onsdag 19. mai 2010

Halden, Nhà Tù Nhân Đạo Nhất Thế Giới

Halden, Nhà Tù Nhân Đạo Nhất Thế Giới.

Tại nhà tù Halden, nước Na Uy, tù nhân chỉ bị mất tự do thôi. Ngoài ra, họ được chiều chuộng có đủ thứ: đường mòn chạy bộ để tập thể dục, xem TV với màn ảnh mỏng, phòng giam có nước hoa thơm mùi chanh cam.

KHI TIẾNG KÈN TRUMPET ĐƯỢC TRỔI LÊN, các ngọn nến được thắp sáng, và những dĩa cá hồi được dọn lên, Vua Harald đệ Ngũ của nước Na Uy bước vào phòng, lập tức 200 người khách đứng dậy để chào đón nhà vua. Kế đến một ban hợp xướng gồm khoảng 30 người vừa đàn ông lẫn đàn bà trong bộ đồng phục của cảnh sát tiến vào để cùng đồng ca bản nhạc: “We Are the World”. Đó không phải là buổi dạ tiệc tại Cung Điện Hoàng Gia ở Oslo đâu, trái lại, đó là ngày khánh thành nhà tù Halden Fengsel, một nhà tù mới nhất của nước Na Uy.
Tốn kém 1.3 tỉ Kroner tiền Na Uy tương đương với 252 triệu đô la Mỹ, và phải mất mười năm mới xây xong nhà tù Halden. Trải dài trên một diện tích 75 acres, tức khoảng 30 hectares, nằm xoai xoải trên sườn đồi trong khu rừng thuộc vùng đông nam nước Na Uy . Nhà tù tối tân khoe trương sự trang bị tuyệt vời của một nhà tù nhân đạo có một không hai trên trái đất: phòng nghe nhạc, đường mòn chạy bộ, và một nhà khách sang trọng với hai phòng ngủ để tù nhân đón tiếp thân nhân đến nghỉ qua đêm. Không giống như những nhà tù hôi hám của Mỹ, chỉ toàn mùi mồ hôi nồng nặc của tù nhân, nhà tù Halden xịt dầu thơm trong không khí, có mùi cam tươi, do tù nhân chế tạo trong “phòng thí nghiệm nhà bếp” của họ. Tất cả các tù nhân đều được học lớp nấu ăn. Thống đốc nhà tù Halden là ông Are Hoidal giải thích rằng: “Trong hệ thống nhà lao của Na Uy, chúng tôi chú trọng đến sự tôn trọng nhân quyền và nhân phẩm của người tù nhân. Vì thế, chúng tôi không thấy những điều quí vị coi như xa hoa là chuyện không bình thường.”.
Nhà tù Halden là nhà tù lớn thứ hai của Na Uy, vừa được khánh thành ngày 8 tháng Tư vừa qua, có sức chứa 252 tù nhân. Nhà tù này thể hiện triết lý ghi trong bộ hình luật của nước này: “sự hành hạ tù nhân không đem lại kết quả, chỉ có cách đối sử nhân đạo với tù nhân mới hoạ chăng có thể giúp cho họ hội nhập trở lại với xã hội được.” . Nhà tù Halden giam giữ những tù nhân can tội buôn bán ma tuý, giết người, hiếp dâm, và nhiều trọng tội khác. Ông Thống Đốc Hoidal kể lại rằng: “Khi họ mới đến nhà tù, đa số đều có dáng tàn tệ, mệt mỏi. Chúng tôi muốn dạy dỗ, bồi dưỡng cho họ, để khi họ ra khỏi tù, sẽ trở thành những con người lương thiện, đàng hoàng hơn.”. Mỗi quốc gia theo dõi con đường hoàn lương của can phạm theo cách riêng của từng nước. Nhưng dù dựa trên tiêu chuẩn nào đi nữa, mô hình cải tạo tù nhân của Na Uy rõ rệt là mô hình siêu đẳng không có nước nào đạt kết quả tốt như của Na Uy. Hai năm sau ngày trả tự do, chỉ có khoảng 20% tù nhân Na Uy tái phạm trở lại con đường tội lỗi, để rồi lại vào tù. Tại Hoa Kỳ và Anh Quốc, có tới 60% và 50% tù nhân quanh trở lại nhà lao. Dĩ nhiên, tỉ lệ số người phạm tội của nước này rất nhỏ, khiến cho họ có ưu thế rất lớn để thực hiện đường lối nhân đạo. Ở Na Uy, trong số 100,000 dân chỉ có 69 người phạm tội. Trong lúc đó ở Hoa Kỳ cứ 100,000 dân có tới 753 kẻ tội phạm. Đây là tỉ lệ cao nhất thế giới.
Vẽ kiểu nhà tù giữ một vai trò hết sức quan trọng trong nỗ lực cải hoá tù nhân mà nhà tù Halden muốn thực hiện. Một kiến trúc sư trong nhóm các nhà hoạ kiểu, ông Hans Henrik Hoilund nói: “Chúng tôi phải cố gắng xây nhà tù sao cho nó giống như những căn nhà ở ngoài đời, càng giống nhiều càng tốt. “Để tránh cái vẻ biệt lập, khác với đời sống thường, tường bên ngoài của nhà tù phải bằng gạch,cổng sắt, trang trí hoa lá cành, trông như được mọc tự nhiên giữa khu rừng.”. Để giữ an ninh, bên vòng ngoài nhà tù xây tường bê tông cao 6 mét, bọc theo chu vi nhà tù. Trên bức tường trồng cây che kín để không ai biết đó là tường rào giữ an ninh. Thậm chí cây cảnh cũng được vén khéo, cắt tròn đầu trông có vẻ hiền lành, không có gì là thù oán cả.
Phòng giam có thể đem so sánh không thua gì phòng ký túc xá của sinh viên đại học, có cả TV màn ảnh mỏng, và một tủ lạnh nhỏ. Nhà hoạ kiểu cố tình chọn kiểu cửa sổ theo chiều dọc, để lấy ánh sáng nhiều vào trong phòng. Không có song sắt trong các phòng giam, cứ 10 đến 12 phòng giam, các tù nhân lại có chung một phòng ngồi chơi, và một nhà bếp. Trong đó, quầy bếp làm bằng i-nốc-xi-đáp, loại sắt sáng loáng như trong bệnh viện, ghế sô pha loại gấp lại được, và bàn ngồi uống cà phê bằng gỗ xoan. Trông cứ như là phòng trưng bầy của của hàng Ikea, chuyên bán đồ trang hoàng nội thất.
Cái ưu điểm đáng kể nhất của nhà tù Halden phải nói là quan hệ thân hữu giữa tù nhân và người cai tù. Lính gác tù tuyệt đối không mang súng – vì mang súng đem lại sự ngăn cách, thiếu thân thiện về khía cạnh giao tiếp xã hội. Cai tù thường ngồi ăn chung với tù nhân, và tham gia các cuộc chơi thể thao cùng với tù nhân. Kiến trúc sư Per Hojgaa Nielsen gỉai thích: “Nhiều tù nhân xuất thân trong những gia đình đổ vỡ, không nguyên vẹn. Chúng tôi muốn tạo cho họ biết ý nghĩa của một gia đinh đầm ấm.”. Hơn phân nửa cai tù là phụ nữ. Ông Thống Đốc Hoidal cho rằng phụ nữ làm lính coi tù giúp cho không khí nhà tù bớt cái vẻ hung hãn - thỉnh thoảng tù nhân còn được hỏi ý kiến nên làm thêm những gì để cải tiến nhà tù tốt hơn nữa.
Có rất nhiều cách thích thú để cải hoá cuộc đời một con người.Ông Charlott Renee Sandvik Clasen, một thầy giáo dạy âm nhạc trong nhà tù tâm sự: “Không một ai làm việc ở đây bị cưỡng bách làm việc trong nhà tù. Chúng tôi tự ý xin chọn làm việc ở đây.”. Thầy Clasen cũng là một ca sĩ trong ban hợp xướng của các cai tù tại Halden. Thầy gọi các tù nhân là “những chú học trò của thầy.”. Thầy tâm sự: “Mục đích của chúng tôi là cung ứng cho các tù nhân một cuộc sống có ý nghĩa bên trong những bức tường giam hãm họ.”. Chính cái bầu không khí thân tình, đầm ấm sẽ tạo nên những ảnh hưởng lâu dài trong tâm khảm của tù nhân, chứ không phải cái TV đắt tiền.

Bút ký của William Lee Adams trên Time magazine ngày 10/5/10
Nguyễn Minh Tâm
dịch

Ingen kommentarer: