søndag 7. august 2011

Huế Và Số Phận Miền Nam VIỆT NAM



Huế Và Số Phận Miền Nam VIỆT NAM.

Xin được góp ý về số phận của Miền Nam Việt Nam đã gắn liền với Huế như thế nào. Ảnh hưởng của các “Biến động Miền Trung”.

I - BẤT LỢI VỀ ĐIẠ THẾ TRONG VIỆC PHÒNG THỦ QỦANG TRỊ , THỪA THIÊN VÀ HUẾ.

Phía tây của vùng đất này có đèo Lao Bảo. Đèo Lao Bảo là một cửa khẩu rất thuận tiện để xâm nhập người và vũ khí từ Miền Bắc, băng ngang lãnh thổ Lào rồi nối liền với QL.9để vào thung lũng A Sau-A Lưới và Qủang Trị, Thừa Thiên. Sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam, Khe Sanh, Lao Bảo và nhất là vùng thung lũng A Shau, A Lưới đã bị bỏ ngỏ hoàn toàn, quân đội Bắc Việt đã hoàn toàn tự do di chuyển và đóng quân trong vùng này. Binh lính và quân trang quân dụng, đại pháo, xe tăng, hỏa tiễn, đường ống dẫn dầu từ miền Bắc đã được vận chuyển rất mau lẹ và dễ dàng vào an toàn khu A Shau, A Lưới. Dựa theo nhận định tại chỗ, qua chuyến đi dọc theo đường mòn HCM, chúng ta thấy rằng, vào mùa khô, quân xa của Miền Bắc chỉ mất hơn một ngày đường để đi từ Vinh tới an toàn khu A Sau – A Lưới. Địch có thể tung hoành tại vùng này như vậy vì nhiều lý do:

- Trước hết, đây là một vùng đất tương đối bằng phẳng, không phải vượt qua các đèo cao dốc thẳm quá sức cheo leo hiểm trở, hơn nữa đường giao thông lại đã được công binh Mỹ làm sẵn từ trước là QL.9 từ Lao Bảo tới Khe Sanh và QL.14 dọc theo thung lũng A Shau.

- Lý do thứ hai là không những chúng ta không còn hỏa lực hùng hậu của không quân, nhất là của B 52, mà ngay cả pháo binh cũng không tác xạ tới vùng này được, dĩ nhiên chúng ta cũng không đủ khả năng để tổ chức các cuộc hành quân truy quét diệt địch.

- Tóm lại, địch đã có thể dễ dàng từ Bắc chuyển quân và tập trung tại vùng an toàn tại thung lũng A Sau để từ đó đánh tập hậu xuống Huế và Quảng Trị. Như chúng ta đã biết, ở phía Bắc thung lũng, gần Quảng Trị, có mật khu Ba Lòng, gần phía cực nam của thung lũng này, tại ngã ba Bốt Đỏ, một con đường dẫn về Huế cũng đã có sẵn từ xưa và cũng chỉ cách Huế chừng 50 km. Chính Tướng Westmoreland cũng đã xác nhận, lực lượng Cộng quân tại vùng thung lũng này giống như một ngọn giáo kề vào cổ Huế.

Đọc đến đây và nhìn vào bản đồ vùng giới tuyến, nhiều người sẽ tự hỏi, vậy thì chúng ta bố trí hai lực lượng tinh nhuệ nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến tại phía nam sông Bến Hải làm gì. Địch đâu có cần phải vượt qua vùng giới tuyến này để tấn công Quảng Trị và Huế. Bài học về chiến lũy McNamara mới đây và chiến lũy Maginot trong thế chiến thứ hai còn quá gần, chả lẽ lại không được lưu ý tới. Tết Mậu Thân và Mùa hè đỏ lửa 1972, địch đã phải tràn qua sông Bến Hải vì khi đó hỏa lực không quân của quân đội Mỹ còn rất mãnh liệt, đường mòn HCM vẫn còn bị oanh tạc liên tục suốt ngày suốt đêm, riêng trong vụ tổng công kích Tết Mậu Thân, thì nút chăn Khe Sanh vẫn còn do quân đội Đồng minh chiếm giữ.

Nếu không bị chôn chân tại đây, nếu được đặt trong tình trạng tiếp ứng di động, hai binh chủng tổng trừ bị tinh nhuệ Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến sẽ trở thành những lực lượng xung kích hữu hiệu như thế nào, mọi người đều đã quá rõ. Bằng chứng hùng hồn nhất là thành tích đánh bật cộng quân ra khỏi các thành phố trong dịp tết Mậu Thân. Cũng chính vì không còn lực lượng trừ bị để tái chiếm Ban Mê Thuột nên đã kéo theo sự sụp đổ mau lẹ của toàn Miền Nam Việt Nam .

Tóm lại, hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên đã ở trong tình thế lưỡng đầu thọ địch, sẽ dễ dàng bị đánh cả trực diện từ Sông Bến Hải, lẫn ngang hông từ thung lũng A Sau.

II - HUẾ VÀ SỐ PHẬN MIỀN NAM VIỆT NAM.

Như mọi người đã biết, trong các cuộc bàn cãi mặc cả để kí kết Hiệp Định Geneve ngày 20/7/1954, phe CSBV đòi tới vĩ tuyến 16, tức là ngang đèo Hải Vân, Pháp và phe Quốc Gia đòi tới vĩ tuyến 18, tức là Đèo Ngang (phiá bắc Quảng Bình). Sau cùng đôi bên đã dung hòa, chấp nhận vĩ tuyến 17, ngang qua sông Bến Hải.

Mặc dầu Quảng Trị, Thừa Thiên hoàn toàn bất lợi về phòng thủ như đã trình bày ở trên, nhưng Chính phủ quốc gia VN đã hoan hỉ chấp nhận đừơng phân ranh này là vì các lý do tình cảm sau đây:

- Huế là nơi có mồ mả cha ông của cựu hoàng Bảo Đại.

- Huế cũng là quê hương của Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm.

- Huế là thủ đô của Việt Nam lúc đó, còn giữ được thủ đô là coi như còn giữ được cả nước. (Ý của LM Cao Văn Luận trong “Bên Dòng Lịch Sử”).

Trái lại, dưới cái nhìn chiến lược, sự việc lại hoàn toàn khác:

1- Trước nhất là nếu chúng ta đòi được tới vĩ tuyến 18, tức là Đèo Ngang, còn gọi là Hoành Sơn, thì có lẽ lịch sử đã hoàn toàn đổi khác:

- Ai trong chúng ta cũng đều còn nhớ lời khuyên cũa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khịêm dành cho Nguyễn Hoàng: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Nguyễn Hoàng đã nghe theo lời khuyên đầy tính cách chiến lược này vì quân của Chúa Trịnh từ phương Bắc sẽ rất khó vượt qua đèo Ngang để tấn công quân của Chúa Nguyễn được, chúng chỉ có thể sử dụng thủy quân. Đối với Việt Nam Cộng Hòa, nếu đòi được đến Đèo Ngang, ngoài lợi điểm về phòng thủ nêu trên, chúng ta sẽ còn kiểm soát được Đèo Mụ Giạ là một con đường rất thuận lợi để chuyển quân sang Lào rồi xâm nhập vào Miền Nam vì Đèo Mụ Giạ nằm ở phía nam vĩ tuyến 18. Không có đèo Mụ Giạ này, đường xâm nhập của quân đội miền Bắc qua đất Lào sẽ là những ngọn đèo hiểm trở và xa xôi về phiá Bắc.

- Như vậy, với sự chấp nhận vĩ tuyến 17, chúng ta đã giúp CS Miền Bắc có hai cửa khẩu rất thuận tiện, cửa khẩu Mụ Giạ để sang Lào và cửa khẩu Lao Bảo để từ Lào vào Miền Nam. (Có lẽ chúng ta cũng chẳng nên chê trách các nhà lãnh đạo Miền Nam thời đó nhiều quá, vì sau này, chính Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ cũng đã rất ngây thơ mà xây dựng nên chiến luỹ điện tử Mc.Namara chạy dọc theo vĩ tuyến 17. Sau khi ép được Bắc Việt ký kết công nhận nền trung lập của Lào, nghĩa là CS Bắc Việt hứa là sẽ không dùng đất Lào để chuyển quân vào Miền Nam VN, mọi người đã phủi tay mỉm cười khoan khoái, tin tưởng rằng Miền Nam VN sẽ được an toàn 100% vì Bắc Việt sẽ hết còn con đường nào để chuyển quân vào Miền Nam nữa?! )

2- Nếu trong Hiệp Định Đình Chiến Genève 20/7/1954, chúng ta chấp nhận vĩ tuyến 16, ngang qua Đèo Hải Vân, việc phòng thủ cũng sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn tại vĩ tuyến 17gấp bội vì những lý do sau đây:

Trái ngược hẳn với Thừa Thiên và Quảng Trị, phần đất còn lại của Vùng I, từ Quảng Nam trở vào, thiên nhiên đã dành cho vùng này những yếu tố hết sức thuận tiện cho việc phòng thủ. Hướng Bắc và hướng Tây, hai hướng tấn công chính của Bắc quân, đã được che chắn bởi hai chiến lũy thiên nhiên vô cùng kiên cố là dẫy Bạch Mã ở mặt Bắc và Cao nguyên Trung phần ở mặt Tây.

Trước nhất là về mặt bắc, dẫy núi Bạch Mã là một chiến lũy thiên nhiên hết sức vững chắc, gần như không thể vượt qua, vì các lý do sau đây:

- Dẫy Bạch Mã chạy theo hướng Đông - Tây, nghĩa là chắn ngang miền Trung, từ đèo Hải Vân, sát bờ biển, cho tới cao nguyên Bolovens bên Lào.

- Đây là một dẫy núi có chiều cao gần như liên tục, không hề bị ngắt quãng bởi những ngọn đèo thấp để vượt qua, càng về phía biên giới càng cao và càng hiểm trở. Ngọn Bạch Mã gần Đà Nẵng cao 1444 mét, ngọn núi Mang ở giữa cao 1708 mét, ngọn A Tuất sát biên giới Lào cao 2500 mét.

- Ngoài hai địa điểm Thành Mỹ (Thường Đức) ở phía tây trên đường mòn HCM và đèo Hải Vân ở phía đông sát bờ biển, không có một ngọn đèo nào khác để vượt qua dẫy núi này. (Vị nào đã có bút ký Trường Sơn-Trường Hận, xin xem lại chương “Đại Lộ Kinh Hồn” mô tả những giờ phút dựng tóc gáy khi băng ngang dẫy núi hiểm trở và cao chót vót này). Bộ binh vượt qua được dẫy núi cao vời vợi này đã là thiên nan vạn nan, nói gì tới xe tăng, đại pháo.

Tại sao Quảng Trị, Thừa Thiên và thành phố Huế có một vị trí hoàn toàn bất lợi về phòng thủ như vậy, mà ngay từ ngày 20/7/1954, khi ký Hiệp định đình chiến Geneve chia đôi đất nước, chính phủ Quốc Gia lại chấp nhận vĩ tuyến 17, ngang qua sông Bến Hải, một vùng tương đối bằng phẳng, rất thất thế trong việc phòng thủ? Phải chăng, ngay từ khi Hiệp định Geneve 1954 được ký kết, chúng ta đã mắc mưu của con cáo già HCM và mầm mống thất trận đã manh nha ngay từ ngày đó rồi.

Chỉ huy là tiên liệu. Địch đã tiên liệu cho một Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam ngay từ ngày 20/7/1954!

Vũ Linh Châu.

Ingen kommentarer: