mandag 6. desember 2010
Xin Chớ Lộng Ngôn
Xin Chớ Lộng Ngôn.
Bùi Tín, một cựu Đại Tá Quân Đội Nhân Dân của CHXHCN Việt Cộng, kể rằng ông là người đầu tiên vào tiếp thu dinh Độc Lập từ Dương Văn Minh sau khi viên tướng này kêu gọi quân đội buông súng ngày 30/4 /75. Bùi Tín, mấy lúc sau này đã có những bài đả kích chế độ CS. Trong bài “ Túi khôn dân tộc bác bỏ hoàn tòan Cương Lĩnh của Bộ Chính Trị”, được phổ biến trên đài VOA ngày 15/11, Bùi Tín đã bày tỏ một nỗi mừng vui cuồng nhiệt, một niềm hân hoan tột đỉnh, khi loan báo 20 trí thức hàng đầu của thủ đô Hà nội đã bác bỏ hoàn toàn Cương Lĩnh của Bộ Chính Trị.
Đọc những lời giới thiệu nổ như….tạc đạn của ông Bùi Tín, người cả tin có thể…đứng tim. Trước khi nhập đề, ông trang trọng giới thiệu: “ một tin cực kỳ hệ trọng…một tin động trời, có thể nói là trời nghiêng đất ngả. Một sự kiện chưa từng có trong lịch sử 70 năm của đảng CS VN.Tác động của sự kiện này chưa thể lường hết được.”
Nguyên nhân của sự hớn hở không kiềm chế này, là 20 vị quan quyền trong bộ máy chính quyền CS, những “đỉnh cao trí tuệ loài người” theo lối nói xã hội chủ nghĩa thời toàn trị đã được chuyển qua lối nói mới là những “think tank”, những “túi khôn” đặc sắc, quý báu của dân tộc, mảng tinh hoa của đảng CS, đã cùng nắm tay nhau bác bỏ bản Cương lĩnh của Bộ chính trị soan thảo cho Đại hội XI vào tháng Giêng năm 2011.
Theo lời giới thiệu của ông Tín thì 20 trí thức hàng đầu của Thủ Đô là những đảng viên đảng CS kỳ cựu cấp cao do Bộ Chính Trị quản lý. Những người này đã được đảng tuyển lựa hoc hành bài bản, nói chung giỏi ngoại ngữ Pháp, Anh, Nga, Trung Hoa. Có kinh nghiệm cầm quyền, có thái độ khoa học khách quan, vô tư, phần lớn đã nghỉ hưu.”
Quả vậy, khi nhìn danh vị đi kèm theo tên của các vị này, thì hầu như hơn phân nửa có chữ “nguyên” ở trước danh vị, tức là chỉ làm lớn trong quá khứ. Còn hiện tại thì đã về hưu, hay làm nhỏ lại, thì không ai biết ! Thí dụ như: Trần Phương, Vũ Khoan nguyên phó thủ tướng, Việt Phương, nguyên cố vấn của Phạm Văn Đồng, thủ tướng tử khi CS chiếm quyền tới khi chết già, Dương Thu Hương, nguyên Phó Giám Đốc Ngân hàng, GS Võ Đại Lược, nguyên viện trưởng viện kinh tế thế giới. Số còn lại là những Giáo sư Tiến sĩ của chế độ Hà nội.
Từ khi chế độ CS biến thái để mở cửa ra ngoài thì khi các quan quyền còn tại chức, tức là còn có quyền, có thế, có lợi, có danh, có thể đi ngang về tắt, có thể móc ngoặc được, thì mấy ông “thủ khẩu như bình”, cúi đầu một lòng phục vụ chế độ. Chờ đến khi về hưu, tức là đã trở về đời sống dân gỉả, không quyền, không tước, không còn cơ hội để bon chen, để kiếm chác, thì các ông mới nghĩ tới đất nước. Các ông yêu nước vào…giờ thứ 25 ! Nhưng tiếc thay, lúc đó thì tiếng nói của các ông cũng được nhà nước coi nhẹ tựa lông hồng. Các kiến nghị, thỉnh cầu với lời lẽ cực kỳ lễ phép, với một danh sách ký tên dài thậm thượt, cũng không được nhà nước động lòng trắc ẩn mà cứu xét! Cứ xem như kiến nghị xin ngưng khai khác quặng Bauxit với 2817 chữ ký, hay kiến nghị phản đối việc cho thuê rừng đầu nguồn với danh sách dài dằng dặc những Tướng tá hồi hưu thì biết.
Bản dự thảo cương lĩnh được phổ biến cho mọi người góp ý từ 15/9/2010. Chỉ đọc sơ qua, ai cũng thấy được tính chất đặc sệt giáo điều CS với những ngôn ngữ huê dạng kiểu mới.
Ngay sau khi bản cương lĩnh mới được phổ biến, đã có rất nhiều bài viết trên mạng điện tử, trong cũng như ngoài nước chỉ ra tính chất thủ cựu. Chỉ cần trình độ bình thường cũng có thể nhìn ra ngay những điểm sai trái. Nếu mà phải nhờ, như ông Bùi Tín nói, đến những túi khôn của dân tộc hay là tinh hoa của đất nước mới khám phá ra tính giáo điều này, thì thật không may cho tương lai một đất nước với các “túi khôn”, “think tank” tài giỏi chừng đó.
Theo Bùi Tín thì “cả hơn 20 vị đều tỏ ra có tư duy độc lập, nhưng lại đạt đến sự đồng thuận đến kỳ lạ. Mỗi vị phát biểu sau đều nói lên sự đồng ý sâu sắc với những ý kiến phát biểu trước, chỉ nói thêm những điều mới mẻ, hay nhấn mạnh bổ sung thêm ý của người phát biểu trước. Không có ý nghĩ, quan điểm nào trái nhau giữa hơn 20 vị tham dự hội luận.”. Có người đã ca tụng sự can đảm của các “túi khôn” này, và đề nghị nên phổ biến rộng rãi sự đồng tâm nhất trí phản tỉnh của các đỉnh cao trí tuệ này để cho thấy sự sai trái của chủ nghĩa và chế độ. Nghe thì có vẻ có lý, nhưng có cần phải chỉ ra sự sai trái này không, khi thực tế đất nước bị chiếm đóng, cắt xén cho ngoại bang và người dân làm công ở đợ trên quê hương mình đã là những chứng cớ hùng hồn cụ thể không cần nói ?
Tuy nhiên ở đời khi sự việc diễn ra hoàn hảo quá thì người Mỹ thường nói là : “tốt quá để có thể là thực”. Câu chuyện của 20 người phát biểu ăn ý, tiến thoái nhịp nhàng, giống như một vở tuồng được thưc tập nhiều lần trước khi đem ra trình diễn. Đối với ông Bùi Tín thì có thể là một sự kiện “đáng ngưỡng mộ”, nhưng với những người hiểu chuyện thì biết đâu đây chẳng là một “trò chơi dân chủ” ?. Một câu hỏi nữa là sự đồng tâm lên tiếng của 20 vị này sẽ có kết quả gì ?
Nếu kể về vai vế, thì ai hơn được viên đại tướng khai quốc công thần Võ Nguyên Giáp, cánh tay mặt của HCM trong quá trình CS hóa đất nước và trụ cột chống đỡ chế độ? Thế mà những góp ý của Giáp và những tướng tá hồi hưu cao cấp khác cũng chẳng có tác dụng gì trong chuyện bauxite cũng như dâng đất nhượng biển cho Tầu.
Xem như thế thì người ta tự hỏi rằng Bùi Tín, một người xuất thân con quan mà lên tới chức phụ trách báo Nhân dân của CS, đã vì quá nôn nóng ở tuổi gần đất xa trời mà lạc quan tếu hay là “ngây thơ cụ”? Tuy nhiên, nói cho công bằng thì sự lạc quan này cũng ít nhiều giúp cho sự biến thái của chế độ, vì đã truyền sang một số nhà chính trị và làm cho họ dọn mình chờ thời cơ, vì lãnh đạo CS chia phe đánh nhau tới bến.
Nếu đường lối chính trị ở VN có thay đổi là do nhà nước phải thay đổi hay phải ra đi vì hòan cảnh không còn ở được, chứ nhất định không phải vì "20 cái túi khôn của ông Bùi Tín" này !
Hoàng Thế Hiển.
Abonner på:
Legg inn kommentarer (Atom)
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar