søndag 23. september 2012

Vấn Đề Thuộc Phạm Vi Công Pháp Quốc Tế

Công hàm ngày 10 tháng 9 năm 1958 của Phạm Văn Đồng là tài liệu quan trọng nhứt của phía TQ đưa ra nhằm chứng minh VN đã công nhận chủ quyền của nước này tại HS và TS.


Ngày 4 tháng 9 năm 1958 Trung Quốc ra tuyên bố về lãnh hải quốc gia. Tuyên bố gồm 4 điều, nội dung phần quan trọng tóm lược như sau:

Điều 1: Lãnh hải của TQ rộng 12 hải lý. Điều này áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ TQ, các hải đảo Đài Loan và các đảo phụ thuộc, đảo Bành Hồ và các đảo phụ thuộc, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa).

Điều 2: Tất cả phi cơ, thuyền bè không được phép của TQ thì không được xâm phạm vào không và hải phận của nước TQ.

Ðiều 3: Nguyên tắc qui định ở điều 3 (và 2) được áp dụng cho cả HS và TS.

Ngày 10 tháng 9 năm 1958  Phạm Văn Đồng gởi công hàm (công hàm 1958) ủng hộ tuyên bố của TQ nguyên văn như sau: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.

Nhiều người gọi «công hàm» 1958 của Phạm Văn Đồng chỉ là «lá thư»  gởi cho  Chu Ân Lai, với hy vọng làm giảm thiểu tính quan trọng của văn bản. Thực ra việc gọi thế nào không quan trọng, mà quan trọng là trên quan điểm quốc tế công pháp văn bản này có hiệu lực pháp lý hay không?

Khoản 1 của Nguyên tắc Hướng dẫn về Tuyên bố Đơn phương của Quốc gia được Ủy ban Công pháp Quốc tế thuộc LHQ thông qua (từ nay gọi tắt là Nguyên tắc Hướng dẫn) có nội dung:

Des déclarations formulées publiquement et manifestant la volonté de s’engager peuvent avoir pour effet de créer des obligations juridiques. Lorsque les conditions pour qu’il en soit ainsi sont réunies, le caractère obligatoire de telles déclarations repose sur la bonne foi; les États intéressés peuvent donc en tenir compte et tabler sur elles; ils sont fondés à exiger que de telles obligations soient respectées.

Tạm dịch: Những tuyên bố phát biểu một cách công khai và bày tỏ ý muốn tôn trọng (những gì đã tuyên bố) có thể có tác dụng tạo ra các nghĩa vụ pháp lý. Khi các điều kiện được hội đủ, tính cách ràng buộc của các tuyên bố này được dựa vào sự thành tín. Quốc gia liên hệ có thể xem xét và dựa vào tuyên bố này làm căn cứ, để đòi hỏi các nghĩa vụ đó phải được tôn trọng.

Khoản 5 của bản Nguyên tắc Hướng dẫn:

5. Les déclarations unilatérales peuvent être formulées par écrit ou oralement.

Tạm dịch : Các tuyên bố đơn phương có thể phát biểu bằng chữ viết hay bằng lời nói.

Lá thư, hay « công hàm » của Phạm Văn Đồng đã thể hiện một cách công khai, có đăng tải trên báo chí hai nước Việt-Trung và được lưu trữ trong hồ sơ ở LHQ. Nó là một « tuyên bố đơn phương ». Nội dung tuyên bố này là « ghi nhận và tán thành » tuyên bố về hải phận của nước CHNDTH.

Trên phương diện quốc tế công pháp, quốc gia gọi là VNDCCH có thể bị ràng buộc do tuyên bố 1958 của  Phạm Văn Đông. Vấn đề cần tìm hiểu là bị «ràng buộc» về những điều gì ?

Nhiều bài báo, nhiều ý kiến đóng góp về công hàm 1958 thường hay nói đến tư cách pháp nhân của Phạm Văn Đồng. Các ý kiến này cho rằng Phạm Văn Đồng không có tư cách để ra một tuyên bố liên quan đến vấn đề lãnh thổ.

Lá thư của Phạm Văn Đồng không hề nói đến việc từ bỏ chủ quyền ở hai quần đảo cho TQ. Hiệu lực của lá thư này cũng không có giá trị bắt buộc ở việc từ bỏ chủ quyền. Theo chức năng của ông này, một thủ tướng không có thẩm quyền để nhượng lãnh thổ. Đây là thẩm quyền thuộc về Quốc hội.

Về hiệu lực của công hàm 1958 sẽ nói ở dưới. Về tư cách pháp nhân, ý kiến này không phù hợp với quan điểm Quốc tế Công pháp. Thật vậy, những viên chức nhà nước như Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao… là những người có tư cách để ra một tuyên bố.
Theo tinh thần  này,  Phạm Văn Đồng là thủ tướng chính phủ nước VNDCCH, dĩ nhiên có tư cách và đầy đủ thẩm quyền để ra một tuyên bố về một vấn đề thuộc phạm vi quốc tế.

Trường hợp VN và TQ tại hai quần đảo HS và TS, ta dễ dàng chứng minh VN có chủ quyền lịch sử tại hai quần đảo này, thông qua các tấm bản đồ, hay các sử liệu lịch sử, do chính từ TQ thành lập. Nhưng nếu trong một thời gian dài, nhà nước VN có những tuyên bố, hay các động thái tương đương với sự «đồng thuận các hành vi này được xem là tự nguyện «từ bỏ chủ quyền», VN có thể bị mất chủ quyền lịch sử ở các nơi này. Điều này có ý nói rằng vấn đề chủ quyền lịch sử là quan trọng nhưng thái độ của nhà nước đối với vùng lãnh thổ đó còn quan trọng hơn.)

Nhiều bài báo, nhiều ý kiến ở VN gần đây cho rằng chiếu theo hiến pháp VN, Phạn Văn Đồng không có tư cách để tuyên bố về một vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ. Thật vậy, theo hiến pháp của VN hiện tại, hay trong thời kỳ Phạm Văn Đồng làm thủ tướng, vấn đề phân định biên giới phải được thể hiện bằng một kế ước, có sự đồng thuận giữa hai nước, phải được quốc hội thông qua.

Nhưng tuyên bố 1958 của Phạm Văn Đồng, đã nói ở trên, không phải là một « tuyên bố về lãnh thổ », có mục tiêu làm thay đổi lãnh thổ nước VNDCCH. Nếu văn bản có mục tiêu làm thay đổi lãnh thổ thì tuyên bố này vi hiến.

Bối cảnh bản tuyên bố của TQ, cũng như tuyên bố của nhiều nước khác cận biển trong cùng thời kỳ, được thể hiện sau khi Hội nghị của LHQ về Biển ngày 29-4-1958 thông qua bốn Công ước gồm : Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải, Công ước về đại dương, Công ước về đánh bắt và bảo toàn các nguồn sinh vật trong đại dương và Công ước về thềm lục địa. Các quốc gia thuộc LHQ có thể ký nhận các công ước này ở thời điểm giới hạn là 31-10-1958. Một Nghị định thư không bắt buộc về thể thức giải quyết tranh chấp cũng được thông qua. Vì không phải là một thành viên của LHQ, tuyên bố của TQ là cần thiết để khẳng định những đòi hỏi của nước này về lãnh hải và vùng tiếp cận. Ta thấy tuyên bố bề rộng lãnh hải 12 hải lý của TQ hoàn toàn phù hợp với Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải.

Tuyên bố của  Phạm Văn Đồng là tuyên bố ủng hộ tuyên bố của TQ về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải của nước này. Thực ra việc này không cần thiết. Bởi vì, cũng như tuyên bố của các nước khác, nếu nội dung tuyên bố của TQ không có điều gì phải phản đối, tự động tuyên bố này có hiệu lực đối với tất cả các nước trên thế giới. (Tuyên bố của TQ bị Hoa Kỳ phản đối vì hệ thống đường cơ bản lấn biển khá xa).

Tức là, có hay không có tuyên bố 1958 của  Phạm Văn Đồng, nếu VN không lên tiếng phản đối hay bảo lưu về một điều gì đó liên quan đến nội dung tuyên bố của TQ, tự động tuyên bố này có hiệu lực pháp lý.

Tuyên bố 1958 của ông Phạm Văn Đồng không phải là một tuyên bố về « lãnh thổ ». Vì vậy tuyên bố này không vi hiến.

Dầu vậy, theo tập quán quốc tế, một tuyên bố đơn phương nếu đi ngược lại tinh thần hiến pháp của quốc gia tuyên bố, hiệu lực của tuyên bố vẫn có thể cao hơn hiến pháp của quốc gia. Tuyên bố đơn phương không phải là một văn bản «hành chánh» thuộc phạm trù quốc gia mà là một văn bản (hay hành vi) thuộc phạm trù quốc tế. Một văn bản hành chánh chịu chi phối của luật quốc gia nhưng một tuyên bố đơn phương (liên quan đến một vấn đề quốc tế) chịu chi phối của luật pháp quốc tế. Mà luật quốc tế có giá trị «cao» hơn luật quốc gia.

Có ý kiến cho rằng công hàm 1958 không có hiệu lực vì tuyên bố của phía TQ vi phạm luật quốc tế. Ý kiến này cho rằng tuyên bố của TQ vi phạm luật quốc tế vì hệ thống đường cơ bản của TQ không phù hợp với Luật quốc tế về Biển 1958.

Như  tuyên bố về hải phận của TQ là một tuyên bố đơn phương. Nếu tuyên bố này mâu thuẩn với luật Quốc tế thì tuyên bố này không có giá trị. Dĩ nhiên công hàm 1958 cũng không có giá trị.

Ta thấy qui ước về đường cơ bản trong Công ước về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp 1958 không khác nhiều nội dung bộ Luật biển 1982. Hệ thống đường cơ bản của TQ từ năm 1958 đến nay không thay đổi. Trong chừng mực, một số đoạn trong hệ thống đường cơ bản của TQ khá xa bờ, nhưng việc lấy các đảo cận biển để làm điểm cơ bản thì việc này không mâu thuẩn với Luật quốc tế về Biển. Tập quán này đã được rất nhiều nước trên thế giới sử dụng (kể cả VN). Tuyên bố về đường cơ bản của TQ bị các nước (như Hoa Kỳ) phản đối. Nhưng nói rằng nó không có giá trị trên toàn bộ là không thuyết phục. Bởi vì, nếu bị chống đối, TQ (hay VN cũng như các nước có chung trường hợp), có thể thay đổi để phù hợp với Luật biển 1982.

Dẫu vậy, (Phạm Văn Đồng) có vẻ đủ thận trọng để đưa ra một tuyên bố ủng hộ nguyên tắc rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với hải phận 12 hải lý dọc lãnh thổ của họ, nhưng tránh đưa ra định nghĩa về lãnh thổ này. Mặc dù tuyên bố trước đó của Trung Quốc rất cụ thể, nhắc đến toàn bộ các đảo bao gồm Trường Sa và Hoàng Sa mà Bắc Kinh nói họ có chủ quyền, thì tuyên bố của Bắc Việt không nói chữ nào về lãnh hải cụ thể được áp dụng với quy tắc này.

Nhưng văn bản có hai đoạn văn: Đoạn 1 «ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc». Đoạn 2: chỉ thị cho các cơ quan nhà nước triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc.

Đã viết ở trên, công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng là một văn bản thuộc phạm trù quốc tế chứ không phải là một văn bản hành chánh thuộc phạm trù quốc gia. Nhà nước có thể giải thích nội dung văn bản này theo ý của mình, nhằm xoa dịu dư luận người dân, như khuyến cáo của nhóm “nhân sĩ, trí thức” tác giả của thư ngỏ. Nhưng đây chỉ là một “liều thuốc an thần” như nhiều liều thuốc an thần khác trong quá khứ mà nhiều học giả khác đã hướng dẫn cho  CSVN. Nó không có ảnh hưởng gì đến hiệu lực của văn bản này trước luật lệ quốc tế.

Chúng ta kiên trì giải quyết tranh chấp với Trung Quốc bằng phương pháp tuân theo luật pháp quốc tế. Chúng ta tôn trọng lợi ích chính đáng của các quốc gia khác ven Biển Đông, cùng nhau thỏa thuận giải quyết những vướng mắc về chủ quyền trên biển, đặc biệt là đối với các đảo, bãi đá cùng với lãnh hải bao quanh theo đúng Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển.

Vấn đề bảo vệ đất nước, nếu đi theo phương pháp này, đơn giản trở thành việc dân chủ hóa VN. Có bạn phàn nàn tôi vì sao cứ viết chủ quyền biển đảo mà không tranh đấu cho nhân quyền. Thực ra mục tiêu chính của đề nghị giải quyết chủ quyền biển, đảo của tôi cốt lõi là vấn đề “nhân quyền”. Dân chủ thực ra chỉ là cách nói khác của nhân quyền.

Nếu “án binh bất động” và tiếp tục “uống thuốc an thần” của các học giả “bốc” cho, VN chắc chắn sẽ bước vào xung đột vũ trang với TQ. Xương máu VN đã đổ quá nhiều cho lý thuyết không tưởng, cho những sự bịp bợm, cho những huyền thoại láo khóet như CSVN trong quá khứ. Nhân dân VN không thể đổ máu thêm lần này nữa, nói là “giữ nước”, nhưng thực ra để giữ “thể diện” cho đảng CSVN. Giữ nước có nhiều cách để giữ, không tốn xương máu, chỉ cần trí tuệ và lòng can đảm.

Trương Nhân Tuấn.



Ingen kommentarer: