Tuần qua, cộng đồng mạng nóng ran với chủ đề cải cách ruộng đất. Một sự kiện kinh hoàng xảy ra cách đây hơn 60 năm tưởng chừng như dần quên lãng trong ký ức dân tộc.Câu chuyện bắt đầu lăng tăng gợn sóng trong cuốn sách nóng mới xuất bản: Đèn Cù, chi tiết đắt giá xuất hiện trong cuốn sách là cảnh đấu tố, bắn chết và nhất cảnh du kích phải nhảy lên dẫm đạp đến xương gãy răng rắc mới cho thi thể bà điền chủ Nguyễn Thị Năm vào trong ván hòm loại rẻ tiền nhất. Cần nói thêm: bà điền chủ Nguyễn Thị Năm là người có công lớn đối với chính quyền cách mạng: ngoài trực tiếp nuôi dấu hàng loạt lãnh đạo bà còn hiến cho chính quyền cách mạng non trẻ 1.000 lạng vàng cũng như nhiều tài sản giá trị khác. Sự kiện trở nên nóng sốt hơn khi nhà cầm quyền tổ chức cuộc triển lãm cải cách ruộng đất với mục đích như có vẻ là để biện minh cho sự kiện hơn là cho công chúng biết về sự thực của sự kiện.
Như một vết thương chưa lành, cuộc triển
lãm đã gợn lại nỗi đau của hàng trăm ngàn người có người thân là nạn
nhân. Hàng trăm câu chuyện được viết ra để chia sẻ lên cho cộng đồng
biết về một thời kinh hoàng mà dân tộc đã trải qua.
Câu chuyện ngày càng nóng với nhiều số
phận oan ức, dù đã 60 năm trôi qua nhưng nhiều câu chuyện làm nhiều đọc
giả nghẹn ngào, căm giận cho những kẻ gây ra tội ác dù vô tình hay cố ý.
Bên cạnh dòng thác hồi tưởng đau buồn, lác đác tiếng nói kêu gọi lịch sử không phải để hận thù. Tôi nghĩ nhiều người đồng ý với quan
điểm này. Người khôn ngoan học thất bại của mình để trưởng thành hơn,
dân tộc khôn ngoan cũng vậy. Hàng trăm ngàn nạn nhân dù chết trong tức
tưởi, oan ức chắc cũng không mong muốn con cháu lại chìm đắm trong hận
thù. Hận thù chẳng có lợi ích gì cho việc kiến tạo một tương lai tươi
sáng.
Tất nhiên lịch sử không phải để hận thù
nhưng cũng không phải để tô hồng để phục vụ cho một ý đồ đen tối là củng
cố nền quyền lực độc tài chuyên chế. Ứng xử tốt nhất của lịch sử là
phải học được bài học từ nó để giúp dân tộc tránh sai trong hành trình
đến tương lai của mình.
Bài học nào được rút ra từ sự kiện long trời, lở đất trên?
Tôi xin trình bày một bài học có thể rút ra: bài học về quyền con người.
Chúng ta biết rằng, dân chủ là dân làm
chủ quyền lực nhà nước hay quyền lực nhà nước thuộc về dân. Người dân
thể hiện quyền lực thông qua lá phiếu để bầu đại diện cho mình. Các đại
diện sẽ lo việc nước bằng cách bỏ phiếu, thiểu số sẽ phục tùng đa số.
Câu hỏi đặt ra là, sẽ như thế nào nếu 55%
người bỏ phiếu để biểu quyết việc giết 45% số người còn lại? Về mặt thủ
tục dân chủ thì có vẻ ổn nhưng chúng ta sẽ thấy sự vô lý ngay của quyền
lực dân chủ trong trường hợp này.
Như vậy dân chủ không phải là trò chơi
của phiếu bầu và quy tắc đa số muốn làm gì thì làm còn thiểu số phải
phục tùng đa số. Dân chủ phải đi đôi với quyền con người (nhân quyền).
Chúng ta có thể suy rộng ra, quyền lực sinh ra là để bảo vệ quyền con
người chứ không có mục đích nào khác. Nếu quyền lực chính trị mà không
vì mục đích bảo vệ quyền con người thì hoặc là nó phục vụ cho một mục
đích không có ý nghĩa cho cuộc sống con người hoặc nó sẽ chà đạp quyền
con người
Dân chủ mà không đi đôi với quyền con
người thì sẽ dẫn đến nhiều sai lầm kinh khủng. Cải cách ruộng đất ở nước
ta là một sai lầm như thế: khi mà đám đông quyết định tiêu diệt 5% số
người trong xã hội để cướp đoạt và chia chát tài sản (ruộng đất) của họ.
Thật là đáng tiếc, ngay từ câu đầu tiên
trong bản tuyên ngôn độc lập đọc tại quảng trường Ba Đình sáng 2.9.1945,
chủ tịch Hồ Chí Minh đã dõng dạc tuyên bố trước quốc dân đồng bào “Tất
cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền
không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống,
quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; nhưng chính quyền của ông đã
không làm đúng như vậy.
Bi kịch của CCRĐ bắt nguồn từ việc không
tôn trọng quyền con người. Ở đó người ta đã dễ dàng dùng quyền lực của
đám đông để tước quyền sở hữu, quyền bào chữa-xét xử công bằng và quyền
sống của một nhóm nhỏ trong xã hội.
Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời
kỳ mà đất nước đang đi vào chu kỳ thối nát. Hơn lúc nào hết người Việt
Nam phải tìm hiểu và học về quyền con người để có thể thay đổi đất nước mà không xảy ra những điều đau buồn như câu chuyện cải cách ruộng đất năm xưa.
Chúng ta không thể xây dựng được nền dân chủ nếu không hiểu biết thấu đáo về quyền con người.
Người cầm quyền cũng nên ủng hộ người dân
tìm hiểu về quyền con người, vì đây là cách tốt nhất để bảo vệ họ trong
trường hợp đất nước có chính biến.
Nguyễn Văn Thạnh.
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar