả-thân liều mình bảo vệ đất nước và dân tộc Việt trước làn sóng xâm lăng từ phương Bắc của Cộng sản Việt Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày quốc tang, quốc hận 30/04/1975 - 30/04/2010, với tinh thần tri ân và tôn vinh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nói chung, đặc biệt những vị tướng lãnh đã hy sinh trong lúc thi hành công vụ từ lúc khởi đầu của cuộc chiến cũng như những vị đã bất khuất không chấp nhận đầu hàng quân Bắc xâm Việt cộng ngày 30/04/1975.

Chúng tôi chân thành tôn xưng Mười Vị Tướng Lãnh, Đại Tá, Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là Thập Đại Thần Tướng Việt Nam - thời cận đại vì họ đã hy sinh trong lúc thi hành công vụ, cũng như biểu hiện khí phách phi thường của một bậc thần tướng; ngoài ra, những vị này cũng đã thi thố tài ba trên chiến trường làm binh sĩ các cấp kính phục cũng như đã chỉ huy các đơn vị thuộc quyền chiến thắng quân thù một cách vẻ vang. Hơn nữa, họ đã chứng minh là những vị Tướng lãnh biết nhận trách nhiệm trước lịch sử dân tộc.
Chúng tôi sắp xếp theo thứ tự ngày tháng thành thần của chư vị Tướng lãnh, đại tá nêu trên. Riêng trường hợp Thiếu tướng Trương Quang Ân vì có phu nhân cùng tử nạn nhưng chúng tôi vẫn xin tôn xưng chung là Thập Đại Thần Tướng Việt Nam.

Trước đây, chúng tôi tôn xưng cố đại tướng Đỗ-cao-Trí là vị thần tướng và xếp hàng thứ tư trong Thập đại thần tướng. Tuy nhiên khi nghiên cứu về chính biến 01-11-1963 và những hệ lụy đã khiến chúng tôi phải rút tướng Trí ra khỏi danh sách này.

Lý do rút Tướng Đỗ-cao-Trí ra khỏi danh sách:
1/ Với trách nhiệm là Tư lịnh Quân Đoàn 1, tướng Trí đã tham gia trong cuộc chính biến 01-11-63.
2/ Tướng Đỗ-cao-Trí đã không giữ lời hứa giúp đỡ ông Ngô-đình-Cẩn, khiến ông Cẩn rơi vào tay tòa đại sứ Mỹ và bị giao cho nhóm phản tướng. Hậu quả ông Ngô-đình-Cẩn bị xử tử hình ngày 09-05-1964.
3/ Đối với ông Phan-quang-Đông, Tướng Trí vì sợ các thế lực của nhóm Phật giáo Ấn-Quang của Trí-Quang ảnh hưởng đến địa vị, nên ông đã không giữ lời hứa cùng qua cuộc đàm thoại ngày 03-11-1963. Hậu quả, nhóm phản tướng Dương-văn-Minh, Trần-văn-Đôn, Lê-văn-Kim, Mai-hữu-Xuân, Tôn-thất-Đính, Đỗ-Mậu đã đem người chiến sĩ quốc gia ưu tú Phan-quang-Đông xử bắn ngày 09-05-1964.

Qua ba điều nêu trên cho thấy tướng Trí không còn phù hợp với những tiêu chuẩn tôn xưng thần tướng của Hội Sử-Học. Kể từ ngày 28-10-2013, tướng Trí không còn trong danh sách này và cũng không còn được ghi vào Tân U Linh Việt Điện (Thần Việt Điện 2010).

Sau khi rút tướng Trí ra khỏi danh sách Thập Đại Thần Tướng, chúng tôi tôn xưng ông Phan-quang-Đông, Trung úy Giám Đốc Sở Nghiên Cứu Địa Lý kiêm Giám đốc Đài Kiểm Thính miền Bắc tức là Cơ quan tình báo chiến lược của Việt-Nam Cộng-Hòa đối đầu với Cộng sản Bắc Việt nói riêng và quân Trung cộng nói chung.  

Giám đốc Phan-quang-Đông đảm nhiệm Sở Nghiên Cứu Địa Lý kiêm đài Kiểm thính miền Bắc, đây là một trách nhiệm hết sức quan trọng có liên hệ đến an ninh quốc gia. Cho dù cấp bậc chỉ là Trung úy nhưng xét trên tổng thể liên hệ đến công tác tương tự như một vị tướng lãnh cầm quân tại mặt trận. Do đó, ông Phan-quang-Đông xứng đáng được tôn xưng là một trong những vị Thần Tướng (đứng hàng thứ hai). Tiểu sử cũng như thần tích được ghi vào Tân U Linh Việt Điện (tức Thần Việt Điện 2010). 

Trường hợp đại tá Hồ-ngọc-Cẩn, Hội Sử-Học Việt-Nam tại Âu-Châu không có tư cách truy phong, hay truy tặng ông là tướng lãnh. Tuy nhiên, vào tháng 09-2013, chúng tôi xin được tôn xưng và tôn vinh ông là bậc Thần Tướng thứ mười dựa trên công đức đã hết lòng hy sinh cho đất nước và dân tộc Việt-Nam. Cũng như tinh thần bất khuất cho dù sa cơ thất thế, đối mặt trước cường quyền bạo lực của Việt cộng. 
Trường hợp của ông Phan-quang-Đông cũng như đại tá Hồ-ngọc-Cẩn là hai trường hợp ngoại lệ và đặc biệt. 
Mười vị tướng lãnh, đại tá, sĩ quan đó là:
1/ Trung tướng Trình Minh Thế (1922 - 1955)
2/ Trung úy Phan-quang-Đông (1929-1964)
3/ Thiếu tướng Trương Quang Ân và phu nhân (1932 - 1968; 1931-1968)
4/ Trung tướng Nguyễn Viết Thanh (1930 - 1970)
5/ Thiếu tướng Phạm Văn Phú (1929 - 1975)
6/ Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ (1933 - 1975)
7/ Chuẩn tướng Trần Văn Hai (1929 - 1975)
8/ Thiếu tướng Lê Văn Hưng (1933 - 1975)
9/ Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam (1927 - 1975)
10/ Đại Tá Hồ-ngọc-Cẩn (1938-1975)

Sự tôn xưng này xin được xem như là biểu tượng, một biểu tượng cao quý. Và là một ý thức hệ thần thoại cao quý để ghi ơn các bậc thần Tướng có công giúp nước cứu dân.

Việc tôn xưng chư vị tướng lãnh nêu trên còn dựa trên 3 điểm:
Đạo Đức với chính bản thân
Nhân Nghĩa với người ngoài
Thao lược trên chiến trường (chính trị, tình báo chiến lược)

Ngoài ra chúng tôi dựa vào giây phút thành Thần của chư vị như sau:
Một vị bị ám sát tại mặt trận (Trung tướng Trình Minh Thế)
Một vị bị nhóm phản tướng xử tử hình (Giám Đốc Phan-quang-Đông)
Hai vị tử nạn phi cơ khi thi hành nhiệm vụ (Thiếu tướng Trương Quang Ân, Trung tướng Nguyễn Viết Thanh)
Năm vị tuẫn tiết không đầu hàng quân thù (Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Thiếu tướng Lê Văn Hưng, Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, Chuẩn tướng Trần Văn Hai).
Đại tá Hồ-ngọc-Cẩn chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và bị Việt cộng xử tử hình ngày 14-08-1975.

Ingen kommentarer: