mandag 12. november 2012

CÔNG LÝ PHẢI ĐẾN


Trong bối cảnh thế giới ngày nay, rõ ràng là sẽ có một ngày đèn công lý soi rọi vào vụ Cải Cách Ruộng Đất tại Miền Bắc, Tết Mậu Thân ở Huế, và biết bao vụ oan khiên, uẩn ức đã và đang xảy ra trong xã hội Việt Nam”.

Toà án đặc biệt về Sierra Leone tại The Hague đã xử cựu tổng thống Liberia, Charles Taylor 50 năm tù vì tội ác chiến tranh. Mặc dù Taylor, năm nay 64 tuổi, là người Liberia, một quốc gia vùng tây châu Phi trên bờ Đại Tây Dương, nhưng y lại phạm tội đối với dân chúng Sierra Leone, lân bang phía Bắc cuả Liberia.

Dù chỉ chính thức làm Tổng thống Liberia từ năm 1997, nhưng từ nhiều năm trước, khi còn là lãnh tụ lực lượng "Giải phóng quân" chống lại chính phủ Liberia cuả Tổng thống Samuel Doe, Charles Taylor đã trợ giúp quân phiến loạn Sierra Leone bằng cách cung cấp vũ khí, quân dụng, và cả binh lính. Đổi lại Taylor nhận kim cương, gỗ quý mà quân phiến loạn chiếm đọat từ các mỏ quý kim và công ty lâm sản cuả Sierra Leone. 

Trong cuộc nội chiến cuả quốc gia này kéo dài 1991 đến 2002, chính do sự trợ giúp cuả Charles Taylor mà phiến quân đã giết haị hơn 50 nghìn người dân vô tội. Con số bị thương tật lên đến hơn 100 nghìn, trong đó có nhiều phụ nữ bị hãm hiếp, nhiều nạn nhân bị chặt cụt chân, tay.

Trước tội ác tày trời này, tòa án toà án đặc biệt về Sierra Leone do Liên Hiệp Quốc thành lập năm 2002 đã truy tố Taylor về tội ác chiến tranh và tội chống nhân loại ngay khi y còn tại chức tổng thống Liberia. Nhưng phải chờ đến khi Taylor bị buộc phải từ chức vào tháng 8 năm 2003, và qua Nigeria tỵ nạn chính trị thì nỗ lực lôi y ra toà mới được đẩy mạnh. Tháng 6 năm 2005, bà Eileen Johnson Seirleif đắc cử tổng thống Liberia. Một trong những việc làm đầu tiên cuả vị nữ Tổng thống đầu tiên cuả Phi Châu này là đòi chính phủ Nigeria phải trao trả Charles Taylor. Trước áp lực quốc tế, Charles Taylor bị tống xuất khỏi Nigeria năm 2006 và bị đưa qua The Hague, một thành phố cuả Hoà Lan nơi đặt toà án đặc biệt về Sierrra Leone, để xét sử.

Trước phán quyết ngày 30 tháng 5 này, một số đông dân chúng Sierra Leone, và cả dân chúng Liberia, đã phản đối. Họ đòi hỏi phải xử tử Charles Taylor mới xứng đáng vói tội ác y đã gây ra. Taylor được quyền kháng án trong vòng 3 tháng.

Chỉ vài ngày sau vụ xử Charles Taylor, toà án hình sự Ai Cập cũng đã tuyên án cựu tổng thống Hosni Mubarak bị tù chung thân vì tội đã để cho lực lượng dưới quyền giết hại dân chúng trong thời gian diễn ra các cuộc biểu tình ôn hoà đòi dân chủ cuả nhân dân Ai Cập tháng Giêng và tháng Hai năm 2011. Trong vụ xét xử kéo dài từ hơn ba tháng này, ngoài Mubarak, còn có cựu bộ trưởng nội vụ Habib Adli cũng bị xử tù chung thân. Trong khi đó một số thuộc cấp cuả Mubarak và Adli lại được toà tha bổng.

Phiên toà này cũng xử Mubarak và một số thân nhân trong đó có 2 người con của y, về các tội tham nhũng, như hối mại quyền thế, tích luỹ cuả cải bất hợp pháp. Nhưng tất cả đều được trắng án. Sự kiện này, cộng với việc tha bổng một số cấp thừa hành trong vụ sát hại hơn 800 người biểu tình năm 2011 đã khiến một số dân chúng Ai Cập bất mãn, xuống đường biểu tình phản đối các phán quyết này. Cả công tố viện lẫn bên bị cáo đều loan báo sẽ kháng cáo.

Mặc dù các bản án đối với Charles Taylor và Hosni Mubarak chưa ngã ngũ, nhưng đây rõ ràng là bài học nghiêm khắc cho những kẻ đang nắm quyền sinh sát trong tay.

Đối với trường hợp Charles Taylor, tội các của y dù đã phạm nhiều năm trước, tưởng như đã chôn vùi trong quên lãng, nhưng đèn công lý vẫn chói rọi và y không cách nào trốn tránh được. Khác với thế kỷ trước, thế giới ngày nay không còn nhắm mắt làm ngơ trước những tội ác man rợ nhắm vào tập thể. Cộng đồng quốc tế đã đặt ra nhiều biện pháp để ngăn chặn và chế tài nghiêm khắc các tội ác này.

Đối với Hosni Mubarak, đây là trường hợp đầu tiên một quốc trưởng trong vùng Bắc Phi và Trung Đông, sau hơn 30 năm cai trị, đã bị chính nhân dân của y đem ra xét xử. Trong thời gian còn "hét ra lửa, mửa ra khói", chắc Mubarak không bao nghĩ rằng sẽ có ngày phải mặc áo tù, đứng trước vành móng ngựa để đối diện với công lý. Cần nhắc lại là trước y không lâu, các lãnh tụ khác trong vùng cũng đã bị trận cuồng phong dân chủ quét khỏi ngôi vị lãnh đạo độc tôn sau nhiều thập kỷ bám trụ. Kết quả là: Ben Ali cuả Tunisia đang đào tẩu ở xứ người, Mouammar Kadhafi của Lybia bị chết thảm, và Ali Saled cuả Yemen cũng đang lánh nạn tại ngoại quốc.

Một trong số các đối tượng của bài học nay thành phần lãnh đạo đảng CSVN. Trong bối cảnh thế giới ngày nay, rõ ràng là sẽ có một ngày đèn công lý soi rọi vào vụ Cải Cách Ruộng Đất tại Miền Bắc, Tết Mậu Thân ở Huế, và biết bao vụ oan khiên, uẩn ức đã và đang xẩy ra trong xã hội Việt Nam. Đây hoàn toàn không xuất phát từ động cơ "Trả Thù", "Phục Hận" như Đảng vẫn thường tuyên truyền, gán ghép. Đây chỉ là sự thể hiện cuả Sự thật, cuả Công Bằng, cuả Công Lý,  những tiêu chuẩn và nguyên tắc căn bản cuả các xã hội văn minh./.

Hải Nguyên .

Ingen kommentarer: