Nhiều người kêu gọi "hòa hợp, hòa giải"
ở trên mạng, mình nghĩ những người đó có ý tốt, nhưng có lẽ họ chưa
hiểu hết nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Thật ra không có sự chia rẽ ở
người dân từ hai phía: những người theo quốc gia
với những người theo cộng sản ở miền Nam. Nhất là 38 năm sau khi chiến
tranh kết thúc, người dân cả hai phía đều hiểu rõ cuộc chiến, họ biết
rằng họ chỉ là nạn nhân của cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn, họ cảm
thấy đau thương, mất mát nhiều hơn là oán hận hay thù hằn người anh em
của mình ở bên kia chiến tuyến.
Người Việt hải ngoại (đa số là dân tị nạn chính trị) không hề có thù hằn gì với người dân trong nước, mà trái lại, họ rất quan tâm, lo lắng cho bà con mình ở quê nhà. Hàng tháng họ giúp đỡ bà con trong nước bằng cách tích cóp tiền bạc để gửi về, chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn với người anh em mình. Cho nên, giữa người dân với nhau không có gì phải hòa giải hay hòa hợp. Nếu có, phải là sự hòa giải và hòa hợp giữa “bên thắng cuộc”, tức CSVN với những người ở “bên thua cuộc”.
Không riêng những người Việt Nam, mà các nước trên thế giới đều muốn nhìn thấy dân tộc Việt Nam hòa giải và hòa hợp. Họ muốn Việt Nam đoàn kết, xây dựng đất nước giàu mạnh thật sự, để họ không phải tốn tiền giúp đỡ VN qua con đường viện trợ hàng năm.
Khi chiến tranh chưa kết thúc, Mỹ cũng muốn nhìn thấy VN hòa giải và hòa hợp sau chiến tranh. Hiệp định Paris đã nhiều lần nhắc tới chuyện hòa giải và hòa hợp. Hiệp định này có tổng cộng 23 điều, trong đó có 5 điều nhắc tới “hòa giải và hòa hợp dân tộc”. Cụm từ “hòa giải và hòa hợp dân tộc” đã được nhắc tới 11 lần trong hiệp định này ở điều 8, 11, 12, 13 và 21. Những người soạn thảo Hiệp định Paris có lẽ đã nhìn thấy trước thời kỳ đen tối sẽ được mở ra ở Việt Nam sau khi Mỹ rút quân về nước và họ muốn ngăn chặn bằng hiệp định đó, nhưng họ đã thất bại, bởi hiệp định được ký nhưng chưa bao giờ được thực hiện.
Vậy thì “hòa giải và hòa hợp dân tộc” bằng cách nào? Không thể bằng cách cứ mỗi năm đến ngày 30/4, “bên thắng cuộc” tiếp tục ôn lại “chiến thắng lịch sử vẻ vang”, “đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào”, “giải phóng hoàn toàn miền Nam”.
Không thể hòa giải và hòa hợp bằng cách xem chuyện chém giết, bỏ tù, bắt những người ở “bên thua cuộc” đi “học tập cải tạo” sau chiến tranh là đúng.
Không thể hòa giải và hòa hợp bằng cách gây sức ép với các nước khu vực, đập phá các tượng đài thuyền nhân VN ở Pulau Galang, ở đảo Bidong, ở Melbourne… những tượng đài tưởng niệm các thuyền nhân, đa số là những người ở “bên thua cuộc” đã bỏ mình trên đường vượt biển.
Không thể hòa giải và hòa hợp khi cùng là những người chết trận, nhưng một bên thì được đảng và nhà nước chi rất nhiều tiền để tìm mộ liệt sĩ, còn một bên thì bỏ mặc với những nấm mồ hoang lạnh vì họ “đáng chết”.
Blogger Đồng Phụng Việt đã từng viết: “Đau thương, mất mát vốn thuộc phạm trù không thể cân, đo, đong, đếm nhưng lạ là một số người vẫn thích, vẫn muốn phân loại chúng. Vì sự phân loại này, có những nỗi đau không được tôn trọng và những mất mát không được thừa nhận. Mình xem đó là sự bất nhân, bất nghĩa. Hòa hợp, hòa giải không thể khởi đầu từ bất nhân, bất nghĩa”.
Mình tin rằng chuyện “hòa giải và hòa hợp dân tộc” ở Việt Nam chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra nếu Đảng CSVN vẫn còn giữ vai trò lãnh đạo “toàn diện, tuyệt đối”.
Không nên kêu gọi hòa hợp, hòa giải nữa, bởi những người chịu trách nhiệm chính trong chuyện này sẽ không bao giờ làm theo.
Ngọc Thu.
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar