Các bloggers vận động dân chủ hóa Việt Nam đang làm chế độ Hà Nội bối rối khi họ tuyên bố sẽ tham gia tích cực vào việc bảo vệ nhân quyền.
Hôm 12 tháng 11-2013, Đại hội đồng Liên
Hiệp Quốc đã bỏ phiếu chọn 14 thành viên mới cho Hội đồng Nhân Quyền
Liên Hiệp Quốc viết tắt là UNHRC. Việt Nam vừa được chọn là một trong 47
thành viên của UNHRC. UNHRC có nhiệm vụ chính là theo dõi và phản đối
những hành động vi phạm nhân quyền trên toàn cầu.
Bởi việc lựa chọn thành viên cho UNHRC
được tiến hành theo khu vực, theo đó, các quốc gia trong khu vực sẽ lựa
chọn ứng cử viên và lần này, bốn ứng cử viên cho khu vực châu Á là Việt
Nam, Trung Quốc, Saudi Arabia và Maldives không có đối thủ cạnh tranh
nên cả bốn đượng nhiên trở thành thành viên của UNHRC.
Trong khi các tổ chức bảo vệ nhân quyền
quốc tế bày tỏ sự thất vọng và bất bình trước sự kiện Việt Nam trở thành
thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) thì các
blogger Việt Nam đang cố gắng khai thác sự kiện này theo hướng có lợi
nhất trong việc tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam.
Các blogger trong Mạng lưới blogger Việt
Nam vừa ra một tuyên bố, theo đó, với vai trò thành viên của UNHRC, cả
chính quyền lẫn 90 triệu công dân Việt Nam cần phải gìn giữ những giá
trị nền tảng để bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, đồng thời tôn trọng những
điều khoản mà chế độ Hà Nội đã tự nguyện cam kết thực hiện.
Mạng lưới Blogger Việt Nam cho biết, họ
sẽ giúp nhà cầm quyền CSVN thực hiện các cam kết bảo vệ, thúc đẩy tiến
bộ nhân quyền bằng cách “xuống đường, phổ biến công khai các văn bản về
nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết, cụ thể là Bản Tuyên ngôn quốc tế nhân
quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc
tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Công ước Chống tra tấn và
các văn bản khác có liên quan”.
Các blogger Việt Nam cũng sẽ “công khai
tổ chức những buổi trao đổi hoặc cổ súy cho nhân quyền dưới nhiều hình
thức như thảo luận nơi công cộng, dã ngoại, cà phê tuổi trẻ, đi bộ/đạp
xe vì nhân quyền”. Sẽ “cử đại diện đến các văn phòng của UNHRC nói riêng
và tổ chức Liên Hiệp Quốc nói chung để đệ trình về tình hình nhân quyền
tại Việt Nam. Nêu những đề nghị, yêu cầu cải tiến để dân chúng Việt Nam
thật sự được hưởng những quyền làm người phổ quát và Việt Nam thực sự
xứng đáng là một thành viên của UNHRC”.
Các blogger Việt Nam cũng sẽ tổ chức ra
mắt “Mạng lưới blogger Việt Nam” vào ngày 10 tháng 12 – Ngày Quốc tế
nhân quyền do Liên Hiệp Quốc khởi xướng để “phối hợp với nhiều tổ chức,
cá nhân xúc tiến xây dựng một cơ sở dữ liệu trực tuyến nhằm lưu trữ
những vi phạm nhân quyền của Việt Nam để các tổ chức, cá nhân dễ dàng
tham khảo nhằm bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền”, giúp nhà cầm quyền Việt
Nam “làm tròn các nghĩa vụ” trong tư cách một thành viên của UNHRC.
Trong tuyên bố vừa kể, các blogger Việt
Nam khuyến cáo chế độ Hà Nội rằng, với tư cách thành viên của UNHRC, họ
nên đáp ứng bảy yêu cầu của Liên Hiệp Quốc, đón nhận phái đoàn mà Liên
Hiệp Quốc cử đến Việt Nam để điều tra những tố giác vi phạm nhân quyền.
Nên chấm dứt mọi hành vi tra tấn, đối xử tàn nhẫn, hạ thấp nhân phẩm đối
với mọi công dân Việt Nam như Công ước Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc
mà Việt Nam vừa cam kết thực hiện.
Chế độ Hà Nội còn được giới blogger
khuyến cáo là nên trả tự do cho những công dân đang bị giam giữ chỉ vì
thực thi quyền tự do ngôn luận và các quyền con người khác dựa trên
những tiêu chuẩn phổ quát từ các công ước của Liên Hiệp Quốc. Đồng thời
nên hủy bỏ những điều khoản có nội dung mơ hồ và dễ bị diễn giải tùy
tiện như Điều 258 của Bộ luật Hình sự (lợi dụng các quyền tự do dân chủ
xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức,
công dân).
Theo các blogger Việt Nam, khi đã là
thành viên của UNHRC, nhà cầm quyền CSVN nên “chấm dứt tình trạng độc
quyền trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, bảo đảm quyền tự do thành lập
các cơ quan báo chí, cơ quan xuất bản của mọi cá nhân, tổ chức. Gỡ bỏ
tường lửa ngăn chặn người sử dụng Internet truy cập vào các trang mạng
xã hội, đồng thời hủy bỏ Nghị đinh 72 vì nó siết chặt tự do biểu đạt và
thông tin trên mạng”.
Sài Gòn NV.
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar