Vừa chiếm được quyền lãnh đạo Nhà nước và Xã hội, Đảng CSVN ra oai đưa ngay cụm từ ý thức hệ vào tên nước rồi khẳng định bước đi và đích đến – đi từ Chủ nghĩa Xã hội (CNXH) để đến đích Cộng sản Chủ nghĩa (CSCN).
Các vị lãnh đạo ngành “tai mắt mũi họng” rao giảng rất bài bản học thuyết Cộng sản với hai tiến trình, nghe mê hồn luôn: XHCN là bước quá độ (bước đệm) lên CSCN. Phân phối:
“Làm theo sức, hưởng theo lao động – làm ít hưởng ít, làm nhiều hưởng
nhiều, không làm không hưởng.
CSCN là đích đến cuối cùng. Phân phối: “Làm tùy sức,
hưởng theo nhu cầu”- làm tự giác tùy theo sức lực, hưởng cần chi có nấy,
người mất sức lao động vẫn được hưởng theo nhu cầu.
Thế rồi, để đi đến “thiên đường” ấy, các vị nêu ra điều kiện tiên quyết: “Muốn xây dựng thành công CNXH phải có con người XHCN” – Con người mới XHCN quyết định thành bại cả tiến trình.
Chủ thuyết CS đã hoang tưởng, các vị còn đưa ra chuẩn chất con người mới XHCN càng hoang tưởng, siêu phàm hơn: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, phải “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.v.v…
Ở thế tục nầy tìm đâu cho ra những “Con người mới XHCN”
với chuẩn chất siêu phàm như thế?!. Không tìm ra con người mới XHCN thì
cũng có nghĩa là không bao giờ có CNXH hay CNCS gì cả? – “vạn sự khởi
đầu nan”, hoang tưởng từ đầu đến cuối? .
Sau khi chiếm Sài Gòn 30/04/1975, tôi tận mắt chứng
kiến, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải Miền Nam,
Kiến trúc sư Huỳnh Tất Phát, chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời
CHMNVN, hai ông cùng vi hành trên đường bỗng dưng dừng lại trỏ tay, lắc
đầu ngao ngán trước cảnh chen lấn giành nhà, giành xe… Tôi thoáng nghĩ,
là trí thức yêu nước, các ông từng sống ở đô thị, có nhà lầu, xe hơi, bỏ
chúng lại phía sau ra chiến khu tham gia kháng chiến vì đại sự, giờ đây
thấy những người một thời vào sanh ra tử tranh giành những thứ “lẻ tẻ”
đâm ra chướng mắt, ngao ngán.
Cuộc chạy đua vì danh lợi trong cán bộ đảng viên có
lẽ bắt đầu từ đó. Đến nay ít nhất đã 38 năm (1975-2013) xây dựng CNXH
mà, dầu có cố, cũng không tìm đâu ra “con người mới XHCN” với những chuẩn chất : cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư…”.
Ngược lại, chỉ cần hí mắt cũng thấy đầy rẫy tệ quan liêu, cửa quyền,
tham nhũng, hối lộ… trong giới cầm quyền. Lẽ sống của họ: tôi là trên
hết, tiền là tất cả, họ giàu nứt đố đổ vách – Vào mạng Inter gõ sẽ thấy tài sản nổi của quan chức. Trước hiện
tình ấy, có người thắc mắc: họ giàu quá như vậy sao còn tiếp tục tham? .
Tôi nghĩ họ tham như thế chưa quá đâu, hãy ước tính các khoảng cần chi
của họ:
Chi cho xây dựng cơ ngơi hiện đại,
Chi cho đi lại cao sang,
Chi cho ăn uống như ông hoàng,
Chi boa cho những cô nàng bồ nhí,
Chi cho cô cậu tí đi học nước ngoài,
Chi cho ngài trị bịnh ngoại quốc,
Chi cho xây cất từ đường,
Chi sắm sẵn hàng rương, nhà mồ,
Chi hối lộ lúc mâm nguy…
Tính lại suy đi biết bao là đủ?
Đôi lời nhắn nhủ: “Hãy tận thu cho đủ để có mà chi”.
Lúc còn kháng chiến, khi chưa cầm quyền, còn nghèo
khó, các vị lãnh đạo ghét cai ghét đắng Trí, Phú, Địa, Hào, kêu gọi mọi
người hãy “đào tận gốc tróc tận rễ” chúng. Vừa cầm quyền, qua
bước cải tạo XHCN Công, Nông, Thương, dường như các vị chẳng những không
còn oán Trí, Phú, Địa, Hào mà mơ mình sớm thành ít nhất một trong 4 ấy.
Hơn 38 năm qua, là thời gian quá đủ cho cuộc hành trình của quan chức
tìm các danh vị Trí, Phú, Địa, Hào. Qua cải tạo chiếm đoạt, họ dễ dàng
thành Phú, Địa, Hào, còn muốn trở thànhTrí thì phải học hành, lớn tuổi
học khó nhớ mau quên, dùng tiền mua bằng là thượng sách. Vào mạng Inter,
ghé thư viện TS Hà Sĩ Phu, tôi gặp bài thơ lục bát châm chích sâu cay:
Bốn anh Trí – Phú – Địa – Hào,
Chỉ thương anh Trí lao đao đến giờ.
Đảng thương anh Trí ngu ngơ,
Cho Công – Nông – Trí chung cờ liên minh.
Trông lên Liềm – Búa hai hình,
Trí ta vẫn chẳng thấy mình ở đâu!,
Quay sang tìm Phú – Địa – Hào,
Thấy ba bụng phệ… đã vào Đảng ta.
Tham thì có thể bất cứ ai, còn nhũng thì phải là
những người có quyền – chống tham nhũng là chống người có quyền, chỉ
những người nắm quyền tối thượng mới dám đứng ra thị thiền chống tham
nhũng. Hết tên Tổng Bí thư nầy đến tên Tổng Bí thư khác hô hào “đẩy lùi”
nó không chịu lùi, “chận đứng” nó chẳng những không chịu đứng lại còn
tấn tới, càng chỉnh đốn càng khốn đốn.
Khi nhận ra tham nhũng trở thành quốc nạn, làm phương
hại đến tồn vong chế độ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng so tay áo nhận
lãnh chức Trưởng Ban phòng chống tham nhũng vừa làm trong sạch nội bộ
củng cố chế độ, vừa xây dựng con người mới XHCN trong Đảng để làm đầu
tàu kéo dân ta lên “thiên đường”. Qua năm lần bảy lượt xua quân tảo trừ
tham nhũng, phát hiện ra chúng đông như rươi, che chắn cho nhau không
còn kẻ hở, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng uể oải nói: “Tham nhũng
lớn cũng có, nhỏ cũng nhiều, như gãy ghẻ ngứa, rất khó chịu!”, “Đến hết
thế kỷ nầy không biết có CNXH hoàn thiện ở VN hay chưa !”.
Là Tổng Bí thư đương nhiệm của Đảng đang cầm quyền,
là người một thời đứng đầu ngành xây dựng Đảng, Nguyễn Phú Trọng
chán nản, chào thua như thế thì còn hy vọng gì về cái thiên đường XHCN
hay CSCN nữa hỡi Quốc hội !?. Biết rằng trong bóp (ví) các vị luôn có
thẻ đảng và thẻ đại biểu quốc hội, nếu các vị còn có lòng yêu nước,
thương dân thì đừng tiêp tục dùng Hiến pháp mang nội dung ý thức hệ Cộng Sản buộc dân phải đi vào con đường bất tận, ảo tưởng. Ngược lại, nếu
các vị vì Đảng quên Dân thì đừng trách sao dân phàn nàn các vị.
Thiện Tùng.
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar