Một trong những nhược điểm lớn nhất của nền giáo dục Việt Nam hiện
nay là nguồn nhân lực quá yếu kém về trí tuệ, từ cấp quản lý đến người
trực tiếp giảng dạy, hệ quả tất yếu của một thời kỳ dài “chuột chạy cùng
sào mới nhào vô sư phạm”. Sau đây tôi xin góp một số ý kiến để thu hút
học sinh giỏi thi ngành sư phạm.
1. Công bằng, minh bạch trong giáo dục:
Đây
là góp ý đầu tiên, khó thực hiện nhất nhưng cần phải làm trước nhất và
kiên trì. Bài trừ ngay tham nhũng trong bổ nhiệm, phân nhiệm sở, chuyển
đổi nơi công tác. Dẹp ngay những thứ dối trá, hình thức, núp bóng như
thi đua, sáng kiến kinh nghiệm. Tháng 6 năm 2010, tại Hội thảo chống
tham nhũng trong giáo dục do Thụy Điển tài trợ (1), bà Marie
Ottosson nói: “Mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình của Việt
Nam khó thành hiện thực nếu hệ thống giáo dục còn tham nhũng”.
2. Tăng mức phụ cấp và các loại phụ cấp cho giáo viên:
Khung
lương ngành sư phạm không thể hơn ngành nghề khác, dẫn đến phân bì,
ganh tị. Do đó cần phải tăng mức phụ cấp và các loại phụ cấp (ví dụ: phụ
cấp dạy học sinh giỏi, phụ cấp dạy học sinh kém ngay trong một lớp học,
tức giáo viên phải dành thời gian riêng dạy đối tượng này) để giáo viên
thấy thu nhập của mình có giá trị thực chứ không giá trị kiểu vuốt ve:
“Tôn sư trọng đạo” hay “Nghề giáo là nghề cao quí” v.v. Một thời gian
ngắn trước đây, sinh viên sư phạm được miễn học phí nhưng không thành
công. Bởi con người ta sống cả đời, chứ đâu phải vì mấy đồng miễn giảm
học phí?
3. Các trường sư phạm trong vài ba năm tới tuyển sinh với số lượng càng ít càng tốt:
Với
góp ý này, cần có sự khống chế từ Bộ GD-ĐT xuống các trường sư phạm,
nâng điểm sàn lên mức cao nhất có thể. Không thể vì lợi nhuận, vì chỉ
tiêu của các trường sư phạm mà đào tạo ra quá nhiều giáo viên thất
nghiệp, đi lang thang làm xấu hình ảnh của ngành giáo dục, cụ thể là
hình ảnh giáo viên. Đừng lo thiếu giáo viên. Càng thiếu giáo viên thì
những giáo viên giỏi, có uy tín sẽ được các trường thỉnh giảng. Giáo
viên có thu nhập thêm chính đáng mà học sinh cũng được nhờ vì được học
với thầy cô giỏi.
4. Sinh viên sư phạm xuất sắc phải có nơi công tác ngay, có đãi ngộ khác biệt:
Một
sinh viên xuất sắc không thể ra trường hưởng đồng lương ngang với sinh
viên trung bình. Sinh viên trung bình không thể vì có tiền “chạy chọt”
mà được đi dạy trước. Một ngành giáo dục với mức độ tham nhũng đứng thứ
hai sau ngành cảnh sát (2) thì người tài, người hiền nào chịu chui đầu vô. Đất không lành chim nào dám đậu?
5. Không ưu tiên, không đòi hỏi vô lý những thứ chứng chỉ vớ vẩn:
Đặt
vấn đề: Thứ nhất tại sao tốt nghiệp trường sư phạm lại không biết tin
học, ngoại ngữ? Thứ hai đã là học sinh giỏi, sinh viên giỏi thì phải
giỏi cả tin học, ngoại ngữ như điều hiển nhiên mà chẳng cần thứ chứng
chỉ nào để làm bằng chứng. Giáo dục, cần người giỏi và cá tính chứ không
cần người có nhiều bằng cấp để che giấu sự nhạt nhẽo và yếu kém. Giáo
viên yếu kém tự thấy mình là số ít, chứ không như hiện nay giáo viên có
tài lại thấy mình xa lạ, thấy ngành giáo dục không dùng hết khả năng của
mình.
6. Bỏ các danh hiệu “thi đua” đại trà như lao động giỏi, chiến sĩ thi đua. Không thi đua nữa, chỉ phạt và khen
thưởng vượt mức những giáo viên có thành tích xuất sắc, những giáo viên
đào sâu chuyên môn, được học sinh đánh giá cao; những giáo viên có bài
viết về chuyên môn đăng tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế:
Như
là giáo viên hiến kế phát triển giáo dục địa phương, giáo viên giảng
dạy đạt thành tích cao (không hiểu theo kiểu thành tích như lâu nay)…
Dẹp ngay ba cái thứ sáng kiến kinh nghiệm xuẩn ngốc, vô giá trị, dùng để
xét “chiến sĩ thi đua” (nghe thiệt hiếu chiến). Hoặc nếu còn giữ tiêu
chí này thì sáng kiến kinh nghiệm đó tối thiểu phải được đăng báo chuyên
ngành. Không bới móc vụn vặt những vi phạm rồi xét thi đua giáo viên
hàng kỳ, hàng năm.
7. Tuyệt đối không để giáo viên trung bình (dù bất cứ duyên do gì) điều hành chuyên môn ở cấp trường, cấp phòng, cấp sở, cấp bộ:
Giáo
viên trung bình là giáo viên được “mặc định trung bình”, cho dù họ có
bao nhiêu lần thi dạy giỏi, bao nhiêu năm lao động giỏi, là chiến sĩ thi
đua với bao nhiêu bằng khen, giấy khen, là chuyên viên cấp nọ cấp kia
thì trung bình vẫn cứ trung bình. Bằng sự đánh giá âm thầm của học sinh,
của phụ huynh; bằng sự đánh giá công minh, mạnh dạn, không vì nể, không
tình cảm riêng của các cấp quản lý dễ dàng nhận ra đâu là giáo viên
giỏi và đâu là giáo viên trung bình.
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar