søndag 27. januar 2013

Người Chiến Binh “Bất Tử”


Biến cố Tết Mậu Thân đầu năm 1968 là một đòn giáng vào quân đội Miền Nam Việt Nam khi hằng chục sư đoàn Cộng quân gồm quân chính quy Cộng Sản Bắc Việt và quân du kích của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đồng loạt mở cuộc “tổng tấn công, tổng nổi dậy” bất ngờ trong thời gian hưu chiến nhân dịp Tết, đánh vào nhiều tỉnh lỵ và thành phố tại Miền Nam Việt Nam, kể cả thủ đô Sài Gòn và cố đô Huế. Nhưng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã đứng vững và lần lượt tái chiếm hết những phần đất bị Cộng quân tạm chiếm, kể cả cố đô Huế, và xóa tên nhiều đại đơn vị của Cộng quân.

Quân đội này lại còn hùng mạnh hơn lên khi đồng minh Hoa Kỳ quyết định tăng cường võ trang các chiến cụ tối tân cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa để họ có thể tự mình chiến đấu bảo vệ Miền Nam Việt Nam đặng quân Mỹ có thể yên lòng và có thêm chính danh mà rút về nước trong một chiến lược mới được gọi là “kế hoạch Việt Nam Hóa chiến tranh” do Tổng Thống Richard Nixon và cố vấn an ninh quốc gia lúc bấy giờ là Tiến Sĩ Henry Kissinger đề xướng.

Rồi cuộc tổng tấn công Mùa Hè năm 1972 của Cộng quân lại diễn ra sau khi Bộ Chính Trị Trung Ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam tại Hà Nội quyết định rằng Cộng quân phải lấn cho bằng được càng nhiều đất càng tốt, giành cho bằng được càng nhiều dân càng hay để họ có thể chiếm lợi thế trên bàn hội nghị bốn bên lâm chiến đang diễn ra tại Paris, Pháp, nhằm “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình” tại Miền Nam Việt Nam. Dù bị tấn công bất thình lình và bước đầu bị mất đi thành phố Quảng Trị tại Vùng 1 Chiến Thuật và quận (chi khu) An Lộc tại Vùng 3 Chiến Thuật, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, một lần nữa, lại cả thắng trong “mùa Hè đỏ lửa” ấy, lấy lại hầu hết những đất đai và dân chúng đã mất vào tay Cộng quân trước đó.

Hội nghị hòa bình tại Paris kết thúc với Hiệp Ðịnh Paris (Ba Lê) 1973, theo đó chính quyền Nixon, vì quá nóng lòng muốn lấy lại các tù binh đang bị Cộng Sản Bắc Việt giam giữ cũng như để thỏa mãn đòi hỏi phải chấm dứt chiến tranh và rút quân đội về nước của các nhóm phản chiến đang lên cao tại Mỹ, đã ép buộc chính phủ Việt Nam Cộng Hòa phải nhân nhượng nhiều điều hết sức thất lợi cho sự sống còn của Miền Nam Việt Nam sau này qua bản văn chung cuộc của Hiệp Ðịnh Paris 1973.

Cái chết của Miền Nam Việt Nam và cái chết của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là hậu quả tất yếu của một cuộc chiến tranh trong đó cả hai bên lâm chiến đều không ai có đủ điều kiện - quân sự và chính trị - một mình đứng ra đảm đương cuộc chiến mà phải nhờ đến các thế lực bên ngoài. Rồi khi một trong hai bên nào đó thình lình bị đồng minh bỏ rơi - như trường hợp của Việt Nam Cộng Hòa - thì kẻ bị bỏ rơi đương nhiên phải thua trận.

Vì bị Hoa Kỳ bỏ rơi nửa chừng sau khi dân chúng và chính phủ của nước đồng minh này không chịu đựng nổi những tổn thất kéo dài về nhân mạng và tiền bạc trong cuộc chiến, Việt Nam Cộng Hòa - hay Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa - đành phải chết đi một cách tức tưởi. (Ở đây, người viết thấy cần phải nói lên cảm nghĩ rằng phần đông những người lính Cộng Hòa cũ, sau nhiều năm suy nghĩ về sự bỏ rơi kia, đã thôi không còn oán hận gì người bạn chiến đấu Mỹ năm xưa. Ðại đa số dân chúng Miền Nam Việt Nam bây giờ đều hiểu rằng một dân tộc giàu có và đáng sống như dân tộc Mỹ mà dám hy sinh cả trên 50,000 mạng người - hầu hết là những thành phần trẻ ưu tú - trong cuộc chiến tranh bảo vệ tự do, dân chủ cho Miền Nam Việt Nam thì ngần ấy những hy sinh là đã quá đủ rồi.)

Những gì sẽ xảy ra nếu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và tiền thân của quân đội này không hiện hữu hay quân đội này phải bị tan rã ngay từ các thời điểm 1954, 1963, 1965, 1968, hoặc ngay cả vào năm 1972? Ðiều kỳ diệu là, ngay cả trong những giờ phút khó khăn nhất của Miền Nam Việt Nam khi cuộc chiến tranh xâm lược và phá hoại của Cộng Sản đang lên tới cao điểm với những cuộc tấn công liên tục ngoài chiến trường và những chiến dịch gây xáo trộn cùng bất ổn triền miên trong quần chúng ở hậu phương, dân chúng Miền Nam, dưới sự bảo vệ vững chắc và nhờ những hy sinh vô bờ bến của người lính Cộng Hòa nơi tuyến đầu khói lửa cũng như trên khắp các mặt trận khác, vẫn có được cái xa xỉ là tiếp tục sinh hoạt bình thường, tiếp tục mua bán, kinh doanh làm giàu, và tiếp tục ăn học thành tài để trở thành những chuyên gia rường cột của đất nước mai sau.

Và điều may mắn lớn lao nhất cho dân tộc là sự thể quân đội này đã thoát hiểm và sống còn đến trên hai thập niên, cũng vừa đủ thời gian cho mầm tự do, dân chủ đâm chồi và bén rễ trên quê hương Việt Nam khiến cho Cộng Sản Việt Nam ngày nay chỉ còn là một cái vỏ trống không, và tất cả những giáo điều cùng lý luận của chủ nghĩa Cộng Sản đều lâm vào ngõ bí khi các vị “thánh tổ” của chủ nghĩa này từ bên trời Âu lần lượt lăn đùng ra chết. Dĩ nhiên là Cộng Sản Việt Nam vẫn còn giữ lại một điều duy nhất, đó là nguyên tắc độc đảng, mà nếu họ lại bỏ đi nữa thì cái câu “trong bụng mỗi người dân An Nam đều có một ông quan” - vốn do một quan chức thực dân Pháp nham hiểm thốt lên từ hồi đầu thế kỷ trước - hóa ra chẳng có ý nghĩa gì hết hay sao?.

Dẫu sao, ba thập niên sau ngày Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, khi nghĩ về Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và cái chết tuy đầy uất ức nhưng cũng đầy hào hùng của quân đội này vào ngày 30 Tháng Tư năm 1975, người ta vẫn thấy rằng cái tinh thần mà quân đội đó mang theo vào mỗi trận đánh, mỗi chiến trường trên khắp các nẻo đường đất nước từ Nam chí Bắc - xin đừng quên những Phạm Phú Quốc, Trần Thế Vinh, Nguyễn Văn Ðương, Nguyễn Ðình Bảo, Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Nguyễn Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Hồ Ngọc Cẩn... vẫn còn sống mãi trong lòng dân tộc và sẽ là mầm phục sinh cho một đất nước và một dân tộc đã trải qua gần hết mọi cuộc bể dâu trong đời. Hay, nói như Nhật Trường Trần Thiện Thanh, một người lính Cộng Hòa và cũng là một ca, nhạc sĩ tài hoa của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại qua nhạc phẩm “Anh Không Chết Ðâu Anh”: “Không, anh không chết đâu anh. Chưa, anh chưa chết đâu anh...”

Văn Phan.
 

Ingen kommentarer: