fredag 18. februar 2011
Thế Giới Á Rập Đang Vùng Dậy
Thế Giới Á Rập Đang Vùng Dậy.
Trong vòng 4 tuần, từ lúc ngọn lửa uất hận của Bouazizi bùng lên, dù vừa ban lệnh thiết quân luật, vừa đàn áp, vừa hứa hẹn không ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 6, cải tổ nội các, Ben Ali không còn ngăn chận được cuộc cách mạng càng lúc càng tăng cao khí thế, hàng chục ngàn người xuống đường.
Vào ngày 14 tháng 01, nhà độc tài nắm trong tay hàng tỷ mỹ kim đã ngồi chiếc ghế tổng thống trong 23 năm phải rời bỏ Tunisia, chạy qua Saudi Arabia lánh nạn. Tài sản, trương mục của vợ chồng và tay chân thân cận đang bị các nước Tây phương phong tỏa.
Cuộc cách mạng Tunisia thành công tạo sự ngưỡng mộ của các dân tộc bị áp bức dưới các chế độ độc tài, tham nhũng, vi phạm nhân quyền trong Thế Giới Á Rập. Các cuộc biểu tình noi gương cách mạng Tunisia đã diễn ra ở Algeria, Ai Cập, Yemen, Jordan, Mauritania, Saudi Arabia, Oman, Sudan, Syria, Lybia và Morocco.
Cuộc cách mạng Ai Cập bùng lên vào ngày 25 tháng 01.
Trong 18 ngày, ông Mubarak, 82 tuổi, lần lần nhượng bộ, lần đầu tiên chỉ định một người làm phó tổng thống, cải tổ nội các, hứa hẹn không ra tranh cử trong tháng 9 năm nay, cam kết sẽ lo tổ chức bầu cử công bằng và tự do, chuyển quyền trong hòa bình, nhưng những sự nhượng bộ này không còn làm cho người dân bị đàn áp trong suốt 30 năm chấp nhận.
Ngày thứ Sáu, 11/2, ông Mubarak đã phải giao quyền lại cho quân đội, rời khỏi thủ đô.
Trong vòng 7 tuần lễ, ngọn lửa Bouazizi đã thiêu hủy 2 chế độ độc tài.
Cách mạng có thể lan rộng theo thế domino để cáo chung những chế độ khác hay không chưa thể khẳng định vào lúc này, nhưng chắc chắn nó sẽ đem lại những sự thay đổi quan trọng trong thế giới Á Rập.
Ở Yemen, trước các cuộc biểu tình, Tổng thống Ali Abdullah Saleh cai trị 32 năm, hứa hẹn sẽ không ra tranh cử khi nhiệm kỳ chấm dứt vào năm 2013 và đề nghị đàm phán với đối lập để thành lập chính phủ liên hiệp, nhưng đối lập đòi hỏi phải đàm phán dưới sự chứng kiến của quốc tế. Từ ngày 11/02, ngày ông Mubarak ra đi ở Ai Cập, dân chúng và sinh viên trường đại học Sanaa đã liên tiếp xuống đường, tuyên bố sau cuộc cách mạng Ai Cập là cuộc cách mạng Yemen. Đảng cầm quyền đã thuê bọn vô lại biểu tình phản biểu tình, ngày nào nhóm người ngày cũng dùng gậy gộc tấn công những người biểu tình chống chính phủ.
Các cuộc biểu tình ở Jordan phản đối vật giá leo thang, đời sống khó khăn, đã buộc quốc vương Abdullah phải cải tổ nội các, thay thế thủ tướng.
Ở Algeria, từ ngày 12 tới ngày 19/01 nhiều người đã noi gương Bouazizi tự thiêu, khởi đầu là ngọn lửa của anh Bordj Menaiel và Mohsen Bouterfif. Vào ngày 22/01, khoảng 100 người biểu tình bị cảnh sát đàn áp làm 42 người bị thương. Vào ngày 29/01, trên 10 ngàn người đã xuống đường biểu tình ở thành phố Bejaia. Tổng thống độc tài Abdelaziz Bouteflika cầm quyền từ năm 1999 đã phải tuyên bố sẽ sớm hủy bỏ tình trạng khẩn trương, nhưng không xoa dịu được tinh thần chống đối. Vào ngày 11/2, khoảng 2000 người đã bất chấp lệnh cấm hội tụ, xuống đường biểu tình tại quãng trường Một Tháng 5.
Ở Bahrain, vào ngày 04/2, hàng trăm người đã tập trung trước tòa đại sứ Ai Cập bày tỏ sự ủng hộ với nhân dân Ai Cập, họ cũng đã kéo xuống đường ăn mừng ngày sụp đổ của chế độ độc tài Mubarak và tổ chức một cuộc biểu tình lớn trong ngày 14/02 với trên 10 ngàn người tham dự. Quốc vương Hamad bin Isa Al Khalifa muốn dập tắc căng thẳng, hứa hẹn sẽ tặng cho mỗi gia đình 1000 dinar ($2650) mỗi tháng, nhưng lời hứa không xoa dịu được sự bất mãn trong nước. Vào ngày 14/2 cảnh sát đã bắn chết một người biểu tình và ngày 15/2 đã bắn chết một người khác. Các nhà ngoại giao cho rằng các cuộc biểu tình ở Bahrain sẽ ngày càng mạnh. Sự đứng dậy của người Shiite ở Bahrain có thể làm cho người Shiite ở Saudi Arabia đứng lên đòi sự công bằng.
Nhằm ngăn chận trước tiềm năng sẽ gặp sự chống đối, Thủ tướng Nouri al-Maliki của Iraq đã tuyên bố sẽ không tìm cách lên làm thủ tướng nhiệm kỳ thứ 3. Mặc dù vậy, ngày 12/2, hàng ngàn người đã xuống đường đòi điều tra các vụ tham nhũng và cải thiện điều kiện sinh sống, cải thiện các dịch vụ công cộng trong nước. Trong ngày Tình Yêu, thanh niên cũng xuống đường đòi cải thiện tình trạng kinh tế, dịch vụ công cộng.
Ngưỡng mộ cuộc cách mạng Tunisia và Ai Cập, đối lập Lybia sống lưu vong ở hải ngoại đã lấy ngày 17 tháng 2 làm Ngày Phẩn Nộ của dân tộc Lybia đang bị nhà độc tài Muammar al-Gaddafi cai trị.
Ở Saudi Arabia, vào ngày 21/01, một người đàn ông đã tự thiêu, và lần đầu tiên tại vương quốc này, hàng trăm người đã xuống đường ở thành phố Jeddah chỉ trích quốc vương, cảnh sát đã nhanh chóng giải tán bắt giữ trên 40 người. Ngày 10/2, đối lập tuyên bố thành lập đảng Umma Islamic, đòi chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế.
Các cuộc biểu tình nhỏ nhưng nhanh chóng bị dập tắc như ở Saudi Arabi cũng đã diễn ra ở nhiều nước khác trong Thế giới Á Rập.
Tổng thống Hosni Mubarak từng được coi là một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ sau khi Ai Cập ký hiệp ước hòa bình với Do Thái trong năm 1979. Qua 4 đời tổng thống Hoa Kỳ, chính phủ nào cũng coi ông Hosni Mubarak là trụ cột giữ gìn giữ ổn định Trung Đông. Được coi là người giám sát không chính thức của tiến trình hòa bình, từng chủ tọa các cuộc đàm phán giữa Do Thái - Palestine, và các cuộc hòa giải giữa 2 phe Fatah và Hamas của Palestine. Hoa Kỳ viện trợ cho Ai Cập khoảng gần 2 tỷ mỹ kim một năm, trong đó 1.3 tỷ là viện trợ quân sự. Dưới sự cai trị của ông Mubarak, phong trào Xã hội Huynh Đệ Hồi Giáo bị cấm hoạt động. Nhiều chính khách Hoa Kỳ lo ngại cuộc cách mạng lật đổ ông Mubarak sẽ tạo thời cơ cho phong trào này chiếm chính quyền, biến Ai Cập thành thành một đồng minh của Iran.
Xã hội Huynh Đệ Hồi Giáo được ông Hassan al-Banna thành lập trong năm 1928 với châm ngôn: “ Allah là cứu cánh, Koran là hiến pháp, Thánh chiến là phương tiện, chết cho đấng Allah là nguyện vọng cao cả nhất”. Vào năm 1936, Huynh Đệ Hồi Giáo chỉ phát triển được khoảng 800 người, nhưng 2 năm sau tăng lên 200 ngàn người và cuối thập niên 1940 được tin tưởng có trên 2 triệu hội viên trong Thế giới Á Rập. Vào năm 1948, cảnh sát Ai Cập khám phá một âm mưu tấn công quân sự của Huynh Đệ Hồi Giáo, Thủ tướng Mahmud Fahmi Nokrashi ra lệnh giải tán phong trào này. Vào tháng 12 năm 1948, Thủ tướng Nokrashi bị ám sát. Trên một tháng sau, ông Al-Banna bị ám sát. Từ năm 1954, sau vụ ám sát ông Gamal Abdel Nasser thất bại, thành viên của Huynh Đệ Hồi Giáo đã bị lực lượng an ninh Ai Cập coi là thành phần nguy hiểm nhất của quốc gia. Tuy nhiên sự đàn áp này không thể tiêu diệt được Phong Trào. Dù thường bị bắt tập thể, cấm hoạt động, Huynh Đệ Hồi Giáo vẫn là một lực lượng đối lập mạnh nhất ở Ai Cập. Qua cuộc bầu cử năm 2005, các ứng cử viên của Huynh Đệ Hồi Giáo ra ứng cử với tư cách cá nhân độc lập, nhưng đã chiếm được 88 ghế dân biểu.
Không hẳn Huynh Đệ Hồi Giáo sẽ lên cầm quyền ở Ai Cập, nhưng nếu đúng, cũng không hẳn sẽ trở thành đồng minh của Iran vì người Hồi Giáo theo phái Sunni và Shiite đã có truyền thống thù nghịch lâu đời.
Bán đảo Á Rập có thể coi là vùng đất chiến lược của Hoa Kỳ.
Con kênh đào Suez là con đường thủy sinh tử nối liền Âu Châu và Á Châu.
Mỗi ngày khoảng 17 triệu thùng dầu được chở eo biển Hormuz.
Bán đảo Á Rập là nơi sản xuất dầu hoả và dầu khí lớn nhất thế giới.
Vì lo ngại các lực lượng Hồi Giáo lên cầm quyền tại các nước Á Rập, đe doạ cho nguồn dầu lửa chiến lược và đe doạ cho an ninh Do Thái, chính sách của Hoa Kỳ và Tây Phương đã đặt nặng sự ổn định trong vùng, và chính sách này đã ngày càng cho các chế độc tài ăn sâu gốc rễ, làm cho người Hồi Giáo ngày càng ác cảm với Hoa Kỳ.
Việc Do Thái tiếp tục chiếm đóng, đàn áp người Palestine, sự hiện diện của các chế độ thế quyền, nhưng tham nhũng, thối nát là những nguyên nhân đưa tới các phong trào Hồi Giáo quá khích.
Khủng bố là điều mà nhân loại văn minh ngày nay không ai có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nguyên nhân đưa tới các sự căm thù của người Á Rập, của người Hồi Giáo, lại hình như không được các nhà làm chính sách Hoa Kỳ quan tâm. Họ có thể mạnh mẽ lên án một quân nhân Do Thái bị bắt cóc, nhưng họ lại im lặng trước tình trạng phá nhà, chiếm đất, xua đuổi người Palestine, hay thậm chí một người dân Palestine, một thiếu niên Palestine có thể bị bắn chết bất cứ lúc nào mà không ai bị buộc tội, không cần phải bồi thường cho nạn nhân.
Hoa Kỳ là quốc gia đại diện cho tự do, dân chủ, luôn luôn lên án các chế độ độc tài, vi phạm nhân quyền, áp bức, nhưng đối với sự chiếm đóng của người Do Thái, và những sự vi phạm nhân quyền của lực lượng an ninh Do Thái bị chính tổ chức nhân quyền B’Tselem của Do Thái lên án, chính phủ Hoa Kỳ cũng im lặng!
Với hệ thống truyền thông hiện nay những sự bất công, đàn áp, tham nhũng không còn có thể che dấu và tiếp tục che dấu, khi chính quyền không đáp ứng nguyện vọng của người dân, nhân dân sẽ quyết định cho chính quyền.
Cách mạng đã diễn ra ở Tunisia, ở Ai Cập và đang diễn ra trên nhiều nước. Các nhà lãnh đạo Tây Phương và Tổng thống Obama cũng đã cũng nhấn mạnh đây là thời gian thay đổi lập tức, “change now”, ở Ai Cập, thì có lẽ lúc này cũng là thời gian cần “change now” đối với chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ ở Trung Đông và chánh sách chiếm đóng của Do Thái.
Đầu thế kỷ thứ 20 các nước Tây Phương là những quốc gia chiếm đóng, bóc lột đàn áp người dân các nước thuộc địa Phi Châu, Á Châu và Châu Mỹ La Tinh. Ngày nay, Tây Phương đã trở thành những nước nêu cao dân chủ, tự do, nhân quyền, và đã hoàn toàn thay đổi, thì những nhà làm chính sách, chiến lược Tây Phương cũng không thể tiếp tục cho rằng những phong trào, những đoàn thể, đảng phái tại các nước trước đây có hoạt động, phương châm, cương lĩnh không còn thích họp với giai đoạn hiện nay là những thành phần nguy hiểm.
Vào năm 1998, những người Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ thành lập đảng Đạo Đức (Fazilet Partisi), đảng này bị cấm hoạt động trong năm 2001 vì có chủ trương vi phạm bản hiến pháp thế tục. Sau đó, những người có khuynh hướng cải cách của đảng Fazilet đã thành lập nên đảng Công lý và Phát triển (Adalet ve Kalkınma Partisi), gọi tắt là đảng AK. Xuất thân Hồi Giáo của đảng AK đã làm cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, Tòa Án Thổ Nhĩ Kỳ, và dư luận Tây phương lo ngại. Đảng AK cũng bị suýt bị tòa án hiến pháp giải tán. Tuy nhiên, từ ngày thắng cử trong năm 2002, đảng AK đã rất thành công trong việc phát triển kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, đẩy mạnh chủ trương gia nhập Liên Âu, và tạo cho Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một nước dân chủ kiểu mẫu của một quốc gia Hồi Giáo.
Phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo ở Ai Cập có thể là một phong trào bảo thủ Hồi Giáo trong đầu thế kỷ thứ 20, nhưng thực tế hiện giờ họ là một phong trào đang do các thành phần trí thức tân tiến lãnh đạo, được giới trung lưu và người nghèo trong nước ngưỡng mộ, cho nên mọi sự kết luận nếu phong trào nào này lên cầm quyền ở Ai Cập sẽ nguy hại cho Hoa Kỳ, Do Thái và Tây Phương cũng chỉ là một sự lo ngại quá sớm.
Lo ngại al Qaeda mở rộng ảnh hưởng càng không có cơ sở. Huynh Đệ Hồi Giáo đã bị al Qaeda lên án là bọn phản bội Hồi Giáo và Huynh Đệ Hồi Giáo cũng đã lên án chủ trương khủng bố của al Qaeda là chủ trương phản Hồi giáo.
Trong ngày Chủ Nhật, 13/2, Cựu Thủ tướng Tony Blair đang làm đặc sứ của Bộ Tứ (Hoa Kỳ, Nga, Liên Âu, Liên Hiệp quốc) lo vận động hòa bình Trung Đông nói: “Tổng thống Mubarak từng là một lực đẩy cho ổn định và hòa bình trong vùng. Tuy nhiên, lúc này là thời điểm vui mừng, phấn khởi và thời cơ vì tất cả những lực lượng dân chủ bị đè nén trước đây đã bật dậy. Ông Mubarak ra đi sẽ trở thành sức bật cho toàn vùng, là thời cơ để toàn vùng đứng lên thay đổi dân chủ đem lại lợi ích cho toàn vùng và cho cả thế giới.”
Sự ổn định dưới thời ông Mubarak như cựu Thủ tướng Tony đã ca ngợi rõ rệt là sự ổn định như dưới mặt nước đang dậy sóng ngầm, dưới mặt đất đang sắp có động đất. Sau những trận động đất làm sao đem lại sự ổn định lâu dài không chỉ là thách thức đối với các chế độ dân chủ Tunisia, Ai Cập, ở các nước Á Rập khác, mà cũng là thử thách đối với các nước Tây Phương.
Dân chủ là giá trị thời đại, dân chủ thực sự trong một thế giới Hồi giáo không thể loại bỏ mọi yếu tố Hồi Giáo và sự tham gia của các tổ chức Hồi Giáo. Mọi sự lo ngại và mưu toan loại trừ sẽ làm cho toàn vùng trở nên nguy hiểm. Trong ngày 15/2, ông Gilles de Kerchove là giám đốc chống khủng bố Liên Âu tuyên bố: “các cuộc cách mạng ở Tunisia và Ai Cập không có liên hệ gì với al Qaeda, chính phủ các nước Liên Âu phải giúp cho các nước Trung Đông chuyển tiếp dân chủ, nhưng phải bảo đảm không để cho những người lãnh đạo Hồi Giáo cầm quyền.” Lời tuyên bố này có lẽ mâu thuẫn với nguyên tắc dân chủ, khó thực hiện và có thể đem lại nguy hiểm nhiều hơn sự nguy hiểm mà ông Kerchove lo ngại.
Các cuộc đứng dậy ở Tunisia, Ai Cập ngoài yếu tố đòi hỏi tự do, dân chủ, còn xuất phát từ các yếu tố xã hội và kinh tế. Và rõ rệt những yếu tố sau này mới các động lực chính. Các chế độ dân chủ trong tương lai ở Tusinia, Ai Cập có sớm đem lại một đời sống dễ chịu hơn cho người dân hay không? Tạo được công ăn việc làm cho giới thanh niên thất nghiệp hay không? Đây là những thách thức vô cùng lớn lao. Hoa Kỳ và Tây Phương đã có kế hoạch nào để giúp cho các chế độ dân chủ trong tương lai nhanh chóng đem lại ổn định kinh tế và xã hội hay không là điều cần phải quan tâm tới.
Nền kinh tế của Hoa Kỳ và các nước Tây Phương còn chưa phục hồi, đang gặp khó khăn tài chánh, thâm thủng ngân sách, chồng chất công nợ là điều rất đáng lo.
Trong tuần qua, khoảng 4000 người Tunisia đã dùng thuyền đến đảo Lampedusa của Ý. Làn sóng di dân của những người muốn tìm cơ hội mới và tránh sự trả thù sau cách mạng đã tạo báo động của Liên Âu, và tạo căng thẳng giữa Liên Âu với chính phủ lâm thời Tunisia. Đây là một triệu chứng không mấy tốt đẹp.
Không thể đem lại ổn định đời sống, không thể tạo được công ăn việc làm. Dù sống dưới chế độ dân chủ và tự do, thanh niên thất nghiệp vẫn có thể dễ dàng trở thành những con mồi của các lực lượng quá khích. Sự bất ổn rất có thể sẽ kéo dài một thời gian.
Tuy nhiên, nếu dân chúng được sống trong một chế độ thực sự dân chủ, mọi sự bất công, tham nhũng, lạm dụng quyền lực được giải quyết, tự do ngôn luận được nêu cao, những chủ trương quá khích tự nó sẽ chết dần.
Cuộc cách mạng Tunisia, Ai Cập sẽ lan trong Thế giới Á Rập đến đâu? Hoa Kỳ và Tây phương có thể hướng dẫn cuộc cách mạng hiện nay theo thế có lợi hay hại có lẽ sẽ tùy thuộc phần lớn vào quan niệm đối với Hồi giáo, chính sách đối với Hồi giáo, cũng như khả năng giúp giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội đã bị bệnh trầm kha qua nhiều thập niên bị độc tài và tham nhũng cai trị.
Cầu mong các cuộc cách mạng dân chủ ở Thế giới Á Rập thành công.
Các cuộc cách mạng này không chỉ đang làm rung chuyển tại các nước Á Rập mà còn đang vang dội tới Châu Mỹ La Tinh, đến Á Châu. Ông Hugo Chavez đang lo ngại. Bắc Kinh đang lo ngại.
Việt Nam cũng ở trong tình trạng không khác gì Tunisia:
• Mức phát triển kinh tế cao, một nước được coi là sư tử Phi Châu, một nước được coi là hổ Á Châu, nhưng tài sản quốc gia nằm trong tay đảng cầm quyền và gia đình những người lãnh đạo.
• Thanh niên là thành phần chiếm đa số dân số.
• Mọi thứ quyền tự do của con người bị tước đoạt.
• Tham nhũng đục khoét mọi lãnh vực.
• Trong khi giới lãnh đạo có người sống hơn đế vương, đa số dân chúng phải sống dưới lợi tức 2 mỹ kim một ngày.
Cùng một hoàn cảnh, thanh niên, dân chúng Tunisia đã vùng lên, đã lật đổ chế độ độc tài, đã giải tán đảng Tập hợp Dân chủ Hiến Pháp (RCD -Rassemblement Constitutionel Démocratique).
Không biết bao giờ cách mạng Dân chủ Việt Nam sẽ bùng lên để cáo chung chế độ Cộng Sản đã và đang tàn phá quê hương?
Mong rằng “Ngày Tức Giận” này sẽ diễn ra trong một thời gian không xa.
Huệ Vũ.
Abonner på:
Legg inn kommentarer (Atom)
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar