fredag 1. april 2011

Lybia Và Cuộc Không Kích Của Liên Minh



Lybia Và Cuộc Không Kích Của Liên Minh.

Vấn đề trước mắt mà Hoa Kỳ đang thực hiện là một vai trò nói là chỉ có tính cách hỗ trợ nhưng hành động như một nhân tố chính.

Cuộc cách mạng chống độc tài và tham nhũng từ Tunisia lan qua Ai Cập. Dân chúng Tunisia và Ai Cập đã lần lượt thành công khi biểu tỏ lòng dân chống lại những chế độ độc tài và tham nhũng tại hai quốc gia này. Nay cuộc nổi dậy đã lan tới Lybia. Nhân dân Lybia đã nổi lên chống nhà độc tài Gadhafi, người đã cai trị Lybia 40 năm. Cuộc nổi dậy của nhân dân Lybia đã gặp sự đàn áp mãnh liệt của chính quyền độc tài Gadhafi. Nhân dân nổi dậy đã chiếm giữ một số thành phố miền Đông Lybia tuy nhiên đang gặp sự đàn áp mãnh liệt của quân đội trung thành với Gadhafi.

Phía quân đội trung thành với Gadhafi phần lớn là những đơn vị được tuyển mộ từ các quốc gia kế cận và do con trai của nhà độc tài chỉ huy. Với những yếu tố này quân đội của Gadhafi đã đàn áp nhân dân nổi dậy với mọi võ khí hiện đại, xe tăng, đại pháo và càng ở lợi thế với sức mạnh của không quân mặc tình thao túng vùng trời, không gặp một đề kháng nào từ những khu vực nhân dân nổi dậy chiếm giữ. Những thành phố chiếm giữ được về phía Đông Lybia, nơi đây là những trung tâm sản xuất dầu thô, nhanh chóng bị quân chính phủ chiếm lại. Nhân dân nổi dậy đã phải tháo lui dần và còn giữ được thành phố Benghazi, là thành phố chiếm được đầu tiên vào ngày 21-2-2011. Một tuần sau khi chiếm được Benghazi , nhân dân nổi dậy đã thành lập một Hội Đồng Quốc Gia, như một chính phủ lâm thời để lãnh đạo đất nước. Một số thành viên của Hội đồng quốc gia đã liên lạc với các quốc gia Tây phương để tìm sự yểm trợ. Pháp là quốc gia đầu tiên đã tiếp đón thành viên và công nhận Hội đồng quốc gia Lybia.

Trong khi phe nhân dân nổi dậy bị lực lượng chính quy Lybia dồn về Benghazi. Các quốc gia Tây phương lên tiếng thành lập vùng cấm bay để ngăn cản sự hoạt động của không quân chính phủ.

Tối ngày 17-3-2011, Hội đồng Bảo An Liên Hiệp quốc đã ra Nghị quyết thiết lập vùng cấm bay tại Lybia. Ngay sau khi có Nghị quyết lập vùng cấm bay tại Lybia, các phản lực cơ Pháp đã xuất trận, mục đích là lật đổ chế độ Gadhafi đã cai trị độc tài Lybia từ 40 năm qua. Phát ngôn viên chính phủ Pháp Francois Baroin cho hay là Pháp sẽ hội họp cùng các quốc gia NATO, Liên đoàn Ả Rập và Liên Hiệp các nước Ả Rập để tìm sự hỗ trợ. Các chuyên gia quân sự cho hay là Pháp sẽ cùng không quân Anh mở những cuộc không kích, trong khi Hoa Kỳ loan báo từ Hoa Thịnh Đốn là Hoa Kỳ giữ vai trò yểm trợ hậu cần, kỹ thuật và cung cấp tin tức tình báo. Tin được loan báo là Đan Mạch, một quốc gia trong khối NATO, sẽ cung cấp chiến đấu cơ cho các lực lượng quốc tế và Quatar cũng hứa tham gia những chưa xác định hình thức tham gia.

Nghị quyết Hội đồng Bảo An LHQ minh định cho các nước thiết lập vùng cấm bay trên không phận Lybia. Dân chúng nổi dậy nổ súng chỉ thiên chào mừng quyết định của HĐBA LHQ, trong khi Gadhafi tuyên bố sẽ tiêu diệt tất cả mọi ý đồ muốn lật đổ ông ta, đồng thời tăng cường áp lực quân sự lên phía nhân dân nổi dậy.

Giới chức quốc phòng Hoa Kỳ cho hay là các chiến hạm Hoa Kỳ cùng các quốc gia đồng minh hiện đã có mặt tại Địa Trung Hải, ngoài khơi bờ biển Lybia đợi lệnh.
Nhưng ngày 17-3-2011 hỏa tiển Tomahawk đã được phóng ra từ các chiến hạm của Hoa Kỳ và Anh quốc từ ngoài khơi biển Lybia phía Địa Trung Hải nhắm vào các phi trường và các lực lượng phòng không của Lybia. Cuộc không tập bằng mưa hỏa tiễn này được loan báo là đã triệt hạ một bản doanh được bảo vệ chặt chẽ của Gadhafi. Mặc dù được loan báo về trận mưa hỏa tiễn song đã có một phản lực cơ của Hoa Kỳ lâm nạn, hai phi công được phóng ra khỏi phi cơ và đã được cứu thoát sau một cuộc tìm kiếm. Máy bay lâm nạn được loan báo là do sự kiện kỹ thuật mà không phải bị bắn hạ. Tin cũng được loan báo là một người con của Gadhafi đã tử thương.

Hoa Kỳ đã lên tiếng giành quyền chỉ huy lại cho các các quốc gia NATO. Chưa biết được tình trạng của Lybia sẽ ra sao, khi mà nhà độc tài Gadhafi lên tiếng sẽ tiêu diệt những kẻ chống đối và nhân dân nổi dậy Lybia được sự hỗ trợ của các quốc gia Tây phương, đặc biệt là sự tham gia thực hiện cấm bay trên không phận Lybia bằng cách triệt hạ tất cả các sân bay và các căn cứ phòng không của Lybia. Khi sân bay không còn sử dụng thì đương nhiên vùng trời Lybia sẽ chỉ còn là nơi lực lượng không quân của các quốc gia Tây phương thao túng. Lybia sẽ lâm vào một cuộc nội chiến và có thể sẽ bị chia cắt thành hai quốc gia. Cuộc xuất quân mãnh liệt từ phía Anh Mỹ Pháp vào lãnh thổ Lybia và cuộc mưa pháo từ Hoa Kỳ vào Lybia làm người ta nhớ lại những cuộc không tập của Hoa Kỳ phát xuất từ đệ thất hạm đội trên Thái Bình Dương vào miền Bắc Việt Nam nhằm chận đứng cuộc xâm lăng của Cộng sản Bắc Việt vào miền Nam Việt Nam. Rồi Hoa Kỳ rút quân tháo chạy được mệnh danh là hòa bình trong danh dự để toàn dân toàn cõi Việt Nam nằm trong sự cai trị độc tài và chuyên chế của chế độ Cộng sản xã hội chủ nghĩa.

Hai biến cố quan trọng trên thế giới hiện nay ở Nhật Bản và Lybia đều đưa nước Mỹ vào tình trạng những kẻ trong cuộc. Hoa Kỳ cần có thái độ, chia sẻ những vấn nạn của thế giới hay tham gia giải quyết.

Có những vấn đề thụ động như hậu quả của tác hại vì phóng xạ nguyên tử từ các lò nguyên tử Fukushima đang lan tỏa khắp nơi. Vấn đề chủ động như can thiệp quân sự vào cuộc biến động tại Lybia. Hoa Kỳ vẫn nhân danh bảo vệ nhân quyền cũng như phát huy dân chủ, tự do trên mọi vùng lãnh thổ trên thế giới và tất cả đều được mang một cây dù bảo vệ hòa bình thế giới và an ninh của đất nước và của nhân dân Hoa Kỳ.

Nguyên Thảo.

Ingen kommentarer: