tirsdag 26. februar 2013

Chuyện Hiến Pháp Việt Cộng

 

Nhiều người đều biết rằng, các bản hiến pháp đã có dưới chế độ VNDCCH và CHXHCNVN đều có một điểm vi hiến giống nhau là chúng không hề được "toàn dân phúc quyết" như điểm c của Ðiều 70 Hiến pháp 1946 đã quy định. Cuộc vận động góp ý cho "Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992" lần này chính là một trò bịp bợm lập lờ về cái sự "toàn dân phúc quyết" vừa nói trên!

Tuy đảng CSVN ồn ào hô hào nhân dân đóng góp ý kiến sửa đổi hiến pháp, nhưng trong thâm tâm họ, chẳng coi hiến pháp ra gì. Họ đã lương lẹo và vi hiến ngay từ bản hiến pháp 1946. Chính vì thế, sửa đổi hiến pháp 1992 thật sự chỉ là một "trò khỉ" chẳng còn lừa gạt được ai.

Vì sao đảng cầm quyền phải viện đến kế sách đó vào lúc này? Vì cái gọi là "Ðảng Cộng Sản Việt Nam" ngày nay, thực tế nó đã biến thành một băng đảng mafia mất hết uy tín trước nhân dân. Nhiều nhân vật chính trong băng đảng cầm quyền ngày nay đã hiện nguyên hình là những tội đồ bán nước, những tay sai ngoại bang, những quan tham côn đồ, những cường hào ác bá cướp ngày trắng trợn.
  
Ðể bám được quyền lực thì về mặt đối ngoại, băng đảng này đang hèn hạ dựa dẫm và khuất phục "thiên triều" Trung Cộng bất chấp sự phản đối của nhân dân yêu nước, về mặt đối nội, chúng điên cuồng đàn áp khốc liệt và dã man mọi phong trào yêu nước, mọi dấu hiệu đối lập, mọi cuộc vận động đòi tự do, dân chủ và nhân quyền, đồng thời trắng trợn vơ vét, cướp đoạt đất đai, nhà cửa, tài sản của người dân nhằm chuẩn bị cho những ngày tàn của chúng. 

Tất cả những hành động này chỉ tăng thêm lòng căm ghét và uất hận của đại chúng, càng tích lũy thêm những thùng thuốc súng sẵn sàng nổ tung khi gặp mồi lửa. Chính vì thế, đám đầu đảng đang ra sức bày ra những trò bịp bợm để lừa gạt nhân dân. Một trong những trò đó chính là việc tổ chức góp ý dân để sửa đổi hiến pháp, hòng vớt vát một chút "tính chính thống" nào đó cho việc tiếp tục bám chặt quyền thống trị nhân dân.

Khi bàn đến "tính chính thống" của chế độ, chúng tôi thấy cần lưu ý bạn đọc đến sự kiện lịch sử này: Ðúng là bản Hiến pháp 1946 đã được Quốc Hội miền Bắc thông qua ngày 9 tháng 11 năm 1946, nhưng nó không hề được Hồ Chí Minh ra sắc lệnh ban bố để được thi hành. Như vậy, thực tế là Hiến pháp 1946 đã không được khai sinh, mà bị "bỏ xó", có thể nói là nó đã bị khai tử! Vì thế, Hiến pháp 1946 không hợp hiến, không có giá trị về mặt pháp lý. Ðó là một sự thật không thể chối cãi!

Cố nhiên, đảng cầm quyền không thể thừa nhận thực tế đó, dù nó là một sự thật. Vì nếu thừa nhận thì quy luật khách quan sẽ dẫn đến kết luận này: Vì dựa trên Hiến pháp 1946 không có giá trị về mặt pháp lý mà sửa đổi thì những "hiến pháp" 1959, 1980, 1992, và rồi đây cả 2013 nữa cũng đều không có giá trị về mặt pháp lý. Từ đó, sẽ dẫn đến một kết luận vô cùng nghiêm trọng nữa là: Các chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam sinh ra từ những "hiến pháp" vừa nói đó đều không có tính chính thống, không có chính danh! Do đó, các thể chế, các tổ chức chính quyền, các tổ chức chính trị, kể cả đảng Cộng Sản Việt Nam từ năm 1945 về sau đều là phi pháp, đều là những tổ chức tiếm quyền của dân chúng! Tiếc rằng, ở nước ta không có một tòa án bảo hiến độc lập và thực sự có uy quyền để phán xét điều này!

Cũng có thể có người phản bác lại, bảo rằng: Trong Hiến pháp 1946 không có điều khoản nào quy định là chủ tịch nước phải ra sắc lệnh ban bố hiến pháp cả. Ðúng là trong Hiến pháp 1946, người ta đã lờ đi, không ghi điều khoản riêng quy định việc ban bố hiến pháp thật. Ở điểm đ Ðiều 49 Hiến pháp 1946 chỉ nói "các đạo luật đã được Nghị viện quyết nghị" thì phải được chủ tịch nước ban bố mới có giá trị pháp lý để toàn dân thi hành.

Nhưng, ta hãy bình tĩnh mà xét, về mặt pháp lý, hiến pháp cũng là một đạo luật, đạo luật cao nhất, bao trùm nhất, người ta gọi nó là "đạo luật cơ bản", "đạo luật của tất cả các luật". Lẽ nào một "đạo luật" như thế lại không đòi hỏi một sắc lệnh do chủ tịch nước ban bố hay sao? Không có sắc lệnh của chủ tịch nước ban bố hiến pháp, thì hiến pháp cũng như bất kỳ đạo luật nào khác cũng đều không có tính pháp lý!

Phải nói thẳng rằng, trong chuyện này, ta thấy rõ một thủ đoạn rất thâm của Hồ Chí Minh: Là ông cố tình không ghi điều này trong hiến pháp để tạo nên một sự mập mờ cho phép ông và phe cánh ông "tùy cơ ứng biến" sử dụng Hiến pháp 1946 như thế nào tùy theo ý muốn của họ. Hồ Chí Minh và những người cộng sản cũng đã đề phòng trước mọi tình huống phức tạp nên trong Hiến pháp 1946, họ cũng cố tình lờ đi không lập ra Tòa án bảo hiến (còn gọi là Tòa án hiến pháp). Thực ra, việc chủ tịch nước ra sắc lệnh ban bố hiến pháp và việc lập Tòa án bảo hiến là những kiến thức rất sơ đẳng về hiến pháp không thể nào họ không biết! Họ biết, nhưng cố tình lờ đi! Ðây là ý đồ, là âm mưu có tính toán của họ!

Cho nên, sau này khi nảy sinh những vấn đề rắc rối về pháp lý, nhất là về hiến pháp, không có một cơ quan nào như Tòa án bảo hiến đứng ra phán xét cả. Thế là bên hành pháp (chủ tịch nước và chính phủ) tha hồ "nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong", cứ thế suốt đời "cả vú lấp miệng em" để vi phạm hiến pháp. Phải nói thẳng thắn đó là hành vi của những tên bợm "cáo già" làm chính trị, chứ không phải của người làm chính trị trung thực!

Nguyễn Minh Cần.

 

Ingen kommentarer: