Ai cũng biết rằng hiến pháp là nền móng để xây dựng một toà nhà chung cho cả nước. Nền móng có kiên cố thì tòa nhà mới vững chắc, từ đó dân tộc mới có thể sinh sống hạnh phúc và phát triển hài hoà. Vững chắc ở đây phản ảnh ý nghĩa bản hiến pháp thể hiện đúng nguyện vọng và ý chí của toàn dân. Ngược lại, nếu bản hiến pháp ấy chỉ đáp ứng nhu cầu hay ý đồ của một thiểu số, phản lại ý muốn và ước vọng cuả đa số quần chúng, đất nước đó chắn chắn phải suy vi, tàn tạ.
Muốn có một bản hiến pháp đáp ứng được nguyện vọng của toàn dân, nguyện vọng ấy tóm gọn trong mấy chữ quen thuộc là của dân, cho dân và vì dân. Nếu là của dân, do dân và ví dân thì người dân phải trực tiếp góp phần vào tiến trình xây dựng nó.
Nhìn lại quá trình chính trị của Việt Nam từ khi Việt Minh cướp được chính quyền năm 1945, từ đó lần lượt đẻ ra các bản hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980, và gần nhất là bản hiến pháp năm 1992. Tất cả quá trình hình thành đều không có sự đóng góp của toàn dân. Vì cơ quan lập pháp, cái được gọi là quốc hội, có nhiệm vụ soạn thảo hiến pháp, chưa bao giờ người dân được tự do tham dự ứng cử và bầu cử, do đó các đại biều quốc hội chưa thật sự là đại diện của quần chúng, vì họ được đảng chỉ định, Mặt Trân Tổ Quốc vận động, bố trí, còn người dân không có con đường chọn lựa nào khác, chỉ bầu cử cho có hình thức. Từ căn bản đó không lạ gì nội dung các bản hiến pháp đều lỗi thời, lạc hậu, phản dân chủ và ngăn cản bước tiến của dân tộc.
Sau đại hội 11, rập khuôn theo các kỳ đại hội trước, đảng CSVN lại ra nghị quyết tu chính hiến pháp. Thế là Quốc Hội lại thành lập ủy ban tu chính hiến pháp 1992. Nhưng liệu rằng VN sẽ có được một bản hiến pháp thể hiện đúng nguyện vọng và ý chí của toàn dân như mọi người trông đợi không?
Để trả lời câu hỏi này, hãy thử duyệt qua những tin tức liên quan đến hoạt động của ủy ban, mà gần đây nhất là vào ngày 18 tháng 8 vừa qua ông Đinh Xuân Thảo viện trưởng Viện Nghiên Cứu Lập Pháp, thành viên ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992 cho biết, đã trình dự thảo sơ bộ bản tu chính để Ủy Ban Dự Thảo Sửa Đổi cho ý kiến lần đầu tiên.
Nội dung bản sơ thảo có nhiều điểm như việc sắp xếp lại các điều, các chương, nghĩa là có sửa, có thêm, có bớt. Nhưng nổi bật nhất là "đề xuất ba thiết chế độc lập". Theo ông Thảo ba cơ chế độc lập mới là: hội đồng hiến pháp, hội đồng bầu cử quốc gia, và kiểm toán nhà nước. Cũng theo ông Thảo thì cả ba cơ chế mới này đều do quốc hội thành lập, nhưng sẽ hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Thoạt nghe những đề xuất mới và lời giải thích của ông Thảo, ta có ngay nhận xét như sau: Bình thường trong luật pháp có một nguyên tắc chung, là cơ quan nào có thẩm quyền thành lập, thì cơ quan ấy cũng có quyền phế bỏ. Từ nguyên tắc đó, ba cơ chế mới do quốc hội thành lập, thì quốc hội cũng có quyền phế bỏ hay thay thế. Điều này hợp lý trong những quốc gia có nền chính trị dân chủ, như các quốc gia theo chế độ đại nghị trên thế giới. Nhưng trong một nước độc đảng, độc tài thì điều này cần phải xét lại. Nếu ta nhìn vào chế độ chính trị hiện nay tại Việt Nam, sẽ thấy có nhiều điều không ổn, đăc biệt là Hội Đồng Hiến Pháp, mà theo ông Thảo thì đây là cơ quan có chức năng xem xét tính hợp hiến của luật pháp. Chức năng này ở Hoa Kỳ là Tối Cao Pháp Viện, cơ quan có thẩm quyền cao nhất để giải thích hiến pháp và thụ lý các vụ kiện liên quan tới hiến pháp. Tối Cao Pháp Viện đưa ra các phán quyết sau cùng khi có tranh tụng về pháp lý trong ngành tư pháp. Dưới chế độ cộng sản Việt Nam độc tài toàn trị, không thể có phán quyết chính đáng của Hội Đồng Hiến Pháp, vì trước sau, Hội Đồng này cũng chí là công cụ của Đảng, hiện ngồi ở vị trí lãnh đạo độc tôn, trên Quốc Hội và trên cả Hiến Pháp. Nếu có phán quyết, cũng chỉ thi hanh chỉ thị của Đảng mà thôi!
Về một cơ chế mới khác là Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia có nhiệm vụ tổ chức bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Nếu cớ chế này thật sự có thẩm quyền và thật sự hoạt động độc lập như dự kiến, thì đây là điểm đáng mừng. Nhưng muốn làm được như thế, ắt có hai yếu tố bắt buộc tiên quyết, một là Việt Nam phải chấp nhận đa đảng, hai là phải bỏ điều 4 hiến pháp. Vì chừng nào còn duy trì chế độ độc tài toàn trị và lãnh đạo độc tôn, thì Hội đồng Bầu cử Quốc gia chỉ là bù nhìn, vì quốc hội còn ở tình trạng "đảng cử dân bầu" thì những cơ cấu do quốc hội ấy lập ra sẽ chẳng có ý nghĩa gì.
Nếu dự thảo tu chính hiến pháp không dám nêu ra những điểm chủ yếu có tính đột phá, để mở ra cho dân tộc một sinh lô mới, thì chẳng khác gì là vá những chỗ rách trong một cái áo đã tả tơi. Nhưng điểm quan trọng là bản hiến pháp phải đáp ứng nhu cầu của dân tộc trong thế giới văn minh tiến bộ chung của cả nhân loại. Muốn thế, quy chế 'tam quyền phân lập" phải được triệt để áp dụng nhằm bảo vệ tính cách độc lập giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong ý nghĩa phân quyền đó, sẽ không thể có một bản hiến pháp tiến bộ khi đảng cộng sản Việt Nam ngồi trên quốc gia, trên quốc hội và chỉ đạo tất cả sinh hoạt trong nước.
Một điểm vô cùng quan trong khác nữa là khi đã có bản hiến pháp tốt, mà các cơ quan thi hành có tuân thủ và quyết tâm bảo vệ bản hiến pháp đó hay không mới là điều chủ yếu. Cứ nhìn vào tình trạng các cơ quan nhà nước tại Việt Nam hôm nay đang vi phạm có hệ thống chính bản hiến pháp hiện hành, thì đủ biết những điều tu chính chính đáng sẽ khó thành tựu.
Đây chính là lúc người dân Việt trong và ngoài nước cần nói lên quyết tâm của mình trong việc xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, văn minh tiến bộ, mà tiên quyết là hình thành một bản hiến pháp dân chủ, văn minh và tiến bộ vậy./.
Hải Nguyên.
onsdag 26. september 2012
Abonner på:
Legg inn kommentarer (Atom)
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar