onsdag 19. mai 2010

OAN NGHIỆT ĐỜI LÍNH

OAN NGHIỆT ĐỜI LÍNH.

Vào mỗi sáng như thường lệ. Tôi đang viết công điện không số (SVD) báo cáo về tình hình chiến sự trong đêm thuộc phạm vi lãnh thổ phân chi khu (PCK) thì có khách sư đoàn 18. Anh giới thiệu là phụ tá ban 3, trung đoàn 52. Sớm nay trên đường về đơn vị, gián đoạn lưu thông từ Bầu Cá – Long Khánh, ngỏ ý được dùng máy truyền tin PCK để liên lạc với đơn vị. Tôi trình bày lên chi khu nhờ giúp nhưng không thành công. Hệ thống truyền tin PCK không liên lạc trực tiếp được với sư đoàn 18. Anh lo lắng chia xẽ là đang có phóng đồ hành quân của đơn vị chỉ dùng khi hữu sự mà bộ tư lệnh sư đoàn tiên liệu hoạch định và hỏi cho mượn xe Honda làm phương tiện di chuyển, xong việc trả lại. Tôi hiểu sự lo lắng là tinh thần trách nhiệm, là sự an nguy đến với đồng đội của anh khi không có phóng đồ hành quân theo kế hoạch Z ngày N… Và lúc này, chiến sự Long Khánh đang bùng nổ mãnh liệt, đã là ngày N + 1… Tôi muốn giúp nhưng không thỏa mãn nhu cầu cho anh. Làm sao biết anh có thể lái Honda an toàn đến đơn vị mà không muốn nói là phơi xác dọc đường. Tôi đến gặp đại uý Phạm Văn Tuyến, PCK trưởng với hy vọng giúp được. Ông có nhiều kinh nghiệm về tham mưu và tác chiến, nhập ngũ 1949, năm mà chúng tôi chưa chào đời. Nghe xong, ông đi vào hầm truyền tin và ít phút sau trở ra gọi anh vào liên lạc với đơn vị và nói tôi làm giấy phép: xác nhận ông thiếu úy này trên đường đến vị, quốc lộ bị cô lập trở về hậu cứ. Tôi không nhớ tên nhưng tôi nhớ mãi cái âu lo của anh khi chưa trực tiếp nói chuyện đuợc với thượng cấp vào ngày 9 tháng 4 năm 1975 sáng hôm ấy.

Những tin tức chiến sự dồn dập bất lợi cho VNCH: quân đoàn II và I triệt thoái, quân đoàn III bỏ rơi Phước Long và hôm qua ngày 8 tháng 4, Nguyễn Thành Trung ném bom Dinh Độc Lập rồi tẩu thoát qua Trảng Bom. Đơn vị được báo động là máy bay Việt cộng. Chúng tôi chưa kip chạy tới vị trí phòng thủ đã nghe tiếng động cơ ầm ầm bay qua thị xã với cao độ khoảng 100 mét thẳng hướng Bố Đức. Trảng Bom là địa danh thuộc tỉnh Biên Hòa, giáp ranh với Long Khánh, cách ngã ba Dầu Giây 12 cây số. Người dân sống quây quần theo đơn vị ấp và hai trại Quảng Biên, Quảng Đà nằm rải rác dọc theo hai bên quốc lộ 1. Lực lượng an ninh lãnh thổ gồm có Yếu Điểm Trảng Bom, trung đội pháo binh diện địa Hoàng Hà, cuộc cảnh sát quốc gia và PCK có 5 trung đội nghĩa quân và một tiểu đội biệt kích. Tình hình an ninh không mấy tốt đẹp. Việt cộng thường đắp mô, gài mìn quốc lộ và phục kích đoàn quân xa tiếp vận. Gia tăng áp lực lên Trảng Bom từ tháng 2 năm 75. Khởi sự là ngày 29 tết (âm lịch) 6 giờ tối, bắn B40 vào chiếc xe nhà chở chuối của anh chị Cao Văn Ba tại Bàu Xéo. Giết hại vợ chồng anh Cao Văn Ba và một người lính ĐĐ4/TĐ92/BĐQ. Chị Ba bị miểng kiếng xe bể văng trúng ngực và tạ thế trên đường di chuyển tới bịnh viện. Anh Cao Văn Ba làm việc tại bộ công chánh, tôi nhớ không lầm nhà số 86 Chi Lăng – Gia Định. Có 14 người con, cháu lớn nhất 17 và cháu thứ 14 mới vừa đầy tháng. Bước vào trong báo tin cho gia đình, nhìn thấy người anh cả gục mặt vào hai đầu gối ngồi bên cạnh chiếc võng của đứa em út dưới sàn nhà làm tôi xúc động phải bám vào thành ghế mới đứng vững. Và đúng một tuần sau, cũng vào ngày thứ bảy, cùng giờ giấc tại tọa độ đó. Đại đội 137 trinh sát (TS) của đại úy Thăng đụng độ với tiểu đoàn cơ động tỉnh cộng quân, súng đạn đủ loại nổ vang rền làm kinh hoàng người dân thị xã. Sau trận đọ sức, ĐĐ/TS: tử thương 1, tịch thu 1 B40. VC: 2 bỏ xác tại trận, một trong hai là trung đội trưởng, khám xét tìm thấy lệnh hành quân trên đường di chuyển đến Rừng Sát. Tôi không nhớ ngày tháng nhưng khoảng thời gian 7 tới 10 ngày, VC đắp mô tại Bàu Xéo. Khác với những lần trước, lần này chúng làm trên dưới 100 mô, mỗi mô 3 đến 4 xẻng đất, gài xen kẽ mìn, lựu đạn và trái đạn pháo binh lép. Phe ta phải tích cực tháo gỡ vất vả dưới sự nguy hiểm hầu sớm cho xe cộ di chuyển qua lại. Trung đội quyết tử (QT), Tr.Đ 123/NQ và TĐ/BK thay phiên nhau dùng lưỡi lê cẩn thận rà soát từ mô này đến mô khác. Khi phát hiện đồ chơi của địch, bò ngược lại khoảng cách an toàn dùng súng bắn phá hủy. Những tiếng nổ đinh tai tạo thành đám khói đen kịt ghê rợn bay lên. Lợi dụng cơ hội này địch pháo kích,phe ta phản pháo. Thương cho trung tá Lâm Quang Thới, tiểu khu phó đứng trơ trọi giữa lộ trong thời gian lãnh pháo. Kết cuộc: Tr.Đ QT hy sinh 1 trung sĩ. Sau đó ít ngày ĐĐ 137/TS phối hợp với Tr.Đ QT hành quân chạm trán đơn vị VC tại Bàu Xéo. Kết quả: VC 5 bỏ xác tại trân. phe ta vô sự. Tiếp theo là đơn vị D 210 Việt cộng tấn công đồn Bàu Xéo do Tr.Đ 123/NQ trấn giữ. Ta: tử thương 1; VC để lại nhiều quân trang,quân phục băng cứu thương bê bết máu rải rác quanh hảng rào kẽm gai. Song song với hoạt động của địch, về phía ta có LM Thanh và dân biểu Tuấn Anh hay Anh Tuấn gì đó đứng ra tổ chức biểu tình. Lấy điểm xuất phát tại Quảng Biên- Trà Cổ của TB rồi đi dọc theo quốc lộ 1 qua Hố Nai với ước tính tới ngã ba Sặt- Tam Hiệp quy tụ được hàng trăm ngàn người lấy khí thế "Tiến về Saigon". Trảng Bom chịu trách nhiệm bão hòa địa điểm làm lễ xuất phát, nhưng người trong ban tổ chức biểu tình họ cứ thản nhiên dựng khán đài, nói lễ phép khan cổ cũng là thế. Chắc họ phải biết khi tổ chức biểu tình từ vùng bất an ninh đi về thành phố là việc làm liều lĩnh nguy hiểm, Đó là chưa nói đến sự di chuyển qua lại từ Saigon ra các tỉnh cao nguyên và miền trung bằng đường bộ. Kết quả là nhờ vào đồng bào TB và Hố Nai ý thức được sự lợi hại về vấn đề an ninh mà không ủng hộ. Hai ngài tổ chức đành ra về với hai bàn tay trắng.

Ngày 9 tháng 4, quân đoàn 4 VC tấn công Long Khánh. Chúng tôi nhận lệnh giữ an ninh phi trường đồn điền cao su Trảng Bom, đựơc chuẩn bị là trạm chuyển tiếp thương bệnh binh từ chiến trương LK. 8 giờ tối ngày 9 tháng 4, tiểu đoàn 363/ĐPQ tiểu khu Phước Long tăng viện cho LK đến TB đường bộ trở ngại rồi sát nhập vào tiểu khu Biên Hòa. Thiếu Tá Nguyễn Hồng Tú đang giữ chức vụ Yếu Điểm trưởng TB kiêm thêm chức vụ tiểu đoàn trưởng TĐ 363 (quân số chưa được 2 đại đội). Ngày 10 tháng 4, ĐĐ4/TĐ 92/BĐQ hoạt động phía sau vườn cam ông Đào, gần mật khu cây Gáo rút khỏi TB ngược hướng về Biên Hòa. Sau đó, LĐ1/ND đến TB và tiếp theo là một tiểu đoàn (-) thuộc trung đoàn 7 hay 8 của SĐ 5 đến thay thế vùng hoạt động của ĐĐ4/TĐ 92/BĐQ và đơn vị cuối cùng là toán QB/P2/TTM do một trung úy chỉ huy đến TB làm nhiệm vụ chuyên môn. Ngày 14 tháng 4, LĐ1/ND được không vận vào Long Khánh.

Ngày 15 tháng 4, dân di tản từ Lâm Đồng, Long Khánh băng rừng vựơt suối về đến TB cả hàng ngàn người , họ mệt mỏi và đói khát, những người có lòng từ tâm tại TB gom góp tiền bạc mua bánh mì và nước tiếp tế. Vào 3 giờ chiều ngày 16 tháng 4, VC pháo kích vào điểm tập trung của dân di tản, quân đội hướng dẫn đồng bào thoát ra vùng nguy hiểm làm bị thương trung đội trưởng 123/NQ, một binh sĩ và những ngày sau đó, VC pháo quấy rối dọc hai bên quốc lộ gây tử vong cho dân chúng. 10 giờ sáng ngày 19 tháng 4, toán QB/P/TTM cho biết, một tiểu đoàn VC đang di chuyển từ sông Buông BH ngược về LK nằm trong tầm đạn PB/Hoàng Hạ và chiều hôm đó, VC tấn công PCK Hưng Lộc tiếp giáp với TB. Vì phải chiến đấu đơn độc, đại úy PCK trưởng và đơn vị của ông cố thủ được hai ngày. Theo lời kể của một binh sĩ thoát về đến TB, ông ĐU/PCK trưởng tử trận.

Sau khi Long Khánh triệt thoái, PCK được trang bị đạn M 79 CBU chống chiến xa, với cấp số 6 trái đạn cho một cây M 79. Sáng ngày 24 tháng 4, đơn vị của SĐ 5 rút khỏi TB. 11 giờ 30, toán QB/TTM rời TB và cho biết 2 sư đoàn VC
có mặt tại Nam và Bắc TB. Cùng ngày SĐ 18 đến hoạt động phía Nam TB. Trưa ngày 27 tháng 4, VC pháo vào Trà Cổ và Quảng Biên. Vào khoảng 3 giờ chiều,
PCK nhận công điện không số (SVD) cho hai trái CBU, một hướng Bắc và một hướng Nam có bán kính sát hại 3 km 5, bán kính nguy hiểm 4 km và vùng ảnh hưởng là 4 km 5. Chúng tôi xin trái hướng Bắc, hướng Nam có ấp Vườn Ngô nằm trong tầm sát hại và là vùng hoạt động của SĐ 18 thì được trả lời: xin cả hai,một không cho, chúng tôi quyết định không xin. 10 giờ đêm ngày 27 tháng 4, VC pháo kích PCK và yếu điểm TB, đồng thời tấn công hai Tr /NQ 013 An Bình, 122 Bàu Cá và một ĐĐ/TĐ 363/ĐPQ tại ấp Trung Tâm (thị xã TB). 3 giờ sáng ngày 28 tháng 4, mắt liên lạc với hai Tr.Đ 013 và 122, 5 giờ sáng, nghe được những loạt đạn cuối cùng của ĐĐ/TĐ 363 còn sót lại trong suốt một đêm cận chiến. Chiếm được ấp Trung Tâm. VC tấn công PCK. 6 giờ sáng, tấn công Tr D 130 Trà Cổ và 139 Bàu Xéo (139 thay thế cho 123 về phòng thủ PCK). 7 giờ sáng ngày 28 tháng 4, không còn liên lạc được với bất cứ thẩm quyền nào. Như rắn mất đầu, chúng tôi không biết là tiếp tục cố thủ hay rút lui trong lúc chỉ còn Tr Đ 123 và TD/BK đã có 2 chết, 4 bị thương. Tôi đang phân vân về số phận hai đồng đội giải quyết ra sao chợt nhìn thấy anh bộ đội ôm cây đại liên chạy trước hàng tuyến té xuống rồi cố gắng đưa tay níu kéo lại cây súng mà kiệt sức không làm đươc. 8 giờ sáng, chiến xa VC tiến vào TB. 8 giờ 30 hai chiếc xả tốc độ vượt qua giữa hàng tuyến PCK và yếu điểm chạy về Biên Hòa. Sau đó, chúng tôi mở đường máu vào hàng tuyến không có chiến xa quân VC với hy vọng rút lui về Hố Nai. Vất vả lắm mới qua được đoạn đường gần 300 mét. Vào lô cao su, gặp khoảng 20 anh em SĐ 18 không còn đạn và nhập với chúng tôi. Đi gần tới đầu lô cao su để băng qua ấp Trà Cổ thì hết đạn. VC tấn công trở lại, chúng tôi chạy vào rừng. Cứ đi được khoảng 15 phút lại gặp những toán phục kích VC bắn giết. Sau nhiều lần bị phục kích, người chết, người bị thương và tan hàng. Trưa ngày 29 tháng 4, còn 9 người. Thiếu Tá Nguyễn Hồng Tú chia thành 2 toán: toán tôi 6 và toán ông 3. Cầm cây viết màu xanh lá cây, viết địa chỉ của ông đưa cho tôi và viết của tôi. Toán tôi đi trước và hẹn gặp tại ngã ba Sặt, đợi hai tiếng không thấy là có chuyện chẳng lành, đến báo tin cho gia đình. Tôi biết anh tư Tú từ ngày chân ướt chân ráo trình diện đơn vị. Ông là TT/TĐP/TĐ 347, là một trong những SQ cấp tá trẻ nhất của Biên Hòa. Và thời cuộc đưa đẩy, gặp lại ông vào những ngày tàn cuộc chiến. Tạm biệt anh tư Tú, khoảng 2 giờ 30 ngày 29 tháng 4, 6 người chúng tôi thành tù binh của VC. Trên đường áp giải, chúng tôi ngạc nhiên khi nhìn thắy một đứa bé khoảng 1 tuổi , châu mặt vào ngực người mẹ đang khóc tìm nguồn sữa. Ba anh bộ đội áp giải chúng tôi với vẻ mặt lạnh lùng và nói: các anh thấy chưa, các anh cầm súng bắn vào nhân dân đấy rồi bình thản đi như không thấy gì.....Tới nơi giam giữ, nhìn thấy Thiếu Tá Nguyễn Khắc Tung, TĐT/TĐ 1/43/SĐ18, ĐU Đấu TĐP, ĐU Cương và nhiều anh em SĐ 18. Ngày 30 tháng 4, VC áp giải về Gia Kiệm. Trên đường đi, họ dùng chữ khẩn trương và không khẩn trương là "Khử". May mắn cho anh em, TT Tung nghĩ ra khẩn trương là đi lẹ lên, nhanh lên, bám sát.... nói chuyền xuống phía sau. Đến bìa ấp Gia Kiệm, một anh 30 tháng 4 mang khăn đỏ cánh tay, cầm loa a lô a lô Dương Văn Minh đã đầu hàng vào lúc 10 giờ sáng. Nhốt chúng tôi trong trường học Gia Kiệm một đêm, ngày 1 tháng 5, áp giải về lại Trảng Bom, đi cẳng không lên đường nhựa giữa tiết trời nóng bức oi ả gần 30 cây số là một nhục hình man rợ. Mới nghiệm được: cái trời nắng hạ đốt cháy quê hương. Đến TB, giam giữ chúng tôi tại nhà mủ cao su và qua ông Sáu Lành, giám đốc đồn điền cao su TB, tôi được biết Thiếu Tá Nguyễn Hồng Tú bị bắn tại sân bay TB.

Là quân nhân phục vụ trong một đơn vị hạ tầng của QLVNCH. Đã nhiều lần tôi muốn viết về những sinh hoạt mà dân quân TB phải chịu đựng với sự hiểu biết hạn hẹp của tôi vào thời điểm hấp hối VNCH nhưng khi nhìn về quá khứ Tết Mậu Thân, Mùa Hè Đỏ Lửa lại thôi vì nhận thấy nó không đúng với khả năng tự vệ thật sự của QLVNCH. Sau 35 năm, tôi viết những dòng này thay nén hương lòng kính dâng hương hồn những đồng bào di tản, người dân Trảng Bom, chiến sĩ : Sư Đoàn 18, TĐ 363/ĐPQ, Yếu Điểm Trảng Bom, Trung đội PB Hoàng Hà, cuộc CSQG/TB, PCK/TB và đoàn viên NDTV ấp Trung Tâm đã hy sinh tại Trảng Bom.

Nguyễn Sơn Đảo

Ingen kommentarer: