fredag 28. februar 2014

Ai Quyết Ðịnh Vận Nước ?


 
Đài Á Châu Tự Do (RFA) hôm 16.2.2014 đã phổ biến một bài dưới đầu đề “Tại sao các sinh hoạt chính trị tự phát ít lôi kéo được người dân?” của Anh Vũ nói về những khó khăn trong việc tranh đấu ở trong nước. Mở đầu, ký giả này đặt câu hỏi: “Biểu tình, tụ họp tưởng niệm, kỷ niệm ... là những sinh hoạt chính trị của công dân được Hiến pháp quy định. Nhưng vì sao các cuộc biểu tình hay tham dự các phiên tòa ở Việt nam lại không lôi kéo được đông đảo người dân tham gia?” Sau đó, ký giả này cho công bố ý kiến của bốn nhân vật đấu tranh ở trong nước là các ông Vũ Quốc Ngữ, Lê Anh Hùng, Trịnh Toàn và Nguyễn Quang A. Sau đây là những nét chính về ý kiến của họ:
CHỈ MỚI NHÌN THẤY MẶT NỔI
Ông Vũ Quốc Ngữ, một nhà hoạt động xã hội ở Hà Nội, cho rằng phong trào dân chủ tuy chưa mạnh mẽ, nhưng đã có các bước tiến lớn trong mấy năm vừa qua. Do phong trào phải đối mặt với một chính quyền rất tàn bạo và tinh vi trong việc đàn áp đối lập. Còn nhân dân thì nói chung ngại va chạm với chính quyền, sợ bị gây khó dễ đến cuộc sống gia đình, công việc.
Blogger Lê Anh Hùng ở Quảng Trị nói: “Theo tôi, có mấy nguyên nhân chủ yếu sau đây: Mặc dù nhiều người dân đã thức tỉnh, nhưng đa số họ vẫn chưa vượt qua được cả nỗi sợ hãi lẫn sức ỳ vốn đã bén rễ qua hàng chục năm sống dưới chế độ hà khắc và mị dân hiện nay. Tổ chức của phong trào dân chủ còn lỏng lẻo. Điều này dĩ nhiên là hạn chế hiệu quả của phong trào. Và một nguyên nhân nữa là sự đàn áp vừa tàn khốc, vừa xảo quyệt của bộ máy cầm quyền, với đủ mọi hình thức khác nhau.”
Từ Hà nội, ông Trịnh Toàn, một người đã nhiều lần tham gia biểu tình, cho rằng các hoạt động chính trị đường phố không thu hút được người dân vì chưa đánh trúng và các nội dung không gắn chặt với quyền lợi của số đông người dân. Đặc biệt là vấn đề các nhân vật nổi danh trong các hoạt động này chưa có tính thuyết phục và không được người dân chấp nhận.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, cho biết một số lý do đã khiến các hoạt động chính trị không thu hút được người dân: thứ nhất dân chúng bị đàn áp kinh khủng nên sợ tham gia và dần dần teo mất ý chí, thứ hai là Đảng CS vô cùng sợ mọi loại tổ chức, nên không có tổ chức nào ra đời mà ra hồn, khi không có tổ chức thì làm sao huy động được đông người.
Nói chung, cả bốn nhà tranh đấu nói trên chỉ mới nêu lên một số mặt nổi bên ngoài. Họ chưa cho thấy những mục tiêu, chiến lược và chiến thuật của các thế lực đúng đàng sau. Chính các thế lực này đã quyết định sự thành bại tại Việt Nam trong 64 năm qua. Quần chúng chỉ đóng vai trò phụ. Phải nhìn lại lịch sử để hiểu hiện tại và tương lai.
 
TRANH CHẤP GIỮA TƯ BẢN VÀ CỘNG SẢN
Việt Nam có một vị trí chiến lược rất quan trọng ở Đông Nam Á, nên các cường quốc không bao giờ chịu để cho người Việt quyết định lấy số phận của mình, trong quá khứ cũng như trong hiện tại. 
Trong chiến tranh ý thức hệ, khối tư bản tây phương chủ trương dùng Việt Nam làm "tiền đồn" ngăn chận cộng sản tràn xuống miền Đông Nam Á. Lúc đầu, Mỹ muốn xây dựng chế độ Ngô Đình Diệm rập khuôn theo chế độ Trung Hoa Quốc Dân Đảng ở Đài Loan để ngăn chận cộng sản. Nhưng năm 1960, khi thấy Trung Quốc và Liên Sô yểm trợ Hà Nội mở mặt trận giải phóng miền Nam để thanh toán phần đất còn lại, Hoa Kỳ cho rằng chính phủ Ngô Đình Diệm không thể đứng vững được nên đề nghị Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho Mỹ đổ quân vào miền Nam, ông Diệm từ chối nên bị giết. Từ đó, miền Nam không còn chủ quyền nữa. Ngày 8.3.1965, hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến Mỹ được gởi tới Đà Nẵng mà không cần xin phép hay thông báo cho chính phủ Việt Nam. Nghe tin này Thủ Tướng Phan Huy Quát rất ngạc nhiên. Ông Bùi Diễm, Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng lúc đó cho biết Thủ Tướng đã hỏi: “Có gì đặc biệt về phương diện quân sự mà chúng ta không được biết, đến độ họ phải hành động một cách vội vàng như vậy?”
Tuy nhiên, sau khi xử dụng hết bom đạn còn lại sau Thế Chiến II và thí nghiệm một số vũ khí mới, Hoa Kỳ đã thay đổi chiến lược. Năm 1972 Kissinger qua Bắc Kinh và bán miền Nam cho Trung Quốc với hai mục tiêu chính là tách Trung Quốc ra khỏi Liên Sô và biến Trung Quốc thành một thị trường mới của Mỹ, không cần biết số phận của những người miền Nam đã theo Mỹ sẽ như thế nào.
 
TRANH CHẤP GIŨA TRUNG QUỐC VÀ VIỆT NAM
Khi Mỹ đổ quân vào Việt Nam và oanh tạc miền Bắc, Trung Quốc đã cam kết cho Hà Nội mượn nhiều phi công nhưng không thực hiện, Hà Nội phải đi theo Liên Sô để được cung cấp một hệ thống hỏa tiễn địa không có thể chống lại Mỹ. Từ đó Hà Nội nghiêng hẳn về phía Liên Sô. Sau 30.4.1975 Trung Quốc coi Việt Nam như là công cụ của Liên Sô, dùng Khmer Đỏ chống Việt Nam. Tháng 12/1978 Hà Nội phải đưa quân qua chiếm Kampuchia để loại bỏ Khmer Đỏ nên tháng 2/1979 Trung Quốc đánh qua biên giới miền Bắc để “dạy cho Việt Nam một bài học.”
Trong thập niên 1980, Việt Nam đã nhận được của Liên Sô gần 3 tỷ USD về cả viện trợ kinh tế lẫn quân sự, nhất là viện trợ kinh tế, nhờ vậy Việt Nam mới có thể sống còn. Nhưng rồi đầu thập niên 1990 các chế độ cộng sản ở Liên Sô và Đông Âu sụp đỗ, cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều phải thay đổi để theo kịp các biến chuyển mới của tình thế, đồng thời tái liên kết để tạo một thế đứng mới.
Trong hai ngày 3 và 4.9.1990, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam đã họp hội nghị tại Thành Đô, tỉnh lỵ của Tứ Xuyên, để tái lập bình thường quan hệ giữa hai nước. Ngày 7.11.1991, một phái đoàn Việt Nam do Tổng Bí Thư Đỗ Mười lãnh đạo đã đến Trung Quốc để ký kết hiệp định mậu dịch Trung - Việt và hiệp định tạm thời về việc xử lý vấn đề biên giới giữa hai nước. Kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng rất nhanh, từ hơn 30 triệu USD năm 1991 lên 22,5 tỷ USD năm 2009, tức tăng gấp gần 700 lần. Trung Quốc đã trở thành bạn hàng lớn nhất của Việt Nam.
CHIẾN THUẬT CỦA HOA KỲ
 
Thấy Việt Nam ngày càng gắn chặt với Trung Quốc, Hoa Kỳ đã tìm cách kéo Việt Nam xa dần Trung Quốc ra. Mặc dầu lúc đó Việt Nam đang vi phạm dân chủ và nhân quyền một cách rất nghiêm trọng, ngày 3.2.1994 Hoa Kỳ đã hủy bỏ lệnh cấm vận cho Việt Nam. Ngày 11.7.1995 Hoa Kỳ tuyên bố thiết lập bang giao với Việt Nam và ngày 13.7.2000 Hoa Kỳ đã ký hiệp ước mậu dịch song phương với Việt Nam. Tuy nhiên, trong hơn 13 năm qua, Hoa Kỳ vẫn chưa kéo được Việt Nam ra xa khỏi Trung Quốc, mặc dầu giữa Trung Quốc và Việt Nam đang có những tranh chấp nghiêm trọng về Biển Đông.
Chúng tôi đã phân tích trong nhiều bài về những chiến thuật của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy Việt Nam tách ra khỏi Trung Quốc và nhận xét rằng những chiến thuật đó khó đem lại thành công vì hai lý do chính sau đây:
Lý do thứ nhất, sau khi Hoa Kỳ bỏ VNCH, không nước nào trên thế giới dám “trao cả linh hồn và xác” cho Hoa Kỳ như VNCH trước đây nữa. Không phải chỉ Việt Nam mà tất cả 10 nước ASEAN đều không tin Hoa Kỳ sẽ bảo vệ họ trước sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Hiện nay, Mỹ đang “bán cái” Biển Đông cho Nhật. Do đó, nước nào cũng phải chọn thế đứng riêng của mình.
Lý do thứ hai, đây là một ván xì phé mà hai bên đều biết con tẩy của nhau nên Hoa Kỳ khó thắng được. Chúng tôi xin nhắc lại, trong Hội Nghị Toàn Quốc về Chỉnh Đốn Đảng ngày 27.2.2012, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã công khai nói toẹc ra chiến dịch “diễn biến hòa bình” của Mỹ như sau: "Kích động vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo là bốn đòn đột phá khẩu, bốn mũi xung kích để chọc thủng mặt trận tư tưởng chính trị". Biết rõ chiến thuật của Hoa Kỳ, Hà Nội đã vận dụng tất cả mọi phương thức cần thiết để chống lại và sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả.
Trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Mac Lâm, phóng viên đài RFA ngày 15.2.2014, ông Lê Phú Khải phóng viên Đài truyền hình Trung ương của Việt Nam cho biết: “Ông Nguyễn Cơ Thạch đã nói rồi, đi với phương Tây thì mất đảng nhưng đi với Trung Quốc thì mất nước và bây giờ rõ ràng là đi với Trung Quốc thì mất nước.” Nước coi như đã mất, không lẽ theo Mỹ để mất luôn cả Đảng sao?
Để xói mòn thành trì của chế độ hiện tại, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục áp dụng “bốn mũi xung kích” là “dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo” mà ông Nguyễn Phú Trọng đã nói. Kinh nghiệm cho thấy, trong bốn mũi đó, mũi tôn giáo thường là mũi quyết định. Sau đây là hai thí dụ điển hình:
Dưới chế độ Ngô Đình Diệm, lúc đầu Hoa Kỳ đã thành lập các tổ chức “xã hội dân sự” để phá sập chế độ, đặc biệt là nhóm Caravelle, nhưng các nhóm này chẳng làm nên cơm cháo gì. Một số thành phần của các nhóm đã tham gia cuộc chính biến ngày 11.11.1960 nhưng thất bại, Mỹ phải bỏ Luật sư Hoàng Cơ Thụy vào thùng đựng đồ ngoại giao để đưa ra ngoại quốc. Sau đó, chính người Mỹ phải đứng ra tổ chức đảo chánh và dùng lá bài Phật Giáo để lật đổ ông Diệm với nhiều hậu quả nghiêm trọng kéo dài.
Tại Ai Cập, lúc đầu Hoa Kỳ cũng dùng các tổ chức “xã hội dân sự” như dưới thời Ngô Đình Diệm. Nhưng chính quyền Mubarak đã cho xúc hết 17 tổ chức này của Mỹ, trong đó có nhiều người Mỹ. Cuối cùng Mỹ phải xử dụng tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo mới lật được Mubarak, kéo theo những hậu qủa nghiêm trọng gióng như dưới thời VNCH.
Biết rõ Hoa Kỳ sẽ xử dụng mũi xung kích tôn giáo, sau khi chiếm miền Nam, Đảng CSVN đã quyết định “quốc doanh hóa” các tôn giáo, đặc biệt là Phật Giáo, vì tôn giáo này đã từng gây biến động tại miền Nam. Hiện nay Đảng CSVN đã huấn luyện được khoảng 50.000 sư quốc doanh kiểm soát hơn 14.775 tự, viện, tịnh xá, tịnh thất và niệm Phật đường trong nước. Mỹ khó xâm nhập được. Tôn giáo thứ hai được cả Mỹ lẫn Cộng Sản quan tâm là Công Giáo. Nhưng tôn giáo này có tổ chức chặt chẽ và có lãnh đạo nên chính quyền không “quốc doanh hóa” được. Tôn giáo này lại không chấp nhận làm công cụ cho bất cứ thế lực nào nên Mỹ khó lũng đoạn. Mỹ đã nhiều lần định biến Thái Hà, Kontum và Vinh thành những điểm nóng, nhưng Giáo Hội đã can thiệp kịp thời, Mỹ đành bỏ cuộc.
Những cuộc tranh đấu tự phát chỉ có thể được xử dụng để xói mòn chế độ chứ không thể lật đổ được.
 
THÂN PHẬN MỘT CON CHÍP?
Nhìn chung, từ sau Thế Chiến Thứ II đến nay, các cường quốc luôn tranh nhau nắm vận mạng của Việt Nam. Riêng với Trung Quốc, trong bài “Lịch sử quan hệ Việt-Trung nhìn từ góc độ đại chiến lược” đăng trên báo Thời Đại Mới, số 2, tháng 7/2004, ông Vũ Hồng Lâm đã có nhận xét khá ngộ nghĩnh:
Quan hệ Việt-Trung trong gần 2200 năm lịch sử của nó đã trải qua nhiều thăng trầm biến đổi. Có lúc Việt Nam là quận huyện của Trung Quốc mà cũng có lúc Việt Nam lại thuộc về Pháp, lấn lướt được Trung Hoa. Có lúc Việt Nam chịu thần phục Trung Quốc nhưng có lúc lại liên minh với Liên Xô để đối đầu lại Trung Hoa. Mỗi giai đoạn như vậy, trong nội bộ Việt Nam cũng như Trung Quốc đều có các quan điểm khác nhau…
Quan hệ Việt-Trung có thể ví như quan hệ giữa một người và một con chip (micro-processor) gắn vào thân thể người đó: không rời nhau được, nhưng lại không đồng hóa được nhau, nhất là không bao giờ cùng đẳng cấp, và nhiều đặc điểm khác…”
Nghe cũng buồn, nhưng đó là thân phận của một nước “tiền đồn”!
 
Lữ Giang.

Ingen kommentarer: