lørdag 2. august 2014

Lễ Tế Cờ Của Hồ Chí Minh


Trong các truyện Tàu, có một câu chuyện thật lý thú về lễ tế cờ như sau. Về cuối đời nhà Đường có một nhân vật giỏi võ nghệ tên là Hoàng Sào muốn dấy binh để dựng nghiệp lớn. Khi nhận được bảo kiếm của thiên đình trên trời do một vì tiên mang xuống, Hoàng Sào mới định ngày làm lễ khai đao và tế cờ.
 
Lúc đó Hoàng Sào tá túc trong một ngôi chùa cho nên hứa với vị lão tăng trụ trì là không giết ai trong chùa cả và bảo các người trong chùa hãy lẩn tránh đi nơi khác. Đến ngày khai đao, Hoàng Sào đến một nơi vắng vẻ, rút bảo kiếm và chém vào một cây cổ thụ.
 
Oái oăm thay, khi cây cổ thụ bị chém ngã thì Hoàng Sào chợt nhìn thấy vị lão tăng cũng bị chém theo cây! Thì ra, vì quá sợ nên vị lão tăng đã ẩn núp trong bọng của cây cổ thụ đó, và không cố tình và không nhẫn tâm mà Hoàng Sào đã chém chết người đã nuôi nấng bảo bọc mình. Hoàng Sào khóc mà than rằng:
“Bản tâm tôi không định giết, tại sao lại trốn vào đây, thật là số trời, không sao tránh khỏi.”
 
Đó là chuyện Lễ Tế Cờ trong truyện Tàu ngày xưa, Hoàng Sào chỉ chém vào cây cổ thụ mà thôi nhưng cũng phạm vào tội giết một nhân mạng. Còn chuyện Lễ Tế Cờ của Hồ Chí Minh ngày nay thì sao, xin mời quý bạn đọc tiếp.
 
Mấy ngàn năm sau, vào mùa Thu năm 1945 trên đất Việt, Hồ Chí Minh kéo đồng đảng từ hang Pác Bó ở Cao Bằng về Hà Nội và đọc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập ở vườn hoa Ba Đình nguyên văn như sau:
 
Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. (Lời nói bất hủ ấy đã ăn cắp từng chữ trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776 của nước Mỹ). Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do...

Trước quốc dân đồng bào thì Hồ Chí Minh tuyên đọc như vậy, nhưng thật ra ông đã nhận lịnh từ KGB của Đệ Tam Cộng Sản Quốc Tế, ngoài mặt mượn cớ đánh đuổi thực dân Pháp nhưng thực tâm chỉ để xây dựng Đảng Cộng Sản Việt Nam và phục vụ Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản của Stalin. Vì ác độc và vô cùng khát máu, giống như các bậc thầy Lenin, Stalin và Mao Trạch Đông, nên Hồ Chí Minh đã chỉ đạo một cuộc Lễ Tế Cờ khủng khiếp có một không hai trong lịch sử, sát hại không biết bao nhiêu người vô tội gây ra cảnh thây trôi đầy sông, xác vất khắp đồng.

Trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam, Lễ Tế Cờ của Hồ Chí Minh là tội ác diệt chủng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử và là Tội Ác Đầu Tiên Của Việt Cộng
. Hồ Chí Minh, ngay từ Mùa Thu Lịch Sử 1945, đã đạo diễn một cuộc mở màn rất xứng đáng cho Trận Chiến Tranh đánh Dân Tộc kéo dài 30 năm, gây ra năm, sáu triệu người chết, cả chục triệu người bị thương, và hơn một triệu người phải sống kiếp ly hương nơi xứ lạ quê người.
 
Tiếp theo sau đó biết bao nhiêu là tội ác: Đấu Tố trong Cải Cách Ruộng Đất gây hai, ba trăm ngàn người chết, vụ Nhân Văn Giai Phẩm, vụ án oan khuất Xét Lại Chống Đảng, vụ Đàn Áp ở Quỳnh Lưu khiến 1000 nông dân bị giết và 6000 bị đày biệt xứ, vụ Tàn Sát ở Huế hồi Tết Mậu Thân 4000 người bị đập đầu chôn sống, bắn vào dân chạy loạn gây tử thương mười mấy ngàn người trên Đại Lộ Kinh Hoàng trong Mùa Hè Đỏ Lửa, Pháo Kích vào trường học ở Cai Lậy, dùng đại liên bắn vào xe đò Sài Gòn-Lục Tỉnh để khủng bố mà thâu thuế.
 
Lá cờ máu của Hồ Chí Minh được tế bằng máu của biết bao nhiêu người dân vô tội như vậy, thực sự chỉ là lá cờ của Đảng Cộng Sản hung tàn khát máu, chớ không bao giờ xứng đáng là lá quốc kỳ chính thức của Dân Tộc Việt Nam, một Dân Tộc có truyền thuyết Một Mẹ Trăm Con vô cùng thân thương, một Dân Tộc vượt cao trên bậc thang văn hóa của nhân loại vì đã ưu ái dùng danh từ Đồng Bào để gọi những người dân trong cùng một nước. Nhưng than ôi! Chỉ trong những ngày tháng đầu tiên của cuộc khởi nghĩa chống Pháp mà Hồ Chí Minh đã giết không biết bao nhiêu người là đồng bào của mình như vậy, cho nên sau này có người gọi Hồ Chí Minh là người Nga gốc Việt, thật là đúng vô cùng và người Nga Hồ Chí Minh này đã quên mất gốc Việt của mình rồi mà lại còn đánh mất cả nhân tính nữa.
 
Thật đúng như vậy, bởi vì khi Hồ Chí Minh đã đi hết biển và trở về cố hương để “làm việc”, thì ông đã trở thành một Quốc Tế Ủy (Kominternchik), tức là một đảng viên ưu tú và trung kiên được đào luyện thấu đáo để cống hiến hoàn toàn cuộc đời mình phục vụ cho Quốc Tế Cộng Sản (Komintern).

Mỗi người Việt chúng ta, thắm nhuần tình tự dân tộc từ ngàn xưa, đều mang trong tâm những ý niệm nhân từ bác ái cứu nhân độ thế như: Cứu nhất nhân, đắc vạn phúc, hay Dầu xây chín đợt phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người, hoặc Bầu ơi, thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn... Phát động một sát trường kết liễu mạng sống hàng vạn người dân vô tội trong tay không một tấc sắt để tự vệ - theo kiểu Hồ Chí Minh - chỉ là sách lược vô nhân thất đức của kẻ giết người cướp của mở đường cho chế độ độc tài đảng trị tham tàn khát máu, chớ nào phải thượng sách cứu quốc của những bậc chí sĩ làm cách mạng chân chính thực thi công bằng xã hội và mang lại tự do hạnh phúc cho toàn dân.
 
Những nạn nhân về Lễ Tế Cờ của Hồ Chí Minh nhiều vô số, nhưng chúng tôi chỉ xin nêu ra đây những trường hợp điển hình đệ trình trước tòa án Lịch Sử để sau này Dân Tộc xét xử.

Lưỡi Hái Tử Thần Từ Hang Pác Bó Do Hồ Chí Minh Mang Về

Sử dụng chiêu bài Việt Gian, Cộng sản đã chém giết bừa bãi rất nhiều thường dân vô tội. Nhiều người đã bị chặt đầu, mổ bụng chỉ vì trong nhà có vài quyển sách giáo khoa bằng tiếng Pháp, hay quần áo có màu mè sặc sỡ, xanh, trắng, đỏ, vàng, v.v... Việt Minh Cộng Sản còn chụp cái mũ Việt gian lên đầu những kẻ có tư thù, hay những người yêu nước không cùng một đường lối cứu quốc với họ.

Xin kể chuyện một cô gái 8 tuổi ở Hà Nội tản cư về quê trong thời kỳ đầu của cuộc tiêu thổ kháng chiến chống Pháp, trong quyển hồi ký của Nguyễn Thị Ngọc Dung Phượng Vẫn Nở Bên Trời Hà Nội (trang 107):

“... làng So có nghề làm tương rất ngon, có lẽ vì không xa làng Cự Đà chăng? Món rau diếp xanh tươi chấm cà chua chưng với tương, hành, mỡ béo ngậy, ăn hoài không chán. Nhưng phải cẩn thận, tránh đừng mua rau xanh, cà chua đỏ, đậu trắng để trong rổ cùng một lúc. Mấy cán bộ ta sẽ gán cho cái tội Việt Gian mang cờ Pháp. Dù mầu xanh rau là xanh lá cây, xanh cờ Pháp là xanh dương. Những người bạn dân đó sẽ cho mấy mắng, mấy bạt tay. Mất công lắm! Vậy cũng còn nhẹ. Một buổi chúng tôi theo mẹ đi chợ trời họp dưới chân đê làng bên, bất thình lình máy bay Pháp tới quần bắn tứ tung. Mọi người kéo nhau chạy tán loạn vào ẩn núp dưới bãi vải. Khi máy bay bỏ đi, êm ắng trở lại, các cán bộ răng đen, mã tấu hung hăng xông tới bắt các thanh niên nam nữ Hà Nội tản cư mặc quần áo trắng. Họ bị đánh đập tàn nhẫn đến vỡ đầu, bể mặt, máu chảy đỏ áo quần và vu tội làm chỉ điểm cho máy bay Pháp tới bắn phá. Hôm đó chúng tôi cũng mặc quần áo trắng nhưng còn nhỏ và mẹ lanh trí kéo chúng tôi nhanh chân chạy tuốt luốt một đường không kịp thở nên thoát.”

Nhà họa sĩ và văn sĩ Tạ Tỵ, trong quyển hồi ký Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Đã Đi Qua Đời Tôi (trang 95), cũng thuật một câu chuyện khác về đề tài Việt Gian. Lúc đó là khoảng mấy tháng đầu của cuộc kháng chiến và Tạ Tỵ đang phụ trách lớp dạy vẽ cho các cán bộ Thông Tin Tuyên Truyền ở làng Phù Lưu Tranh. Xin mời các bạn đọc:

Sau 2 giờ dạy, được nghỉ 15 phút giải lao. Một học viên cho tôi biết, sáng nay, hồi 10 giờ, sẽ có cuộc xử bắn hai tên Việt gian ở khu đất trống gần chân núi:

-Thày có đi coi không?
Tôi trả lời dứt khoát:
-Không!

Nói cho đúng, tôi vốn không thích cảnh chém giết, nhất là tội Việt gian! Cái tội này nó mơ hồ lắm. Nếu xét trong người có chiếc gương nhỏ soi mặt, bị ghép ngay vào tội dùng gương làm ám hiệu cho phi cơ thả bom! Nếu ai mặc áo sơ-mi may bằng vải popeline trắng, mép vải có hai lằn xanh đỏ, cũng là Việt gian vì mang màu cờ của Pháp. Còn nhiều nữa, bất cứ thứ gì, anh du kích xã thấy lạ mắt đều là các vật liệu dùng để liên lạc, do thám cho địch!
Giờ giải lao vừa xong, các học viên vào chỗ ngồi, tôi chưa kịp giảng bài bỗng có những tiếng súng vọng lại. Thế là có hai mạng người đi sang thế giới khác. Kể từ giây phút đó, tư tưởng bị phân tán, tôi nói loạn xạ, mong cho chóng hết giờ để đi về. Sau khi dạy hết một khoá, tôi xin nghỉ, nại cớ bận sáng tác, sự thực trong tôi đã dấy lên niềm chán nản
”.

Trong quyển Trả Ta Sông Núi, tác giả Phạm Văn Liễu, thuộc thế hệ hào hùng tham dự trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn của VNQDĐ, tường thuật về tình hình ở miền Bắc như sau:

Suốt cuối tháng 8, đầu tháng 9-1945, những vụ ám sát, thủ tiêu, cắt cổ, mổ bụng, buộc đá thả sông (mò tôm) xảy ra như cơm bữa, từ thành thị tới thôn quê. Nạn nhân phần đông là những người có đôi chút tiếng tăm hay gia sản. Cán bộ Cộng sản chụp cho họ cái mũ “Việt Gian” để biện minh cho những vụ thảm sát vô nhân đạo này. Khi bị báo chí chất vấn về những vụ bắt bớ bừa bãi, Phó Chủ Tịch Mặt trận Việt Minh kiêm Bộ Trưởng Tuyên Truyền Trần Huy Liệu trâng tráo đáp: “Tất cả những người bị bắt giữ đều là những người có tội với quốc dân.” Những tội nhân này, theo báo chí Cộng sản, có cả những cựu đồng chí VNQDĐ của Trần Huy Liệu như Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Thế Nghiệp, ông bà Đào Chu Khải, các tu sĩ Phật Giáo và một số linh mục, thày giảng, trùm đạo Thiên Chúa Giáo.

Ngày 5-9-1945, Võ Nguyên Giáp còn nhân danh Bộ NộiVụ chính phủ cách mạng lâm thời đặt đảng Đại Việt và các tổ chức Thanh Niên không nằm trong Mặt Trận Việt Minh ra ngoài vòng pháp luật. Từ ngày này, các đội tự vệ, du kích địa phương đêm đêm gậy gộc, giáo mác, tăng cường bằng vài khẩu súng lục hay ngựa trời, kéo nhau đi bắt Việt Gian và gián điệp cho Tây. Tại miền Bắc, hàng trăm hàng ngàn người bị bắt, giết
…”

Những câu chuyện về Việt gian thật phổ biến trong thời kỳ đầu cuộc kháng chiến. Sau đây là những chuyện kể của Nghiêm Kế Tổ trong quyển Việt Nam Máu Lửa (trang 128) với đầy đủ chi tiết hơn.

Số dân tản cư ngày mỗi nhiều. Quân đội Pháp càng ngày càng mở rộng mặt trận. Những người tản cư cũ lại xê dịch đi chút nữa và những người tản cư mới bắt đầu rời bỏ quê hương, cứ như thế mãi. Dân chúng với cuộc đời vô định đã làm mồi dần cho muỗi độc, cho lam sơn chướng khí, cho bom đạn, cho các trận càn quét...

Những bà đài các ở thành thị vui vẻ khi đặt quang gánh lên vai kĩu kịt thúng xôi chè hay trầm tĩnh bên gia tài chỉ còn vẻn vẹn một quán nước con con. Nhưng, tất cả sản nghiệp mất đi, chưa đủ, ngày ngày giơ đầu hứng bom và đạn, chưa đủ, ngày ngày lên cơn sốt rét, chưa đủ, người dân còn phải hứng một điều đau khổ về tinh thần trên sức chịu đựng: những vụ bắt bớ liên tiếp với lời sỉ vả Việt gian
.

Nếu quân đội Pháp có bắt được dân tưởng lầm là Việt Minh mà giết đi chăng nữa, sự chết đó cũng không đau lòng lắm bằng theo Chánh Phủ mà Chánh Phủ lại xử bắn vì tội…Việt gian. Thật là cay đắng, mỉa mai và chua xót!

Những người bắt Việt gian thường khi chẳng phải là Công an mà cũng chỉ là dân như những người tản cư. Đấy là những dân quê giữ nhiệm vụ canh gác làng mạc và nếu mặt trận tràn tới, họ cũng sẽ lại tản cư để rồi cũng có thể bị những người dân vùng khác tình nghi và bắt bớ. Những cớ để bắt trên bước đường tản cư vô định của dân chúng thật là thiên hình vạn trạng:

Cô tiểu thư vô tình cầm gương soi trong khi có tiếng động cơ máy bay tận phía chơn trời: đúng là Việt gian báo hiệu cho không quân Pháp đến bắn phá. Một cái mũ trắng đội trên đầu, một chiếc nón phe phẩy cho mát trên cánh đồng mênh mông, thậm chí một kẻ ngồi đại tiện trên góc quả đồi trơ trọi cũng bị nghi là Việt gian báo hiệu cho địch. Rồi một vài nén hương châm cắm vô tình trên phần mộ, rồi tờ giấy bạc của bao thuốc lá thơm ném bâng quơ trên bãi cỏ; Việt gian, Việt gian tất… Một học sinh mang theo trong người chiếc bút chì nhiều mầu hay một cụ già mặc chiếc áo sa tanh cũ trong có mép vải viền tam tài: đấy là cờ của Pháp, đấy là dấu hiệu để Việt gian nhận nhau cho dễ.

Kinh hoàng của người dân trước việc bắt bớ vì lý do Việt gian lên đến tột bực. Hơn thế nữa, người dân còn luôn luôn bị hoảng hốt, tưởng tượng xung quanh mình ai cũng có thể là Việt gian, có thể bất cứ lúc nào máy bay Pháp cũng nhờ được Việt gian chỉ dẫn bắn phá nơi mình cư ngụ.

Số nạn nhân Việt gian lên đến hàng ngàn, hàng vạn. Giam cầm, đầy ải hoặc thủ tiêu? Chẳng ai biết, chẳng ai hay. Được thế, dân quân du kích, Công an hay Ủy ban kháng chiến cứ việc bắt bớ thẳng tay, không thương tiếc”.
 
Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản của ông đã biến cuộc Cách Mạng Mùa Thu hào hùng của dân tộc thành Cơn Bão Mùa Thu khốc liệt quét phủ màn tang tóc lên khắp dải non sông thân yêu.
 
Một nhân chứng khác là tác giả Vũ Trọng Kỳ trong quyển Bốn Đời Chạy Giặc đã phải bỏ nghề Kiểm lâm để mua một thuyền nan nhỏ buôn bán một ít đồ hàng trên sông ở khoản Đò Lèn và đã chứng kiến (trang 187 sđd):
 
“Bồng bềnh trên mặt nước, tâm thần tôi luôn luôn hồi hộp vì thấy mạng con người buổi loạn ly như treo trên sợi tóc. Hàng ngày thấy những tử thi, đàn ông, đàn bà, con trẻ, nhiều cái không toàn thân, lõa lồ, mất đầu, hay cụt cẳng, có cái chân tay bị trói, hết thẩy chương, sình, nổi lều bều, theo giòng nước cuốn, hoặc bị mắc vào đám bèo đám rong, quang cảnh thật hãi hùng”.

Vụ Sát Hại Hòa Thượng Thích Đức Hải
 
Đúng ngay ngày 19-8-1945 Hồ Chí Minh cướp chính quyền ở Hà Nội, thì ở Hà Đông sư phụ của Thầy Thích Quảng Độ là Hòa thượng Thích Đức Hải bị xử tử.

Ngày 19-8-1945, vào lúc 10 giờ sáng, Hòa thượng Thích Đức Hải, trụ trì tại chùa Linh Quang, xã Thanh Sam, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông đã bị đánh đập dã man trước khi bị hành quyết tại bãi cỏ trước đình làng Bặt thuộc phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, cách chùa của hòa thượng hai cây số. Trong bức thư gởi cho tổng bí thư Đỗ Mười ngày 19-8-1994, hòa thượng Thích Quảng Độ tường thuật như sau:

Nhưng dù có bị giết chăng nữa thì tôi cũng nói lên niềm tin vững chắc của tôi là chủ nghĩa cộng sản sẽ không tồn tại lâu dài. Không phải bây giờ tôi mới có niềm tin ấy, mà nó đã nảy sinh trong tôi ngay từ lúc 10 giờ sáng ngày 19-8-1945 (hồi đó tôi 18 tuổi) khi tôi nhìn sư phụ tôi, hai tay bị trói bằng dây kẽm quặt về phía sau, cổ đeo hai tấm biển viết mấy chữ Việt gian bán nước, một tấm trước ngực một tấm sau lưng đứng giữa sân đình làng Bặt, hai bên một đoàn người tay cầm gậy gộc giáo mác, cu liêm bồ cào đứng canh gác. Một nhóm người mệnh danh là quan tòa của Tòa án nhân dân đứng trên thềm đình để xử án. Họ bắt sư phụ tôi quì xuống sân đình và cúi đầu nghe tòa luận tội. Nhưng sư phụ tôi đã không chịu làm thế.
 
Một người từ trên thềm đình bước xuống đứng trước mặt sư phụ tôi, nói: “ Mày là thằng Việt gian bán nước mà còn ngoan cố à?” Nói xong, họ đấm vào quay hàm thầy tôi mấy cái, một dòng máu từ trong miệng sư phụ tôi ứa ra, chảy theo cằm nhỏ xuống thấm đỏ tấm biển Việt gian bán nước ở trước ngực. Lập tức họ tuyên án tử hình rồi đưa sư phụ tôi ra trước bãi cỏ trước đình, máu từ miệng sư phụ tôi tiếp tục chảy ra, thấm vạt áo dài, nhỏ xuống sân đình. Khi đến bãi cỏ, họ vật sư phụ tôi nằm nghiêng xuống rồi một người bắn vào màng tai sư phụ tôi ba phát súng lục, lại một dòng máu đỏ tươi phun lên thẳng tắp và sư phụ tôi chết liền tại chỗ. Dòng máu ấy với hình ảnh sư phụ tôi hai tay bị trói nằm chết trên bãi cỏ máu me đầy mặt, hai tấm biển Việt gian bán nước thấm máu, vạt áo thấm máu, hai bàn chân thấm máu, máu vương trên bãi cỏ, chỗ nào cũng thấy máu. Tất cả những hình ảnh ấy đến nay đã 49 năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ như in và tưởng chừng như mới hôm nào đó thôi. Thật là một cơn ác mộng.

Trong cơn đau đớn tột cùng và hai hàng nước mắt tuôn chảy, ngay từ giờ phút ấy, ngồi trên bãi cỏ nhìn xác sư phụ tôi, tôi đã nghĩ cộng sản sẽ không tồn tại lâu dài, lí do: cộng sản chủ trương căm thù đấu tranh giai cấp, đánh và giết người như thế là ác quá, mà cái ác thì thường không bền, lịch sử đã chứng minh điều đó. Bởi lẽ, tâm lí người ta nói chung, tuyệt đại đa số đều yêu cái thiện ghét cái ác, mà cái người ta đã ghét thì khó tồn tại lâu được. Bảy mươi bốn năm tồn tại (1917-1991) của chế độ cộng sản Liên sô không phải là một thời gian lâu dài nếu so với 215 năm tồn tại của triều đại nhà Lí tại Việt Nam mà, theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn, là một triều đại thuần từ nhất trong lịch sử Việt Nam
.”

Bức thư hòa thượng Thích Quảng Độ viết ngày 19-8-1994 gởi cho tổng bí thư Đỗ Mười là một bức thư lịch sử quan trọng vô cùng, bởi vì đúng vào ngày 19 tháng tám 49 năm trước, tức là ngày 19-8-1945, máu vị chân tu Thích Đức Hải đã chảy thấm tấm biển Việt gian bán nước, để khởi đầu cho cơn Pháp Nạn do Cộng Sản vô thần gây ra. Trong bức thư lịch sử đó, hòa thượng Thích Quảng Độ cũng tố cáo Cộng sản đã sát hại vị sư bá và sư tổ của mình.

Vị sư bá của hoà thượng Thích Quảng Độ (tức là đạo huynh của hòa thượng Thích Đức Hải) là hòa thượng Thích Đại Hải. Ngài trụ trì chùa Pháp Vân (chùa Dâu) thuộc tỉnh Bắc Ninh, cũng đã bị Cộng Sản bắt vào năm 1946 và sau đó đã chết vì bị kết tội là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Vị sư tổ của hòa thượng Thích Quảng Độ pháp huý là Thích Thanh Quyết trụ trì chùa Trà Lũ Trung, phủ Xuân Trường tỉnh Nam Định. Năm 1954, Cộng Sản vào chùa bảo ngài có tội dùng tôn giáo chính là thuốc phiện đẻ ru ngủ nhân dân và sẽ bị qui định thành phần đưa ra đấu tố. Ngài quá sợ bèn thắt cổ chết để khỏi bị mang ra đấu tố.
 
Vụ Sát Hại Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Huân, và Phạm Quỳnh

Ở miền Trung, chỉ 4 ngày sau khi Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập, lần này Việt cộng xử dụng thủ đoạn mời các nạn nhân đi họp rồi âm thầm thủ tiêu bằng cách lấy xẻng cuốc đập chết và vùi chôn xác ở một vùng của rừng Hắc thú thuộc tỉnh Quảng Trị.

Viết về vụ sát nhân dã man này, chúng ta không khỏi không nhắc đến tên hai người khá nổi tiếng trong lịch sử cận đại có ít nhiều liên quan với trường Quốc Học Huế, người thứ nhất là Ngô Đình Khả và người thứ hai là Nguyễn Kim Thành. Cụ Ngô Đình Khả chủ trương khai dân trí bằng cách mở mang và đại chúng hóa nền giáo dục theo đường hướng kết hợp hai nền văn hóa Đông Tây. Cụ đã trở thành người rất tâm đắc của vua Thành Thái. Khi mới lên ngôi, nhà vua chỉ mới 10 tuổi, nhưng rất thông minh và giàu lòng yêu nước. Khi vua Thành Thái đúng 18 tuổi (năm 1896) được tự quyết định việc triều chính, ngài đã triệu dụng và giao phó cho cụ Ngô Đình Khả trách nhiệm tổ chức và điều hành một cơ sở Giáo dục cấp Quốc gia đúng theo đường lối và chủ trương của cụ. Trường Quốc Học Huế được thành lập từ đấy và cụ đã trở thành vị Chưởng Giáo (tức là hiệu trưởng) đầu tiên của trường. Sau này, khi dựng bia kỷ niệm trường, giáo sư Tôn Thất Sa có bài thơ ghi ở bia như sau:
 
Trường Quốc Học ấy ai xây dựng
Sáu mươi năm đứng vững giữa trời
Đế Kinh nhắc nhở tên người
Cụ Ngô Đình Khả muôn đời tiếng thơm
 
Người thứ hai trong vụ án mạng giết người này là Nguyễn Kim Thành, học sinh trường Quốc Học vào thập niên 30. Tên thì rất xa lạ, nhưng biệt hiệu Tố Hữu thì không ai là không biết. Vào thời gian đó, Tố Hữu giữ chức Trưởng ban Cách Mạng ở Huế, và chính Tố Hữu đã nhận lịnh thủ tiêu ba nạn nhân này. Khi cụ Ngô Đình Khả giúp nhà vua ái quốc Thành Thái thiết lập ngôi trường đầu tiên theo Tây học để nâng cao dân trí hầu theo kịp các nước Âu châu, và chính cụ đã có công điều hành trường trong hai năm đầu, theo Tình Tự Dân Tộc Việt, cụ những tưởng mình đã vun trồng cây đức để lại cho con cháu đời sau. Nhưng oan nghiệt thay! năm mươi năm sau, chính Tố Hữu, người học sinh thụ nhận nền học vấn của trường, đã ra lịnh hạ sát dã man Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Huân là con và cháu của người đã sáng lập ra trường! Trong lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam, nếu Hồ Chí Minh mang tội giết vợ, Trường Chinh mang tội giết cha, thì Tố Hữu tránh sao khỏi tội hại thầy? Một phường phản tặc!

Về cụ Ngô Đình Khôi, tác giả Nguyễn Trân trong quyển Công Và Tội đã ghi vài hàng như sau (trang 29):
 
Sau khi Nhựt đảo chánh, cụ Ngô Đình Khôi đã có nhiều buổi họp với một số nhân vật đế đô bàn định cách đối phó với tình hình mới. Tôi có dự mấy buổi họp ấy tại Gia Hội. Trong các người họp tôi còn nhớ có Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Kim Chi, Bác sĩ Thái Can và một số người nữa mà tôi không nhớ tên. Cụ Khôi được đề nghị đứng ra lập Chính phủ, nhưng cụ từ chối, nói cụ chỉ là một người của quan trường lại bị cách chức (vì chống Pháp). Cụ nói ông Ngô Đình Diệm là người cách mạng, đã nghiên cứu nhiều, có thể đảm đương trọng trách ấy.”

Lúc đó, Ngô Đình Huân là một thanh niên ưu thời mẫn thế đang tìm phương cách để giúp nước. Trong quyển Nhà Cách Mạng Tạ Thu Thâu, tác giả Phương Lan đã ghi lại rằng Tạ Thu Thâu trên đường từ Nam ra Bắc có dừng chân ở Huế và có bàn luận việc nước với Ngô Đình Huân. Chính nữ sĩ Song Thu đã tổ chức buổi hội ngộ này và bảo với Tạ Thu Thâu rằng Ngô Đình Huân là một người rất tế nhị trong cách xã giao, có tấm lòng ngưỡng mộ ông, đang thao thức về phong trào nhân dân hiện tại cũng như ở tương lai và muốn bàn luận để tìm thế cứu nước. Hai người đã gặp nhau trong bữa cơm chiều thân mật do Ngô Đình Huân khoản đãi trong nhà một người thân ở An Cựu. Hai người yêu nước, Tạ Thu Thâu xuất thân là con một người thợ mộc nghèo khó ở tỉnh Long Xuyên và Ngô Đình Huân là ấm tử của một danh gia vọng tộc nhất nhì ở chốn cố đô Huế, hai người ưu tư vì vận nước, đã tìm nhau để bàn cách thế cứu nước trong cuộc họp mặt lịch sử đó. Thật là một kỳ ngộ. Nhưng than ôi! chẳng bao lâu sau, cả hai đều bị Cộng Sản sát hại. Bây giờ, khi viết những dòng chữ này, người viết vẫn ngậm ngùi khôn tả, khôn ngăn dòng tâm lệ thương tiếc những người yêu nước yểu mệnh vì bị Cộng Sản sát hại, và lại khóc cho vận nước điêu linh. Với lòng thương cảm vô vàn khi ngoảnh nhìn lại lịch sử, người viết mơ tưởng với đầy hy vọng một Đại Kỳ Ngộ trong tương lai trên đất Việt của triệu triệu thanh niên Việt yêu nước, một Đại Kỳ Ngộ hướng tâm về cuộc Kỳ Ngộ Đầu Tiên ở An Cựu năm 1945 trên quê hương thân yêu lúc không còn bóng dáng của những Tam Cùng Tam Vô Bác Hồ Vĩ Đại Kominternchik.

Sáng Đảng nhưng mù Tình Dân Tộc, Hồ Chí Minh và đồng bọn đã phạm vô vàn tội ác đối với Dân Tộc.
 
Nào phải đến thập niên 50 Việt Minh Cộng Sản mới thi hành chánh sách Trí Phú Địa Hào Đào Tận Gốc Trốc Tận Rễ đâu, mà ngay từ những ngày đầu tiên của năm 1945, khi quân đội Pháp chưa trở lại Việt Nam, thì chúng đã bắt đầu sát nhân hàng loạt để loại trừ địch thủ rồi, và chính Hồ Chí Minh, lúc còn mang tên Nguyễn Ái Quốc đã học sách lược này từ Stalin hồi năm 1925 và được Đệ Tam Quốc Tế tuyển chọn, đào tạo, và ủy nhiệm trong chức vụ Kominternchik rồi!

Trường hợp nhà đại học giả Phạm Quỳnh là một trường hợp đặc biệt vô cùng vì Cộng Sản đã sát hại ông và sau đó vì nhu cầu sống còn của đảng, họ còn bôi bẩn thanh danh ông và gạt bỏ công trình lớn lao của ông trong văn học. Trong Tuyển Tập Giải Oan Lập Một Đàn Tràng, có bài của sử gia Trần Gia Phụng (trang 320):
 
Giết xong Phạm Quỳnh, cộng sản tính việc huỷ diệt luôn hình ảnh sáng chói nhà học giả Phạm Quỳnh. Cộng sản liền quy chụp cho Phạm Quỳnh tội phản quốc, làm tay sai cho Pháp. Gần 40 năm sau, trong từ điển văn học, gồm 2 tập, mỗi tập trên 600 trang, gồm nhiều người viết, do Ủy Ban Khoa Học Xã Hội xuất bản tại Hà Nội, vẫn không có mục Phạm Quỳnh. Khi viết về các nhóm văn hóa, sách này không thể loại nhóm Nam Phong vì nhóm này có khá nhiều tác giả nổi tiếng. Nói đến nhóm Nam Phong, trang 121-123, tập 2, tác giả Nguyễn Phương Chi trong ban biên tập từ điển, vẫn gọi Phạm Quỳnh là bồi bút, phản động. Hơn thế nữa, năm 1997, trong Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam, do nhà xuất bản Văn Hoá Hà Nội ấn hành, Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế biên tập, mục Phạm Quỳnh trang 578-579, hai tác giả này viết: “Hoạn lộ của ông [chỉ Phạm Quỳnh] lên nhanh như diều gặp gió vì gắn bó mật thiết với các quan thầy thực dân... Ngày 23-8-1945, Phạm bị các lực lương yêu nước bắt ở Huế, rồi sau đó bị xử bắn ở làng Hiền Sĩ, tỉnh Thừa Thiên, hưởng thọ 53 tuổi”.

Đó là những học giả văn nô trong nước viết theo lịnh đảng để ngụy tạo lịch sử, sự thật thì Phạm Quỳnh không bị xử bắn ở làng Hiền Sĩ mà bị đập vở sọ bằng xẻng cuốc và chôn ở rừng Hắc Thú. Ở quốc ngoại, đảng cũng không tha Phạm Quỳnh nên đạo diễn cho tạp chí Đi Tới ở Canada ra số đặc biệt (tháng 9/1999) về chủ đề Phạm Quỳnh Văn Hào Và Chánh Trị: Công Hay Tội. Lập lờ đánh lận con đen như bản tính của Cộng Sản, tạp chí Đi Tới cho đăng 4 bài mà hết 3 bài của 3 tác giả thân cộng (giáo sư văn khoa Nguyễn Văn Trung, tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Tuấn và giáo sư sư phạm Nam Giao) cùng đứng chung ở vị trí đối kháng Phạm Quỳnh. Điểm đáng ghi nhận, là toà soạn đã tỏ thái độ trung dung tối thiểu đem đăng kèm bài báo của nhà văn Nhuệ Hồng (tức luật sư Nguyễn Hữu Thống) dành sự tán thưởng cho công trình văn hoá ngày xưa của nhà học giả Phạm Quỳnh.

Để có một sử quan trung thực về học giả Phạm Quỳnh, xin có Câu Chuyện Về Trang Giấy Trắng (của Hồ Chí Minh và của Phạm Quỳnh). Trong quyển hồi ký Hoa Xuyên Tuyết của Bùi Tín viết với bút hiệu là Thành Tín và xuất bản ở Paris, mùa thu 1991, tác giả Bùi Tín viết về “trang giấy trắng của Hồ Chí Minh” bằng dòng chữ : Gần như trên một trang giấy trắng, chúng ta đã đổ lên một lọ mực tầu đen và ngộ nhận đó là ánh sáng!” Cách ví von của Bùi Tín thật lý thú. Trang giấy trắng là Dân Tộc, lọ mực tầu là Tư Tưởng Mao Trạch Đông cùng những sách lược tẩy não, chỉnh huấn, cải cách ruộng đất tai hại tàn phá đất nước. Đổ cả lọ mực tầu lên trang giấy trắng thì còn gì là giấy! Mà ai đã làm đổ? Vào năm 1991 Bùi Tín viết là “chúng ta”, nhưng bây giờ chúng ta biết Thủ Phạm làm đổ mực là người đã phát biểu câu “Ai đó thì có thể sai, chứ Stalin và Mao Trạch Đông thì không thể nào sai được”. Chính là Bác Hồ vĩ đại đó! Bác đã làm đổ mực!

Trang giấy trắng của Hồ Chí Minh đã đen màu mực Tầu như vậy hẳn là phải bị vất bỏ vào sọt rác! Còn trang giấy của học giả Phạm Quỳnh thì sao, xin mời quý bạn đọc tiếp (trích bài Trường Hợp Phạm Quỳnh của sử gia Trần Gia Phụng trong Tuyển tập Giải Oan Lập Một Đàn Tràng, trang 304):
 
Dân Việt Nam chúng tôi không thể ví như một trang giấy trắng được đâu. Chúng tôi là một quyển sách đầy chữ viết một thứ mực không phai. Quyển sách cổ ấy có thể đóng theo kiểu mới cho hợp thời trang nhưng không thể đem một thứ chữ ngoài in lên những dòng chữ cũ được…”.
Vào thời điểm đó, Phạm Quỳnh là một nhà báo trẻ tuổi ngoài 30, đúng ra ông đang là chủ bút tạp chí Nam Phong, được tháp tùng phái đoàn vua Khải Định sang Pháp, và được mời diễn thuyết ở Hàn Lâm Viện Pháp quốc ở Paris. Trước các nhà trí thức hàng đầu của Pháp quốc, học giả Phạm Quỳnh nói lên rằng Pháp quốc có thể đem “cái học thuật cao thượng đời nay” phổ biến chớ không thể nào huỷ diệt được truyền thống văn hóa của Dân Tộc.

Trích từ quyển Hồi Ký Nguyễn Xuân Chữ

Trong 5 vị thành lập Ủy Ban Kiến Quốc ủng hộ Kỳ Ngoại Hầu Cường ĐểNgô Đình Diệm, Nguyễn Xuân Chữ, Vũ Văn An, Vũ Đình DyLê Toàn (Ngô Đình Diệm làm lãnh tụ, bác sĩ Chữ làm phó) thì có 2 vị đã bị Cộng Sản sát hại: Vũ Đình Dy bị Cộng Sản xử tử năm 1945 và qua năm sau 1946, Vũ Văn An cũng bị xử tử trong điều kiện tương tự (trang 18).
 
Hai lãnh tụ quan trọng Quốc Dân Đảng là Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Thế Nghiệp mà Bác Sĩ Chữ có được gặp mấy lần trong thời gian trước ngày Việt Minh đảo chính, đều bị cắt tiết ở Trèm Vẽ, xác trôi sông. Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ cũng tường thuật cách giết người của Hồ Chí Minh vào thời gian đó như sau (trang 303 sđd):
 
Thời kỳ đầu, Việt Minh cầm chính quyền, cán bộ còn thiếu súng đạn. Chôn sống, cắt tiết, đành là những triệu chứng căm thù, cũng còn là những phương pháp tiết kiệm đạn. Ở đây, cắt tiết còn thêm moi gan trong những trường hợp giết vì thù cá nhân. Lại còn một thủ đoạn nữa, tàn nhẫn bội phần, là lấy búa bổ lên đầu người, như đồ tể bổ vào đầu thú vật.”

Những Vụ Sát Nhân Ở Miền Trung Do Tác Giả Nguyễn Trân Ghi Chép

Một nhân chứng khác là cụ Nguyễn Trân, trong tác phẩm Công Và Tội, đã kể lại chuyện hành quyết người chết và khủng bố tinh thần người sống như sau:

Chỉ tiếng trống ngũ liên đánh từ sáng sớm đến tối đen trước cổng nhà giam cũng đủ làm đứng tim, trong lúc ba người bị đưa ra giết hai còn một trở vào kể chuyện cho nghe: một cụ già đầu bạc trắng phơ bị chém, đầu rơi xuống nhuộm máu đỏ; một anh Cao Đài không cho cột tay chân mà ngồi vòng tay để cho chém, bảo giết được thể xác anh chớ không giết được linh hồn anh! Một gương anh hùng, lẫm liệt!

Các địa chủ phú nông bị giết một cách thê thảm. Dã man nhất là khi chồng bị giết, vợ phải đưa tay lên hoan nghênh, cũng như con khi cha bị giết. Có người bị bắt nhốt trong cũi heo để dân chúng dưới sự kích thích hay hiệu lệnh của cán bộ Việt Minh dùng lao cao vót nhọn (chớ không phải gươm giáo) mà đâm cho chết, có người bị chôn vùi mà chưa chết lên tiếng cầu xin: Tôi chưa chết xin giết tôi đã. Đó cũng là số phận được dành cho những kỳ hào hay những người có uy tín mà Việt Minh sợ dân chúng nghe theo hay những người Việt Minh nghi ngờ có thể chống lại chúng. Đàn bà con gái phải cắt cụt tóc khi nghe lệnh truyền cấp tốc mà hiểu lầm là cắt tóc.”

Ở trong Nam, nhà văn Xuân Vũ cũng tường thuật một vụ hiểu lầm vì bản văn của quận gởi xuống làng không bỏ dấu nên đã gây ra nhiều cái chết oan ức của người dân. Trong quyển hồi ký Đường Đi Không Đến, nhà văn viết như sau:
 
Hồi kháng chiến ở làng tôi có một vụ động trời. Công văn đánh máy không có dấu. Vì trên quận muốn những cuộc bắt bớ xảy ra ban ngày để dân chúng khỏi sợ sệt nên dặn kỷ là - có bắt ai thì chỉ bắt ban ngày nhưng vì máy không có dấu nên thành ra bat ban ngay. Rồi ở dưới xã đọc là bắt bắn ngay. Cho nên công an cứ bắt lôi ra khỏi cửa là bùm liền. Có đến cả chục vụ như vậy ở trên quận mới hay. Thì đã muộn rồi.”

Những Vụ Sát Nhân Do Giáo Sư Lê Xuân Khoa Ghi Chép

Cũng ở miền Nam, công cuộc giết người yêu nước và dân lành vô tội trong Lễ Tế Cờ của Hồ Chí Minh thật vô cùng khủng khiếp như lời ghi chép của Giáo Sư Lê Xuân Khoa như sau trong quyển Việt Nam 1945-1995 (trang 69):

Tại miền Nam, chiến dịch diệt trừ đối lập cũng được thi hành song song với miền Bắc ngay từ sau Cách Mạng Tháng Tám 1945. Những thủ lãnh Đệ Tứ Quốc Tế như Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Lương Đức Thiệp, Phan Văn Chánh, Trần Văn Thạch đều bị thủ tiêu. Nhiều lãnh tụ chính trị không cộng sản của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất (thành lập ngày 14 tháng Tám) như Hồ Văn Ngà, Huỳnh Văn Phương, Dương Văn Giáo, và hai vợ chồng bác sĩ Hồ Vĩnh Ký cũng bị giết, mặc dù đã kết hợp với Việt Minh để lập thành Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ (4 tháng Chín). Bùi Quang Chiêu, lãnh tụ đảng Lập Hiến, năm đó đã 72 tuổi và không còn hoạt động chính trị, bị bắt cùng bốn người con trai đem đi thủ tiêu, đứa con út chỉ mới 16 tuổi. Cuộc truy lùng và diệt trừ đối lập ở miền Nam còn tiếp tục sau khi các lực lượng đảng phái quốc gia ở miền Bắc đã bị quyét sạch. Đáng kể nhất là các vụ tàn sát các chức sắc, tín đồ và binh sĩ của đạo Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo. Theo tài liệu của hai tôn giáo này, tổng số người bị giết lên đến hai chục ngàn người. Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ bị bắt cóc và thủ tiêu năm 1947. Phối sư Thượng Vinh Quang Trần Quang Vinh Tổng Tư Lệnh quân đội Cao Đài, bị bắt tháng Mười 1945 nhưng trốn thoát tháng Giêng 1946, sau đó tham gia vào chính phủ Nguyễn Văn Xuân (1948), Ngô Đình Diệm (1954) và Thượng Hội Đồng Quốc Gia (1965). Theo tin tức của thân nhân tị nạn ở Hoa Kỳ, Phối Sư Trần Quang Vinh bị chính quyền cộng sản bắt và xử tử vào tháng Chín 1975.”

Ở Huế: Đụng Đâu Bắt Đó, Hai Hàng Lụy Rơi

Những vụ khủng bố, bắt bớ, và thủ tiêu ở Huế được Nguyễn Minh Cần trả lời hãng thông Tấn VNN do Võ Triều Sơn phỏng vấn như sau:
 
Quả là sau cuộc khởi nghĩa, ở Huế và Thừa Thiên đã xảy ra một số vụ khủng bố của Việt Minh. Nói chung, người ta giấu rất kín các vụ này... Các vụ bắt bớ đều rất bí mật, ít ai được biết, nhưng chắc cũng đã gây ra bầu không khí hoảng sợ trong dân chúng. Tôi suy luận như thế, vì hồi năm 1946 tình cờ chính tôi cũng có nghe câu vè truyền khẩu ở Huế, đại loại như:
…Xe xanh, cờ đỏ, sao vàng
Đụng đâu bắt đó, hai hàng luỵ rơi…
Hồi đó, xe của công an Trung bộ sơn màu xanh có cắm cờ đỏ sao vàng, đối với dân chúng Huế, là biểu tượng không mấy hiền lành
.”

Nạn Nhân: Một Anh Tài Trong Hoàng Tộc

Trong quyển tạp bút Một Thời Hoàng Tộc của tác giả Bảo Thái, ông có thuật vụ một Mệ trong hoàng tộc là nạn nhân của Lễ Tế Cờ như sau (trang 70):
 
Mệ Bửu Tuyển là em hàng thúc bá với nội tổ của tôi, cũng là con cháu thuộc Phủ Vĩnh Tường. Là con nhà vệ sĩ, chính Mệ là người đứng ra thành lập hội Quyền Anh Thừa Thiên vào thập niên 1940. Môn đệ của Mệ có hàng trăm người trong đó có những người nổi tiếng như các võ sĩ Vĩnh Tiên, Thạch Mai, La Kim Thân, Trần Đình Thêm, Thạch Sơn, Mã Siêu Tử... Chính Mệ cũng là người mở trường dạy tiếng Nhật trước phong trào học tiếng Nhật lên cao ở Huế vào dạo ấy. Sau khi cướp chính quyền, Việt Minh bắt Mệ đi mất tích. Về sau này gia đình được biết Mệ đã bị chúng đem thủ tiêu tại Nghệ An.”

Lưỡi Hái Tử Thần Đi Qua Quảng Ngãi

Về Lễ Tế Cờ ở tỉnh Quảng Ngãi được tác giả Nguyễn Văn Thiệt thuật lại trong bài Tôi Thấy Tạ Thu Thâu Chết, đăng trong tuần báo Hồn Nước số 7 ngày 30-7 và số 8 ngày 7-8-1949. Bài viết này được tác giả Đặng Văn Long sưu tầm trong quyển Người Việt Ở Pháp 1940-1954 (trang 477):
 
Ai đi ngang Quảng Ngãi vào khoảng tháng 9 năm 1945, cũng biết đến không khí hãi hùng của cái thành phố tự cho mình có tinh thần cách mạng cao ấy. Các tín đồ Cao Đài, các nhà trí thức, các nhà phú hộ, các nhà cách mạng quốc gia, tất cả những hạng người ấy cùng với vợ, con, anh em họ được Việt Minh cẩn thận chém giết, chôn sống, thiêu cháy, mổ bụng v.v…mỗi ngày theo chính sách Tru di tam tộc để trừ hậu họa. Người chết nhiều đến nỗi độ ấy ở Hà Nội, tờ báo Gió Mới của Tổng Hội Sinh Viên, một tờ báo rất thiên Việt Minh đã phải lên tiếng rằng ở Quảng Ngãi, ngày ngày đầu người rụng như sung”.
 
Cũng trong bài Tôi Thấy Tạ Thu Thâu Chết, tác giả Nguyễn Văn Thiệt nói về cái chết của bạn anh tên Lê Xán như sau:

Anh Lê Xán, bạn tôi, một đồ đệ của cụ Phan Bội Châu, bị Pháp đày Lao Bảo vừa được thả ra thì bị Việt Minh Quảng Ngãi bắt lại và bị xử tử.”

Nguyễn Văn Thiệt cũng thuật chuyện ba người con trai của Tổng Đốc Nguyễn Hy bị bắt vì tội “trong thời kỳ cách mạng toàn dân mà trong nhà chứa đờn và bàì ca ủy mị”. Cả ba người đó đã bị xử tử một tuần lễ sau khi anh Thiệt đến.
 
Vì Sao Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu Từ Bỏ Kháng Chiến

Về tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, người thành lập Đệ Nhị Cộng Hòa năm 1965, thì 20 năm trước, tức năm 1945, ông cũng tham gia cao trào toàn dân kháng chiến chống Pháp, và vì có tài về quân sự, nên ông đã được đảm nhận chức Huyện Đội Trưởng. Nhưng sau đó, ông từ bỏ hàng ngũ kháng chiến bởi vì cán bộ Việt Minh đã ám sát những thành phần đối lập và triệt tiêu hội đồng bô lão trong làng của ông (trang103, quyển Cuộc Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ của Stephan B. Young, Nguyễn Vạn Hùng chuyển ngữ).
 
Vụ Sát Hại Tín Đồ Cao Đài Ở Quảng Nam Và Quảng Ngãi

Trích từ Bạch Thư Cao Đài Giáo do Giáo Hữu Ngọc Sách Thanh phổ biến ở California, Hoa kỳ, ngày 9-4-1999, các tín hữu Cao Đài ở những tỉnh phía nam Trung phần đã gánh chịu tai ách về Lễ Tế Cờ của Hồ Chí Minh như sau:

Trong suốt ba tuần lễ từ 19-8-1945, chỉ riêng trong phạm vi tỉnh Quảng Ngãi, đã có 2.791 Chức Sắc, Chức Việc và Tín Hữu Cao Đài đã bị những người Cộng Sản Việt Nam sát hại bằng đủ mọi cách, như chém đầu, chôn sống, thả biển, và cả hình thức tùng xẻo như thời trung cổ. Trong đó có các vị Chức Sắc cao cấp như Đức Liễu Tâm Chơn Huỳnh Ngọc Trác, Giáo Sư Lê Đức, Giáo Sư Ngọc Thành Thanh, các Giáo Hữu Nguyễn Trân, Lê Đường, Lê Quang Viện, Nguyễn Sử, Nguyễn Kỉnh, Bùi Phụng, Nguyễn Thống, Trần Lương Hiếu, v.vân…Giáo Sư Nguyễn Hồng Phong cùng năm nhân sĩ khác bị giết tại Làng Bầu, Quảng Nam.

Việc sát hại tập thể người Cao Đài này vì lẽ họ không chối bỏ đức tin Thượng Đế, Tự Do Tôn Giáo và Nhân Quyền. Đây là lệnh của Hồ Chí Minh ban ra cho Nguyễn Chánh, Phạm Văn Đồng thi hành sự chém giết tại Quảng Ngãi; còn Hồ Nghinh, Hoàng Minh Thắng thi hành tại Quảng Nam, Đà Nẵng. Hơn thế nữa, họ còn tiêu diệt chôn sống nhà trí thức nổi tiếng Tạ Thu Thâu, quý Nhân Sĩ chân chánh quốc gia như các ông Cao Văn Trung, Hồ Hóc, Hồ Nhản, Hồ Hồng, và hàng loạt những người bất đồng chánh kiến khác cũng bị giết hại tại Quảng Ngãi vào tháng 8 năm 1945.”
 
Vụ Thiên An Môn Ở Cần Thơ

Biến cố Thiên An Môn Cần Thơ xảy ra vào ngày 8-9-1945 (chỉ 6 ngày sau khi Hồ Chí Minh đọc Tuyên Ngôn Độc Lập ở Hà Nội!). Đó là Tội Ác do Việt Minh Cộng Sản xả súng bắn vào những tín đồ Hòa Hảo biểu tình bất bạo động đòi hỏi Trần Văn Giàu phải dân chủ hóa trong công cuộc kháng chiến chống Pháp chớ không được độc quyền yêu nước. Đó là hậu quả tất nhiên gây ra do việc Trần Văn Giàu cướp chính quyền ngày 25-8-1945, thành lập Lâm Ủy Hành Chánh gồm 9 ủy viên, trong đó 8 ủy viên là cộng sản và thân cộng, để gạt ra ngoài Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất.

Xin nhắc lại sau khi Mỹ thả trái bom nguyên tử xuống Hiroshima ngày 6-8-1945, nội các Trần Trọng Kim xin từ chức ngày 7-8-1945, và Nhật đầu hàng Đồng Minh ngày 15-8-1945, để đối phó với tình trạng vô chính phủ, các tổ chức tranh đấu ở miền Nam hợp lại thành lập 4 Sư Đoàn Dân Quân và Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất ra đời. Mặt Trận tượng trưng cho sự đoàn kết của các tổ chức tranh đấu và đảng phái nên uy thế rất mạnh được sự ủng hộ nhiệt liệt của quần chúng khắp miền Nam. Chính Trần Văn Giàu cũng xin gia nhập và Mặt Trận đã chấp nhận sự tham gia của Trần Văn Giàu để có sự đoàn kết rộng rãi hầu đối phó hữu hiệu với thời cuộc. Rồi bỗng nhiên, không tham khảo ý kiến của những vị lãnh đạo trong Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất, Trần Văn Giàu cùng đám Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản ngang nhiên thành lập Lâm Ủy Hành Chánh Nam Bộ tập trung tất cả quyền hành vào trong tay mình để khởi đầu cho nền độc tài chuyên chính vô sản và một màn chém giết thủ tiêu đối lập rùng rợn khắp cả miền Nam. Nếu Tội Ác có thể nẩy nở lây lan như loài vi khuẩn, thì Thiên An Môn Ở Cần Thơ chính là Tội Ác Mẹ đẻ ra vô số Tội Ác Con được tường thuật sau đây.

Thật đúng vậy, khi các tín đồ Hòa Hảo kéo đến tòa hành chánh Cần Thơ để chống Độc Tài Đảng Trị và đòi dân chủ hóa trong công cuộc Kháng Chiến Chống Pháp, họ bị vu cáo là “Nổi Loạn Chiếm Tỉnh Cần Thơ” trong khi họ biểu tình bất bạo động và không mang vũ khí. Ba người đại diện của họ vào tòa Hành Chánh để thương thuyết là Huỳnh Thạnh Mậu bào đệ Đức Giáo Chủ, Trần Văn Hoành trưởng nam ông Trần Văn Soái, và Nguyễn Xuân Thiếp tức thi sĩ Việt Châu, cả ba người đều bị bắt cầm tù. Không thả ba người đại diện vào thương thuyết, Việt Minh Cộng Sản mà cốt lõi là Cộng Sản Đệ Tam, lại còn xả súng bắn vào những người biểu tình bất bạo động.

Tác giả quyển Ma Đầu Hồ Chí Minh là Hoàng Quốc Kỳ viết lại lời khoe của một tay súng cộng sản như sau:

Trong khi Hồ Chí Minh tuyên bố Tự Do Tôn Giáo thì một cán bộ cộng sản tên Nguyễn Văn Nghệ, một tay súng tiểu liên đầu đàn của Việt Minh tường thuật lại thủ đoạn của y và đồng đội với tín hữu Hòa Hảo như sau: “Tụi Hòa Hảo gan cùng mình. Lớp này ngã xuống, lớp khác tiến lên, cả đàn bà con nít cũng vậy. Bóp cò đến run cả tay, máu loang hết cả mặt đường mà chúng nó vẫn nhào vô họng súng. Chiến sĩ ta đã tản thần, nhưng lệnh bắt phải bắn tiếp…”

Một nhân chứng là Vy Thanh, lúc đó là một học sinh vừa đậu bằng Tiểu học và đang học lớp Đệ Nhứt Niên ban Trung học, lén cha mẹ chạy theo đám biểu tình để xem. Về sau, khi tỵ nạn trên đất Mỹ, Vy Thanh là tác giả quyển Lớn Lên Với Đất Nước đã viết về những điều anh chứng kiến cùng với những tài liệu của Đảng viết để ngụy tạo lịch sử như sau (trang 419):

“Con số bị thương và chết vì súng đạn hôm đó thực sự không ai biết chắc (ngoài các người cộng sản chỉ huy trận tàn sát ngày 9-9-1945). Nhưng căn cứ theo tài liệu của Bộ Chỉ Huy Quân Sự tỉnh Cần Thơ, người đọc hẳn thấy cộng sản đã ghi lại “sự thật” qua mấy chữ “không thật” trong ngoặc đơn “3 người chết, 27 người bị thương, không ai bị vết đạn nào, toàn là gươm giáo đâm lẫn nhau và chết đuối !”

Nhân chứng Vy Thanh viết tiếp rằng trước mắt anh hôm đó ngoài bốn người trúng đạn súng liên thanh chết tại chỗ, còn thấy một người cõng người đã chết ngã quỵ vì bị đạn ở chân. Khoảng một tháng sau, vào ngày 7-10-1945, ba vị đại diện Hòa Hảo bị đem ra xử tử tại vận động trường Cần Thơ. Đi tìm chân lý trong lịch sử, Dân Tộc sẽ ghi nhận tên tuổi của ba vị Huỳnh Thạnh Mậu, Trần Văn Hoành, và Nguyễn Xuân Thiếp là những chiến sĩ hy sinh đầu tiên trong công cuộc chống Độc Tài Đảng Trị ngay khi Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế vừa nắm được chánh quyền ở miền Nam (chỉ có hơn 40 ngày kể từ 25-8-1945 ngày Trần Văn Giàu cướp chánh quyền và Lâm Ủy Hành Chánh Nam Bộ ra đời đến 7-9-1945 ngày xử tử ba Đại Diện Phật Giáo Hòa Hảo).

Sau khi Việt Minh Cộng Sản xử tử 3 vị đại diện PGHH, thì mức độ nồi da xáo thịt ở miền Hậu Giang tăng gia mãnh liệt. Tác giả bác sĩ Trần Ngươn Phiêu viết như sau trong quyển Những Ngày Qua (trang 118):
 
Cộng Sản sau đó đã khủng bố dữ dội các tín đồ vùng Long Xuyên, Châu Đốc, Trà Vinh, Sa Đéc… Hơn 10 ngàn người đã bị giết và chôn tập thể ở các cánh đồng xa xôi trong Đồng Tháp Mười. Những người còn sống sót nay đã bắt đầu tố cáo các việc nêu trên và chỉ điểm các nơi chôn. Phản ứng của Hòa Hảo cũng rất mãnh liệt và cán bộ Cộng Sản cũng bị giết hại không ít.”
 

Những Vụ Sát Nhân Do Nguyễn Long Thành Nam Ghi Chép

Tường thuật phong trào sát nhân hàng loạt ở miền Nam, trong quyển Phật Giáo Hòa Hảo Trong Dòng Lịch Sử Dân Tộc, tác giả Nguyễn Long Thành Nam đã làm sống lại thời gian khủng khiếp đó như sau:
 
Giết Việt gian là một phong trào có chánh sách, có chủ trương. Đối với dân chúng, đó là áp lực để mọi người phải tuân lịnh trung thành với Việt Minh. Đối với lãnh tụ và cán bộ đối lập, đó là phương cách tiêu diệt trừ hậu hoạn.

Có thể nói chánh sách“Việt gian” tại miền Nam khởi đầu từ bản thông cáo của Trần Văn Giàu được đăng tải trên các báo sáng ngày 8-9-1945.
 
ĐÂY LÀ THÔNG CÁO CHÁNH PHỦ LÂM THỜI

Chánh phủ Lâm thời Nam bộ đang dự bị lập Ủy ban điều tra mỗi tỉnh, mục đích là xem xét và tố cáo bọn phản quốc. Bọn này sẽ bị tòa án nhân dân trừng trị, và tài sản của họ bị tịch thu, ruộng đất của họ bị lấy lại mà cho dân nghèo
.

Tác giả Nguyễn Long Thành Nam thuật tiếp rằng sau thông cáo đó, phong trào bắt giết Việt gian được phát động khắp nơi, những ai đối lập với Cộng Sản là bị thủ tiêu. Trước hết là nhóm Đệ Tứ, rồi đến những ai biết bề trái của Trần Văn Giàu, rồi mới đến những người đối lập bị khép tội Việt gian. Trong đợt tàn sát đầu tiên từ khi chiến sự bùng nổ ở miền Nam, những lãnh tụ tên tuổi sau đây đã bị giết: Dương Văn Giáo, Hồ Văn Ngà, Hồ Vĩnh Ký, Nguyễn Thị Sương, Bùi Quang Chiêu, Lê Kim Tỵ, Lâm Ngọc Đường, Trương Lập Tạo… và các lãnh tụ Đệ Tứ. Ngoài ra các cán bộ trung cấp của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất cũng bị hạ sát rất nhiều, con số 2.500 của ông Trịnh Hưng Ngẫu đưa ra không xa sự thật.

Theo tác giả Nguyễn Long Thành Nam thì số người bị giết trong hai tôn giáo Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo năm 1945 lên đến trên mười ngàn, nhưng vì xảy ra tại các vùng nông thôn hẻo lánh, cho nên báo chí không đăng và dư luận trong nước ngoài nước không khám phá ra được.
 
Tác Giả Hứa Hoành Tường Thuật
 
Bằng cách thu thập tài liệu theo lời kể của những nhân chứng ở miền Nam vào lúc đó, Hứa Hoành trong bài Việt Minh Cộng sản Cướp Công Kháng Chiến chống Pháp ở Miền Nam thuật lại những thủ đoạn ám sát khủng bố như sau:
 
Từ ý nghĩa cuộc chiến tranh Vệ quốc, chống lại kẻ thù trở thành xâm lăng là Pháp, bọn Cộng sản chỉ hô hào, tuyên truyền để giành lấy chính nghĩa, rồi đêm đêm tìm cách bắt những người nào chống lại chúng, thủ tiêu. Ban ngày chúng mời đến họp, thành lập ủy ban, ban đêm chúng gỏ cửa dẫn đi mất. Mấy ngày sau, xác nạn nhân sình thối trôi nổi trên sông. Thời kỳ đó Việt Minh khủng bố còn hãi hùng hơn cả thực dân. Chúng bắt người bỏ vào bao bố, trấn nước cho chết gọi là mò tôm, hoặc bắt người mổ bụng dồn trấu, với tội danh mơ hồ Việt gian, hoặc không bao giờ kết tội gì cả.”

Cách giết người gọi là mò tôm trên đây, có lẽ phổ biến khắp nước. Ở miền Bắc, bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ nghe chuyện một người học trò lớp y tá của ông trò chuyện với các bạn học rằng: “Thày mà Quốc Dân Đảng, cũng tôm cả thày.”

Hầm Chôn Người Tập Thể Ở Mỹ Tho Năm 1945

Luật sư Hình Thái Thông, bạn học của Tạ Thu Thâu ở trường Bổn Quốc, sau có du học ở Pháp, cũng là nạn nhân Lễ Tế Cờ của Hồ Chí Minh. Tác giả Phương Lan Bùi Thế Mỹ viết chỉ vài dòng ngắn ngủi: “Thông làm trạng sư ở Sài Gòn sau về Mỹ Tho, rồi bị giết hại trong Phong Trào Thanh Niên Tiền Phong, 1945, chôn tập thể một hầm gần 100 người tại Quởn Long (Chợ Gạo Mỹ Tho), năm sáu năm sau mới tìm thi hài ra được.” Bà góa phụ Hình Thái Thông sau là giáo sư dạy Pháp văn trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho, các học sinh vào thập niên 1950 đều có học Pháp văn với bà.

Mang Súng Vào Lớp Xử Tử Học Sinh Đang Học Ở Sài Gòn.

Câu chuyện do một nhân chứng vốn là học sinh và sau này là đại tá Nguyễn Văn Ánh thuật lại và do giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm là cựu hiệu trưởng của trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký ghi chép trong quyển Trường Trung Học Petrus Ký Và Nền Giáo Dục Phổ Thông Việt Nam (trang 56):

Một học sinh Petrus Ký bị xử tử ngay trong lớp học trước sự ghê sợ của giáo sư và học sinh của trường... Hồi năm 1950, một buổi chiều, khoảng 2 hay 3 giờ, trong giờ Pháp văn của giáo sư Nguyễn Văn Hai, có 6 người lạ mặt xông vào trường Petrus Ký. Hai người đi thẳng vào lớp Troisième Année B. Mấy người còn lại đứng canh chừng ở bên ngoài. Hai người vào lớp kêu tên hai học sinh của lớp này. Họ bắt một trong hai học sinh đó lên trên chỗ vách tường gần bàn giáo sư. Họ đọc to bản án tử hình cho mọi người nghe. Sau khi đọc xong bản án, một trong hai tên này dùng súng lục bắn chết anh học trò kia ngay trước sự chứng kiến của giáo sư Hai và tất cả học sinh của lớp Troisième Année B. Sau khi thi hành xong thủ đoạn cả bọn cùng chạy ra đường Cộng Hòa vừa hô to khẩu hiệu Việt Nam Độc Lập muôn năm. Người bị xử tử tên là Minh, mà theo đại tá Ánh thì là một học sinh học hành rất chăm chỉ và là người có phẩm hạnh không có gì đáng chê trách... Bản án kết tội anh Minh là làm mật thám cho Pháp. Dù có hay không, việc xử tử công khai một học sinh ngay tại lớp học, ở trong một trường học lớn, trước sự chứng kiến của giáo sư và học sinh, vẫn là một hành động khát máu và hoàn toàn trái ngược với luân lý giáo dục.”

Thà Giết Lầm Hơn Tha Lầm

Những trường hợp sát nhân trong Lễ Tế Cờ vừa kể xảy ra trên cả 3 miền Bắc Trung Nam và bao gồm đủ các loại nạn nhân: từ những bậc chân tu, đến những người yêu nước khác chính kiến, cho đến học sinh tuổi vị thành niên, Hồ Chí Minh không bỏ sót ai cả, vì thà giết lầm còn hơn tha lầm. Đến bây giờ, vào đầu thiên niên kỷ thứ ba, sau hơn 50 năm, đọc lại Bản Tuyên Ngôn Độc Lập mà Hồ Chí Minh tuyên cáo cùng quốc dân ngày 2-9-1945 đồng thời phát động chiến dịch sát nhân hàng loạt như trong Lễ Tế Cờ, chúng ta đã thấy Hồ Chí Minh nói một đàng mà làm một nẻo. Nào đâu quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, nào đâu mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng như trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập đọc ở vườn hoa Ba Đình!?

Theo lời kể của cụ Nguyễn Trân, thì số nạn nhân bị sát hại trong đại họa Lẽ Tế Cờ của Hồ Chí Minh là 8000 người trong vòng 40 ngày. Theo giáo sư Stephen Morris thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Á (Institute of Asean Studies), trường Đại học U. C. Berkeley, thì chỉ trong vòng 6 tháng cuối năm 1945 và đầu năm 1946, Cộng Sản Việt Nam đã tàn sát đến 10 ngàn người của phía Quốc Gia và phe Đệ VI Quốc Tế (chi tiết này được trích từ quyển Việt Nam, Cuộc Chiến Tranh Quốc Gia-Cộng Sản của Nhóm Nghiên Cứu Lịch Sử ở Santa Clara, California, một quyển sách đáng đọc để hiểu rõ lịch sử cận đại một cách trung thực. Nhưng nếu chúng ta làm bản tổng kết của các tác giả vừa tường thuật trên đây, thì số nạn nhân về Lễ Tế Cờ của Hồ Chí Minh không thể dưới con số 20.000 người được.

Cuộc Cách Mạng Mùa Thu 1945 ở Việt Nam là bản sao của Cuộc Cách Mạng Tháng Mười ở Nga năm 1917. Hồ Chí Minh đã học phương cách giết người để khủng bố và loại trừ đối lập từ bậc thầy Lenin của ông. Lễ Tế Cờ của Lenin ở Nga, theo tác giả Minh Võ khi nghiên cứu Hắc Thư Về Chủ Nghĩa Cộng Sản, đã viết như sau:

Tác giả Nicolas Werth, thực hiện phần 1 (của Hắc Thư), cho biết chỉ trong 2 tháng năm 1918, số nạn nhân bị giết của tân chế độ Lenin là từ 10,000 đến 15,000. Con số này lấy từ báo cáo của Mật vụ Chika, sau khi tác giả ghi lạicác huấn thị của chính Lenin về việc phải trừng phạt những kẻ bất phục tùng được gọi là những tên Gulaks. Dù vậy, số người bị giết ở mức ước lượng tối thiểu trong chỉ 2 tháng dưới chế độ Lenin đã nhiều gấp hơn 10 lần so với số nạn nhân của chế độ Nga Hoàng trọn năm 1906 là năm đàn áp dữ dội nhất. Theo tác giả trong vòng gần một thế kỷ dưới chế độ Nga Hoàng kể từ 1825 đến 1917, tổng số người bị giết chỉ có 6,321 nạn nhân.”

Trong văn chương Việt Nam, muốn diễn tả sự lường gạt của bọn con buôn đầu đường xó chợ, chúng ta có câu Treo đầu dê bán thịt chó. Nhưng bọn hàng thịt treo đầu dê bán thịt chó thì thật sự chỉ lường gạt được một số ít nạn nhân, mà người mua lầm thịt chó còn có quyền đem trả để đòi tiền lại hoặc đổi lấy đúng thịt dê mang về. Còn Hồ Chí Minh xưng tụng cách mạng trong Tuyên Ngôn Độc Lập của Việt Nam với Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Mỹ và Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Và Dân Quyền của Pháp, nhưng nhất nhất đều làm y theo chủ thuyết Mác-Lê-Stalin của Nga và tư tưởng Mao Trạch Đông của Tàu. Hồ Chí Minh đã làm chuyện Treo Đầu Dê Bán Thịt Chó Trong Chính Trị. Hồ Chí Minh đã rao món hàng Cách Mạng theo Âu Mỹ mà lại bán cho dân tộc món Xã Hội Chủ Nghĩa với Cải Cách Ruộng Đất Chủ Thuyết Tam Vô Đấu Tranh Giai Cấp đẫm máu của Nga Tàu. Hồ Chí Minh đúng là kẻ gian xảo đã lường gạt cả Dân Tộc.

Trong một xã hội lương thiện, không ai dung thứ những gian thương làm ăn theo kiểu treo đầu dê bán thịt chó. Hồ Chí Minh đã làm chách trị theo kiểu treo đầu dê bán thịt chó không những gian xão để lường gạt dân tộc, mà còn tàn nhẩn và khát máu giết hại biết bao nhiêu triệu người. Nhất thời thì ông đại thành công, nhưng về lâu về dài, dân tộc đã phát giác những âm mưu đen tối của ông và do đó xác nhận ra đích danh kẻ gian xão đê hèn độc ác đệ nhất hạng trong Lịch Sử Việt Nam đúng là Hồ Chính Mi. Dân tộc Việt quyết không chấp nhận xã hội chủ nghĩa Mác-Lê-Xít-Mao-Hồ. Dân tộc Việt không nhận đúng món hàng mà Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản rao bán thì sẽ đứng lên làm cuộc Cách Mạng Dân Tộc Chân Chính với Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc Chân Thật. Phải Đứng Lên Thôi! Đã Trễ Lắm Rồi !


Đỗ Quốc Anh Thư. 
Viết tại Sydney, Úc Châu.
Nhóm Tâm Việt Sydney.

Ingen kommentarer: