Hiệp Định Genève chia đôi đất nước được ký ngày 20-7-1954 và liền
sau đó là cuộc di cư chưa từng có của gần một triệu người từ Bắc vào
Nam. Tính tới tháng 7 năm nay, 58 năm trời đã trôi qua. Trẻ thơ ngày ấy
nay đã thành người già. Cả dân tộc vẫn trông ngóng an bình và hạnh phúc
trên nửa thế kỷ. Nửa thế kỷ của chết chóc, tàn phá, chia ly. Nhân dịp
này, chúng tôi xin kể hầu độc giả về Hiệp Định Genève và ký ức về cuộc
hành trình tìm tự do của dân miền Bắc, trong đó có chúng tôi, để gọi là
“ôn cố tri tân”.
HIỆP ĐỊNH GENÈVE 20-7-1954:
Cuộc
chiến tranh giữa Pháp (với quân đội Quốc Gia VN tiếp tay) và Việt Minh
đã bước sang năm thứ 9 vào năm 1954. Lực lượng Việt Minh càng ngày càng
lớn mạnh từ khi Mao Trạch Đông chiếm trọn Hoa Lục năm 1949. Mao đã giúp
Hồ Chí Minh tổ chức và trang bị các đơn vị lớn đến cấp sư đoàn và đại
đoàn. Trong khi đó tướng Henri Navarre, tư lệnh lực lượng viễn chinh
Pháp tại Đông Dương, lại phạm lỗi lầm lớn về chiến lược. Ông đưa quân
đến đóng tại lòng chảo Điện Biên Phủ với ý định chặn đường quân Việt
Minh tiến sang Lào và nhử quân Việt Minh đến để tiêu diệt. Navarre không
ngờ Trung Cộng đã tiếp tế cho Việt Minh hàng
ngàn đại bác và cao xạ phòng không, đồng thời gửi nhiều tướng lãnh của
Hồng Quân sang giúp việc tham mưu và chỉ huy. Đường tiếp tế cho Điện
Biên Phủ bị cắt, chỉ còn trông vào không vận, trong khi không vận bị hạn
chế khả năng hoạt động vì thời tiết và hệ thống phòng không của địch.
Điện Biên Phủ thất thủ ngày 7-5-1954 là chuyện đương nhiên phải xảy ra.
Trước áp lực quân sự của Việt Minh, Pháp muốn
điều đình để tìm lối thoát. Việt Minh cũng sẵn sàng nói chuyện vì qúa
mệt mỏi, bị tổn thất nặng về nhân sự và hy vọng có thể chiếm được nhiều
lợi thế trên bàn điều đình. Các nước lớn cũng muốn giải quyết vấn đề
Đông Dương cho xong sau khi đã dàn xếp chấm dứt chiến tranh Cao Ly. Vì
thế, một hội nghị quốc tế về Đông Dương, trong đó vấn đề Việt Nam là
chính, được triệu tập tại Genève, Thụy Sĩ, ngày 8-5-1954. Đồng Chủ tịch
hội nghị là Anh và Liên Xô. Chu Ân Lai đại diện Trung Cộng. Phạm Văn
Đồng đại diện Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngoại Trưởng Nguyễn Quốc Định
cầm đầu phái đoàn Quốc Gia Việt Nam. Sau ngày 7-7-1954, Bác Sĩ Trần Văn
Đỗ, tân Ngoại Trưởng,
được Thủ Tướng Ngô Đình Diệm cử sang thay. Lào và Cao Miên cũng có đại
diện tham dự.
Về phiá chính phủ Pháp, vài ngày sau khi hội nghị khai diễn, Thủ
Tướng Laniel bị lật đổ. Tân Thủ Tướng Mendès France thuộc đảng Xã Hội
lên cầm quyền. Khi nhận chức, ông hứa với dân Pháp là ông sẽ đạt giải
pháp cho vấn đề VN trong 100 ngày. Nếu không, ông sẽ từ chức. Đích thân
Thủ Tướng Mendès France đi phó hội vì ông kiêm luôn chức bộ trưởng ngoại
giao. Điều này chứng tỏ quyết tâm tìm hòa bình của ông, nhưng cũng cho
thấy thế yếu của ông khiến đối phương gia tăng đòi hỏi, gây thiệt hại
cho quyền lợi của Pháp và của phe Quốc Gia VN.
Ngày 20-7-1954, Hiệp Ước Ngưng Chiến Tại Việt
Nam được ký kết giữa Thiếu Tướng Delteil, đại diện Tổng Tư Lệnh Quân Đội
Liên Hiệp Pháp tại Đông Dương và Thứ Trưởng Quốc Phòng Tạ Quang Bửu,
thay mặt Tổng Tư Lệnh Quân Đội Nhân Dân của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Hiệp Ước Ngưng Chiến có 47 điều với nội dung chính như sau:
- Giới tuyến quân sự được ấn định từ cửa sông
Bến Hải theo lòng sông đến biên giới Lào-Việt (gần vỹ tuyến 17). Thiết
lập khu phi quân sự rộng 5 cây số mỗi bên. Phiá Bắc giới tuyến do VNDCCH
kiểm soát. Phiá Nam do Pháp và chính phủ Quốc Gia VN.
- Việc rút quân, chuyển quân, vật liệu và dụng cụ quân sự của hai bên phải làm xong trong thời hạn 300 ngày.
- Trong thời hạn này, dân chúng được tự do chọn và chuyển đến vùng kiểm soát của bên này hay bên kia theo ý muốn.
- Trao trả tù binh và thường nhân bị giam giữ.
- Không được đem quân đội, nhân viên quân sự, võ khí vào VN. Có thể đổi hay thay thế không qúa 50 người mỗi tháng. Không cho ngoại quốc lập căn cứ quân sự.
- Thành lập Ủy Ban Liên Hợp hai bên để thi hành Hiệp Ước và Ủy Ban Giám Sát và Kiểm Soát Quốc Tế gồm đại diện 3 nước Ấn Độ, Canada và Ba Lan.
- Trong thời hạn này, dân chúng được tự do chọn và chuyển đến vùng kiểm soát của bên này hay bên kia theo ý muốn.
- Trao trả tù binh và thường nhân bị giam giữ.
- Không được đem quân đội, nhân viên quân sự, võ khí vào VN. Có thể đổi hay thay thế không qúa 50 người mỗi tháng. Không cho ngoại quốc lập căn cứ quân sự.
- Thành lập Ủy Ban Liên Hợp hai bên để thi hành Hiệp Ước và Ủy Ban Giám Sát và Kiểm Soát Quốc Tế gồm đại diện 3 nước Ấn Độ, Canada và Ba Lan.
Kèm theo Hiệp Ước Ngưng Chiến còn có Bản Tuyên
Cáo Chung Kết không có chữ ký của phái đoàn nào, nhưng được coi như tất
cả các phái đoàn đều thỏa thuận, trừ hai phái đoàn Quốc Gia VN và Hoa
Kỳ. Hai phái đoàn này công bố tuyên ngôn riêng.
Bản Tuyên Cáo Chung Kết có 14 điều. Quan trọng nhất là Điều 7 dự trù tổng tuyển cử tự do tại VN vào tháng 7-1956, tức 2 năm sau ngày ký Hiệp Định.
Bản Tuyên Cáo Chung Kết có 14 điều. Quan trọng nhất là Điều 7 dự trù tổng tuyển cử tự do tại VN vào tháng 7-1956, tức 2 năm sau ngày ký Hiệp Định.
Điều 9 của Tuyên Cáo nói tới việc không chấp
nhận những sự phục thù cá nhân hay đoàn thể đã tham gia tranh đấu ở bên
này hay bên kia.
Hiệp Ước ấn định như thế nhưng chẳng bên nào áp dụng nghiêm chỉnh, ngoài các điều khoản liên quan tới ngưng bắn và phân vùng.
Hiệp Định Genève 1954 là kết qủa của một sự dàn
xếp giữa các đại cường Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Cộng. Mỹ giữ thái độ
không chống không ủng hộ. Việt Minh và phe Quốc Gia đã ngậm đắng nuốt
cay, bất lực nhìn những kẻ khác quyết định số phận của mình. Không một
phe VN nào muốn đất nước bị chia đôi. Việt Minh nghĩ rằng họ đang kiểm
soát được đa số lãnh thổ, trừ các thành phố lớn. Nếu có một cuộc ngưng
bắn tại chỗ, họ sẽ có nhiều lợi thế. Phe Quốc Gia đề nghị quân hai bên
rút về những vùng tập trung tạm thời, dưới sự kiểm soát của Liên Hiệp
quốc, trong khi chờ đợi một cuộc tổng tuyển cử tự do. Phe Quốc Gia có
lợi thế riêng trong việc đang kiểm soát những thành phố lớn, Hà Nội, Hải
Phòng, Huế, Sài
Gòn, tất cả các thành phố khác ở miền Trung và miền Nam, trừ Quy Nhơn
nằm trong Liên Khu 5 của Việt Minh. Ngoài ra, phe Quốc Gia cũng rất quan
tâm tới sự an toàn của giáo khu Phát Diệm. Khu này được Giám Mục Lê Hữu
Từ thành lập từ những năm 1946, 1947, được bảo vệ bằng một lực lượng
quân sự riêng, không cho Việt Minh đến quấy phá, cũng không cộng tác với
Pháp. Nhiều lãnh tụ Quốc Gia, trong đó có Ngô Đình Nhu, Lê Quang Luật…
bị Việt Minh truy bức và không muốn sống trong vùng Pháp kiểm soát, đã
đến nương náu tại khu tự trị Phát Diệm. Đến năm 1949, khu tự trị mới
cộng tác với chính quyền Quốc Gia vừa được thành lập.
Vì vậy, việc chia đôi đất nước khiến phe VN nào
cũng bị thiệt hại. Hai bên đều cố tranh đấu nhưng không thể thay đổi ý
định của các đại cường. Khi biết việc chia đôi đất nước là điều không
thể tránh, đại diện Việt Minh Tạ Quang Bửu đưa đề nghị lập giới tuyến ở
vỹ tuyến 13 với ý định đặt Huế và Đà Nẵng vào nửa phía Bắc. Dĩ nhiên
Pháp và Anh không chịu. Phạm Văn Đồng đề nghị nhích lên vỹ tuyến 16. Chu
Ân Lai thỏa thuận với Mendès France và Molotov phân vùng ở vỹ tuyến 17
để khai thông hội nghị và áp lực Việt Minh phải chấp thuận. Dù phải nhận
một giải pháp bất như ý, trái với tham vọng của họ, Việt Minh phải làm
bộ hân hoan ca ngợi chiến thắng và hòa bình, trong khi bắt đầu sửa soạn
đường lối
hành động cho tương lai: chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử được dự
trù 2 năm sau, và khi cần, sẽ phát động một cuộc đấu tranh võ trang mới
để chiếm miền Nam.
Tổng tuyển cử để thống nhất đất nước là đòi hỏi
và hy vọng của phe cộng sản. Họ tính toán rằng tại miền Bắc họ có thể
kiểm soát dân chúng hầu như 100%. Ở miền Nam cũng vẫn có người ủng hộ
họ, chưa kể những cán bộ nằm vùng do họ gài lại sẽ thực hiện công tác
tuyên truyền, vận động, phá rối và cả tổ chức gian lận cục bộ trong cuộc
bầu cử. Như vậy chắc chắn họ sẽ có đa số phiếu và họ sẽ thống nhất đất
nước dưới sự thống trị của họ. Họ đã sốt sắng liên lạc với chính quyền
miền Nam từ 1955 để hối thúc thi hành tổng tuyển cử, kêu gọi các chính
phủ đã tham dự hội nghị Genève làm áp lực với chính phủ Việt Nam Cộng
Hòa (danh xưng chính thức của miền Nam từ 26-10-1955) để chính phủ này
phải tôn trọng hiệp định, nhất là điều khoản tổng tuyển cử. Khi VNCH
quyết liệt từ chối, cộng sản mở chiến dịch trên khắp thế giới tố cáo
VNCH và Mỹ vi phạm hiệp định, có tình kéo dài tình trạng chia đôi đất
nước.
VNCH công bố chỉ chấp nhận tổng tuyển cử khi
nào dân chúng cả hai miền có tự do như nhau, có sự thông thương và tự do
bỏ phiếu không sợ một áp lực nào, dưới sự kiểm soát hữu hiệu của Liên
Hiệp Quốc. Xét về thực tế, lời biện minh này có cơ sở. Nhưng cũng cần
xét thêm về mặt pháp lý để xem việc từ chối tổng tuyển cử có vi phạm
Hiệp Định Genève hay không.
Trước hết, Hiệp Định Ngưng Bắn chỉ do đại diện
của Pháp và Việt Minh ký, đại diện chính phủ Quốc Gia VN không ký. Phe
Quốc Gia chỉ bị ràng buộc về những gì liên quan tới quân sự, vì Quân Đội
Quốc Gia được Quốc Trưởng Bảo Đại tạm thời cho đặt dưới sự chỉ huy của
Bộ Tư Lệnh Quân Đội Viễn Chinh Pháp tại Đông Dương (các thỏa ước quân sự
30-12-1949 và 30-12-1950). Pháp không có quyền quyết định nhân danh
Quốc Gia VN về các vấn đề có tính cách chính trị. Hành động trái nguyên
tắc này phải được coi là lạm dụng lòng tin (abuse de confiance).
Thứ đến, việc tổng tuyển cử được nói trong Điều 7 của Bản Tuyên Cáo
Chung Kết. Bản Tuyên Cáo này coi như được đương nhiên chấp thuận
(tacitement consentie) nhưng không có chữ ký của bất cứ phái đoàn nào.
Riêng hai phái đoàn Quốc Gia VN và Hoa Kỳ đã ra tuyên ngôn bầy tỏ sự
không đồng ý. Tuyên Ngôn do Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ công bố nói rõ:
“Việt Nam long trọng phản đối việc ký kết Hiệp Định cùng những điều
khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của dân Việt. Chính phủ Việt
Nam yêu cầu Hội Nghị ghi nhận rằng Chính Phủ tự dành cho mình quyền hoàn
toàn tự do hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam
trong công cuộc thực hiện Thống Nhất, Độc lập và Tự Do cho xứ sở” (1).
Khi một chính phủ không ký văn
kiện chung và công khai tuyên bố chống lại nội dung của văn kiện đó,
tại sao lại có thể bị kết án vi phạm hiệp định, không tôn trọng cam kết?
CUỘC DI CƯ TỪ BẮC VÀO NAM:
Chiếu điều 14, khoản d của Hiệp Ước Ngưng Chiến, dân chúng có quyền
tự do chọn vùng sinh sống trong thời hạn 300 ngày, dân miền Bắc đã lũ
lượt tìm cách vào Nam ngay sau khi Hiệp Định được ký kết. Dân các thành
phố Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng may mắn nhất, vì nếu muốn đi Nam, họ có
thể đi ngay từ thành phố của họ, không gặp trở ngại gì, lại có thể bán
đồ đạc, xe cộ, nhà cửa trước khi đi, dĩ nhiên với giá vừa bán vừa cho.
Trong khi đó dân ở các thành phố cộng sản đã tiếp thu, nhất là ở các
miền quê xa xôi, việc đi Hà Nội hay Hải Phòng để từ đó vào Nam không
phải là chuyện dễ dàng. Trước hết, họ phải bỏ lại tài sản, nhà cửa,
ruộng vườn. Kế đó, phải thoát được những ngăn chặn trá hình hay công
khai của Việt Minh. Dù
vậy, khắp nơi, đặc biệt vùng đồng bằng Bắc Việt, dân chúng vẫn kéo nhau
đi Nam từng đoàn từng lũ, bất kể những khó khăn và nguy hiểm.
Tôi
đã được chứng kiến cảnh dân quê, đặc biệt từ Bùi Chu, Phát Diệm, Ninh
Bình, lũ lượt kéo nhau đến thành phố Nam Định, trên đường đi Hà Nội để
xuống Hải Phòng vào Nam. Theo Hiệp Định, Hải Phòng được chính quyền Quốc
Gia và Pháp cai trị thêm 300 ngày trước khi trao lại cho Việt Minh. Mỗi
ngày có hàng ngàn người đến tạm trú trong nhà chơi có mái của trường Lê
Bảo Tịnh, chung quanh nhà thờ, nhà xứ và nhà người quen. Họ không tạo
ra những vấn đề ăn ở, vệ sinh, trật tự. Họ ngừng ở Nam Định như chỗ nghỉ
chân hoặc đợi người nhà. Mỗi đợt chỉ tạm trú một hai đêm rồi kéo nhau
đi, nhường chỗ cho
đợt khác. Họ tự lo việc ăn uống và dọn dẹp. Chính quyền gửi đến nhiều
cán bộ nam nữ gọi là giúp dân, nhưng thật ra là để thuyết phục những
người này quay về, đừng đi Nam nữa. Cán bộ tỉ tê là tại sao lại bỏ cửa
bỏ nhà, bỏ mồ mả ông bà tổ tiên để đi đến nơi xa lạ, không biết tương
lai sẽ ra sao. Họ còn dọa rằng chính quyền tay sai của Pháp Mỹ trong đó
rất hung ác, chuyên môn hứa láo và bóc lột dân lành, rằng nay nước nhà
đã độc lập rồi, chỉ hai năm nữa là tổng tuyển cử thống nhất Nam Bắc,
chẳng lẽ lúc đó lại bồng bế nhau về có phải là phí phạm thời giờ, của
cải và khó ăn khó nói với bà con ở lại. Nhưng những người đã quyết đi
không nao núng vì những lời tuyên truyền, dụ dỗ. Có vài trường hợp dành
giật, níu
kéo giữa cán bộ và dân ra đi, khiến Ủy Hội Quốc Tế có văn phòng ở Nam
Định phải đến can thiệp. Nói chung, những người đi sớm đều đi được vì
cộng sản không dám làm mạnh lúc đó để tỏ ra tôn trọng Hiệp Định. Ngoài
ra, họ cũng chưa có kế hoạch ngăn cản vì việc dân ùn ùn bỏ đi xảy ra qúa
bất ngờ, ngoài sự ước tính của họ. Thời gian sau, việc ngăn cản người
đi Nam được thực hiện có bài bản. Ai đi trễ sẽ gặp rất nhiều khó khăn và
cũng khó đi lọt.
Sau ngày việt Minh tiếp thu Hà Nội, 9-10-1954, Hải Phòng trở thành nơi duy nhất phải đến trên đường đi Nam. Vào thời gian cao điểm, tháng 4-1955, mỗi ngày Hải Phòng đón nhận khoảng 2,000 người đến từ các nơi. Trong khi đó có trên 70,000 người đang đợi các chuyến tàu và máy bay. Tàu của hải quân Pháp và Hoa Kỳ mỗi ngày chở hàng chục ngàn người vào bến Sài Gòn. Khoảng 70 phi cơ quân sự Pháp, không kể máy bay của Air Vietnam, được trưng dụng, lập cầu không vận chở dân di cư vào phi trường Tân Sơn Nhứt. Ngày 26-5-1955, tàu Gascogne của Pháp là chuyến tàu cuối cùng chở 888 người di cư tới Sài Gòn. Dân di cư từ Bắc vào Nam có 533,868 người đi đường biển, 243,657 người đi bằng máy bay. Nếu tính luôn công chức, quân nhân và gia đình, thêm những người vượt tuyến bằng phương tiện riêng, tổng số dân di cư lên tới trên 800,000 người.
Cuộc
di cư 1954-1955 là cuộc bỏ phiếu bằng chân của trên 800,000 người dân
miền Bắc cương quyết rời bỏ chế độ cộng sản để đi đến vùng do chính phủ
Quốc Gia kiểm soát. Nếu dân được đi tự do, con số này sẽ cao hơn nhiều.
Nên nhớ rằng dân số miền Bắc lúc đó, tính từ vỹ tuyến 17 trở ra, chỉ có
khoảng 13 triệu người. Khi gần một triệu người bỏ đi, cộng sản VN mới
thấy dân không yêu họ như họ tưởng. Miền Bắc mất đi một tiềm lực nhân sự
lớn. Đa số dân có học và có khả năng cao về doanh thương và công nghệ ở
các thành phố lớn đều đi vào Nam. Ngoài ra, cộng sản còn bị mất mặt về
phương
diện tuyên truyền. Vì thế họ phải ngụy biện rêu rao rằng đa số người di
cư là giáo dân Công Giáo, bị các cha cố tuyên truyền, dụ dỗ đi Nam, số
khác là những kẻ có quyền lợi gắn bó với Pháp và những kẻ phản quốc theo
gót thực dân đế quốc Pháp Mỹ. Lý do tôn giáo đúng một phần nhưng vì đức
tin, không phải vì dụ dỗ mê hoặc. Ngoài ra, giáo dân dù chiếm phần đông
cũng không phải là tất cả. Sự thực, dân miền Bắc đã thấy tận mắt cách
cai trị độc tài, tàn bạo, dối trá của Việt Minh, đã nếm mùi tiền cải
cách ruộng đất qua những cuộc đấu tố, dù mới chỉ là những bước dạo đầu
nhẹ nhàng nhưng đã đủ làm dân khiếp sợ. Họ đã thấy chủ nghiã cộng sản vô
thần đang được từ từ áp dụng, giết dần giết mòn truyền thống văn
hóa của dân tộc. Đó là lý do khiến người ta bỏ miền Bắc di cư vào Nam.
Bỏ hết để đi vào một miền đất chỉ hứa có tự do, không hứa thiên đàng hạ
giới. Số người di cư đã vượt qúa mọi dự đoán. Người Pháp dự trù có
60,000 người. Thủ Tướng Ngô Đình Diệm chỉ hy vọng 100,000. Thực tế đã có
860,000 người chạy cộng sản vào Nam (2).
Ngày 11-5-1955, Việt Minh tiếp thu thành phố Hải Phòng. Luật Sư Lê Quang Luật, Đại Biểu Chính Phủ Quốc Gia tại Bắc Việt, rước một hộp đất miền Bắc vào trong Nam, chấm dứt sự hiện diện của chính quyền Quốc Gia Việt Nam tại miền Bắc.
Ngày 11-5-1955, Việt Minh tiếp thu thành phố Hải Phòng. Luật Sư Lê Quang Luật, Đại Biểu Chính Phủ Quốc Gia tại Bắc Việt, rước một hộp đất miền Bắc vào trong Nam, chấm dứt sự hiện diện của chính quyền Quốc Gia Việt Nam tại miền Bắc.
Cuộc di cư 1954-1955 của gần một triệu người từ Bắc vào Nam vừa là
một gánh nặng vừa là một chiến thắng đầu tiên cho miền Nam. Số người
đông đảo này, tuy mới chỉ là một tảng băng nổi, đã chứng tỏ sự oán ghét
của nhân dân đối với chế độ cộng sản. Nó cung cấp nhiều bộ óc, nhiều bàn
tay để cùng đồng bào miền Nam xây dựng một xã hội tiến bộ vượt xa xã
hội miền Bắc. Nó đóng góp xương máu để bảo vệ miền Nam. Nó tạo sự thông
cảm, hòa đồng Bắc Nam qua tiếng nói, tập tục, hôn nhân, thức ăn thức
uống. Nói tóm lại, con người và văn hóa đồng bằng sông Hồng đã được đem
vào đồng bằng Cửu Long để hòa hợp thành một văn hóa mới: văn hóa Việt
Nam thống nhất. Không cần sự áp đặt bằng súng đạn như năm 1975.
CUỘC TRỐN CHẠY CỦA GIA ĐÌNH TÔI:
Là
dân thành phố ở lại sau khi Việt Minh đã tiếp quản Nam Định từ tháng
6-1954, gia đình tôi chưa có quyết định dứt khoát đi hay ở. Chúng tôi
nhiều lần sững sờ vì những vụ ra đi bất ngờ của những người thân quen.
Việc đi Nam được giữ bí mật, không ai nói với ai, đôi khi được giữ kín
với cả anh chị em ruột. Buổi sáng khi thức dậy, nếu thấy nhà hàng xóm
đóng kín cửa, không một tiếng động, không một bóng người, là biết nhà đó
đã đi rồi, đi rất sớm, bằng xe hàng hay bằng phương tiện nào khác lúc
trời chưa sáng hẳn. Lúc đó người ở lại vừa buồn vừa phân vân. Đi hay ở?
Đi thì phải bỏ lại hết và làm cách nào
để có thể sống nơi xa lạ? Lịch sử tái diễn với những cuộc vượt biên 20
năm sau.
Đến tháng 11-1954, bố mẹ tôi mới mới sửa soạn
đưa gia đình di cư vào Nam. Yếu tố quyết định là việc cán bộ kinh tế đòi
xát nhâp xưởng tiểu công nghệ của bố mẹ tôi vào công ty hợp doanh với
nhà nước. Bố tôi biết đây là thủ đoạn nhà nước kiểm soát trước rồi chiếm
hữu sau. Sưu cao thuế nặng đã bắt đầu đè trên tư nhân. Tôi có chiếc xe
đạp “demi course” rất nhẹ bằng duras do Đức sản xuất, chiếc xe tôi dùng
đi học và đã đạp tới tận Thái Bình để thu tiền hàng. Khi sửa soạn di cư,
tôi đem chiếc xe thân yêu ra bán ở chợ trời. Khi vừa ngã giá 800,000
tiền cụ Hồ với người mua thì một cán bộ mặc sơ-mi nâu, đeo sắc cốt, xuất
hiện ngay sau lưng và đòi tôi đóng thuế 400,000. Tôi không bán nữa, đưa
xe về để lại
cho một người bà con với giá thấp hơn, nhưng không bị mất tiền thuế cao
đến vô lý như vậy. Ngay lúc đó, tuy mới chỉ là một đứa con nít 14 tuổi,
tôi đã nhận ra thật khó sống với mấy ông Việt Minh này.
Gia đình tôi phải đi Hải Phòng làm hai đợt. Đợt
đầu bố tôi dẫn tôi và hai em trai đi theo. Mẹ tôi, chị họ tôi và hai em
nhỏ phải đợi đi đợt sau. Chúng tôi đi xe hàng lên Hà Nội rồi từ đó đi
xe hỏa xuống Hải Phòng. Hà Nội đã được Việt Minh tiếp thu từ tháng 10.
Muốn đi Hải Phòng phải có giấy phép vì là đi vào vùng địch còn kiểm
soát. Rất may bố tôi đã dự liệu và có giấy phép đi mua hàng. Địa điểm
ranh giới giữa hai vùng kiểm soát là ga Đỗ Xá thuộc tỉnh Hải Dương trên
quốc lộ số 5. Tại ga này, trước khi sang vùng địch kiểm soát, mọi hành
khách đều bị lục xét tỉ mỉ. Nhiều phụ nữ và trẻ em bị lột quần áo để
khám xem có dấu vàng và tiền Đông Dương Ngân Hàng trong người hay không.
Vàng và tiền Đông Dương
bị tịch thu hết. Nhiều người khi bị lột hết vàng và tiền đã khóc lóc
quay về, không dám đi Nam khi chỉ có hai bàn tay trắng.
Bố tôi biết trước chuyện này nên đã nghĩ ra
cách dấu vàng rất hiệu qủa. Ông cho ba anh em chúng tôi đi guốc mộc. Mỗi
chiếc guốc được dùi hai lỗ xuyên chỗ đóng quai. Mỗi lỗ có một lượng
vàng lá Kim Thành được cuộn lại và luồn vào. Sau đó quai guốc được đóng
lại bằng đinh và che lỗ. Bố tôi còn lấy nước muối xoa trên đinh để làm
cho đinh dỉ xét trông như đinh cũ. Thế là ba anh em tôi với ba đôi guốc
có thể mang theo 12 lượng vàng. Chỉ khổ cho tôi phải canh chừng các em,
một đứa 10 tuổi, một đứ 7 tuổi, để chúng đừng tiết lộ bí mật và đừng
đánh rơi guốc từ trên xe lửa. Riêng bố tôi, ông còn đánh lừa cán bộ bằng
một mánh khác. Ông cuốn giấy bạc 100 đồng Đông Dương trong những điếu
thuốc lá được rút ruột,
rồi ấn lại chút thuốc ở hai đầu. Ông bỏ 15 điếu thuốc có tiền vào vào
phiá trong bao thuốc thơm Du Kích hay Điện Biên, 5 điếu phiá ngoài là
thuốc thật. Ông tỉnh bơ rút thuốc hút trước mặt cán bộ, đôi khi còn mời
cán bộ hút một điếu cho vui. Nhờ có chút vốn liếng nhỏ mang theo, gia
đình tôi mới dễ xoay sở trong những ngày đầu đặt chân đế Sài Gòn.
Đến Hải Phòng, bố tôi giao chúng tôi cho một
người anh họ của ông đang ở trại tạm trú để nhờ bác trông coi chúng tôi
trong khi bố tôi trở lại Nam Định đón mẹ, chị và hai em tôi. Chúng tôi ở
với bác và anh Thanh con bác tại căng (camp) Hạ Lý nằm giáp ranh thành
phố Hải Phòng. Đây là một khu trại được dựng với hàng trăm lều vải lớn
của quân đội, có thể cung cấp nơi tạm trú cho hàng ngàn dân di cư trong
thời gian làm giấy tờ và chờ tàu hay máy bay chở vào Nam. Trong thời
gian ở trại, chúng tôi được phát gạo nhưng phải tự túc mua thức ăn. Bên
cạnh trại, mỗi buổi sáng có những người buôn thúng bán bưng đến bán rau,
thịt cá và gia vị. Việc ăn ở kể như tạm ổn. Đối với tôi chỉ có hai nỗi
khổ. Một là lều vải nhà binh
tỏa hơi nóng, mùi vải bố rất ngột ngạt khi trời nắng và nền đất lầy lội
sũng nước khi trời mưa. Hai là sự mong ngóng từng giờ từng phút bố mẹ
tôi từ Nam Định đến đoàn tụ với chúng tôi. Tôi đã nghĩ nếu có chuyện gì
xảy ra khiến bố mẹ tôi không đi được, tôi sẽ dẫn các em trở về, không
thể đi Nam khi không có bố mẹ.
May mắn thay, chỉ một tuần sau, bố mẹ, chị và
các em tôi đã đi lọt và có mặt ở Hải Phòng. Bố tôi hú hồn vì thoát được
bàn tay công an. Tối hôm trước ngày bố tôi về lại Nam Định để đưa nốt
gia đình đi đợt hai, loa phát thanh của khu phố đã gọi rõ tên bố tôi và
tố cáo bố tôi đi vào vùng địch để nhận công tác gián điệp cho địch. Nghe
tin này, bố tôi cùng gia đình rời khỏi nhà ngay trong đêm. Sáng sớm hôm
sau lấy xe đi Hà Nội ngay. Công an không trở tay kịp nên bố tôi đã
thoát và gia đình tôi mới được đoàn tụ.
Ở Hải Phòng, bố tôi đưa mẹ con tôi đến ở nhờ
nhà một người quen tại phố Dinh. Trong thời gian lo giấy tờ và chờ đi
Sài Gòn, chúng tôi có dịp thăm viếng Hải Phòng, thành phố lớn thứ nhì
của miền Bắc. Chúng tôi đi thăm chợ Sắt, phố Khách, nhà hát lớn, đi lễ
nhà thờ phố Dinh…, nhìn cảnh thành phố đìu hiu chờ ngày đổi chủ.
Ngày 8-12-1954, chúng tôi được xe nhà binh chở
từ điểm hẹn tại nhà hát lớn Hải Phòng tới phi trường Cát Bi. Từ đó chúng
tôi được máy bay cánh quạt của Air Vietnam chở vào Sài Gòn. Lần đầu
tiên tôi được đi máy bay, được một cô chiêu đãi viên mời nước ngọt miễn
phí. Nhưng vì ly nước có “gaz”, tôi đã ói ra mật xanh mật vàng, quên cả
nhìn xuống quê hương miền Bắc để nói lời giã biệt.
59 năm đã trôi qua. Tôi vẫn chưa về thăm lại quê hương miền Bắc.
Nếu Trời cho có ngày tôi về được, thì chắc cây đa bến cũ con đò đã khác
xưa! Và người cũ sẽ còn lại ai?
Mặc Giao
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar