mandag 6. desember 2010
Quan Niệm Về Chính Trị
Quan Niệm Về Chính Trị.
Cái gì đã khiến một số các ông cũng như các hội đòan thân hữu cũng như các diễn đàn một hai bai bải “chúng tôi tuyệt đối không làm chính trị”?
Lý do đơn giản nhất mà người ta dị ứng với chính trị là quý ngài chưa hiểu rõ tường tận ý nghĩa của “làm chính trị” là như thế nào. “Vô tri bất mộ” tức là không biết mô tê ất giáp gì cả thì không …thích. Đơn giản vậy thôi!
Lúc còn nhỏ, tôi rất sợ ma (bây giờ cũng vẫn chứng nào tật nấy) dẫu cho rằng chưa bao giờ “biết” ma là cái quái gì. Khi còn thiếu suy nghĩ, chưa biết cân nhắc, bị dọa ma nhiều lần đâm ra sợ ma thật. Tương tự như vậy, nhiều người (nhất là tại các nước chậm tiến) ngay từ lúc nhỏ chưa biết hay chưa có cơ hội được đích thực làm chính trị, nhưng nghe người ta bảo “chính trị bẩn thỉu”, “nhức đầu” và “đem lại nhiều rắc rối” từ đó đố ai mà dám làm chính trị. Lần hồi, từ sự vô tri, bất tri, người ta tập dần cái thói quen là cái gì dính vào chính trị đều không tốt.
Lý do thứ nhì là do lòng tham lam ích kỷ. Một chính trị gia kếch sù là một người “cai trị” được nhiều người, có quyền điều khiển nhiều việc hoặc bằng luật pháp hoặc bằng vũ lực. Đây là những người thực sự có power trong việc điều khiển đất nước, có quyền sinh tử và có quyền…. làm giàu. Và với một quyền uy to lớn như vậy, quý ngài chính trị gia nầy không muốn ai BIẾT hay ĐƯỢC làm chính trị như mình. Vì vậy trong các nước độc tài đảng trị, bốc lột, tham tàn như nhà cầm quyền Hà Nội, không những quyền làm chính trị chỉ được giao cho một nhóm người duy nhất mà những ai cả gan làm chính trị sẽ chắc chắn được làm “tù nhân chính trị” mãn đời nếu chưa về chầu diêm chúa. Người dân, vốn bị che tai bịt miệng, và bị khủng bố hằng loạt, liên tục bởi các “chính trị gia” hay nhà cầm quyền nên người dân đã vô tình tiêm nhiễm quan niệm cho rằng làm chính trị tức là đồng nghĩa với tội ác, bất công và phi nghĩa. Đố cát vàng, người ta cũng không muốn làm chính trị.
Lý do thứ ba là do phần lớn người ta chưa có khả năng sinh hoạt chính trị. Hầu hết các thế hệ người Việt trên 50 tuổi, họ hoặc đã bị thúc đẩy tham gia chính trị thay vì tham gia chính trị có ý thức hay chưa có một môi trường chính trị lành mạnh, an toàn để người ta tham gia hoàn toàn.
Ngay tại các nước tân tiến hơn, quyền lực chính trị cũng làm ung nhọt ngay cả những chính trị gia có tài và đạo đức vì vậy mà “absolute power corrupts absolutely.” Trong trường hợp nầy, Chính Trị tự nó không hàm ý tội lỗi nhưng vì sự lạm dụng quyền làm chính trị, và sức mạnh của nó mà chính trị đã vô tình được đồng hóa với những gì tệ hại nhất của con người.
Khách quan và thành thật mà nói, làm chính trị là một quyền trong các nhân quyền mà nếu bị tước đoạt hay chính mình u mê từ chối quyền nầy thì cuộc sống sẽ hoàn toàn vô nghĩa và vô vị.
Quả vậy, sự khác biệt giữa một thế giới súc vật hỗn độn,hỗn loạn và một thế giới có trật tự, quy củ là quyền tham gia trong quá trình tổ chức hay điều hành công việc của xã hội mà mình đang sống. Có lẽ vì vậy mà quyền làm chính trị cũng được hiểu là yếu tố căn bản ắt có và đủ cho thể chế dân chủ. Và như thế, quyền làm chính trị hoàn toàn bị triệt tiêu và không được cổ xướng trong những thể chế độc tài, đảng trị và nô lệ.
Gần đây, hiện tượng trổi dậy của TEA Party tại Hoa Kỳ là một chứng cớ hùng hồn cho người ta hy vọng rằng làm chính trị là một quyền, một phận sự nếu không muốn nói là bổn phận cao cả nhất mà một công dân yêu nước cần và phải thi hành. Những ngưòi tham gia vào phong trào TEA Party đã qua những động tác chính trị dưới nhiều hình thức đi tìm một giải pháp để mưu cầu quyền điều khiển một quốc gia phải đi đôi với sự phục vụ chân thật những quyền lợì chính đáng của và cho người dân.
Trong lúc đó, tại Việt Nam những sự đàn áp dã man các quyền căn bản làm người cũng như những hành vi thô bạo và độc ác của nhà cầm quyền Hà Nội đối với người dân đã được phơi bày càng ngày càng rõ. Gần đây nhất, từ vụ đàn áp thô bạo chiếm đất giáo xứ Thái Hà, giáo Xứ Tam Tòa đến hành động dã man cướp của, giết người giữa ban ngày tại giáo xứ Cồn Dầu, người ta đã thấy rõ ràng rằng chọn lựa làm chính trị của người dân Việt trong nước đã phải bị trả một giá quá cao. Người ta cũng thấy rõ ràng rằng nhà cầm quyền Hà Nội đã không từ nan bất kỳ một thủ đoạn nào, kể cả những hành vi vô nhân đạo nhất để được độc quyền làm chính trị cai trị hơn 80,000,000 người dân Việt. Các nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam đã và đang bị nhà cầm quyền Hà Nội áp dụng những phương pháp khủng bố tinh vi và độc hại nhất để tiêu diệt quyền làm chính trị của những nhà trí thức chân chính và can đảm nầy.
Thật là kỳ diệu rằng trong những hoàn cảnh éo le và khó khăn nhất mà các nhà trí thức chân chính tại Việt Nam đang gánh chịu, những ý chí và ước mơ làm chính trị của họ vẫn trưởng thành và sinh sôi nẩy nở.
Trong lúc đó, tại Hoa Kỳ ngay nơi chôn nhau cắt rốn của tự do và dân chủ cũng nhự thừa mứa phương tiện để được làm chính trị vẫn có một số nhà trí thức (?) người Việt hải ngoại điềm nhiên và hân hoan từ chối tham gia vào những hoạt động chính trị. Những hoạt động chính trị nầy là những ước mơ mà đồng bào trong nước đang ngày đêm mong đợi cho chính mình. Và họ cũng đặt nhiều kỳ vọng vào những người Việt hải ngoại đang được hưởng tất cả những gì mà người trong nước đang khao khát.
Có phải chăng con người chỉ nhận ra giá trị của những quyền làm người của mình khi đã đánh mất hay bị tước đọat những quyền nầy? Có phải chăng trong gian nan khốn khó con người mới biết tìm ra cơ hội để cải tiến xã hội (nguy cơ)? Có phải chăng chỉ có người nghèo là người sẽ được giàu nhất? Và có phải chăng người ta chỉ muốn giỡn mặt khi họ nói rằng: Tôi không muốn làm chính trị?
Hà Lê Bích Thủy.
Abonner på:
Legg inn kommentarer (Atom)
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar