Từ một bác sĩ quân y, theo vận nước, trở thành một người tù lao động khổ sai, làm y tá trong trại giam, rồi vượt biển, trở thành bác sĩ dạy tại một đại học khá nổi tiếng. Ðại Học Cornell của Hoa Kỳ, Bác Sĩ Nguyễn Công Trứ đã sống rất âm thầm, âm thầm phục vụ mục đích cao cả của một người y sĩ, nguyện trung thành với lời thề Hippocrates.
Sau nhiều sự khuyến khích, đến thúc giục của một số bạn bè quý mến ông, cuốn hồi ký “Vượt Qua Gian Khổ” của ông, do nhà xuất bản Nam Việt vừa in xong, sẽ được ra mắt vào Tháng Bảy, tại phòng sinh hoạt VNCR, 14861 Moran St., Westminster, CA 92683.
Sự sụp đổ của miền Nam đưa tới sự tang thương chết chóc, cửa nhà tan nát, hàng triệu con người bị tù đày, biết bao con người chôn thân nơi biển cả. Một nửa đất nước chìm đắm trong nỗi đau buồn, tăm tối, thất vọng, hoài nghi, lo sợ.
Trong cả triệu người bị tù lao động khổ sai ấy, may có những người còn sống sót trở về , may hơn nữa đến được bến bờ tự do giống như hạt gạo trên sàng. Bác Sĩ Trứ là một trong những người này, nhưng hạt gạo Nguyễn Công Trứ không phải còn nằm trên sàng chỉ đơn giản là to hơn cái ô vuông ấy. Cao hơn thế nữa, xa hơn thế nữa, hạt gạo Nguyễn Công Trứ thật nhân cách, thật tròn trịa, thật mịn màng, sáng lóng lánh như một hạt kim cương nằm trộn lẫn với những hạt gạo trên sàng ấy. Hạt kim cương đó đã, đang và sẽ mãi mãi tỏa sáng bằng tấm lòng cống hiến cho tha nhân, mà tôi, kẻ viết bài này, cũng đã từng nhận lãnh.
Trong một bài viết về ông, cũng đăng trên nhật báo Người Việt ngày 11 Tháng Giêng, 2011, tôi đã viết về lòng từ tâm và độ lượng của ông trên cương vị của một người thầy thuốc trong trại tập trung “cải tạo” không hề phân biệt bệnh nhân là ai. Ngay cả một cô công an cộng sản đã nhiều phen đánh đập ông thật dã man, bắt ông đứng trần truồng giữa đất trời mà không vì lý do nào hết, ngoài lý do làm trò đùa cho cô ả!
Trong bài này tôi không nhắc lại những nghĩa cử cao đẹp ấy nữa, chỉ xin được giới thiệu khái quát về cuốn hồi ký “Vượt Qua Gian Khổ” của ông, còn việc tìm hiểu nhiều hơn thì mời quý vị, nhất là những cựu tù ở Kim Sơn (Bình Ðịnh) hãy tìm đọc cuốn hồi ký này.
Trong khoảng 200 trang sách gồm một số bài viết được hệ thống lại, kể cho chúng ta nghe cuộc đời của ông từ lúc mới lớn, thời học sinh, sinh viên, thời làm bác sĩ, rồi tù đày, rồi vượt biên, thời gian sống trên đất Mỹ... cho đến hiện nay, Bác Sĩ Trứ đã hết sức chân thành viết xuống (ban đầu bằng tiếng Anh) những suy tư, những đau đớn ê chề trước biết bao gian lao đầy thử thách tử sinh. Bàng bạc khắp cuốn hồi ký này là lòng yêu thương, lòng tự trọng và đòi hỏi sư công bằng cho mọi người, tất cả đều thể hiện bằng lối văn bình thản, thành thật không có tính khoe khoang khiến cho người đọc càng có nhiều thiện cảm với tác giả.
Trong đoạn ông nói về những ngày cuối cùng của quân y viện Quy Nhơn, nơi mà chỉ còn một mình ông là bác sĩ cùng với vài y tá ở lại để phục vụ cho thương bệnh binh, sau khi chôn Ðại Tá Nguyễn Hữu Thông đã tự sát và 47 chiến sĩ của Sư Ðoàn 22 trong một nấm mồ ngay trước kỳ đài của quân y viện, rồi ông cũng tự sát như sau:
“Về đến doanh trại, tôi nghĩ cuộc đời tôi đã trọn vẹn, tôi đã làm tròn bổn phận và công việc của một người chiến sĩ phục vụ cho đồng bào, và tổ quốc, cho sự tự do và sinh tồn của đất nước. Tôi đã hứa với các anh em trong nấm mộ tập thể chờ tôi, và cho tôi một chỗ đứng trong anh em. Tối hôm đó, tôi tự tay truyền thuốc mê cho tôi để ngưng thở, và uống một lần 50 viên Chloroquine. Nhưng cuộc đời tôi đâu có dễ dàng buông xuôi được...”
Sau đó, ông được cứu sống, để tiếp tục chịu cảnh đọa đày. Muốn sống không được, muốn chết cũng không xong!
Một lần bộ đội gác cổng trại xét trong người ông, thấy có cây thánh giá của một vị linh mục từ trần trước mắt ông tặng lại, ông viết “...( họ) bắt tôi cởi áo và bỏ nón xuống, đứng thế nghiêm phơi nắng... nửa ngày trời dưới nắng hè gay gắt. Sau đó bộ đội gác cổng đem treo tôi trên cái cột cao của bót gác. Họ nguyền rủa tôi đến bây giờ mà vẫn còn tin tưởng vào Chúa với Phật (!)...”
Cuộc sống tù ngục dưới chế độ cộng sản đã đày đọa ông nhưng đã không khuất phục ý chí, lòng tự trọng, yêu sự công bằng và tự do của ông. May mắn đã ôm lấy người bác sĩ từ tâm này đem đến bờ biển Indonesia. Tại đây, ông đã cương quyết chối từ lên đất liền vì hải quân của Indonesia chỉ chịu đưa người còn sống vào bờ còn người chết thì vứt xuống biển. Cuối cùng, họ phải đồng ý đưa người chết trên tàu vô đảo để ông sẽ lên bờ. “Tôi nói với người thủy thủ nếu họ ném người chết này xuống biển tôi sẽ nhảy theo.”
Ôi một câu nói thật hùng hồn đầy tình thương và dũng cảm.
Nếu những ngày ở Việt Nam là những chặng đường lao khổ cho thể xác, thì những ngày định cư tại Mỹ là những thử thách khổ nhục cho tinh thần của ông. Với di chứng của bệnh Stress Syndrome (tuy đã chữa khỏi ở đảo), vốn tiếng Anh chưa khá, tiền bạc không có, ông đã đem toàn lực ra để tranh đấu. Cuối cùng, ông đã thắng sự cực khổ, sự kỳ thị, với cả gia đình và điều quan trọng nhất là ông đã thắng chính bản thân mình, để trở thành một bác sĩ giảng dạy về quang tuyến (clinical assistant professor in the Department of Radiology).
Bác Sĩ Nguyễn Công Trứ đã cất lời tuyên thệ, lời thề Hippocrates, và chúng tôi tin rằng ông thực hành lời thề ấy đã trọn vẹn. Và cũng tin chắc rằng ông đươc hưởng sự quý trọng của mọi người như phần cuối của lời thề:
“Nếu tôi làm trọn lời thề này và không có gì vi phạm tôi sẽ được hưởng một cuộc sống sung sướng và sẽ được hành nghề trong sự quý trọng mãi mãi của mọi người. Nếu tôi vi phạm lời thề này hay tôi tự phản bội, thì tôi sẽ phải chịu một số phận khổ sở ngược lại.”
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar