lørdag 6. desember 2008

Kinh nghiệm đấu tranh bất bạo động của Tây Tạng

Kinh nghiệm đấu tranh bất bạo động của Tây Tạng.

“Đất nước xa xưa này, với một nền văn hóa cổ và các di sản đang chết dần. Tôi phải chấp nhận sự thất bại.” Đó là lời phát biểu của đức Phật sống, Dalai Lama, vị lãnh đạo tinh thần tối cao, của người dân Tây Tạng. Ông đã nói câu trên trong chuyến công du tại Nhật vào tháng 11, khi mô tả về tình hình tại Tây Tạng ngày càng trở nên tồi tệ.

Vị sư được dân Tây Tạng tôn là Phật sống đã 73 tuổi, trên 50 năm lưu vong, từng được giải Nobel Hòa Bình, người được toàn thể thế giới kính nể vì tinh thần chủ trương “đấu tranh bất bạo động” với chế độ độc tài Trung quốc, để đòi quyền tự trị văn hóa cho dân tộc Tây Tạng.

Trong suốt 50 năm, ông đã đi nhiều nơi trên thế giới để thuyết giảng Phật pháp, để vận động thế giới ủng hộ chủ trương đòi quyền tự trị văn hóa. Nói chung ông đã thành công trong những việc làm trên. Đó là có rất đông người phục tài thuyết pháp của ông, sùng đạo Phật, tôn thờ ông, và rất đông chùa thuộc các hệ thống Phật giáo Tây Tạng được thành hình trên thế giới. Từ cuối thập niên 80, ông đã được sự ủng hộ chính trị của các lãnh tụ các quốc gia Tây phương, tiếp đón với tư cách quốc khách, thượng khách, và làm cho vấn đề Trung quốc chiếm đóng Tây Tạng từ thập niên 50 được chú ý trở lại và gặp nhiều sự phản đối trên thế giới.

Cho đến nay, cao điểm của các phản ứng thế giới đối với Trung quốc là dịp tổ chức Thế vận hội Bắc kinh 2008, nhân vụ Trung quốc gia tăng sự đàn áp đối với người dân Tây Tạng và giết chết trên 200 người Tây Tạng vào tháng Ba năm 2008. Sau khi việc tổ chức Thế vận Hội chấm dứt thì cuộc đàm phán giữa Tây Tạng và đại diện của Trung quốc cũng tàn theo, phiên họp cuối cùng của đôi bên vào đầu tháng 11 đã bị bế tắc và đình chỉ, tức là mối hy vọng nói chuyện với Trung quốc để đòi (hay xin) được quyền tự trị của Tây Tạng coi như chấm dứt.

Trong một phát biểu mới đây nhân dịp đại hội của trên 500 lãnh tụ cộng đồng Tây Tạng từ khắp nơi trên thế giới tại Dharamsala vào cuối tháng 11, phát ngôn viên Khama Chopel của chính phủ lưu vong Tây tạng, cho biết trong một cuộc thăm dò ý kiến một cách bí mật ở trong nội địa Tây Tạng, thì số ý kiến muốn Tây Tạng được độc lập đã gấp đôi số ý kiến ủng hộ chủ trương của đức Dalai Lama, tức là chủ trương chỉ muốn được tự trị về mặt văn hóa mà thôi, còn chủ quyền thì Dalai Lama vẫn thừa nhận Tây Tạng là thuộc về Trung quốc. Tức là người dân Tây tạng, phải nói cho rõ là những người dân Tây Tạng đang sống trong nội địa, những người trực tiếp bị chế độ độc tài Trung quốc thống trị hàng ngày, đã có cách nhìn thực tế hơn. Họ thấy rằng chủ trương của người lãnh đạo tinh thần của họ đã có gì đó không hiệu quả hay không ổn. Bởi vì sau một thời gian dài, phương thức xin cho, được diễn tả bằng từ ngữ mỹ miều “đấu tranh bất bạo động” đã không đem lại kết quả như họ mong muốn.

Thêm một bài học cho những ai còn tin vào chiêu bài đấu tranh bất bạo động với chế độ độc tài, xin tự trị văn hóa suốt 50 năm dài còn không được, huống gì đòi đấu tranh giành tự do dân chủ như trường hợp Việt Nam.

Thái Hoà

Ingen kommentarer: