søndag 7. august 2011
Lạc Lối Về
Lạc Lối Về.
Nhớ lại,hai mươi tuổi, tôi bị tù Cộng sản vì “phản động”.
Hầu như mỗi tuần, tôi đều phải lên “làm việc” ít nhất một lần với Ban quản giáo trại tù. Họ bắt tôi phải nhận diện những anh chị em “phản động” vừa mới bị bắt. Tôi nghiến răng lắc đầu. Cứ như thế, sau những cái lắc đầu là những trận đòn dữ dội lên đầu lên mặt. Đau đớn thể xác, nhưng nước mắt không chảy được vì nỗi đau tinh thần còn to còn lớn hơn đến ngàn lần.
Không cần xét xử, chỉ cần đánh đập. Đánh đập mỏi tay, họ thả tôi ra… tôi tiếp tục.
Tuổi mộng mơ của tôi, là những ngày chạy trốn những con mắt rình rập, là những ngày ra vào tù với những đòn thù bầm dập thân xác, là những lúc cố đừng bật lên tiếng kêu khi chứng kiến người yêu gục xuống, trong tra tấn dã man, trong tiếng cười man rợ giữa người và người.
Lần ở tù cuối cùng, là vào những ngày cuối năm, tôi không bị biệt giam, tôi được nhốt trong trại tù phụ nữ.
Họ là những người đàn bà, “phản động”, đã cùng chồng không chịu buông súng – mặc dầu đã có lời kêu gọi đầu hàng từ Tổng thống Dương Văn Minh.
Họ là những thiếu nữ đồng lõa, “phản động”, đã dấu diếm, những người lính ngã ngựa đang bị thương tích trong nhà.
Và tôi, Năm ấy, trong tù đêm giao thừa, tôi nghe những tiếng nấc, tiếng trở mình của những tấm thân còm cõi, tất cả chung quanh lồng lộng nỗi cô đơn, thấm thía nỗi nhớ nhà.
Riêng tôi, khắc khỏai, nhớ cha đang ở tù nơi miền Bắc xa xôi, nhớ mẹ với những giòng lệ xót xa ái ngại, và nghẹn ngào thầm hỏi: Có chăng một ngày, người hải ngoại trở về cứu nước cứu dân ?.
Cứ như thế, ba mươi mấy năm sau, có khác gì hơn, cũng những người phụ nữ can trường, cũng tù cũng tội, cũng năm tháng trôi qua, không bao giờ đựợc xét xử, nếu có xử thì bị xử một chiều với những bản án nặng nề oan ức.
Cũng những người phụ nữ, trái tim rất lớn, rất lớn. Họ bị canh giữ trong bốn bức tường ẩm mục: Thương chồng, thương con, thương đồng bào chỉ muốn hét to cho vỡ lồng ngực, cho cả thế giới nghe những nhục nhằn mà tất cả, mà chính họ đang gánh chịu, như Trần Khải Thanh Thủy, như Lê thị Công Nhân, như Phạm Thị Thanh Nghiêm.
Đau lắm thay !!!
Ba mươi mấy năm sau, tại quê hương tôi hôm nay thực trạng xã hội Việt nam quá bi đát, trong nước đấu tranh sục sôi, từng giờ từng phút những người dân chủ chạm mặt với bắt bớ đánh đập tù đày.
Tại hải ngoại, tình trạng đấu tranh dân chủ cho đất nước lại bi đát hơn. Trên các diễn đàn điện tử đầy rẫy những bài viết phân tích, tranh cãi về việc “thắng – thua” của cuộc chiến ba mươi sáu năm về trước, đầy rẫy những kèn cựa chữ nghĩa, lý thuyết mà thiếu vắng hẳn những ý kiến cụ thể, những khuyến khích kêu gọi thực tiễn.
Phải chăng tất cả đã LẠC LỐI VỀ ???
Tranh cãi “thắng – thua” để làm gì khi giáo dục xuống dốc, văn hóa bị phá sản, dân chúng cả hai miền đất nước đang đói khổ, cả giải sơn hà, đất biển đang bị mất dần vào tay ngoại bang? Đọc hoài một điệp khúc “bức tử” trong ngày 30/4, có ích lợi gì khi không có một giải pháp thực tế, để kêu gọi những nỗ lực đóng góp ngăn chặn những hành động cưỡng bức của bịt miệng, của cướp đất, của mãi dâm đầy rẫy trên đất nước sau ba sáu năm cái gọi là thống nhất ?
Tại sao, cứ phải cúi đầu mặc niệm cho những đau thương rồi lại phải tìm cách qui trách nhiệm cho nhau trong khi tất cả đều thua và tất cả đều phải có trách nhiệm ?
Vâng, bạn à, tất cả chúng ta đều thua, và chúng ta sẽ mãi mãi thua nếu chúng ta mãi mãi ngồi nặn óc tranh cãi, bút chiến để dành “chính nghĩa”, và kèn cựa chữ nghĩa để thỏa mãn tự ái cá nhân, chúng ta cũng sẽ mãi mãi thua nếu chúng ta mãi mãi cúi đầu câm nín, nhận bổng lộc ban phát từ quan thầy bất xứng, nếu chúng ta mãi mãi nhắm mắt bịt tai trước những thống khổ của người Dân Oan, trước những giọt nước mắt âm thầm tủi nhục cô đơn của các em gái đang lưu lạc bán dâm trên các vỉa hè.
Ba mươi sáu năm trôi qua là một thước đo quá dài cho những chấn hưng đất nước. Thực trạng xã hội bây giờ là một minh chứng hùng hồn cho những thất bại liên tiếp của chính sách ngu dân đuơng thời và đồng thời cũng phản ảnh lên sự bất tài của chính chúng ta, những người tự nhận là trí thức.
Hỡi Bạn, chúng ta hãy chấm dứt ngay những than khóc, hoài niệm. Hãy khẳng định lại cuộc hành trình của chúng ta trong tiến trình đấu tranh dân chủ hóa đất nước.
Chúng ta hãy cùng nhau đứng lên nhận lãnh trách nhiệm, cùng khai thông, cùng giải quyết những vấn nạn của đất nước. Hãy nhìn thẳng về phía trước, nhìn thẳng vào tương lai thế hệ đàn em của đất nước mà bắt tay vào việc, những việc rất cụ thể rất thực tế để xây dựng lại một xã hội nhân bản, công bằng, dân quyền.
Trở lại, câu chuyện chúng ta có phải vì nóng lòng cho việc đấu tranh dân chủ cho quê hương hiện tại, rất nhiều người ưu tư cho sự đóng góp quá ít ỏi, nếu không muốn nói là thiếu vắng của giới phụ nữ.
Nỗi ưu tư này có chính đáng không ? Kết luận có vội vã và bi quan quá chăng ? Xin, đừng vội trách, giới phụ nữ, đứng ngòai lề cuộc đấu tranh.
Phụ Nữ trong và ngoài nước đang góp phần đấy chứ, nhưng vì quan niệm “tham gia” của chúng ta hạn hẹp nên chúng ta không nhìn thấy những góp phần tiềm ẩn trong đời sồng hàng ngày của mọi người.
Thế nào là đóng góp ? Thế nào là tham gia ?: Nếu tham gia đấu tranh là phải ngồi vào bàn hội thảo, phải có những trận bút chiến, tranh cãi bàn tán thời sự thế giới thì quả thật phụ nữ đang đúng ngoài những ý tưởng quá cao xa ngoài tầm với.
Nếu tham gia là bảo vệ lẫn nhau trong những áp bức hàng ngày, nếu tham gia là rỉ tai bất bình trước cái xấu của các quan chức, là gióng lên tiếng chuông, tố cáo trước dư luận những đàn áp bóp nghẹt tự do dân chủ, cảnh báo về những nổi thống khổ của người dân thì phụ nữ đang góp phần.
Nếu không có sự tham gia của giới phụ nữ làm sao chúng ta có: Trần Khải Thanh Thủy, Lê Thị Công Nhân ? nào Lê Thị Kim Thu, nào Phạm thị Thanh Nghiêm, Hồ Bích Hường
còn nữa Đỗ Thị Minh Hạnh, một thiếu nữ sinh năm 1985, bị bỏ tù vào những ngày Tết năm 2005, khi tròn 19 tuổi.
Đó là câu chuyện trong tù, còn những câu chuyện ngoài tù thì sao ??? Ngoài tù, Chúng ta cũng không thiếu những tiếng nói hùng hồn từ những người phụ nữ nông dân, hay giới lao động. Và còn biết bao đóng góp âm thầm hàng ngày dưới nhiều hình thức từ những cụ già nơi làng quê đến các chị buôn thúng bán bưng nơi thị tứ, những người dân oan đang đấu tranh âm thầm không ngưng nghỉ.
Còn nữa kể không hết những tận tụy hy sinh của vợ các nhà bất đồng chính kiến. Như chị Đoàn Viết Hoạt, chị Nguyễn Đan Quế, Vợ ông Vi Đức Hồi, vợ nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, vợ bác sĩ Phạm Hồng Sơn vợ luật sư Lê Quốc Quân, luật sư Lê Văn Đài, luật sư Cù Huy Hà Vũ. ngoài việc thay chồng âm thầm tần tảo nuôi dạy con cái, họ cũng đã không ngừng góp tay vào cuộc đấu tranh chung, họ mạnh mẽ lên tiếng tố cáo trước công luận về chế độ cộng sản đang bóp nghẹt tự do dân chủ, đàn áp những người yêu chuộng tự do.
Chúng ta đều biết cuộc đấu tranh dân chủ hiện nay mang tính chất khác hẳn các cuộc đấu tranh từ trước đến giờ.
Đây, không phải là cuộc đấu trí giữa hai chủ nghĩa kình chống lẫn nhau, cũng không phải là cuộc chiến bom đạn cần phải có các tướng lãnh quân sự tài ba, mà đây là cuộc đấu tranh của quần chúng, của tất cả mọi người, của mọi tầng lớp trong xã hội.
Cuộc đấu tranh này, là cuộc đấu tranh cho một xã hội nhân bản, công bằng là cuộc đấu tranh xây dựng giáo dục, nâng cao trí thức, bảo vệ nhân phẩm, giữ gìn đất nước.
Xưa kia, để giữ bờ cõi biên cương, các vị vua quan tướng lãnh, đã cho xây thành đắp lũy chống kẻ giặc thù. Ngày nay, giặc đã lẫn trong thành đang chiếm đất chiếm nhà, nên thành lũy xây bằng bê tông cốt sắt bằng gạch đá đã trở thành vô dụng.
Bây giờ, muốn giữ được nước, thành phải được xây trong dân, trong lòng từng người dân Việt nam. Đây chính là mấu chốt của cuộc đấu tranh dân chủ cho đất nước. Thu phục được nhân tâm, thu phục được quần chúng chính là tạo nên sức mạnh, là tạo nên một lực lượng dân tộc. Một lực lượng dân tộc cùng quật khởi đứng lên chống lại độc tài đảng trị, chống áp bức bất công. Không một cá nhân nào có thể chuyển hóa cuộc đấu tranh dân chủ nếu không có lực lượng dân tộc.
Muốn thu phục nhân tâm, muốn thu phục quần chúng, hãy đến gần với quần chúng, hãy đập cùng nhịp tim, hãy đi cùng nhịp bước.
Thực tế, trong nước đang có một khoảng cách rất lớn giữa những người đấu tranh dân chủ và khối quần chúng thầm lặng. Có một số người không hề hay biết về những biến động dân chủ đang xảy ra trong giới trí thức. Có một số người không hề hay biết về những cuộc biểu tình dân oan khi khoảng cách hai nơi là hai đầu đất nước. Không phải vì họ thờ ơ, không phải vì quần chúng nhút nhát, nhưng vì thông tin bưng bít, và vì đời sống nghèo khổ họ đành nhận chịu hoặc đành làm ngơ trước những bất công, áp bức.
Vì không có sự kết hợp giữa tầng lớp quần chúng và các nhà dân chủ đấu tranh, nên cuộc đấu tranh trở nên ô hợp, đơn điệu, thiếu kỹ thuật và dễ bị dẹp tan.
Tất cả lỗi chúng ta, lỗi của những người tự nhận là có đầu óc, có suy nghĩ đang hướng dẫn cuộc đấu tranh tự phát này.
Lại thêm, lỗi lầm khác của hầu hết những người dân chủ tại hải ngoại là chạy theo những nhà đấu tranh có tên tuổi đang lên trong nước, mà bỏ quên hẳn khối người vô danh thấp cổ bé miệng, khối người sẽ góp phần đấu tranh rất hữu hiệu nếu được tác động đúng mức.
Chiến thuật “lấy thôn quê bao vây thành thị” vẫn còn giá trị trong cuộc đấu tranh này. Đây chính là sự kết hợp giữa quần chúng với những người đấu tranh. Khi nào những tên quan quyền cướp của hại người không dám về các vùng ngoại ô trong lúc tối trời, khi nào các nhà đấu tranh dân chủ bị lùng bắt và được các nông dân che dấu bảo vệ cho nương náu, thì lúc đó chúng ta mới có thể bàn đến chuyện thực hiện cách mạng Hoa Lài, Hoa Sen.
Và người hải ngoại là những người có đầy đủ phương tiện để thay đổi khối quần chúng thụ động thành khối người đấu tranh hữu hiệu.
Bạn hỡi, hãy thôi, ngồi nói chuyện lý thuyết viễn vông. Hãy thôi tranh cãi những đề tài quá khứ, nếu chúng ta thực sự muốn sự đóng góp của tất cả mọi người. Hãy vạch ra một hướng đi rõ ràng với những kế hoạch cụ thể để khỏi nhốn nháo chạy theo những biến động chung quanh. Hãy khiêm tốn đừng nghĩ mình có tài kinh bang tế thế hơn người khi dùng được vài ba từ ngữ chính trị, mà chạy theo danh tiếng, mà chê bai tự cách biệt rào mình trong thế giới hào quang ảo tưởng.
Hãy phối hợp hoạt động để tạo mũi nhọn. Hãy học hỏi và áp dụng những kỹ thuật tân tiến vào những công tác đấu tranh. Hãy dùng âm nhạc, thơ văn để kích động tinh thần yêu nước. Hãy tạo những nhóm hay tổ trong những sinh hoạt hàng ngày để tạo mối dây liên lạc. Hãy truyền bá những bài viết bình dân giản dị dễ hiểu. Hãy đem sức sống đến tận thôn xóm làng mạc xa xôi. Hãy mang tin tức truyền đạt đến khắp mọi nẻo đường đất nước.
Và còn ai nữa làm nhiệm vụ này hiệu quả bằng những người phụ nữ Việt Nam nếu chúng ta khởi xướng ?
Có gì đánh động lương tâm thế giới bằng nơi quê nhà hàng ngàn phụ nữ xuống đường bất bạo động đòi hỏi quyền làm người, đòi hỏi nhân phẩm được tôn trọng. Họ chính là những cô gái lưu lạc trên các vỉa hè, chính là những bà mẹ dân quê cả đời không biết lấy một từ ngữ chính trị, chính là những người chài lưới ven sông hay đánh cá giữa trùng dương sóng gió.
Có gì hiệu quả bằng phụ nữ Việt Nam tại hải ngoại từng nhóm từng tổ chức, cùng một lúc gõ cửa kêu gọi các tổ chức ngoại quốc, cùng lên tiếng tố cáo những vi phạm nhân quyền trắng trợn, cùng yêu cầu can thiệp cho những đàn áp phụ nữ nơi quê nhà.
Hải ngoại thì công tác quốc tế vận, quốc nội với trực diện đấu tranh.
Công việc này, sẽ thu hút được nhiều đóng góp cụ thể, và sẽ mang đến kết quả cụ thể.
Bạn ơi, hãy nghiêng mình xuống, thương cảm và tìm đến với tất cả mọi người trong xã hội. Bà già bán rau vỉa hè có công tác của người bán rau vỉa hè, người viết văn có bổn phận của người viết văn. Đất nước ta lúc nào cũng có những người đàn bà góp phần vào lịch sử.
Vậy đó, giờ đã điểm, chúng ta phải động não, chúng ta phải đúng dậy, mà đi với trăm ngàn cái hãy và trăm ngàn cái phải làm. Đừng để những tiếng nói quả cảm của những phụ nữ can trường tắt lịm dần trong bóng tối tù ngục Cộng sản, đừng để LẠC LỐI VỀ.
Bình Minh.
Abonner på:
Legg inn kommentarer (Atom)
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar