onsdag 10. desember 2008

Nhìn Lại 50 Năm Công Hàm Phạm Văn Ðồng

Nhìn Lại 50 Năm Công Hàm Phạm Văn Ðồng (14-9-1958 - 14-9-2008)

**************************************************************

Ngày 4 tháng 9 năm l958 Chính Phủ Trung Quốc ra tuyên cáo mở rộng lãnh hải của họ từ 3 hải lý thành 12 hải lý, áp dụng cho tất cả các lãnh thổ và hải đảo của Trung Quốc, trong đó họ bao gồm cả Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt nam). Mười ngày sau, ông Phạm Văn Ðồng, thủ tướng cộng sản Việt Nam, gửi công hàm cho thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Quốc, tán thành tuyên cáo nói trên, mà không hề có lời phản bác nào trước việc Trung Quốc ngang nhiên xem Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ của họ. Hơn một tuần sau, báo Nhân dân ra ngày 22 tháng 9 đăng toàn văn công hàm vừa kể, để toàn đảng, toàn dân và thế giới biết hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ nay không còn là của Việt Nam nữa.

Bức công hàm tuy chỉ dài 121 chữ, nhưng nói rất rõ là chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà, tức Cộng sản Việt nam, chẳng những “ghi nhận”, “tán thành” mà còn chỉ thị cho các cấp “triệt để tôn trọng” hải phận của Trung Quốc bao gồm cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa. Như vậy, ngay trên văn bản này, ông Phạm Văn Ðồng đã không nhân danh cá nhân ông, mà thay mặt cho chính phủ cộng sản Việt Nam ký kết. Trên thực tế, trong cương vị Thủ tướng, ông Phạm văn Ðồng phải là người ký công hàm. Nhưng người ta đều biết, ông ta không phải là người tự quyết định, mà chỉ thừa hành quyết định chung của 11 người trong Bộ Chính trị hồi đó, mà người đứng đầu là ông Hồ Chí Minh. Sau 32 năm ngồi ghế thủ tướng, khi về vườn, ông Phạm Văn Ðồng đã gián tiếp xác nhận điều này qua lời than thở rằng,ông chẳng có quyền hành gì cả.

Sau này, vào những năm cuối đời, ông Phạm Văn Ðồng biện bạch cho việc ông phải ký công hàm bán nước năm 1958 là vì lúc đó đang thời chiến. Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm cũng đã đưa ra những lời biện bạch tương tự, và được Thông tấn xã Việt Nam loan ngày 3 tháng 12 năm 1992. Ông Nguyễn Mạnh cầm cho rằng, việc Cộng Sản Việt Nam ủng hộ Trung Quốc công bố chủ quyền của họ trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là cần thiết, vì nó phục vụ cho cuộc chiến bảo vệ tổ quốc. Cả hai lời biện bạch này vừa là những lời nói dối, vừa cho thấy sai lầm to lớn của đảng cộng sản Việt Nam, căn nguyên đưa đến sự bại liệt của nước ta hiện nay. Vào năm 1958 không có cuộc chiến tranh nào cả. Lúc đó miền Nam chỉ có một ít cố vấn Mỹ, không nhiều gì hơn số cố vấn Nga, Tàu ở miền bắc. Nhưng đảng cộng sản Việt Nam đã hoạch định cuộc xâm lăng miền Nam, gọi là cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước” tại đại hội đảng lần thứ 3, năm 1959. Chính cuộc chiến mà ông Hồ Chí Minh và nhóm lãnh đạo cộng sản nhất định phải tiến hành cho bằng được, dù có phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn”, đã tàn phá đất nước, làm kiệt quệ sinh lực dân tộc. Rồi sau đó, với những sai lầm liên tiếp khác, đảng cộng sản Việt nam đã đưa đất nước xuống hố sâu của sự khánh kiệt mọi mặt; đành phải thúc thủ trước sự hung hăng của Trung Quốc. Ngày nay người ta đều phải thừa nhận là, miền nam trước kia, dù phải chịu đựng chiến tranh, nhưng cũng đã phát triển ngang hàng hoặc hơn các nước trong vùng. Nếu Hà Nội đừng gây ra cuộc chiến (*), thì đến nay chắc chắn miền Nam đã phát triển, hùng cường không thua kém gì Ðại Hàn. Trong tình hình đó, liệu Trung Quốc có dám khinh thường Việt Nam như hiện nay không?

Trở lại bức công hàm bán nước năm 1958; 20 năm sau; bộ ngoại giao của Hà Nội ra tuyên bố cho rằng, công hàm đó chỉ mang tính chất ngoại giao. Cùng năm đó, báo chí đăng tin ông Lý Tiên Niệm, phó thủ tướng Trung Quốc nói rằng : “80 năm sau Trung Quốc mới nói chuyện Hoàng sa, Trường Sa với Việt Nam”. Lời tuyên bố này khiến người ta phải tự hỏi, liệu còn những mật ước dâng nhượng đất đai khác của Hà Nội mà Bắc Kinh chưa tiết lộ không? Nhìn vào sự thậm thụt của cộng sản Việt Nam trong các hiệp định trên bộ năm 1999 và trên biển năm 2000, thì nghi vấn vừa kể không phải là vô căn cứ. Thỉnh thoảng, khi không bằng lòng đàn em ở Hà Nội, Bắc Kinh lại xì ra thêm một vài dữ kiện, mà Hà Nội phải ngậm bổ hòn làm ngọt.

Thực ra,công hàm năm 1958 không phải là dữ kiện duy nhất về sự bán nước của cộng sản Việt Nam. Tháng 02 năm 1972, cục Ðo Ðạc và Bản Ðồ thuộc phủ thủ tướng Cộng Sản Việt nam, khi ấn hành bản đồ thế giới đã xóa tên Hoàng Sa và Trường Sa, thay vào đó là tên Tây Sa và Nam Sa. Trong khi đó, thư viện của trung Hoa Dân Quốc (tức Ðài Loan) vẽ bản đồ Việt Nam từ năm 1947, có cả Hoàng sa và Trường Sa. Tháng 5 năm 1976 báo Saigon Giải Phóng, trong bài bình luận việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa bằng võ lực hồi tháng giêng năm 1974, đã viết rằng: “Trung Quốc vĩ đại đối với chúng ta không chỉ là người đồng chí, mà còn là người thầy tin cẩn đã cưu mang chúng ta nhiệt tình để chúng ta có ngày hôm nay. Vì vậy chủ quyền Hoàng Sa thuộc Việt Nam hay thuộc Trung Quốc cũng vậy thôi!”. Sách địa lý xuất bản năm 1974; trong bài “Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa” có viết rằng “chuỗi hải đảo từ Nam Sa (Trường Sa) và Tây Sa (Hoàng Sa) tới Hải Nam và Ðài Loan là bức tường thành bảo vệ lục địa Trung Quốc”.

Nhìn lại năm mươi năm, khởi đi từ bức công hàm bán nước năm 1958, và các hành vi bán nước khác của đảng cộng sản Việt Nam sau đó, cùng với những sai lầm nghiêm trọng, đã làm cho đất nước suy vong, dân tộc mất sức đề kháng ngoại xâm, điều người ta khẳng định được là, không ai khác, chính Ðảng Cộng Sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm trước dân tộc và lịch sử về tình trạng này. Trong đó, dù muốn dù không, công hàm năm 1958 tự nó đã vô hiệu hoá chủ quyền chính đáng của Việt nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Kéo theo những thiệt hại khác của dân tộc. Do đó, văn bản này cần phải được huỷ bỏ. Ðây là điều cộng sản Việt Nam phải thực hiện, hầu phần nào chuộc tội bán nước mà đảng đã làm từ nửa thế kỷ qua.


(*) Vào năm 1970, hai năm sau biến cố tết Mậu Thân, lực lượng cộng sản tại miền nam gần như bị tiêu giệt. Hạ tầng cơ sở của việt cộng cài cắm tại miền Nam hoàn toàn bị bị bật gốc. Chương trình bình định phát triển của Việt Nam Cộng Hoà tiến triển tốt đẹp. Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu lúc đó đã đưa ra lời kêu gọi miền bắc hãy ngưng chiến tranh. Hai miền nam bắc thi đua phát triển đất nước, thi đua đem lại phúc lợi cho người dân. Nhưng cộng sản Việt Nam đã đáp ứng lời kêu gọi này bằng việc tăng cường xâm nhập người và vũ khí vào miền Nam, gia tăng cường độ chiến tranh vào những năm sau đó, để kết thúc cuộc chiến xăm lăng 30.04.1975.

Lê Vĩnh (VNN)

Ingen kommentarer: