tirsdag 26. april 2011

Nón Lính Việt Nam Cộng Hòa



Nón Lính Việt Nam Cộng Hòa.

"Bởi vì người lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là người lính của Chính Nghĩa"

Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm.

Thời gian gần đây, ở Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác, có nhiều người miền Bắc, trở nên mê nón lính. Mê nón lính ở đây là mê nón lính Việt Nam Cộng Hòa.

Người ta không mê nón lính theo kiểu thời trang nhất thời, cũng không giống như kiểu mê đồ cổ, đồ xưa. Nón lính mà họ sắm được họ đội hàng ngày, tuy là nón cũ có khi đã có tuổi đời phải đến năm, sáu mươi năm, có khi bị lãng quên ở một xó nào đó rồi tự nhiên được thích, được mê.

Kế bên cạnh nhà chúng tôi là một ông hàng xóm, tuổi đời chừng bốn mươi lăm, ông này làm nghề giao nước bình (dân Sài Gòn ngày nay hầu hết đều mua nước uống gọi là “nước tinh khiết,” đựng trong những cái bình 20 lít), ông ta có cái nón lính, thứ nón bằng plastic cứng lót dưới nón sắt của binh sĩ VNCH.
Nhìn cái nón ông mà thấy ham, vì có màu nâu gỗ, bóng ngời ngời, bóng như thoa mỡ, tới mức lộ cả từng đường vân sọc. Ông quí cái nón này lắm, hỏi cớ sự vì sao, ông không nói. Chỉ biết từ khi nhà nước bắt đội nón bảo hiểm khi sử dụng xe máy thì ông đem ra đội hàng ngày. Có lẽ ông là một trong những người đầu tiên ở Sài Gòn tạo mốt đội nón lính thay vì phải đội các loại nón bảo hiểm kém phẫm chất được bày bán đầy đường, đầy tiệm.
Bẵng một thời gian, chúng tôi không thấy ông đội nữa, hỏi ra thì biết bị mất cắp.

Ông nói: “Tiếc đứt ruột anh ơi! Thời giá cái nón tui lúc đó khoảng một triệu chưa chắc mua được, nhưng chuyện không phải vì tiền. Nếu bây giờ phải chuộc hai, ba triệu tôi cũng chuộc cái nón đó.”

Chúng tôi không tò mò hỏi về giá trị kỷ niệm của cái nón, bởi ai cũng biết, đa phần người Sài Gòn cố cựu đều có những kỷ niệm sâu sắc với những người lính VNCH.
Ngày nay, chỉ cần đi một đoạn trên đường gần nhà thờ ngã sáu Phù Ðổng là thấy rất nhiều xe bán nón lính. Các xe này đa phần vừa bán nón vừa làm nghề bọc nhựa giấy tờ cá nhân. Người bán thường là dân nhập cư từ các tỉnh phía Bắc vào.
Một hôm chúng tôi ghé vào hỏi thì họ cho biết nón lính ở đây có hai loại; loại nón của lính VNCH còn tốt giá mắc hơn nón lính đưa về từ Campuchia và Thái.

Hỏi vì sao lại mắc hơn cả đôi ba trăm ngàn, họ nói: “Tầm tuổi bác thì biết giá trị của cái nón này rồi, thế mà còn đi hỏi làm gì. Nón ‘lính ngụy’ bây giờ là kỷ vật đấy nhá. Săn tìm khó lắm mà lại cực tốt, cực đẹp nhá.”
Ở Cần Ðước-Long An, chúng tôi có quen một anh nông dân. Hôm anh lên Sài Gòn, ghé nhà chúng tôi, tay cứ cặp cái nón lính bằng sắt. Lúc xong việc, bỗng anh hỏi: “Biết chỗ nào bọc vải lính, bọc lưới nón sắt thì chỉ giúp.”

Thì ra: “Tui đi ăn giỗ, thấy trong xó chuồng gà của nhà người bạn còn cái nón sắt thì hỏi mua. Bạn tôi nói, cái nón này có lúc nó chỉ để đâm cua đồng nấu canh, rồi anh cho luôn không lấy tiền.” Ðúng là anh nông dân này đội cái nón sắt lên trông đẹp và oai hơn hẳn. Nhưng cái nón dù được chà giấy nhám rất kỹ vẫn còn sét xẹt lại nặng trịch, đội mỏi cổ muốn chết.

Anh nói: “Kệ, đội để nhớ ông già tui. Ổng đi lính chết hồi năm 74. Ông cứ chỉ giùm tui chỗ bọc lại bao nhiêu tiền tui cũng làm.”
Hiện có nhiều điểm trên đường làm “dịch vụ” tân trang nón lính, như bọc vải, bọc lưới, gắn cả huy hiệu của các binh chủng lính đồng minh hoặc lính VNCH. Nói chung là tùy ý khách, chịu giá là có hàng, nếu xài hàng mới do dân Chợ Lớn, chợ trời làm giả thì rẻ tiền, còn chơi đồ xưa, xịn, thì đắt.
Nói về các quân huy hiệu của người lính, chúng tôi nhớ hôm ở Huế, tình cờ thấy những quầy hàng bên lề đường gần cầu Tràng Tiền bày bán đủ thứ quân huy hiệu của tất cả các bên tham gia cuộc chiến Việt Nam hơn 30 năm trước. Theo người bán, đây là “đồ đào.” Ðào ở đây là do lấy cốt hoặc do một số người chuyên sống bằng nghề đào bới để tìm kiếm những thứ còn bán được từ tàn tích chiến tranh. Những quân huy hiệu này phần lớn đã rỉ sét, móp méo hoặc không còn lành lặn nên có thể đoán rằng đó là kỷ vật của những người lính đã chết và nếu tin rằng mỗi kỷ vật có một phần hương hồn thì thật phũ phàng cái cảnh những hương hồn được bày bán la liệt như một đống đồ lạc xon.
Ða phần những kỷ vật cá nhân này là của lính miền Bắc.

Người ta tự hỏi, vì sao quân hiệu đính lên mũ, những huy hiệu trên áo, huân, huy chương của những người lính đã đổ máu để có “chiến thắng” trong cuộc nội chiến, lại bị hắt hủi thế này! Và lạ hơn, tại sao quân huy hiệu của họ lại có giá rẻ hơn, không được trân quí bằng, những kỷ vật cùng loại của người lính “thất trận.”
Trước chuyện mê nón lính VNCH, nhiều người vẫn cho rằng sở dĩ có người bền tâm với sở thích này là do cái nón lính bằng plastic đúng là rất đẹp và đáng là thứ mẫu mã thời trang nón bảo hiểm ngoại hạng. Có lẽ, nếu đội nguyên xi cái nón này, công dụng làm mũ bảo hiểm sẽ không thể bằng những thứ nón bảo hiểm hàng hiệu ngoại nhập khác, nhưng một khi đã mê rồi thì sá gì! Người mê thời trang kiểu quân đội thì trên thế giới xứ nào cũng có, nhưng mê đội nón kiểu lính VNCH có khi là do một thứ sức hút mãnh liệt. Có thể cho rằng mê đồ lính, nón lính cũng là do ngưỡng mộ và muốn hoài niệm về một thời gắn bó với thể chế dân chủ và người lính tự do!

Trần Tiến Dũng.

Ingen kommentarer: