Nhớ Cành Mai Vàng.
Dang tay ngắt đóa mai vàng,
Cài lên mái tóc cô nàng dấu yêu
Tóc mây phơ phất gió chiều
Mai cười trên tóc yêu kiều dáng xuân
Hoa mai vàng ! Những đóa hoa xuân rạng rỡ trong ánh nắng của miền Nam. Hoa mai đẹp dịu dàng, hồn nhiên, và thanh thoát. Những người Bắc, khi mới di cư vào Nam, mỗi độ xuân về, thường ngẩn ngơ nhớ tiếc bông hoa đào. Nhưng khi nhìn thấy đóa hoa mai tươi đẹp rạng rỡ trong nắng xuân, thì không thể không rung cảm và tấm tắc khen ngơi. Lâu dần, người ta quên mất hoa đào, và hân hoan chào đón hoa mai vào gia đình trong những ngày xuân , cũng như vào trong trái tim của những khách chơi hoa sành điệu. Hoa mai được xếp hàng đầu trong Tứ Qúy: Mai, Lan, Cúc, Trúc, tượng trưng cho 4 mùa của đất trời .. Nếu hoa đào e ấp nở trong mưa phùn, gío bấc ở miền Bắc, thì hoa mai hồn nhiên trong ánh nắng chói chang và khí hậu nóng bức của miền Nam. Người ta bảo hoa đào chỉ đẹp khi vừa chớm nở , giống như đôi môi hồng cười chúm chím của cô gái còn chanh cốm, nhưng hoa mai thì lại rực rỡ khi đã nở trọn vẹn , phô trương hết nhị vàng, giống như một thiếu nữ ở lứa tuổi dậy thì đang nhoẻn miệng cười.
Đào cười chúm chím, mai nhoẻn miệng
Trời đất hoan ca, đón mừng xuân
Cây mai thường mọc ở trong rừng. Những khu rừng ở vùng Túc Trưng, Định Quán, Phan Thiết, La Ngà có rất nhiều cây mai. hoang dại. Mỗi độ xuân về, hoa mai nở vàng rực cả góc trời, ven đồi, khe núi. Cảnh thiên nhiên trông thực vô cùng quyến rũ. Khi xưa, những người chiến sĩ VNCH đi hành quân, miệt mài tháng năm, quên cả thời gian. Rồi một buổi sớm mai, khi băng qua rừng, chợt nhìn thấy cả một khung trời rợp màu vàng: thì ra hoa mai đã nở, mùa xuân đang dần tới. Trong bài hát “Đồn Vắng Chiều Xuân”, có câu anh quân nhân viết về cho mẹ : “nếu mai không nở, con đâu biết xuân về hay chưa.”
Người ta lấy giống mai về trồng trong vườn, và đợi tới gần Tết, chặt những nhánh mai đầy nụ vàng đem ra bầy bán ngoài chơ hoa đường Nguyễn Huệ, Saigon. Bán cành mai trong dịp Tết, số thu nhập không phải là nhỏ. Các vùng Lái Thiêu, Thủ Đức, Biên Hòa có rất nhiều vườn mai . Người ta trồng để cung cấp cho nhu cầu ngày Tết. Nhiều cây mai qúy được lưu giữ trong vườn từ năm này qua năm khác, lâu dần trở thành cội mai gìa.
Mai ở VN gồm có 4 loại:
1. Huỳnh Mai hay mai vàng là loại mai thông thường, có rất nhiều, mọc tự nhiên trong rừng, có cây cao tới 5,6 thước. Tên chữ hán là Nam Chi vì người Trung Hoa cho rằng các nụ hoa ở phía Nam sẽ nở trước.
2. Mai tứ quí hay mai đỏ: cây nhỏ, thường được trồng trong chậu, trổ hoa quanh năm. Hoa có 5 cánh, đài hoa có màu đỏ.
3. Bạch mai hay mai trắng: hoa màu trắng có 4 cánh nhỏ, mùi thơm. Cây rất cao.
4. Mai chiếu thủy: hoa nhỏ, có 5 cánh, thường được trồng làm cây cảnh. Trong khoa học, mai chiếu thủy được xếp vào cùng loại với cây trúc đào.
Cây mai nở hoa vào dịp Tết nên mọi nhà đều chưng hoa mai trong phòng khách hoặc trên bàn thờ ông bà. Cành mai mua về được cắt ở gốc rồi đem hơ lửa , sau đó đem cắm vào trong lọ độc bình có sẵn nước. Chỉ vài ngày sau, nụ mai nhú ra, lớn dần và nở hoa. Cái khó của người chơi hoa là làm sao giữ cho hoa nở rộ đúng ngày mùng một tết. Một cành mai đẹp, chi chit đầy hoa vàng , nở đúng ngày mùng một Tết, là điềm lành cho gia chủ trong suốt năm mới.
Một cành mai đẹp phải có nhiều cành cong. Cành phải có nhiều nhánh, mỗi nhánh mang nhiều nụ hoa còn phong nhụy.
Người ta còn có thể mua mai trồng sẵn trong chậu. Đó là những cây mai hoang trong rừng, được bứng cả gốc, mang về nhà, trồng vào châu. Cây mai này sẽ được người trồng mai bỏ công uốn cành trông rất mỹ thuật. Nhiều khách chơi hoa cầu kỳ, đi lựa hoa từ các vườn trồng hoa chứ không phải ngoài chợ hoa, để được chọn những cây mai ưng ý. Có khi mua trước cả tháng, trả tiền hết, rồi thuê nhà trồng hoa nuôi giúp, cận ngày Tết mới lên lấy hoa đem về.
Bên Trung Hoa, có chuyện “Nhị Độ Mai” kể sự tích tri huyện Mai bá Cao bị gian thần hãm hại. Con trai là Mai Bá Ngọc lẩn trốn vào một ngôi chùa. Trong ngày giỗ đầu của Mai Bá Cao, người bạn thân là Trần Đông Sơ vào chùa khấn rằng “ Nếu họ Mai còn có người nối dõi thì xin cho cây mai được nở hoa “. Đêm đó vì trời mưa bão nên hoa mai rụng hết. Trần Đông Sơ buồn rầu nhuốm bệnh, Người con gái là Hạnh Nguyên lâp bàn thờ ra vườn cầu xin cho hoa mai nở lại. Quả nhiên, 3 hôm sau cây mai nở rộ đầy hoa.
Chuyện Nhị Độ Mai là một chuyện đầy đủ “Trung, hiếu, tiết, nghĩa”, và có hậu đúng như quy luật của các chuyện Trung Hoa ngày xưa, làm ai đọc xong cũng thấy nhẹ nhàng.
Bên Trung Hoa, mai không nở vào dịp Tết, mà nở vào tháng 5. Lý Bạch ngồi uống rượu trên lầu Hoàng hạc, có làm bài thơ bất hủ, mà 2 câu hay nhất còn lưu truyền:
Hoàng Hạc lâu trung xuy ngọc địch
Giang Thành ngũ nguyệt lạc mai hoa.
(Tiếng sáo thổi trên lầu Hoàng Hạc. Tháng Năm mai rụng chốn Giang Thành)
Nếu hoa đào có vể đẹp rực rỡ kiêu sa như một tiểu thư khuê các, thì hoa mai có nét đẹp yểu điệu thanh cao, thoát tục. Chính vì nét thanh cao thoát tục ấy, mà hoa mai đi vào Thiền học Chúng ta hãy đọc lại bài kệ của Thiền Sư Mãn Giác (1052-1096).
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đẩu thượng lai
Mạc vi xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Dịch:
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu gìa đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.
Ngày nay, tai các nước Âu Mỹ, mùa đông tiết trời lạnh lẽo, thích hợp cho hoa đào trổ bông, hé nhụy. Nhưng tiếc thay, hoa mai vàng lại vắng bóng ! Những người yêu hoa laị tắc lưỡi, ngẩn ngơ, tiếc nhớ những đóa mai vàng cười trong nắng ở quê nhà mỗi khi xuân về.
Đoan Phương.
torsdag 18. februar 2010
Abonner på:
Legg inn kommentarer (Atom)
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar