tirsdag 14. juni 2011

Mảnh Da Vàng



Mảnh Da Vàng.

Đã từ lâu, tôi muốn viết về quãng đời niên thiếu kém may mắn của mình, nhưng vẫn chưa tìm được ngày tháng yên hàn để thực hiện giấc mơ. Chinh chiến đã xô đẩy tôi phiêu bạt khắp nơi. Khi chiến tranh chấm dứt, tôi bị lùa vào các trại tập trung. Thoát vòng lao lý, tôi phải lang thang nhiều nơi tìm kế mưu sinh. Ðến xứ người, tôi vẫn chưa tìm được những khoảnh khắc yên vị để thu nhặt lại những mảnh đời đã lạc khuất trong quá khứ.

Đã đến lúc tôi cần viết ra câu chuyện của chính tôi mà không một chút hoài nghi về sự tương quan kỳ diệu Thương Ðế đã xếp đặt. Tôi nghĩ đây không còn là chuyện của riêng tôi, mà của một dân tộc chìm đắm trong oan nghiệt một ngàn năm, một trăm năm, rồi mấy chục năm đăng đẳng mà vẫn chưa ló dạng ánh sáng của phục sinh, đêm canh thức vẫn còn thăm thẳm. Như thể chiếc đũa thần đâu đó chưa buông tha dân tộc khốn khổ nầy, vẫn còn khuấy động giòng sông quê hương thêm những đợt sóng bi thương khác.

Mời bạn cùng tôi ngược giòng thời gian, về lại chốn xưa, với những hình ảnh tưởng đã xóa mờ, nhưng lạ thay vẫn còn sống động trong trí nhớ tôi như vừa mới hôm qua.

Giao thừa năm Mậu Thân, 1968:

Thay cho tiếng pháo nổ rền để đón chào giờ phút thiêng liêng của một năm mới, là những đợt pháo kích dồn dập của Việt Cộng vào khắp nơi. Có người vẫn ngỡ tiếng pháo giao thừa, không tin chiến tranh có thể nhẫn tâm dẫm lên truyền thống dân tộc. Qua máy truyền thanh, tôi biết tin khắp toàn lãnh thổ miền Nam nằm trong chết chóc kinh hoàng bởi trận tổng công kích của Cộng Quân Bắc Việt.

Thoạt đầu, các đơn vị đồn trú chịu một số thiệt hại do pháo kích, nhưng sau đó được củng cố hệ thống phòng thủ, bắt đầu phản công mãnh liệt. Cường độ tấn công của địch quân giảm dần sau hơn mười ngày giao tranh. Thiếu tiếp liệu, chịu nhiều tổn thất nặng do đạn pháo binh và phản lực oanh kích, Cộng Sản Bắc Việt đành tháo chạy, bỏ lại những xác chết la liệt.

Tờ mờ sáng, toán pháo binh tăng cường cho đơn vị chấm tọa độ khá chính xác. Hơn mười xác địch bỏ lại rải rác bên dốc suối. Thật không thể tin được, những người lính nầy còn quá trẻ. Hà Nội đã vét đến những thiếu niên vào chiến trường miền Nam.

Con đường học vấn của tôi đang đi lên đầy hứa hẹn, thì chiến tranh bùng nổ dữ dội. Cuối tuần về thăm nhà, tôi phải vượt qua những con đường đắp mô, có khi bị lùa vào rừng cao su nghe lũ Việt Cộng tuyên truyền, rồi chạy bán sống bán chết khi biệt kích đột nhập giải vây hành khách. Hai anh tôi đã vào quân ngũ, ba mẹ tôi kỳ vọng nơi tôi một đứa con đỗ đạt. Mặc cho ba mẹ tôi ngăn cản, tôi nộp đơn tình nguyện vào trường Bộ Binh Thủ đức. Tôi biết điều gì đã thúc đẩy tôi bỏ nghiệp thư sinh để nhập vào giòng chiến tranh.

Chiến tranh đã lên đến cao điểm. Càng nhiều tổn thất, càng nhiều thanh niên trẻ bị đưa vào lò thuốc súng. Một bên để bảo vệ và một bên để xâm chiếm. Khắp nơi chỉ có tàn phá và hủy diệt. Người ta chỉ xây dựng tạm thời nhưng rồi cũng bị tàn phá và hủy diệt. Miền Nam như đã chiến thắng trên các mặt trận, nhưng lại thất bại trên các lãnh vực khác. Thay vì tìm hiểu cội gốc của chiến tranh, một số người đắm mình trong giòng nhạc ru ngủ, cổ vũ luận điệu chủ hòa như những món thời trang cần chạy theo. Tại Hoa Kỳ, những kẻ chủ trương rút khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam, những trí thức phản chiến bạc nhược cộng với mưu đồ của cộng sản quốc tế đã dẫn đến một Hiệp định mở đường xâm lăng cho Bắc quân và trói tay quân lính Miền Nam. Tất cả đã dẫn đến thảm nạn: Làn sóng xâm lăng đã nhuộm đỏ Miền Nam.

Núi xương và sông máu, qua hằng thế hệ trên quê hương Việt Nam, là bài học lịch sử quá đắt giá hơn bất cứ đất nước nào, hôm nay với kẻ hậu sinh phải được gẫm suy để đưa vận nước thoát khỏi cơn mê lầm thế kỷ. Chiếc xe lịch sử phải chăng đã thản nhiên lăn trên con đường đầy máu và nước mắt, cán nát cả những kẻ thân yêu của mình, bởi vì lịch sử chỉ có một con đường để đi.

Câu chuyện Mảnh Da Vàng, câu chuyện của tôi mà cũng là câu chuyện của một người lính. Và hơn hết, tôi nghĩ đây cũng là câu chuyện của những người Việt Nam thời ly loạn, để rồi khi hết loạn ly, chỉ còn lại những mảnh da vàng rách nát. Nhưng là những mảnh da vàng để xót thương.

Rồi có một ngày dẫn nhau về nơi chôn nhau cắt rốn, khi lũ Việt Cộng không còn trên quê hương Việt Nam, cùng thắp lên những nén nhang cho tổ tiên và ước nguyện cho những người Việt Nam đã nằm xuống trong cuộc chiến tranh vừa qua, bất luận từ phía nào và nguyên cớ nào, được thanh thản nơi thế giới nào đó, một thế giới không binh đao và không oán thù.

Chu Linh.

Ingen kommentarer: