Gởi Cho Người Việt Từ Oslo - Na Uy.
Từ Việt Nam, nhà văn Nguyên Ngọc lần này đã “đứng lên” đưa tiếng nói của mình đến với hội nghị về môi trường, vừa được hội chuyên gia Việt Nam tổ chức ở Oslo, thủ đô Na Uy.
Tác giả “Ðất Nước Ðứng Lên,” với nhân vật Núp, đi theo đảng Cộng Sản Việt Nam, nay lại thấy già Núp có nguy cơ bị mất hết đất cho các công trường khai thác quặng bauxite của Trung Quốc. Kèm theo đó là nguy cơ về môi trường sống cho cả một vùng Nam Trung Bộ, kể cả Sài Gòn.
Qua đường truyền Internet, nhà văn Nguyên Ngọc cũng có cơ hội gặp và nói chuyện với đạo diễn Song Chi, hiện đang sống ở Na Uy.
Trong phần thảo luận, anh Cường là một người tham dự đến từ Pháp, xúc động tiết lộ anh chính là người quê ở Lâm Ðồng, nhà chỉ cách khu khai thác quặng ở Tân Rai chỉ có 10 cây số. Anh nói người ta đã khảo sát từ năm 1978 và khi rửa quặng ở dưới suối đã biến dòng nước chuyển thành màu đỏ và tôm cá không còn sống được nữa. Trong khi đó đất ở đây lại là vùng rất tốt để trồng trà với những gốc cây tuổi thọ cả trăm năm. Anh Cường cũng nói nước dùng để rửa quặng là thượng nguồn của sông Ðồng Nai, tức là nguồn cấp nước uống cho toàn Sài Gòn, và ô nhiễm ở Lâm Ðồng sẽ hủy hoại môi trường sống cả một vùng lan sang đến cả Ðịnh Quán hay Bình Thuận.
Nhà văn Nguyên Ngọc, cựu đại tá quân đội Bắc Việt, cả đời lăn lộn với từng mảnh đất, gốc cây và con người Tây Nguyên, xác nhận và giải thích thêm là xưởng khai thác thủ công đó chỉ rửa quặng rồi về sơ chế ở Sài Gòn, làm phụ gia cho đồ gốm. Chuyên gia hàng đầu về Tây Nguyên của Việt Nam cũng cho biết ngày nay người dân Lâm Ðồng còn trồng được giống trà Ô Long, vốn là loại trà quí và mắc tiền nhất của Ðài Loan. Ông nói trong 40 héc-ta được qui hoạch để khai thác thử trong hàng chục năm qua, người ta đã bồi hoàn lại bề mặt của 2 héc-ta nhưng không hề có loài cây cỏ nào có giá trị có thể mọc lên ở đó. Chất màu của đất là lớp trầm tích được kết lại sau quá trình biến đổi địa lý kéo dài hàng triệu năm, ông giải thích.
“Cần phải khôi phục lại Tây Nguyên, như thiên nhiên đã tạo ra cho đất nước ta, để mà tồn tại vững bền. Công việc hẳn sẽ khó khăn, vì tàn phá đã quá sâu và khá dài. Tình hình cả tự nhiên lẫn xã hội đã bị xáo trộn rất phức tạp. Rừng của ta là rừng nhiệt đới, với nhiều thảm thực vật xen kẽ, khắng khít, không giống rừng ôn đới. Sự khôi phục ắt phải đòi hỏi nhiều thập kỷ, thậm chí một thế kỷ.” Nhà văn Nguyên Ngọc nói trong phần kết luận.
“Nhưng không còn con đường nào khác”, ông nói. “Vì nếu chậm, thì sẽ đến giới hạn không còn quay lại được nữa, tức là đã đến mức báo động đỏ. Cần phải tìm hướng phát triển khác cho Tây Nguyên, lấy đặc điểm văn hóa và sinh thái Tây Nguyên làm chỗ mạnh, mà hiện đã bị làm sứt mẻ nghiêm trọng, cần được khôi phục và sửa chữa. Làm quyết liệt, tập trung, kiên định, đầu tư lớn cho Tây Nguyên hiện nay và sắp đến, nhất thiết phải là đầu tư xanh, đầu tư khôi phục rừng, khoán rừng, trồng rừng trở lại.”
Nhà văn Nguyên Ngọc dẫn câu chuyện bài học phát triển của Ấn Ðộ sau ngày giành độc lập để “nói rằng cuộc đấu tranh cho môi trường lành mạnh, bền vững, như bao giờ cũng vậy, là một cuộc đấu tranh xã hội sâu sắc, là một sự hợp sức rộng rãi từ khắp các châu, mà hội thảo này, theo tôi, là một đóng góp rất tích cực.”
Hội thảo “Phát Triển Việt Nam: Môi Trường” được phân hội VPS Châu Âu tổ chức cùng nhóm thanh niên Việt-Na Uy tại khu nghỉ mát sinh thái trong khuôn viên khách sạn bốn sao Soria Moria, nằm trên đỉnh núi nhìn xuống toàn cảnh thủ đô Oslo. Bên cạnh lời cám ơn của hội VPS và khen ngợi ban tổ chức địa phương rằng, “đây là lần hội thảo sang trọng và ấn tượng nhất”, là nhận xét riêng của nhiều quan khách rằng hội thảo này qui tụ được rất đông thính giả trẻ so với các lần trước. Hội thảo cũng lắng nghe các trình bày của bà Marit Nybakk, phó chủ tịch ủy ban ngoại giao Quốc Hội Na Uy, và trao đổi với Nghị Sĩ Quốc Hội Peter Gitmark - bộ trưởng đối lập về môi trường của đảng bảo thủ Na Uy.
Ghi Nhanh
tirsdag 25. august 2009
Abonner på:
Legg inn kommentarer (Atom)
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar