Thảm sát Huế Tết Mậu Thân 1968.
Thảm sát tại Huế Tết Mậu Thân (tiếng Anh: Hue massacre) là tên gọi một sự kiện trong Chiến tranh Việt Nam về việc tìm thấy một số lượng lớn các ngôi mộ tập thể của những người đã chết tại Huế. Việc phát hiện này bắt đầu được tiến hành sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã có một cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân vào Huế và đã rút lui sau một tháng chiếm đóng.
Một số nhà chức trách Mỹ và Việt Nam Cộng hòa và một số nhà báo đã coi các phát hiện này cùng với các chứng cứ khác là bằng chứng cho khẳng định rằng một hành động tàn bạo ở quy mô lớn đã được thi hành ở Huế và vùng lân cận trong 4 tuần do Quân giải phóng miền Nam chiếm giữ. Một vài nguồn trong số đó cho rằng các vụ giết người này là có chủ tâm và là một phần của một cuộc thanh trừng quy mô lớn cả một tầng lớp trong xã hội. Một số nguồn khác, trong đó có những người phản đối chiến tranh, thì khẳng định rằng số lượng và hoàn cảnh của những người bị thiệt mạng đã bị khuếch đại và ngụy tạo để phục vụ mục đích tuyên truyền trong chiến tranh.
Bối cảnh:
Sáng sớm ngày 31 tháng 1 năm 1968, trong dịp Tết Nguyên Đán, quân đội Bắc Việt và quân Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) cùng lúc tấn công bất thình lình tại nhiều thành phố và địa phương trên miền Nam Việt Nam - trong đó có Sài Gòn và Huế. Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân tuy được xem là một thất bại quân sự nhưng lại là một chiến thắng có tầm vóc lớn về chính trị[cần dẫn nguồn]. Sau các thành công quân sự ban đầu, họ lập tức bị đẩy lui khắp nơi, trừ Huế.
Với mục đích giành giật chủ quyền tại Huế, trận chiến 26 ngày giữa MTDTGPMNVN với Quân đội Hoa Kỳ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH) đã diễn ra và kết quả là 40% thành phố bị tàn phá, 116.000 người mất nhà ở. Quân đội Hoa Kỳ và QLVNCH báo cáo có khoảng 5.000 lính MTDTGPMNVN bị giết bên trong Thành nội Huế và 3.000 người khác ở các vùng lân cận. Cũng trong cuộc tái chiếm này, trong số 17134 ngôi nhà tại Huế, 9776 bị phá hủy hoàn toàn, 3169 bị hỏng nặng; số thường dân thiệt mạng theo ước tính đầu tiên của chính phủ Việt Nam Cộng hòa là 3776 người; MTDTGPMN nói rằng họ đã chôn cất rất nhiều nạn nhân bom đạn tại các khu mộ tập thể cùng với binh sĩ tử trận của chính họ.
Thân nhân họ hàng đứng cạnh các bộ phận thân thể vừa được đào lên từ các mộ tập thể trong dịp Tết Mậu Thân, 1968
Sau sự kiện Tết Mậu Thân khoảng một tháng, một số lượng lớn các ngôi mộ tập thể của những người đã chết tại Huế đã dần được tìm thấy. Số liệu từ các nguồn khác nhau có sự không thống nhất.
Theo báo cáo tổng kết của Douglas Pike[2], lúc bấy giờ là nhân viên hành chính ngoại giao của cơ quan thông tin Hoa Kỳ, năm 1970:
"Câu chuyện (về Huế) chưa chấm dứt. Nếu ước đoán của giới chức Huế được coi như gần đúng, khoảng 2.000 người vẫn còn mất tích. Tổng kết về người chết và mất tích như sau:
* Tổng số dân sự tử vong: 7.600 - chết lẫn mất tích
* Chiến trường: - 1.900 bị thương vì chiến cuộc; 944 thường dân chết vì chiến cuộc
* Nạn nhân của những vụ giết tập thể:
1.173 - số tử thi tìm trong đợt đầu sau cuộc chiến, 1968
809 - số tử thi tìm trong đợt nhì, kể cả tìm thấy ở đụn cát, tháng 3-7 năm 1969
428 - số tử thi tìm trong đợt thứ ba, trong khe Đá Mài (khu Nam Hoa) - tháng 9 năm 1969
300 - số tử thi tìm trong đợt thứ tư, khu Phu Thu, tháng 11 năm 1969
100 - số tử thi tìm thấy các nơi trong năm 1969
1.946 - mất tích (tính đến năm 1970)"
Một học giả Mỹ, các ước lượng ban đầu của Bộ Di dân và An sinh Xã hội Việt Nam Cộng hòa, số dân thường thiệt mạng do giao tranh và bom pháo là 3.776, trên tổng số dân thường bị thương, chết hoặc mất tích là 6700 người[4], chứ không phải các con số 944 và 7600 do Tiểu đoàn Chiến tranh Chính trị số 10 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đưa ra. Các con số 944 và 7600 này đã được Pike Douglas dùng trong thống kê của mình.
Về các con số cụ thể tại các địa điểm khai quật, Gareth Porter[3] viết: "...tại địa điểm trường trung học Gia Hội, báo cáo chính thức của Mỹ, dựa trên thông tin cung cấp bởi Tiểu đoàn Chiến tranh Chính trị số 10, đưa ra tổng số 22 mộ tập thể và 200 tử thi, với bình quân 9 tử thi mỗi mộ. Nhưng khi Steward Harris [phóng viên Thời báo Luân Đôn] được đưa đến địa điểm đó, người sĩ quan Việt Nam hộ tống nói với anh ta rằng mỗi ngôi mộ trong số 22 ngôi có từ 3 đến 7 xác, cho ra tổng trong khoảng từ 66 đến 150. Cũng khoảng trong thời gian đó, Tiểu đoàn Chiến tranh Chính trị số 10 xuất bản một cuốn sách nhỏ dành cho người đọc Việt Nam, trong đó nói rằng tại trường học có 14 mộ (chứ không phải 22), con số này còn làm giảm tổng số hơn nữa."
Cũng theo Gareth Porter, Alje Vennema[6], một bác sỹ làm việc cho một đội y tế Canada tại bệnh viện Quảng Ngãi và đã tình cờ có mặt tại Bệnh viện Huế trong thời gian xảy ra sự kiện Tết Mậu Thân, nói tổng số tử thi tại bốn địa điểm chính được phát hiện ngay sau Tết là 68, chứ không phải con số 477 như đã được tuyên bố chính thức.
" ... có 3 giai đoạn đưa đến những vụ xử tử.
Giai đoạn đầu là một loạt các cuộc xử án bất hợp pháp công cộng kéo dài khoảng 5 - 10 phút do giới chức trong quân Bắc việt hay Việt cộng dựng lên. Bị cáo luôn bị kết án 'có tội với nhân dân'.
Giai đoạn nhì, khi họ cho rằng họ sẽ giữ được Huế lâu dài, quân Bắc việt / Việt cộng bắt đầu tiến hành công tác giáo dục tư tưởng Mao Trạch Đông cho quần chúng. Những ai bị tình nghi có thái độ chống cách mạng từ từ bị truy lùng trong giai đoạn này. Người theo đạo công giáo, các nhà trí thức, thương gia, và đám người bị tội làm 'tay sai Đế quốc' bị chiếu cố để 'tạo dựng xã hội mới'
Giai đoạn sau cùng, khi thấy rõ họ đang bị đánh bật ra khỏi Huế, quân Bắc việt / Việt cộng thi hành những vụ thủ tiêu nhân chứng - bất cứ ai biết mặt họ, nhìn thấy những tội ác trong lúc Huế bị chiếm đều bị giết và chôn mất xác."
Nhiều tác giả sử dụng báo cáo của Pike, trong khi nhiều người khác thì phủ nhận, cho rằng đây là một chiêu bài tuyên truyền của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa để tạo hỗ trợ cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Việt Nam. Trong những thời gian đầu cuộc chiến, nhiều phóng viên chiến trường phải viết phóng sự tuân theo một quy định áp đặt từ chính phủ Hoa Kỳ.
Về sau có khảo cứu của Gareth Porter[3] về vụ thảm sát Huế, trong đó, ông chỉ trích những phóng đại tuyên truyền từ Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa. Ông nói các thông tin về cái gọi là đàn áp tôn giáo là thiếu chính xác[7]. Ông đã nêu ra các nguồn gốc không xác thực của những thông tin về vụ "thảm sát"[8]; sự không rõ ràng trong việc điều tra tại thực địa các ngôi mộ tập thể[9]; những mâu thuẫn trong các báo cáo về số lượng tử thi tìm thấy; những mâu thuẫn với kết quả tìm hiểu của một bác sỹ y khoa làm việc tại Huế lúc đó; một số chi tiết đáng chú ý xung quanh các cuộc khai quật vào năm 1969; những mâu thuẫn giữa bài viết của Douglas Pike với các nguồn thông tin khác[10]; những mâu thuẫn trong các lời khai của "người làm chứng" cho vụ thảm sát[11]; và kết quả của những trận bom của Mỹ tại Huế[12].
Gareth Porter cho biết rằng một người bác sỹ có mặt tại Huế vào thời điểm tìm thấy các mộ chôn, Alje Vennema[6], viết rằng đối với các địa điểm trong khu lăng vua, hầu hết các tử thi có dấu vết của quân phục. Vennema kể rằng đã hỏi chuyện các dân làng gần đó, họ nói rằng trong các ngày 21 đến 26 tháng 2 khu vực trung gian đã bị bom và pháo dữ dội. Và, trái với các tuyên bố của chính phủ rằng nhiều nạn nhân đã bị chôn sống tại đó, Vennema nói rằng tất cả các tử thi đều có các vết thương.
Trong kết luận của bài viết, Gareth Porter đồng ý rằng có những vụ xử tử, giết người tại Huế trong giai đoạn chiếm đóng; tuy nhiên không có bằng chứng cụ thể về nguyên nhân của những cái chết.
"Các bằng chứng có được -- không phải từ nguồn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, mà từ nguồn chính thức của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa và từ các quan sát viên độc lập -- cho thấy rằng câu chuyện chính thức về một cuộc tàn sát bừa bãi đối với những người được cho là không thích hợp với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam là hoàn toàn bịa đặt. Không chỉ số lượng các thi thể được tìm thấy trong và xung quanh Huế đáng nghi vấn, mà quan trọng hơn, nguyên do của các cái chết có vẻ như là bị chuyển từ chính các trận đánh quân sự sang việc xử tử của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Và tường trình chi tiết nhất "có thẩm quyền" mà các chính phủ Mỹ hay Việt Nam Cộng hòa đưa ra về sự việc được cho là vụ thảm sát này đã không đứng vững trước các thẩm định."
"Trong những ngày đầu của cuộc chiếm đóng quả thực có những vụ xử tử công khai tại chỗ ... khi trận chiến gần kết thúc bởi cuộc công pháo, lính miền Bắc trên đường rút lui xử tử những người họ đang giam giữ thay vì thả họ ra hay bắt theo làm tù binh - với con số người chết không nhiều như chính phủ Sài gòn và Washington công bố, nhưng nhiều đủ để tạo những câu hỏi tang thương cho những người sống sót ở Huế..."
Philip W. Manhard, một cố vấn cao cấp Hoa Kỳ tại Huế bị bắt đem ra trại tù binh ở miền Bắc Việt Nam (được thả năm 1974). Ông còn nhớ rõ những vụ bắn giết tại chỗ những người già yếu không đủ sức đi theo cuộc di tản tù nhân.
Năm 1969, phóng viên Don Oberdorfer[15] sang ở Huế 5 ngày với Paul Vogle, giáo sư dạy Anh Văn người Mỹ tại Đại học Huế, và phỏng vấn nhiều nhân chứng trong thời gian Huế bị quân MTDTGPMNVN chiếm đóng. Theo Oberdorfer, các vụ giết người chia làm hai loại:
1. Loại xử tử có kế hoạch cho những giới chức chính phủ nam Việt Nam và gia đình thân quyến của họ, nhân viên chính phủ và dân sự và những người "theo Mỹ".
2. Loại bắn tại chỗ những ai chạy trốn không trả lời thẩm vấn, những ai nói xấu về cuộc chiếm đóng Huế, những ai có thái độ "không tốt" với quân cai quản.
Tuy không thể minh định bằng nguồn tin nào khác, Oberdorfer báo cáo rằng hầu hết những người nam trên 15 tuổi trốn tránh trong một nhà thờ khu Phú Cam đều bị đem đi và bắn chết. Khi Oberdorfer phỏng vấn Hồ Tý, một chỉ huy Việt Cộng trong cuộc tổng tấn công 1968 đã đào ngũ, ông này cho biết Đảng Cộng sản Việt Nam có lưu ý đặc biệt về khu công giáo Phú Cam vì "người công giáo là kẻ thù của chúng tôi".[15]
[sửa] Chú thích
1. ^ Herman & Porter, The Myth of the Hue Massacre, Ramparts, Vol. 13, No. 8, May-June 1975
2. ^ a b Douglas Pike, "Vietcong Strategy of Terror" (PDF)
3. ^ a b c D.Gareth Porter. "The 1968 'Hue Massacre'". Tạp chí Indochina Chronicle số 33, 24/6/1974.
4. ^ Saigon Post, March 17, 1968
5. ^ VC Carnage in Hue, Tenth Political Warfare Battalion, 1968, p. 8.
6. ^ a b Alje Vennema, "The Tragedy of Hue," unpublished manuscript, 1968, pp. 19-23.
7. ^ "...Về những người Công giáo ở Huế, bằng chứng từ cả các tài liệu của Cộng sản và nhân chứng cho thấy chính sách của MTDTGPMN không hướng về phía chống lại Giáo hội Công giáo. Tài liệu Kế hoạch công kích và khởi nghĩa bắt được nói đến việc 'cô lập (isolate) những tên phản cách mạng lợi dụng Công giáo tại Phú Cam'. Tuy nhiên, trong thuật ngữ tiếng Việt của Cộng sản, 'cô lập' có nghĩa hành động để cắt đứt các ảnh hưởng của các cá nhân nói trên ra khỏi các sự vụ của cộng đồng. Nó không có nghĩa hành quyết hay thậm chí không nhất thiết có nghĩa bỏ tù, trái với những gì mà các chuyên gia chiến tranh chính trị có thể thuyết phục. Tài liệu chỉ ra rằng chỉ có các mục sư bị phát hiện 'che dấu địch' mới là đối tượng trừng phạt, và mức độ trừng phạt cụ thể còn tùy vào mức độ mà chống đối cách mạng của cá nhân đó trong quá khứ...". Porter cũng trích dẫn Ackland và Porter, op. cit., p. 145. là tại khu Gia Hội, nơi MTDTGPMN đã kiểm soát trong 26 ngày, một linh mục Công giáo nói với Len Ackland rằng không một ai trong số các giáo dân của ông bị MTDTCPMN hại.
8. ^ "...chính quyền Sài Gòn không cho phép bất kỳ phóng viên nào xem các địa điểm có mộ hay các tử thi..."
9. ^ Porter trích Le Monde, April 13, 1968, rằng Marc Riboud dùng trực thăng để đến địa điểm đã thông báo thì phi công từ chối hạ cánh với lí do là vùng đất đó "không an toàn". Danh sách địa điểm không giống với cái mà Đại tá Tỉnh trưởng Phạm Văn Khoa miêu tả.
10. ^ Porter trích báo Tiền Tuyến, ngày 3-5-1969, rằng "Bộ trưởng Y tế, Trần Lưu Y, sau khi đi thăm các địa điểm chôn cất vào tháng Tư năm 1969, đã thông báo với Phó Tỉnh trưởng Thừa Thiên rằng các tử thi có thể là của những người lính MTGPDT bị chết trong các trận giao tranh"; ông cũng dẫn lời Washington Post, May 5, 1969 là "Một sỹ quan Mỹ tại Huế đã thừa nhận với một phóng viên tờ Washington Post tại một lễ tang tập thể cho những người chết: Một số có thể đã đơn giản là bị kẹt lại [trong các cuộc giao tranh]"
11. ^ Porter nêu ra sự mâu thuẫn thông tin trong hai cuộc phỏng vấn của Baltimore Sun và báo Tiền Tuyến, ngày 17 tháng 10 năm 1969, với cùng một nhân chứng
12. ^ "...toàn bộ những vùng tìm thấy các hố chôn là chiến trường trong nhiều tuần của năm 1968. MTGPDT đã tiếp tục giữ nhiều làng nhỏ ngay cả sau khi đã bị đẩy ra khỏi thành phố, và một số làng vẫn nằm trong quyền kiểm soát của họ trong hàng tháng, khi các máy bay ném bom của Mỹ đánh phá họ dữ dội...Làng Phú Mỹ, chỉ cách Huế 3 dặm về phía đông, là một trong các làng đã bị các đơn vị Cộng sản chiếm giữ trong cuộc tổng tấn công, khi nhiều nam giới trẻ nằm trong tuổi quân sự đã được gọi vào Quân Giải Phóng. Theo một cuộc phỏng vấn sau này với một người dân làng, máy bay Mỹ đã liên tục ném bom làng, phá hủy hàng trăm ngôi nhà và làm dân thường thiệt mạng....Phú Xuân, cách Huế 13 dặm, đã là chiến trường của các cuộc giao tranh dữ dội, trong đó có sự sử dụng mạnh của không lực Mỹ, trong các tuần nối tiếp cuộc Tổng tấn công..."
Wikipedia
søndag 7. desember 2008
Abonner på:
Legg inn kommentarer (Atom)
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar