mandag 22. februar 2010

NẤP SAU CHƯƠNG TRÌNH THUÊ ĐẤT LÀ GÌ ?

NẤP SAU CHƯƠNG TRÌNH THUÊ ĐẤT LÀ GÌ ?.

Vấn đề đáng lạ không phải chỉ là 10 tỉnh tự tiện cho nước ngoài thuê đất trồng rừng đầu nguồn. Vấn đề là một tình trạng “quân hồi vô phèng” đối với bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc. Dưới không dám phê bình trên, để cho trên muốn làm gì mặc ý thì trên cũng thả lỏng cho dưới tha hồ đem tài sản của toàn dân ra cứ thế “đổi trao bán chác” để kiếm miếng lợi về mình. Ai chịu trách nhiệm ở đây và nhân dân – người chủ nhân ông của đất nước – sẽ truy cứu hình sự đối với ai? Ngày xưa chính quyền trung ương luôn luôn quan tâm đến chính sách ràng buộc “ky my” để các vị Tù trưởng nơi phên dậu triệt để phục tùng, không thể làm hao tổn một tấc đất nào của xã tắc. ky my” hình như lại là một sự đổi trao ngầm, anh để cho tôi làm mưa làm gió kiếm lợi ích riêng thì tôi cũng thả lỏng cho anh tự tung tự tác. Thảo nào mà Nguyễn Khuyến từng trào lộng: “Đời có hai điều này đáng sợ / Sống chết người quyền ở tại tay”. Tuy nhiên, cũng xin nhắc nhỏ các vị: Nguyễn Khuyến còn có 2 câu kế tiếp rất chí lý, hãy ngẫm mà xem: “Vua chèo còn chẳng ra gì / Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề”.

Rừng Lào Cai : Một chiều giáp Tết, bỗng dưng điện thoại nhà riêng của tôi liên tục đổ chuông. Bạn bè khắp nơi gọi đến (GS Nguyễn Xuân Hãn, cựu phóng viên chiến trường Phí Văn Chiến… ở HN; nhà văn Hà Văn Thùy, nhà tình báo quân đội lão thành – cụ Nguyễn Vũ Hiệp ở TP HCM; rồi cả chị bạn đạo diễn Việt Linh bên Pháp…) tất thảy đều đặt cho tôi những câu hỏi cùng một chủ đề: VNT đã đọc bài của hai vị tướng Đồng Sĩ Nguyên, Nguyễn Trọng Vĩnh trên trang mạng Bauxite Việt Nam chưa? Bằng góc nhìn của “ba nhà” cộng lại (nhà văn – nhà báo – nhà địa vật lý), VNT hãy thử mổ xẻ tin này cho bạn bè nghe thử?…
Tôi đã đọc kỹ bài viết của hai vị tướng lão thành, khả kính và rất đồng cảm với mối lo ngại sâu sắc của các ông trước sự thật hãi hùng: Gần 300 ngàn ha rừng đầu nguồn, trong đó có 264 ngàn ha thuộc 10 tỉnh biên giới xung yếu đã được cắt đất cho người Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan thuê trong thời hạn 50 năm (!?) Khỏi cần bàn đến nguy cơ tiềm ẩn về an ninh quốc phòng bởi tướng Nguyên, tướng Vĩnh đã phân tích ngắn gọn, nhưng rất đầy đủ, sắc lẹm như dao chém chuối. Nguy cơ về môi trường cũng đã được thực tế chứng minh qua mấy mùa mưa lũ gần đây.

Chỉ xin lưu ý, vào những năm giữa của thập niên 90 thế kỷ trước, tôi cùng cố Kỹ sư Lưu Xuân Viện, nhà văn Bùi Bình Thi tham gia Ban Giáo dục truyền thông về môi trường, thuộc Ủy ban quốc gia về nước sạch – vệ sinh môi trường do GS Bộ trưởng Phạm Song làm Chủ nhiệm. Hồi đó, với sự giúp đỡ của GS Phạm Song, tôi đã có cơ hội khảo sát kỹ nguyên nhân gây lũ lụt, đặc biệt là những trận lũ bùn đất diễn ra khủng khiếp ở Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Tuyên Quang, Kon Tum. Trong hàng loạt bài báo công bố trên các tờ Nhân dân, Lao động, Pháp luật, Văn nghệ… tôi đã phân tích cụ thể tình trạng phá rừng đầu nguồn và khai thác khoáng sản bừa bãi bằng hình thức “khai thác thổ phỉ”, được chính quyền sở tại dung túng hoặc thâm chí ăn chia. Đó cũng chính là 2 nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa lũ bùn đất. Ngoài ra, bằng quan hệ riêng của anh Lưu Xuân Viện, tôi đã gửi 2 bản báo cáo chi tiết lên Văn phòng Chính phủ, kiến nghị kiểm soát chặt chẽ rừng đầu nguồn và đề xuất một số giải pháp chấm dứt ngay tình trạng khai thác thổ phỉ ở các mỏ quặng thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc. Song những kiến nghị ấy hầu như ném đá ao bèo, chìm trong im lặng! Nay nhân bài viết của tướng Nguyên, tướng Vĩnh, tôi muốn đi sâu vào khía cạnh thất thoát tài nguyên khoáng sản, điều mà 2 vị tướng quân chưa bàn xét tới.

Quy luật phân bố khoáng sản, nhất là kim loại màu và kim loại quý hiếm cho thấy chúng thường xuất hiện nhiều ở các vùng “núi già”, tức vùng có địa tầng rất cổ thuộc thời kỳ Pro-te-ro-zoi và Pa-le-o-zoi. Trên bản đồ địa chất nước ta, đó là các vùng thuộc khối nâng Việt Bắc, khối nâng Kon Tum (Tây Nguyên) và đới khâu Con Voi (Lào Cai, Yên Bái), đới khâu Sơn La – Điện Biên. Người không có chuyên môn địa chất chỉ cần nghe qua các thuật ngữ khoa học trên cũng mường tượng ra khả năng Kon Tum và các tỉnh biên giới phía Bắc có nhiều mỏ quặng kim loại màu và kim loại quý hiếm. Kết quả nghiên cứu của các nhà địa chất Pháp, Nga, Việt Nam hơn 100 năm (1905 – 1985) đã chỉ ra hàng trăm mỏ, điểm quặng ở các vùng lãnh thổ này, trong đó đặc biệt quan trọng là các mỏ sulfua đa kim, đất hiếm, thậm chí có cả Uranium. Điều lý thú nữa là các khoáng sản sulfua đa kim ở đây lại thường cộng sinh với vàng, bạc ở một tỷ lệ nhất định. Có một thời, thương nhân Trung Quốc tìm sang thu mua đuôi tuyển quặng (bã thải) ở mỏ đồng Sinh Quyền là một ví dụ điển hình.

Trước năm 1986, quy trình bảo mật của ngành địa chất đối với các mỏ quặng loại này vô cùng nghiêm ngặt. Anh NBN ở cơ quan tôi đi Nga làm nghiên sứu sinh, chỉ sơ ý mang theo vài trang tài liệu về mỏ phóng xạ ở Sơn La (dù đã đổi địa danh, tọa độ) đã lập tức bị gọi về nước, chịu án kỷ luật nặng nề cả bên đảng và bên chính quyền. Thế nhưng kể từ khi bắt đầu đổi mới (1986), các quy định về bảo mật về tài nguyên bị xâm phạm nghiêm trọng. Các tỉnh đua nhau mời chuyên gia địa chất đo vẽ bản đồ địa chất khoáng sản cho riêng địa phương mình mà thực chất là sao chụp lại tài liệu trong lưu trữ quốc gia là chính, phần khảo sát thêm chỉ là hình thức để có cớ thanh toán hợp đồng, rút tiền Nhà nước chia nhau giữa bên A, bên B. Đây là kẽ hở chết người dẫn đến tệ nạn “khai thác thổ phỉ” tại các mỏ quặng diễn ra kéo dài và phổ biến khắp nơi, không loại trừ khả năng bí mật về khoáng sản ở các tỉnh biên giới cũng theo đó mà lọt vào tay người nước lạ! Tôi ngờ rằng, trong 264 ngàn ha rừng đầu nguồn ở các tỉnh biên giới đã cho người nước lạ thuê kia không chỉ có gỗ mà còn có cả khoáng sản và đó mới là mục đích sâu sa, thâm hiểm của ông bạn nước lạ chăng? Điều này kiểm tra không khó, nhưng Chính phủ có dám làm, dám xử lý không vẫn còn đang bỏ ngỏ. Tuy nhiên, nếu khả năng này xảy ra thì sự tàn phá rừng đầu nguồn, kết hợp với đào bới quặng sẽ là hai tác nhân gây ra thảm họa lũ bùn đất như đã từng xảy ra ở sơn La, Lào Cai, Tuyên Quang, Cao Bằng mà hơn 10 năm trước tôi đã từng đến tận nơi điều ta, nghiên cứu và cảnh báo.

Vũ Ngọc Tiến.

Ingen kommentarer: