torsdag 6. august 2015

Xóm Mù Chữ Giữa Lòng Hà Nội


Từ cầu Long Biên, muốn đến thăm xóm chài nổi bên sông Hồng, phải đi bộ qua một bãi bồi của người dân phường Phúc Xá, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nhìn từ xa, những con thuyền neo đậu ven sông như những tô vẽ bao diêm đủ sắc màu bởi những chiếc bạt quảng cáo, mà người dân tận dụng vào để làm mái và vách cho thuyền. Cách xóm khoảng 300 mét, đã nghe tiếng trẻ con ríu rít chơi đùa, giờ này mà ở trên bờ là lũ trẻ được đến trường đi học, nhưng ở cái xóm “lênh đênh” này, chúng đều không được đến trường, cứ sau bữa cơm trưa là chúng lại tụ tập nhau, chơi ở bãi bồi, hay lớn hơn chút là giúp bố mẹ lao động việc nhà.
“Xóm nhà nổi” gồm gần 20 con thuyền nhỏ, neo đậu vào nhau ở Bãi giữa sông Hồng. Dân cư ở đây rất đông đúc, họ từ khắp mọi nơi về đây để sinh sống, phần lớn dân cư ở đây làm những nghề “trên cạn” như bốc vác, gánh hàng thuê, xe ôm, thu mua đồng nát quanh khu vực chợ Long Biên. Hàng ngày, những ông bố, bà mẹ ở các thuyền nổi dậy từ 2 - 3 giờ sáng để mưu sinh, để cho con cái ở nhà tự trông nhau. Chính vì thế, những đứa trẻ “đặc biệt” này rất ít khi được tiếp xúc với người lạ. Ở những thuyền này, cứ đứa lớn trông đứa bé, bố mẹ đi từ lúc trời còn chưa sáng, đến đêm mới về đến thuyền, có khi, cả tuần chả gặp mặt con, vì chúng mải… ngủ. Những đứa trẻ này cứ tự chăm sóc nhau trên thuyền, từ ăn uống, giặt giũ. Cả tháng chúng không được tắm là… chuyện thường.
Xóm chài vào lúc 15h chiều, gần 20 con thuyền nhưng chỉ có trẻ con và những người già ở nhà. Xóm thuyền nổi này rất đoàn kết, có cả chuyện một người già ở thuyền nào đấy có thể trông hơn 10 đứa trẻ của xóm bằng cách ngồi ở mép thuyền, quát cho chúng khỏi xuống sông nghịch nước, hay bày trò trên bãi bồi để “dụ” chúng lên chơi cho khỏi nguy hiểm. Vì đang vào mùa khô, nên sông Hồng cạn nước, mỗi lần có nhu cầu rửa tay, rửa rau, những đứa trẻ ở đây đều dùng một cái gầu dây bằng cao su buộc thêm dây thừng vào để múc nước ở dưới sông lên. Không có mưa, nên nước ở đây đen đặc vì rác thải, túi nilon… khiến cho không gian đặc quánh mùi phế thải. Chỉ cách Hà Nội chưa đầy 2 km nhưng xóm nghèo này đã có đủ ba không: Không điện, không nước sạch, không chữ. Cả xóm chỉ có bốn em bé là học qua lớp bốn rồi phải nghỉ vì bố mẹ phải làm ăn, không đưa đón được.
Vì người lớn ở xóm làng chài lăn lộn với mưu sinh bất kể ngày mưa, ngày gió nên những đứa trẻ tại đây thường “khôn trước tuổi”. Ba, bốn tuổi chúng đã tự biết làm việc nhà, chăm sóc bản thân và ăn ngủ đúng giờ. Mùa khô thì chúng tự do vui chơi tại thuyền, giải trí chỉ có những quả bóng bằng quả bưởi nhỏ, mấy trò chơi dân gian đánh chuyền, đánh đáo… khi nước dâng cao, bố mẹ chúng lại kéo thuyền vào gần chân cầu Long Biên, neo đến khi nào nước rút lại đưa thuyền về vị trí xóm nổi này.
Mang tiếng là xóm chài ven sông Hồng, nhưng hầu hết các gia đình ở đây không làm việc gì liên quan đến… chài lưới. Thuyền chỉ là nơi họ trở về sau những ngày làm việc mệt nhọc trong phố xá đông đúc Hà Nội. Vì sống biệt lập trong xóm, nên những đứa trẻ nơi đây cũng bị nhiều thiệt thòi. Nhìn lên trên là cầu Long Biên và những dòng xe đông đúc đi lại, nhưng nhiều đứa trẻ xóm chài này chưa từng biết đến tô phở hay những trò chơi hiện đại. Cũng vì cuộc sống nên bố mẹ chúng cứ đi từ sáng, đến đêm lại về, tuần tự như thế hàng tháng, hàng năm. Họ chỉ ở nhà vào ba ngày tết và những lúc con cái ốm. Tuy nhiên, dường như chúng cũng biết thương bố mẹ nghèo, nên rất ít khi ốm và làm phiền người lớn…
Ở cái xóm chài nghèo này, việc có những gia đình “chắp ghép” là chuyện thường, họ ra xóm lập thuyền mưu sinh, gặp người hợp với mình và “chắp” lại thành một gia đình, không hôn thú, không đám cưới, lũ trẻ ra đời cũng không giấy tờ gì. Việc kiếm đủ tiền và mua đất trên bờ là việc không tưởng đối với họ. Vì còn phải vất vả chạy ăn từng bữa, nên trẻ con xóm này rất khổ, không được quan tâm. Một vài cháu được đến trường, nhưng hàng ngày phải đi bộ vào trong phố, mãi tận Phúc Xá, Phú Thượng nên bố mẹ chủ động cho bỏ học. Chính vì trẻ con sinh ra không làm được giấy tờ khai sinh, nên việc xin đi học rất khó.
Trời đã về chiều, nhưng xóm chài ven sông này vẫn không có sự đầm ấm của không khí gia đình, do người lớn vẫn còn mưu sinh, kiếm tiền “bên phố”. Ở đây, dân xóm chài phân biệt bằng cách gọi “bên phố”, “bên chài”… rất xót xa. Nhìn những con thuyền đơn sơ, neo đậu bãi bồi mùa nước cạn, nhiều người không khỏi ngậm ngùi: Chỉ cách Hà Nội phồn hoa chưa đầy 2 km nhưng cả xóm chỉ có hai cái tivi đen trắng, dùng bằng ác quy để giải trí. Người lớn mưu sinh đến tối khuya, trẻ con ở đây cũng biết “tự động” ngủ và chơi mà không hề biết mè nheo đến những món “quà phố” như điện tử, đồ chơi, sách vở… Tối đến không có điện, chúng thắp nến, đốt đèn dầu, ngồi “thu lu” trong thuyền đợi bố mẹ về và thổn thức cho đến khi ngủ quên. Đâu đó trong giấc mơ của những đứa trẻ nghèo, việc có được một bộ quần áo mới và đi đến trường là niềm mơ ước khôn nguôi…
Lạc Thành.

Ingen kommentarer: