fredag 16. august 2013

Quan Điểm Chính Trị Của Đảng Tân Đại Việt

 
Quan Điểm Chính Trị Của Đảng Tân Đại Việt
 
Lên Án Nội Dung Bán Nước Trong Bản Tuyên Bố Chung Hoa-Việt
 
Trong chuyến viếng thăm cấp nhà nước qua Trung Quốc của ông chủ tịch nước Cộng Sản Việt Nam (CSVN) Trương Tấn Sang từ 19 đến 21 tháng 6 năm 2013, hai bên đã ra Tuyên Bố Chung Việt Nam-Trung Quốc (TBC) mà trong đó chứa nhiều nội dung gây thiệt hại lớn lao và lâu dài cho chủ quyền, sự vẹn toàn lãnh thổ của dân tộc và tiền đồ của đất nước Việt Nam. Hoàng Sa, Trường Sa đã hoàn toàn không được nhắc tới, bản Quy Tắc Ứng Xử COC cũng không được nêu lên.
 
Việc này được thể hiện qua hai điều khoản “đóng khung thuộc địa” nền tảng 1 và 2 là “làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung”“tiếp tục kiên trì phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” của bản TBC dài khoảng 5,000 chữ với 8 điều và 13 lãnh vực cộng tác.
 
Điều 3 trong TBC quan trọng nhất vì dựa vào hai điều “định khung Bắc thuộc” trên để cụ thể hóa thành 13 lãnh vực cộng tác và 10 thoả ước ký kết, buộc chặt Việt Nam (VN) vào Trung Quốc (TQ), TBC lập đi lập lại các từ “làm sâu sắc”, “nhất trí”, “thực hiện tốt” các cam kết. TQ bắt VN phải “nắm vững phương hướng đúng đắn của TQ, để khi về phải “thực hiện tốt” các cam kết đã “được ký kết trong chuyến thăm này.
 
TQ muốn VN “hợp tác giữa hai Đảng”, “hai Ban Đối ngoại và Ban Tuyên giáo”, hợp tác với TQ để “đào tạo cán bộ Đảng và Nhà nước, “hợp tác giữa Bộ Ngoại giao”, “tăng cường giao lưu” xuống sâu đến các “cấp Cục, Vụ”. Trong quân đội, TQ muốn “tăng cường đào tạo cán bộ và giao lưu sĩ quan trẻ”, “hợp tác biên phòng trên đất liền và trên biển”. Trên phương diện luật pháp của VN, TQ muốn “thực thi pháp luật chung trên các lĩnh vực”. Trên phương diện kinh tế, TQ muốn VN thực hiện tốt “Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt-Trung giai đoạn 2012-2016”, hợp tác khu vực “Hai hành lang, một vành đai”, hợp tác “trong lĩnh vực nông nghiệp”. Về văn hóa giáo dục, TQ muốn VN thực hiện tốt “Thỏa thuận hợp tác giáo dục giai đoạn 2011-2015”, “thực hiện Hiệp định Văn hóa Việt-Trung giai đoạn 2013- 2015”, “xây dựng Trung tâm văn hóa của nước này ở nước kia”. Điều này rõ ràng bất lợi cho VN, bởi vì VN nhỏ hơn TQ rất nhiều và phương tiện lại yếu kém hơn, cho nên VN không thể đổi màu văn hóa TQ, nhưng TQ có khả năng đổi màu văn hóa VN. VN cũng “hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ” với TQ.
 
Trên phương diện lãnh thổ, VN đem 7 tỉnh biên giới “Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh” để hợp tác và xây dựng chính quyền điạ phương chung với 4 tỉnh TQ “gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam”, một hình thức xóa bỏ hay hạ xuống rất thấp biên cương quốc gia. TQ bắt VN “thực hiện nghiêm túc Kế hoạch công tác năm 2013 của Ủy ban Liên hợp biên giới trên đất liền”, cho dân TQ đi qua VN dễ dàng bằng cách “cải thiện điều kiện và nâng cao hiệu quả thông hành” và cùng “hợp tác và khai thác phát triển du lịch khu vực thác Bản Giốc”. Trên biển TQ đòi VN thực hiện tốt “Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ”, “kiểm tra liên hợp mới tại khu vực đánh cá chung ở Vịnh Bắc Bộ”, đúng theo lời căn dặn của ông Đặng Tiểu Bình là gác tranh chấp, cùng khai thác, nhưng không từ bỏ việc đòi chủ quyền trên vùng biển VN.
 
Điều 4 TBC nhằm tái khẳng định là dù TQ có lấn hiếp gì trên Biển Đông thì phía VN cũng phải làm ngơ và cái gì của TQ là của TQ, và cái gì của VN thì cả hai cùng khai thác, như “chỉ đạo và thúc đẩy giải quyết ổn thỏa vấn đề trên biển xuất phát từ tầm cao chiến lược và đại cục quan hệ hai nước”, “tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên”, “tích cực nghiên cứu và bàn bạc vấn đề hợp tác cùng phát triển”, “phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này”, “khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ”, “nhất trí mở rộng diện tích khu vực thỏa thuận, kéo dài thời hạn thỏa thuận, cùng nhau thúc đẩy hoạt động thăm dò chung”,  “giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp”, “không để các vấn đề này ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Việt-Trung”.
 
Bốn điều còn lại của TBC là sự cam kết của VN trung thành với TQ, như VN phản đối bất cứ ai đòi “Đài Loan độc lập”, VN vâng lời TQ trong các diễn đàn đa phương “tăng cường điều phối và phối hợp tại các diễn đàn đa phương”, liệt kê 10 thỏa hiệp được ký kết, và bày tỏ sự hài lòng trước những kết quả đạt được.
 
Bản Tuyên Bố Chung tự nó đã nói lên rất rõ việc lãnh đạo CSVN đem vận mệnh đất nước gắn chặt hơn nữa vào TQ, một nước láng giềng khổng lồ đầy gian tham nhưng đang tiến về bất ổn do chính các yếu tố nội tại trong đất nước họ.
 
Đảng Tân Đại Việt cực lực lên án hành động đánh mất chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tạo điều kiện cho đại họa mất nước, qua chính sách tầm ăn dâu của TQ để Hán hóa dân tộc, của đảng CSVN.
 
Đảng Tân Đại Việt kêu gọi các chánh đảng, hội đoàn, tổ chức cộng đồng và quần chúng tích cực tham gia biểu tình khi ông Trương Tấn Sang thăm Hoa Kỳ ngày 25/7/2013 để phản đối chế độ cộng sản độc tài hại nước, cam tâm làm chư hầu cho TQ.
 
Đảng Tân Đại Việt kêu gọi người Việt Nam ở Hoa Kỳ tích cực gởi hay ký thỉnh nguyện thư qua mạng đến Tổng Thống Obama để yêu cầu ông thực sự quan tâm đến vấn đề nhân quyền khi hội đàm với ông Trương Tấn Sang cũng như sau đó.
 
Đảng Tân Đại Việt kêu gọi người dân trong nước, nhất là những nhà dân chủ và giới trí thức, lên tiếng phản đối và phủ nhận toàn bộ bản TBC, vì nó đã xóa mờ biên cương thủy bộ và căn cước văn hóa VN, đã đem VN gắn chặt vào TQ.
 
Chủ Tịch Đảng Tân Đại Việt.
Bác Sĩ. Mã Xái

Ingen kommentarer: