mandag 13. desember 2010

Mây Bay Ngàn Năm



Mây Bay Ngàn Năm.

Nha Trang, giữa năm 1984. Những tia nắng cuối ngày khuất sau dãy núi xa mờ. Chiều xuống, như đã hẹn ước, phủ tấm màn đen lên Bãi Dương và mặt biển. Sóng nhẹ và nước còn ấm. Trước đó, lợi dụng trời nhá nhem, tôi và Thể Trân, cô em họ, con ông chú ruột, bước lên bãi cát, lúc ấy đã thưa thớt người, và giữ nguyên bộ đồ tắm ướt sũng, di chuyển đến Hòn Chồng, cách đó khá xa. Khoan thai, tay trong tay, đóng vai một cặp tình nhân nhàn tản, để che mắt Công an. Tại khu vực này, chúng chưa đặt trạm gác, và chưa có tàu tuần tiễu, nên tôi đỡ lo. Đến Hòn Chồng, khi thấy bóng đèn pin nhấp nháy từ phía chân trời, tôi bấm đèn lại. Rồi từ một tảng đá cao hai anh em nhảy xuống nước –một việc đơn giản mà chúng tôi đã phải tập đi tập lại bao nhiêu lần suốt ba tháng liền. Trời tối hẳn. Nín thở, lặn một hồi lâu, rồi cùng trồi lên một lượt, bơi song song về hướng ánh đèn pin, lúc ẩn lúc hiện. Bơi thong thả, để dưỡng sức. Hễ mệt thì thay nhau bơi ngửa và thay nhau quan sát hiện trường, không để lạc hướng. Khoảng cách chừng ba trăm mét thôi, bình thường không có gì khó đối với chúng tôi. Nhưng tối hôm ấy, tôi thấy quá xa, dường như không bao giờ đến đích.

Chủ ghe, “dân Nốp” đánh cá chuyên nghiệp vùng Xóm Bóng, gốc Hà Tĩnh, tên Nho, lót chữ Cu, như tục lệ địa phương, đòi anh em tôi đến “trình diện”. Cu Nho liếc nhìn hai đứa, xem có phải công an giả dạng thường dân không, rồi gật đầu đồng ý, nhưng ra lệnh: “Phải đi tắm biển hàng ngày cho da bớt trắng!” Ông cẩn thận cũng phải, vì chuyến này ông đưa cả gia đình cùng đi luôn, chỉ nhận hai anh em tôi và một số khách tin cậy. Theo sắp xếp, chúng tôi biết bơi sẽ đi ngả Hòn Chồng và là khách sau chót lên ghe ra biển cả, nghĩa là nếu có gì trục trặc là bị bỏ lại, không tiếc thương. Đàn bà, con nít thuộc gia đình ông được chở trên sông Cái qua đồn canh cạnh cầu Tháp Bà, nằm ém dưới đáy ghe như cá hộp. Còn lại phải xuống Chụt, gần Cầu Đá, có “taxi” đưa ra trước.

Chờ cho chúng tôi lên ghe, kiếm chỗ ngồi yên ổn xong, Cu Nho sang số cho máy chạy, trực chỉ Manila. Biển êm, sóng nhẹ, gió nhiều, thổi lùa qua tóc. Tôi bắt đầu thấy lạnh, vì áo thun chưa kịp khô, mà không có quần áo thay. Thể Trân cũng thế, vẫn mặc đồ tắm, nhưng được ai cho mượn chiếc khăn lớn choàng vào người. Em ngồi chung với đám vợ con, em gái của Cu Nho, lấy tay khoát nước trôi quanh mạn thuyền, vẻ tư lự. Ghe ra khơi, gần đến hải phận quốc tế, và khi những hòn núi quen thuộc quanh bờ biến mất, và sao hôm chưa mọc, Cu Nho hết biết phương hướng, bèn nhờ tôi đọc giùm bản đồ và hải bàn, mặc dầu đó không phải nghề của chàng... bộ binh Thủ Đức. Không còn ai khác, tôi đành lần mò đọc, tính toán, cầm thước, đo đo vẽ vẽ. Từ Nha Trang đến Manila là một đường thẳng ngang, cứ canh và giữ đúng 90 độ, tôi nói với các tài công. Lúc ấy là tháng sáu ta, gió nồm thổi từ Mã Lai về phía Hồng Kông, và thường có bão. Ba hôm sau, y như rằng, bão bắt đầu nổi lên và dần dần những luồng sóng cao hơn tòa nhà mười, hai mươi tầng ùa đến, rình chụp xuống chiếc ghe nhỏ bé, mong manh giữa đại dương. Cu Nho và hai người em trai thay nhau cầm lái, dùng hết tay nghề lách ghe chạy giữa hai đợt sóng, mỗi lúc mỗi dày, đều đặn, liên tục. Thần kinh quá căng thẳng. Chậm, hoặc sớm hơn một giây là ghe chìm. Tôi đứng bên họ, dán mắt vào chiếc hải bàn và bản đồ. Thể Trân pha cà phê cho tôi và các tài công, và phụ hoặc thay tôi điều chỉnh tọa độ và hướng đi. Rồi cuối cùng bão tan, sau một ngày một đêm.

Cả ghe chưa kịp hoàn hồn thì Cu Nho báo cho biết dầu và nước uống chỉ còn đủ cho một ngày nữa thôi, vì trước giờ khởi hành, Cu Toàn, người bạn đồng nghiệp nhận cung cấp dầu, đã không đến điểm hẹn trên biển, không hiểu vì sao, có lẽ bị lộ, bị bắt. Manila thì còn mù mịt, phải ít nhất hơn một tuần nữa mới đến nơi. Ông gần như tuyệt vọng, bàn giao số phận chiếc ghe cho tôi. Tôi không có thì giờ phản đối, hay tranh luận, về việc bán cái ngang xương này, vì lúc ấy dầu chỉ còn một phần tư phuy, và nước uống đủ cho nửa ngày. Phải giải quyết nhanh, và táo bạo, như kinh nghiệm máu xương trong chiến tranh đã dạy tôi. Tôi đề nghị chuẩn bị buồm để khi cần nương theo gió nồm đến Hồng Kông, hướng Bắc, hoặc cùng lắm về Đà Nẵng, đều là zero độ trên hải bàn. Sau một ngày, dầu còn độ hai can, tôi quyết định tắt máy, để dành, cho trường hợp khẩn cấp. Nước uống cạn sạch, ai cũng khát đến lả người, kể cả tài công, đầu óc quay cuồng, miệng môi khô đắng. Trẻ em sau khi đòi nước không có, nằm im lìm như chết. Ghe bắt đầu trôi bằng buồm, dật dờ trên sóng, và tài công không thể điều khiển hướng đi, phó mặc cho may rủi. Một ngày nữa. Nhiều chiếc tàu buôn lớn đi ngang, có chiếc rất gần, chúng tôi giơ tay, phất tấm vải trắng, cầu cứu, nhưng họ chạy luôn. Cả nhà Cu Nho bắt đầu khóc lóc, đọc kinh, lần tràng hạt.

Một đêm, trời bỗng đổ mưa, không báo trước. Như một phép lạ. Mưa giữa biển khơi, lần đầu tôi mới thấy, chỉ tập trung ở một nơi nhất định, nhưng trắng xóa cả chân trời xa, ào ào như thác lũ, có vẻ gấp rút, hối hả, rồi tự nhiên ngưng bặt. Mọi người mừng quá, vội vã lấy đồ hứng, chứa đầy các can nhựa. Ngoài ra, được tắm thỏa thích và hả họng uống nước mưa, uống mãi, no nê. Nhưng nỗi lo về dầu vẫn nặng trĩu. Thuyền vẫn bềnh bồng, vô định.

Hai ngày nữa trôi qua. Đêm đến, anh tài công la lớn, kia kìa, có nhiều ánh đèn từ hướng đi của mình, tức hướng Bắc, dường như là một thành phố. Tôi nhìn qua ống dòm, nhưng tối quá không phân biệt được gì ngoài các đóm sáng lung linh trên nước. Nhưng vẫn bảo họ hướng mũi ghe về phía ấy. Chạy hết một đêm, đến sáng, trời quang mây tạnh thì thấy đó là một chiếc tàu lớn đang bỏ neo, nhưng khoảng cách vẫn còn xa. Tôi bảo mở máy lại, cho ghe chạy tới. Một giờ sau, đến sát thân tàu, cao như một building, tôi đứng lên, hai tay bắt loa, nói lớn với các thủy thủ đang nhìn chúng tôi với vẻ tò mò, bằng hai thứ tiếng Anh và Pháp, và được biết đó là một tàu dầu Hy Lạp. Biển lặng, nên tiếng tôi vang âm trong sương sớm, nghe rõ mồn một. Thuyền phó xuất hiện, hỏi cần gì. Tôi đáp, xin dầu và nước uống, hoặc vớt về Hy Lạp, cũng được. Bà Cu Nho chắp tay vái ông ta lia lịa, bồng đứa con trai mới hai tuổi, giơ lên cao cho ông thấy mà thương tình. Ông ta chỉ tay về phía sau, lắc đầu nói: “Không vớt về Hy Lạp được, vì Manila ở phía sau, chúng tôi mới ở đó ra, chỉ còn một ngày là đến.” Như vậy ghe chúng tôi đã chạy sai tọa độ 90, hoặc tôi chấm sai, một cách may mắn, hoặc nhờ cơn bão làm lệch hướng, vì nếu còn dầu và chạy đúng, đã lạc về phía Nam, vùng có đá ngầm san hô đâm lủng ghe, rất nguy hiểm, hoặc vào đảo Hoàng Sa thời gian ấy có lính Việt Cộng trấn giữ, càng nguy hiểm hơn. Sau đó, dầu, thức ăn và nước ướp lạnh được thòng dây xuống. Có vài thủy thủ quăng cho mấy tờ năm đô la, và một chiếc hải bàn. Tôi hỏi thuyền phó: “Tại sao các ông dừng lại đây suốt đêm vậy?” Ông ta nhún vai: “Chúng tôi cũng không biết nữa. Lệnh trung ương từ Hy Lạp. Bây giờ chúng tôi được lệnh nhổ neo, đi tiếp. Chúc quý vị may mắn!” Tôi la lớn, cám ơn, và sóng biển dội lại, mang lời tôi đi khắp, cám ơn. Cám ơn những tấm lòng nhân hậu vĩ đại. Thể Trân nói vào tai tôi, Chúa và Đức Mẹ cứu đó anh, bắt họ đợi mình. Một phép lạ nữa, tôi thầm nghĩ, sau trận mưa mấy đêm trước.

Ghe chúng tôi tiếp tục chạy. Bây giờ, mọi người hân hoan, chuyện trò rôm rả, ăn uống thoải mái. Cu Nho như người chết đi sống lại, luôn miệng cám ơn “anh Hai đã cứu gia đình em”, khác với thái độ lạnh nhạt, e dè trước đây khi ngồi “phỏng vấn” hai anh em chúng tôi. Tôi chỉ cười, vì mệt quá, không nói gì được. Vào lúc nửa đêm, ghe đến gần Subic Bay, căn cứ quân sự của Mỹ. Sợ bị bắn ẩu, tôi đề nghị thả neo, dừng lại ngủ tại chỗ, chờ cho hết đêm, sẽ liệu. Đến sáng, Subic Bay nhộn nhịp tàu bè, máy bay, lính tráng, tôi bảo tài công cứ chạy thẳng vào căn cứ. Chúng tôi được quân nhân Mỹ tiếp đón tử tế, phát quần áo mới, cho ăn ở trong một chiếc tàu nhỏ, bỏ không, đầy đủ tiện nghi, được dùng làm khách sạn nổi cho những nhóm vượt biên may mắn tắp vào. Vừa lảo đảo bước lên đất liền, hai anh em tôi làm dấu thánh giá, cám ơn Chúa, rồi cùng quỳ xuống, cúi hôn bờ cát, nước mắt giàn dụa mà lòng mừng vui chất ngất. Những câu thơ của Paul Eluard, thuộc từ thời xa xưa, bỗng trở về, văng vẳng:

Và bởi quyền lực của một chữ
Tôi bắt đầu lại cuộc đời
Tôi được sinh ra để biết em
Để gọi tên em: Tự Do.

Một tuần sau, hai chiếc xe bus chở nhóm chúng tôi đến Trung Tâm Chuyển Tiếp Manila. Tại đây, chúng tôi gặp lại nhiều bạn bè, đồng hương Nha Trang. Ăn, ngủ, lấy lại sức, đọc sách, nghe nhạc, rồi đi rong chơi khắp trại, mà vẫn không sao giết hết thời gian. Đến bưu điện đánh điện tín về cho mẹ tôi mừng, vỏn vẹn một câu mật hiệu: Anh Hai đã cưới chị Phi, sẽ về Mỹ Tho. Và gọi điện thoại báo tin với người thân ở các nước. Rồi tha hồ dạo phố, thăm thủ đô của “chị Phi”. Đi trên đường Manila, ngắm nhìn thiên hạ vô tư, hạnh phúc mà hồn buồn xót xa, chơi vơi nỗi nhớ Sài Gòn, Sài Gòn huyền thoại của những ngày đã yêu. Nhất là Thể Trân. Thỉnh thoảng, trong đôi mắt bình thường tinh nghịch của em, tôi bắt gặp một trời u uất, tủi sầu mênh mông. Em ngậm ngùi kể, “một năm trước ngày mất nước, một lần em đã ăn trưa tại Manila này, gần phi trường, giữa hai chuyến bay, cùng với toán tiếp viên hàng không Vietnam và anh T., trung tá phi công biệt phái, bạn tù Vĩnh Phú của anh”.
Ba tuần sau nữa, những đợt thuyền nhân, chừng hai trăm người thuộc các nhóm khác nhau, lần lượt được chuyển về Trại Tỵ Nạn, trên đảo Palawan. Bằng máy bay Philippine Airlines do chính phủ thuê bao.

Người nữ tiếp viên phụ trách dãy ghế của tôi có một sắc đẹp cổ điển, mê hồn, tươi trẻ, dáng thanh thanh. Tóc bới cao, đôi mắt nhung huyền. Tôi đọc bảng tên nàng trên áo veste đồng phục màu bordeaux. Marita. Maria Tiểu Nương. Tên có âm hưởng Tây Ban Nha. Quả vậy, sau này gặp lại nàng và thân nhau hơn, tôi được cho biết mẹ nàng là người Phi gốc Tây Ban Nha. Nàng tỏ vẻ ân cần, lịch sự với Thể Trân, ngồi phía lối đi, và chỉ gửi cho tôi, ở ghế cạnh em, bên cửa sổ, một cái liếc duy nhất hờ hững, nếu không nói là lạnh lùng. Tôi không lấy thế làm buồn, vì nghĩ đến thân phận hiện tại của mình. Sau những năm chiến tranh, và lưu đày cải tạo, và giông bão cuộc đời vùi dập, và bao nhiêu tủi nhục ê chề, còn sống là may lắm rồi, nói chi tuổi trẻ, sức khỏe, vóc dáng, chí tang bồng hồ thỉ, vẻ ngạo mạn xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, tất cả đã tàn lụn theo với thời gian và thuộc về dĩ vãng cổ tích. Once upon a time there was a young soldier... Ngày xưa có một người lính trẻ... Tôi lim dim mắt, cố xua kỷ niệm từ đâu kéo về, chật hồn. Giữa tiếng rù rì đều đều của động cơ, tai vẫn nghe hai cô gái sắc nước hương trời, kẻ đứng người ngồi, chuyện trò, hỏi han về nhau, về gia đình, một cách tương đắc. Khi Thể Trân nói, “em cũng là tiếp viên hàng không, của nước VNCH, nhưng bây giờ em chỉ là một thuyền nhân tỵ nạn không còn quê hương nữa”, Marita cúi xuống ôm em, cả hai rơm rớm nước mắt. Hèn chi, nàng thủ thỉ, “khi chị bước vào phi cơ, em thấy chị đẹp quá, mặc dầu ăn mặc đơn sơ, không son phấn, nhưng trên gương mặt kiêu sa toát ra một nỗi buồn kỳ lạ, khác với những người tỵ nạn Việt Nam mà em đã gặp trên các chuyến bay. Chị phải có một tâm sự gì xót xa, cay đắng lắm, em mong một ngày nào chị sẽ kể em nghe, chị nhé!” Bấy giờ Marita mới quay nhìn tôi với ánh mắt dịu dàng hơn, dừng lại lâu hơn. Lần đầu gặp nàng, chỉ có thế thôi.

Hơn một giờ sau, khi máy bay đáp xuống phi trường Puerto Princesa, Marita tháo chiếc khăn quàng tiếp viên bằng lụa màu hồng pha tím nhạt trao cho Thể Trân, ôm em từ biệt, và nói: “Tặng chị làm kỷ niệm. Em có một người chị họ nữ tu tên Sister Emma, làm việc thiện nguyện tại trại Palawan. Khi có dịp, em sẽ đến trại thăm Emma, thăm chị và anh Hai”. Nàng nói “anh Hai” bằng tiếng Việt. Rồi bắt tay tôi: “Chúc anh may mắn trong cuộc sống mới.”

Kim Thanh.

Ingen kommentarer: