Hai
mươi lăm năm trước có hai biến cố quan trọng trong lịch sử thế giới xảy
ra cách nhau vài tháng: Bắc Kinh đàn áp sinh viên ở Thiên An Môn để bảo
vệ chế độ cộng sản Trung Quốc và Bức tường Berlin sụp đổ, kéo theo sự
tan rã của các chế độ cộng sản Đông Âu và Liên bang Xô viết.
Phong trào dân chủ:
Tháng
Tư năm đó, cựu lãnh đạo Trung Quốc là Hồ Diệu Bang qua đời. Ông được
biết đến như một người có chủ trương cải cách và đã bị phe giáo điều
thanh trừng. Sinh viên tổ chức lễ tưởng niệm ông, dẫn tới biểu tình đòi
dân chủ kéo dài nhiều tuần ở Thiên An Môn và các tỉnh thành trên toàn
nước Trung Quốc.
Ngày
4/6 chính quyền ra lệnh cho xe tăng và binh lính vào đàn áp sinh viên.
Hàng trăm, có thể hàng nghìn bạn trẻ đã chết. Cho đến nay vẫn không có
con số chính xác bao nhiêu người bị thảm sát và Bắc Kinh không bao giờ
nhìn nhận sự kiện.
Trong
thời gian sinh viên tại Trung Quốc biểu tình, trước đó không lâu ở Đông
Âu cũng đang nổi lên phong trào đòi hỏi dân chủ, chống lại các chế độ
cộng sản độc tài.
Liên Xô đã yếu kém về kinh tế nên không còn mạnh để can thiệp vào Ba Lan và các nước Đông Âu như những năm 1956, 1968.
Phong
trào dân chủ hoá bắt đầu từ Ba Lan với các cuộc biểu tình, đình công
của công nhân do người thợ điện Lech Walesa lãnh đạo vào đầu thập niên
1980. Đến cuối thập niên, chính quyền Warszaw đã phải nhượng bộ qua các
cuộc bầu cử và dân đã đưa Walesa lên làm tổng thống. Năm 1991 Ba Lan xác
lập một thể chế tự do dân chủ qua kỳ bầu Quốc hội đa đảng.
Làn
sóng đòi dân chủ lan ra khắp vùng. Tháng 5/1989 Áo và Hungari quyết
định phá bỏ những trạm gác biên giới để người dân Hung được tự do du
lịch qua Tây Âu.
Việc
mở cửa biên giới kéo theo hàng vạn người vượt biên bằng tàu hỏa từ
những quốc gia cộng sản như Séc, đông nhất là dân Đông Đức, chạy qua
Hungari rồi ào ạt đến các sứ quán Tây Đức xin tị nạn, từ mùa hè cho đến
khi Bức Tường Berlin bị chính thức kéo đổ đêm 9/11/1989.
Biểu tượng chia cắt:
Tường Berlin được xây dựng năm 1961, dài 145 cây số, là biểu tượng của sự ngăn chia giữa tự do và cộng sản.
Ngày
nay trong bảo tàng của nhiều Tổng thống Mỹ có trưng bày những mảng
Tường Berlin. Lãnh đạo Mỹ từ Richard Nixon, Gerald Ford đến Ronald
Reagan, George W. Bush (Cha) coi sự sụp đổ của Bức tường Berlin là thành
công của Hoa Kỳ trong cuộc Chiến Tranh Lạnh.
Trước
sự bộc phát của làn sóng dân chủ ở Đông Âu, với Ba Lan là con đô-mi-nô
đầu tiên mà Liên Xô đã không can thiệp, Trung Quốc lo sợ làn sóng đòi
dân chủ của sinh viên cũng sẽ làm sụp chế độ nên Bắc Kinh đã ra lện cho
binh lính đem xe tăng vào dẹp biểu tình trong đêm 4/6/1989.
Tại
Việt Nam chính sách đổi mới kinh tế được áp dụng từ cuối năm 1986. Cởi
trói văn nghệ cũng vừa được phép thực hiện theo sau đó.
Với
sự yểm trợ ngầm cũng như công khai của Hoa Kỳ cho tiến trình dân chủ
hóa ở Ba Lan và các nước Đông Âu, Hà Nội nghi ngờ khi mở ra những quan
hệ với Hoa Kỳ, người Mỹ vào Việt Nam cùng có ý định tạo ra những làn
sóng dân chủ tại đây.
Lãnh đạo cao cấp đã có người cất tiếng đòi hỏi cải cách dân chủ như Trần Xuân Bách, Phan Đình Diệu, Trần Độ và đã bị mất quyền.
Tướng Võ Nguyên Giáp tranh chức lãnh đạo và bi loại. Thân tín của ông là Đại tá Bùi Tín phải sang Pháp lưu vong.
Ngày
11/5/1990 bác sĩ Nguyễn Đan Quế tuyên bố thành lập Cao trào Nhân bản và
đưa ra lời kêu gọi Bộ Chính trị tôn trọng các quyền căn bản của công
dân, thỉnh cầu các quốc gia yêu chuộng tự do dân chủ và người Việt hải
ngoại “ủng hộ cuộc đấu tranh ôn hòa và bất bạo động của chúng tôi để
thiết lập tại Việt Nam một thể chế xã hội nhân bản và tiến bộ.” Ông bị
bắt giam ngay sau đó và bị kết án nhiều năm tù.
Tăng cường áp chế:
Cùng
lúc những người Mỹ như Don Luce, John McAuliff là những nhân vật cánh
tả đã tích cực yểm trợ Hà Nội từ thời chiến tranh, giờ đây họ đến Việt
Nam công tác trong các chương trình phi chính phủ và bị làm khó dễ, bị
ngăn cản đi lại. Mấy giáo viên Mennonite bị trục xuất khỏi Việt Nam.
Nhiều người Việt bị quản chế: Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng.
Với
chính sách đổi mới, mở cửa giao thương với phương Tây, Michael Morrow,
từ Mỹ và Rodzniak Thierry từ Pháp đến Việt Nam tìm hiểu thị trường và bị
trục xuất. Những người Việt có tiếp xúc với họ như Đoàn Thanh Liêm, Đỗ
Ngọc Long, Đỗ Trung Hiếu đều bị bắt giam.
Trước
đó, luật sư Đoàn Thanh Liêm đã đưa ra những lời kêu gọi thực hiện dân
chủ trong bản “Thỏa thuận 5 điểm”. Ông bị kết án nhiều năm tù với tội
“tuyên truyền chống Chủ nghĩa xã hội” theo điều 88 của luật hình sự.
Tại
Hoa Kỳ, nhân cuộc họp cấp cao giữa Chủ tịch Liên bang Xô Viết Mikhail
Gorbachev và Tổng thống Mỹ George Bush, cộng đồng người Việt đã đăng một
thư ngỏ trên nhật báo Washington Post ngày 1/6/1990 kêu gọi lãnh đạo
hai cường quốc dùng quyền lực và mọi biện pháp để hỗ trợ cho những đòi
hỏi dân chủ hóa tại Việt Nam.
Năm
1990 cũng là năm của Hội nghị Thành Đô giữa lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt
Nam và Trung Quốc. Hiện nay nhiều người dân Việt đang muốn được biết
nội dung những thỏa thuận gì đã được ký kết giữa hai bên.
Những
bí mật liên quan đến lãnh thổ, biển đảo, tài nguyên người dân không
được biết. Nhưng có một điều không nói ra nhưng ai cũng rõ, đó là hai
đảng cộng sản đã đồng ý hợp tác với nhau để xây lên một Bức tường Berlin
mới ở châu Á, với nền móng là Trung Quốc, để bảo vệ thành trì cuối cùng
của chủ nghĩa xã hội.
Bùi Văn Phú.
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar