søndag 20. april 2014

Khánh Ly Về Nước Trình Diễn,


Trong mấy ngày qua, dư luận trong và ngoài nước xôn xao về việc Khánh Ly chính thức trình diễn tại Việt Nam. Có lẽ đây sẽ là sự kiện ồn ào nhất trong sinh hoạt giải trí của năm 2014, so với sự kiện Bụi Đời Chợ Lớn bị cấm chiếu hồi năm ngoái.

Ngoài nước thì lại quan tâm góc cạnh chính trị của sự kiện Khánh Ly về nước trình diễn.
Nhiều bài viết đả kích, mạ lỵ, thậm chí là khích bác Khánh Ly hát những nhạc phẩm không thích hợp với chế độ hiện nay, xuất hiện nhan nhản trên các blog, trang mạng hay Facebook.
Đa phần cho rằng sự trở về trình diễn của  Khánh Ly mang tính tuyên truyền cho chế độ hoặc gây khó khăn cho các phong trào tranh đấu dân chủ, nhân quyền, vì tầm ảnh hưởng của Khánh Ly với công chúng.

Từ báo mạng đến báo giấy có nhiều bài viết tập trung vào giá "cát-xê" và giá vé xem đêm diễn của Khánh Ly.
Có phía cho rằng không nên có giá cao ngất ngưởng như vậy so với bình quân GDP (tổng sản phẩm quốc nội) đầu người của Việt Nam.
Họ còn cho rằng số tiền mua vé hay trả cho Khánh Ly để giúp cho những người cần được giúp đỡ thì tốt hơn vì Việt Nam vẫn còn quá nhiều khu vực nghèo đói mà lợi tức mỗi tháng thậm chí không bằng một tấm vé đi xem Khánh Ly hát.

Tuy nhiên phía bênh vực cho Khánh Ly lý luận rằng tại sao có những công ty, tổ chức, cá nhân có thể bỏ cả trăm ngàn Mỹ kim để mời ngôi sao Hàn Quốc, mời anh chàng tật nguyền Nick Vujicic, hay "Trai Đẹp Ả Rập" đến Việt Nam, trong khi nữ danh ca lừng lẫy của Việt Nam lại bị soi mói về giá lương, giá vé.

Phía này cho rằng bỏ số tiền lớn mời Khánh Ly về hát là đáng giá, vì sự kiện này đạt được nhiều mục tiêu.
Thứ nhất là khẳng định chính sách hòa hợp hòa giải của nhà nước Việt Nam, vì Khánh Ly được xem là biểu tượng đối kháng với những buổi trình diễn và phát ngôn về chính trị  trong quá khứ.
Thứ hai, dù Trịnh Công Sơn đã mất hơn 10 năm, người được xem là gắn liền tên tuổi với nhạc sĩ này vẫn là Khánh Ly, và chỉ có Khánh Ly mới chuyên chở hết hồn nhạc của Trịnh Công Sơn, không phải kiểu biểu diễn kỹ thuật như Hồng Nhung hay những ca sĩ trẻ sau này ở trong nước.
Thứ ba là niềm tự hào dân tộc khi bỏ một số tiền lớn mời một nghệ sĩ gốc Việt về Việt Nam trình diễn vẫn hơn là những ngôi sao Hàn Quốc, Trung Quốc hay Đài Loan.
Tóm lại với trong nước, ít có người để ý tới vấn đề chính trị và chỉ bàn tán nhiều hơn về tài chính và sự xuất hiện của Khánh Ly.

Cộng đồng người Việt ở bên ngoài Việt Nam thì có phản ứng hoàn toàn khác, hầu như nghiêng về các ý nghĩa chính trị.
Nhiều người cho rằng sự trở về dù chỉ là trình diễn của  Khánh Ly sẽ gây hại cho các phong trào tranh đấu dân chủ, nhân quyền cả trong lẫn ngoài nước do tầm ảnh hưởng của bà với công chúng rất lớn.
Họ trách cứ Khánh Ly vì tiền và danh vọng nên quay lưng lại với những lý tưởng mà họ cho là đúng.
Nhiều người khác cho rằng hành động của  Khánh Ly gây tổn thương, khi họ đặt niềm tin vào những lời tuyên bố chính trị trước đây của Khánh Ly về chế độ do người Cộng Sản cai trị.
Cũng có những người tư tưởng thoáng hơn. Họ tách rời chính trị và giải trí, cho rằng Khánh Ly trở về trình diễn là tất yếu, chỉ là sớm hay muộn mà thôi, vì như Khánh Ly từng tuyên bố "trở về từ nơi bắt đầu".
Những người này cho rằng cứ để người nghệ sĩ sống với khán giả của chính họ dù bất cứ nơi nào, ở đâu và dưới chế độ nào.
Tóm lại với người bên ngoài Việt Nam thì sự trở về của Khánh Ly gây ra cơn sóng mà họ cho rằng có thể phá một mảng lớn của "bờ đê lập trường chống Cộng", tương tự như nhạc sĩ Phạm Duy của 10 năm trước hay ông Nguyễn Cao Kỳ 8 năm trước.
Sự kiện  Khánh Ly về nước diễn đương nhiên còn gây thêm sóng gió cho đến khi Khánh Ly xuất hiện tại Việt Nam, có lẽ điều nhiều người chờ đợi là phát biểu của Khánh Ly nhiều hơn là tiếng hát.
Sau buổi trình diễn này, có thể cái mà Khánh Ly nhận sẽ là hào quang ca ngợi từ báo chí trong nước, từ những người mến mộ giọng hát của Khánh Ly ở miền Nam, hay khát vọng được gặp gỡ Khánh Ly của những người ở miền bắc.
Tuy nhiên cái giá Khánh Ly phải trả cũng không hề nhẹ, là sự chỉ trích, phê phán của dư luận bên ngoài Việt Nam, và cao hơn nữa có thể dẫn đến tình trạng bị tẩy chay các show diễn trong một thời gian.
Tiếng hát của Khánh Ly là dấu ấn sâu đậm trải qua nhiều thế hệ của nửa thế kỷ qua, và người nghệ sĩ vẫn thỏa mãn khi họ nằm xuống hay trở về trong vòng tay của khán giả mến mộ, bất chấp những quan niệm về chính trị hay thể chế nào.

Trần Nhật Phong.




Ingen kommentarer: