fredag 20. februar 2015

Lời Kêu Gọi Từ Úc Châu


Từ thập niên 1990, nhà cầm quyền Việt Cộng đã gia tăng xuất khẩu người lao động ra nước ngoài để có lợi tức và kiếm ngoại tệ do người lao động làm việc cực nhọc đem về.

Một trong những nước có nhiều người lao động trẻ này là Mã Lai. Theo thống kê thì hiện nay có hơn 90000 công nhân Việt Nam đang làm việc, chưa kể số công nhân trốn ở lại vì không có Hộ Chiếu và tiền bạc để về lại quê hương.

Để  thực hiện một ước mơ thoát ra khỏi sự nghèo khó, hàng trăm ngàn thanh niên, đặc biệt là ở thôn quê miền Bắc đã bị nhà cầm quyền Việt Cộng gạt gẫm đi lao động xứ người. Họ sẵn sàng  chịu cực khổ 3 năm,với hy vọng sẽ mang về một vài ngàn đô la Mỹ để giúp cho gia đình đang bị nghèo đói. Mỗi người công nhân phải cố gắng tìm vay mượn bà con, hay nhà cầm quyền Việt Cộng với phân lãi cao, để nộp cho công ty môi giới  là những cơ quan nhà nước, công an, quân đội, trá hình dưới danh nghĩa là công ty môi giới trách nhiệm hữu hạn.

Đa số công nhân là những thanh niêin trẻ từ vùng quê, trình độ văn hoá phổ thông giới hạn vì không được may mắn như thanh niên ở  thành phố, không có khả năng để hiểu rõ những điều kiện ghi trong bản hợp đồng 3 năm, và nhiều trường hợp phải lăn dấu tay để thay thế cho chữ ký của mình.

Khi đến được Mã Lai, công nhân phải giao nộp Hộ Chiếu của mình cho người đại diện công ty. Sau đó họ được đưa đến những vùng hẻo lánh cách xa thủ đô Mã Lai hằng trăm cây số. Công nhân bị dồn vào những căn hộ nhỏ xíu khoảng 20m chiều dài và 4m chiều ngang, bao gồm cả 1 nhà vệ sinh, 1 buồng tắm và bếp, 10 cái giường hai tầng cho 20 công nhân. Nhiều trường hợp tồi tệ hơn thì 200 công nhân đã ở trong một nhà kho và nằm trên đất, hay là trong những thùng chở hàng ( container) với khí hậu mỗi ngày không dưới 27 độ C.

Theo hợp đồng trước khi đi thì những điều kiện làm việc và tiền lương được hưởng theo qui chế từ Luật Lao Động của Mã Lai. Nhưng trong  thực tế thì khác hắn. Nhiều công nhân bị bắt làm việc theo yêu cầu của chủ nhân  và lãnh lương theo sản phẩm. Nghĩa là khi công ty có nhiều đơn đặt hàng thì công nhân phải làm cho xong, bất kể giờ giấc được qui định theo qui chế,  nhiều trường hợp phải làm từ 12 đến 18 giờ mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần trong nhiều tháng. Và ngược lại thì khi không có việc thì công nhân nghỉ ở nhà không được lãnh lương.

Những lúc không có lương thì tiền đâu để trả nợ cho số tiền vay 20.000 Đô la Mỹ để đi lao động, và còn phải đóng thuế cho chính phủ Mã Lai nũa, thế là công nhân phải bắt buộc chạy ra ngoài để tìm công việc nào đó để kiếm tiền trả nợ.
Nhưng một khi chạy ra ngoài như vậy thì trở thành Di Dân Bất Hợp Pháp. Vì vậy hiện nay đang có hơn 400 công nhân bị giam giữ ở trong tù. Chủ nhân thì không nhận họ lại và cũng không bảo lãnh hay trả lại Hộ Chiếu. Toà lãnh Sự Việt Cộng thì không đếm xỉa tới.
Lao Động Việt đã vào trong tù để thăm những công nhân đáng thương này. Lao Động Việt rất ước mong gây quỹ được một số tiền để có thể bảo lãnh và đưa những công nhân này về nước để đoàn tụ với gia đình và tìm công việc nào đó để có thể trả nợ và có cuộc sống ổn định sau một lần bị gạt gẫm.
   
Còn nhiều trường hợp thương tâm hơn nữa mà Lao Động Việt đã giúp đỡ. Như là hai nữ công nhân không may khi đến Mã Lai thì bị đưa vào những tiệm bia ôm và bị ép làm gái. Nhiều trường hợp công nhân bị thương cụt tay vì làm quá dài giờ, hay là một công nhân bị cháy khi container gỗ của họ bị cháy trong khi họ đang ngủ giữa đêm.

Hướng dẫn và giúp cho họ những cần câu cá hơn là chúng ta phải đi câu cá cho họ ăn mãi mãi .

Vì vậy, Lao Động Việt cũng đã huấn luyện cho công nhân đoàn kết lại  mạnh dạn hơn và có khả năng để tự tổ chức và lãnh đạo tập thể công nhân của mình ở Mã Lai ( và sau này ở Việt nam)). Để có phương tiện ngỏ hầu thực hiện công tác này, Lao Động Việt cần có một số tiền để giúp cho 2 công nhân có chi phí để hoạt động toàn thời thay vì phải vừa đi làm việc trong hãng xưởng mỗi ngày và vừa phải đi khắp nơi ơ Mã Lai để làm nhũng công tác tổ chức và xã hội.

Kính mong sự hổ trợ của  quí vị.

Nguyễn Đình Hùng.
Lao Động Việt.

Mọi sự giúp đỡ, xin liên lạc:

Hoa Kỳ:       chị Holly Ngô (ntbh99@gmail.com)
Canada:      anh Tiến Đặng (n2dang@hotmail.com)
Úc châu:     anh Nguyễn Đình Hùng (hung@tcfua.org.au)
Âu châu:     chị Ca dao (cd.ubbv@gmail.com)

Ingen kommentarer: