Tổng Kết Tình Hình Việt Nam Năm Kỷ Sửu.
Năm nào cũng thế, năm Kỷ sửu có cả chuyện vui chuyện buồn lẫn chuyện không vui không buồn nhưng đáng chú ý. Về chuyện vui hạng siêu năm Kỷ sửu thì không thể không nói đến cái audio lời chủ tịch nhà nước CHXHCNVN Nguyễn Minh Triết kể lại những chuyến công du ngoại quốc, và khoe đã “động viên” được tổng thống Mỹ Obama đồng thời phân hoá nội bộ Mỹ trong bài phát biểu tại Liên hiệp quốc. Nghe xong có người đã nói “hiểu ra… chết liền”. Có lẽ vì rằng không còn gì thống khoái trên đời hơn thế nữa cho nên sống thêm cũng thế mà thôi. Còn chuyện cuời hạng hai là chuyện Đào Duy Quát chủ biên tạp chí điện tử Cộng sản giải thích bản tin về hải quân TQ tập trận trên biển Đông với những lời lẽ coi Việt nam như không có, được đăng nguyên con trên tạp chí Cộng sản điện tử, là “một tai nạn nghề nghiệp”, do người đánh máy thiếu hai chữ “ngang ngược” mà Đào Duy Quát đã ra lệnh thêm vào bản tin Trung quốc một cách vô nghĩa và ngớ ngẩn.
Hạng hai vì giải thích của Đào duy Quát chỉ làm người nghe cười đến độ ướt quần mà thôi. Những sự việc khác thì chỉ là chuyện dài ngàn lẻ một đêm không dứt của chế độ Hà nội về tham nhũng, như vụ PCI đầy đủ tài liệu hồ sơ từ Nhật cung cấp mà sau một năm chỉ mới dịch xong, và cũng chưa có kết luận rõ ràng toàn bộ. Hay là vụ tiền hối lộ bởi hãng in tiền của Úc cho giới chức lãnh đạo VC được gửi vào ngân hàng Thuỵ sĩ, đã mấy tháng rồi mà vẫn chưa ngã ngũ là nhà nước nên đối xử thế nào, truy tố hay không.
Về những chuyện khác trong nước thì có thể ghi lại sáu sự việc đáng kể.
Một là Hà nội cho hội đổng giám mục tổ chức Năm Thánh mà nói theo ngôn từ thời đại trong nước là một cách “hoành tráng”, nhưng lại âm thầm cho công an phá thánh giá ở núi Chẽ.
Hai là vụ Sư ông Thích Nhất Hạnh bị lừa mất tu viện Bát nhã bởi đệ tử là sư quốc doanh Thích Đức Nghi, với sự hỗ trợ của chính quyền, cho nên đã khiến ông Nhất Hạnh phải viết thư khen ngợi 400 hạt giống bồ đề bất diệt, tức là những người đã đến Bát Nhã tu và bị phát hoàn về nguyên quán, để khỏi bị coi là đã làm chuyện tầm phào về nước tiếp cận để giáo dục Cộng sản. Hơn thế nữa, cái đau mất cả triệu đô la này đã làm cho nhà sư đạo Bụt phá lệ mà lên tiếng về vấn đề đấu tranh và tố cáo rằng VN “chưa có tự do tôn giáo”, “Xã hội hiện giờ đầy dẫy tệ nạn: tham nhũng, lạm quyền, ma túy, bạo động, đĩ điếm, gia đình đổ vỡ, tự tử, thác loạn” cũng như đặt vấn đề đạo đức cách mạng của người Cộng sản hành động bá đạo, và ngây thơ thú nhận rằng không ngờ chuyện đã diễn ra như thế cũng như đã dùng những danh từ như “hèn hạ” để chỉ người Cộng sản.
Ba là liên tục xuất hiện một cách hữu ích những tin tức và hình ảnh khám phá ra những thực phẩm sản xuất mất vệ sinh, hư hỏng trong nước. Như mứt các loại đựng trong những thùng dơ bẩn không đậy nắp, cạnh thùng rác và có ròi; bì heo hôi thối qua các giai đoạn chế hoá và khử mùi bằng các chất hoá học độc hại; ớt bột khô và hạt dưa có chứa phẩm mầu kỹ nghệ gây ung thư; nội tạng súc vật hư hỏng nhập cảng từ Tầu, cũng như các trái cây hoa quả có chất độc được đổi nhãn hiệu, hay trứng được tẩy màu để đem đi tiêu thụ; 90% sữa nước không đạt tiêu chuẩn vân vân…
Bốn là những tin chính trị cho phép nhìn ra bản chất những nhà dân chủ trong nước. Những người này là các ông Trần Anh Kim, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung. Điều đặc biệt là những người này sau khi bị bắt đã nhanh chóng nhận tội và tỏ vẻ hối hận, xin khoan hồng ngay trước toà án và trên truyền hình, trừ có Trần Huỳnh duy Thức và Lê Thăng Long. Sự nhanh chóng lùi bước này đã tạo những thất vọng nơi số đông quần chúng. Nhưng cũng có một số người tỏ vẻ thông cảm để mà gọi là khuyến khích họ tiếp tục đấu tranh. Ngoài ra thì cũng còn một số khen rằng họ can đảm, và biết tiến biết lui. Dù sao đi nữa thì toàn bộ sự việc đã cho người ta hiểu rằng họ là những nhà chính trị đấu tranh nghị trường chứ không phải là những nhà đấu tranh dân chủ để có dân chủ. Chỗ của họ là khi được giao chức vụ thì họ sẽ nhận, cho phép ứng cử thì họ sẽ ra, và nếu thắng cử thì họ sẽ đặt vấn đề cho các giới chức chính phủ trong các kỳ họp, như là các đại biểu hiện nay của CS đang làm. Cho nên mấy chữ những nhà dân chủ đã thấy dần dần bị thay thế bằng ba chữ chính xác hơn là những nhà chính trị.
Năm là vấn đề chống đối khai thác quặng bauxite ở Tây nguyên không đi đến đâu đã đành, như người hiểu chuyện có thể thấy trước, nhưng những nỗ lực lấy vụ bauxite để xây dựng tư thế cho một nhóm lãnh đạo CS và tay chân gọi là đổi mới chung quanh viên tướng già Cộng sản gần đất xa trời Võ Nguyên Giáp đã không tạo được kết quả nào. Viện nghiên cứu IDS ra đời quanh vụ này cũng tự xẹp luôn, và chưa biết bao giờ thì lại được khai sinh lại.
Thứ sáu, về mặt đối ngoại thì trong vấn đề các đảo biển Đông, Hà nội trước sự phản đối của quần chúng, đặc biệt là hải ngoại, đã bỏ thái độ im lặng kéo dài với lý do “nhậy cảm”, mà cho các báo loan tin về các vụ ngư dân Việt nam bị lực lượng hải quân Trung quốc trấn áp, cướp bóc ngư cụ, hay giam giữ và phạt tiền, khi đi vào đánh cá ở ngư truờng cha ông vẫn khai thác mà đã bị VC ký nhượng âm thầm cho Trung quốc từ cả chục năm nay. Điều khôi hài trong vụ này là VC ra sức che chắn khoả lấp bằng cách ra luật xây dựng tự vệ biển, nghĩa là cấp súng cho ngư dân để đương đầu với hải quân Trung quốc mà chính lực lượng biên phòng nhà nước phải né tránh. Để gián tiếp biện minh cho thái độ này của Hà nội đã thấy xuất hiện một số bài viết của cựu đại sứ Hà nội tại Thái lan, Nguyễn Trung, nói về sức mạnh đang lên của Trung quốc và mong mỏi mối quan hệ tốt đẹp anh em như trong quá khứ thế giới CS sau bức màn tre sẽ có thể tái tục.
Tại hải ngoại thì đã thấy hiện tượng ra mặt công khai gọi là “tiếp cận” với các giới chức lãnh đạo Hà nội như bác sĩ Bùi Duy Tâm và phái đoàn Truơng vĩnh Trọng, bài viết ca tụng chế độ của Nguyễn Hữu Liêm sau chuyến về dự đại hội Việt Kiều tại Việt Nam. Vụ đài Việt nam hải ngoại của ông Ngô ngọc Hùng tiếp cận với tham vụ toà đại sứ Hà nội tại Washington DC mà ông Lê Hồng Long giám đốc chương trình chỉ ra công khai đã tạo nhiều phản ứng quần chúng đối với những giải thích loanh quanh khó nghe là “tiếp cận để chiêu hồi” của ban giám đốc đài và ông Ngô ngọc Hùng cũng như làm lộ ra một nhân vật âm thầm “tiếp cận” với VC là bác sĩ Nguyễn ý Đức. Phản ứng của y giới đối với các ông Tâm và Đức rất dứt khoát qua các email trao đổi trong giới. Còn Nguyễn hữu Liêm thì được nhà bình luận thời cuộc là ông Lê diễn Đức gọi là hành động “đánh giầy bằng lưỡi, khiến buồn nôn tởm lợm” trên talawas blog.
Về phía hải ngoại thì lập trường căn bản chống độc tài CS của quần chúng vẫn vững vàng khiến các nhà chính trị đã bớt có những trình diễn ồn ào mong vượt trội lên nhưng chạy theo những phản ứng đơn giản quần chúng đối với các biện pháp của Hà nội. Chính vì thế mà người ta thấy những tên tuổi của các tổ chức khác nhau và có khi đã từng chống đối nhau cùng đứng sau một tuyên ngôn tuyên cáo nhắm vào Hà nội. Đó cũng là điều tốt. Dần dần thì đã có sự nhận ra rằng không còn thể nghĩ “sau lưng tôi là quần chúng”, mà “sau lưng quần chúng là có tôi”.
Trước những sự việc trong và ngoài nước kể trên, có thể nói rằng VC đang ráo riết xoay trở để biến thái thích ứng trước những phản ứng của đồng bào trong và ngoài nước đối với chế độ. Những biện pháp có vẻ mâu thuẫn đối với các nhà chinh trị, các tôn giáo, những lên tiếng ngược xuôi về vụ khai thác bauxite cũng như về các đảo biển Đông, cho thấy tính thụ động phản ứng hơn là tính chủ động tấn công của Hà nội, tuy rằng họ ở vị trí quyền lực với các phương tiện đầy đủ. Sau chót, những biện pháp trấn áp của Hà nội và thái độ hối hận nhanh chóng của mấy nhà chính trị trong nước cũng cho thấy sự phá sản của chủ trương cũng như kêu gọi đấu tranh công khai và bất bạo động được nhắc đi nhắc lại những thời gian gần đây ở hải ngoại.
Lâm Phong
torsdag 18. februar 2010
Abonner på:
Legg inn kommentarer (Atom)
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar