onsdag 15. april 2009

Trước Biến Cố Bauxite

Trước Biến Cố Bauxite.

Cướp đất của dân, rồi dâng đất tổ tiên,
Liệm xác Việt Nam dưới Mặt Trời Hồng.

Mấy tháng nay việc nhà cầm quyền Việt Nam cho Trung Quốc vào khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã dấy lên một làn sóng phản đối trên toàn quốc từ những đảng viên Cộng Sản lão thành, chuyên gia, trí thức tới dân chúng.

Nhân mùa tưởng niệm 30-4, chúng tôi xin ghi lại một số sự việc đang diễn ra về biến cố này để cùng nhau nhìn vào sự nguy vong của đất nước trước những việc làm của đảng Cộng Sản Việt Nam.

1. Những tiếng kêu:

Trước hết là tướng Võ Nguyên Giáp, qua thư gửi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngày 5-1-09, tướng Giáp cho biết là năm 1980, đã có chương trình khai thác bauxite trong kế hoạch hợp tác với khối COMECON, nhưng đã phải bỏ vì sau khi khảo sát, các chuyên gia Liên Sô và khối COMECON đã khuyến nghị Việt Nam không nên khai thác bauxite trên Tây Nguyên do những tác hại sinh thái lâu dài, nghiêm trọng không thể khắc phục, chẳng những đối với dân cư tại chỗ mà còn cả với dân cư vùng đồng bằng miền Nam Trung Bộ. Ngoài việc tác hại sinh thái, tướng Giáp còn nói đến vấn đề an ninh quốc phòng và đã nêu lên một sự kiện là trong tháng 12-2008 đã có hàng trăm công nhân Trung Quốc đầu tiên có mặt trên công trường và dự kiến cao điểm sẽ lên tới vài nghìn tại mỗi dự án. Trong thư, tướng Giáp nhắc nhở: “Việc xác định chiến lược phát triển Tây Nguyên bền vững là vấn đề rất hệ trọng đối với cả nước về kinh tế, văn hóa và an ninh quốc phòng”, vì thế ông đề nghị: “Cho dừng triển khai các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên”.

Sau tướng Giáp là tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu chính ủy quân khu 4, cựu Đại Sứ Việt Nam tại Trung Quốc từ 1974 tới 1989, gửi thư ngỏ cho Bộ Chính Trị, Thủ Tướng và các Phó Thủ Tướng, phản đối việc cho Trung Quốc khai thác bauxite tại Tây Nguyên, trong thư ngoài vấn đề tàn phá môi trường, tướng Vĩnh nói về mối họa Trung Quốc:

“Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân hùng mạnh ở Tam Á, đảo Hải Nam, nói thẳng ra là không phải để chống kẻ thù xâm lược nào, mà là đe dọa Việt Nam và sẵn sàng chờ thời cơ thôn tính nốt Trường Sa của chúng ta, sau khi nhanh tay chiếm Hoàng Sa từ tay chính quyền Sài Gòn.

Nay lại để Trung Quốc khai thác Bauxite ở Tây Nguyên thì sẽ có năm, bảy ngàn hoặc một vạn công nhân hay quân nhân Trung Quốc đến cư trú và hoạt động tại đây, sẽ hình thành một “thị trấn Trung Hoa”, một “căn cứ quân sự” trên địa bàn chiến lược vô cùng xung yếu của chúng ta”.

Sau khi dẫn chứng về việc Trung Quốc ngang ngược thiết lập huyện Tam Sa với ý thôn tính cả Hoàng Sa và Trường Sa, tướng Vĩnh nói với lãnh đạo đảng Cộng Sản là không thể cứ tiếp tục để cho Trung Quốc áp đặt, ép chúng ta làm theo ý họ mà phải đấu tranh để bảo vệ lợi ích chính đáng của tổ quốc.

Ngoài hai vị tướng, nhà văn quân đội Phạm Đình Trọng, trong bức thư dài gửi Thủ Tướng Chính Phủ, đã nói về tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc dọc theo lịch sử Việt Nam. Và dưới thời Cộng Sản Việt Nam từ 1954 tới nay ông Trọng đã ghi lại những miền đất Trung Quốc lấn chiếm như sau:

- Thác Bản Giốc: Năm 1976, hàng ngàn quân Trung Quốc đã tràn qua biên giới ngăn thành hàng rào che chắn cho thợ đổ bê tông cột mốc, chia cắt thác Bản Giốc làm đôi, chiếm nửa thác của ta, trước kia thác cách biên giới hơn 12 km, còn bây giờ phân giới, phần thác đã nằm phía bên Trung Quốc hơn phân nửa.

- Ải Nam Quan: Năm 1973, bộ đội Việt Nam đứng gác ở Mục Nam Quan, còn nay thì Hữu Nghị Quan và nhiều ngôi nhà xây từ thời Pháp đã ở trên đất Tàu, và đường biên giới đã lùi sâu vào đất ta đến năm, sáu trăm mét.

- Bản Sẻo Lủng: Năm 1992, quân Trung Quốc kéo đến bản Sẻo Lủng, mỏm cực bắc huyện Đồng Văn, Hà Giang, đốt phá nhà cửa dân ta, rồi tuyên bố đất Sẻo Lủng là lãnh thổ Trung Quốc. Ngoài mấy vùng có tên, Tàu đã chiếm nhiều cao điểm và những núi có giá trị chiến lược dọc biên giới.

- Còn đảo thì Tàu chiếm Hoàng Sa tháng 1-1974, và nhiều đảo ở Trường Sa năm 1988.

- Đến nay thì Trung Quốc đem công nhân vào khai thác Bauxite ở Tây Nguyên.

Về Bauxite, ông Trọng nói đến sự hiểm độc của Trung Quốc, khi cần tránh thảm họa môi trường do bauxite gây ra đã thực hiện chính sách xuất khẩu thảm họa môi trường để nhập khẩu nhôm thô và alumina từ những nước khác. Vì thế, cả lục địa Châu Phi đã trở thành bãi khai mỏ của Trung Hoa. Khi thấy trữ lượng bô xit ở Guinea không lớn, lại xa quá, nên Tàu đã chiếu cố Tây Nguyên Việt Nam. Và Tây Nguyên sẽ thành bãi khai mỏ bô-xít của Trung Hoa, thành cái chợ Trung Hoa.

Trong thư có đoạn: “Những diễn biến của những năm tháng lịch sử vừa qua lại cho chúng tôi thấy những người có trách nhiệm quản lý đất nước của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không những đã không giữ được trọn vẹn dải đất Viêt nam gấm vóc và thiêng liêng mà cả đến việc khai thác tài nguyên đất nước dường như cũng không vì lợi ích của đất nước Việt Nam, không vì nhân dân Việt Nam… Khai thác bô-xít Tây Nguyên là chủ trương lớn của đảng và nhà nước. Nhưng khai thác bô-xít Tây Nguyên cũng đặt ra những vấn đề lớn về độc lập dân tộc, về mục đích và hiệu quả sử dụng tài nguyên đất nước, về môi trường sống và không gian văn hóa của đất nước”.

Một tiếng kêu tiêu biểu khác thuộc giới chuyên gia là tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Giám Đốc Công ty Năng Lượng Sông Hồng, một thành viên của Tập Đoàn Than và Khoáng Sản (Tập Đoàn đã chọn nhà thầu Trung Quốc). Có lẽ tiến sĩ Sơn là người lên tiếng sớm nhất và nhiều nhất về dự án Bauxite ngay từ khi nhà cầm quyền Việt Nam phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành bauxite nhôm và xác định lãnh vực này như một thế mạnh để phát triển năm 2007. Từ đó đến nay, với nhiều bài phân tích và trong những cuộc hội thảo về việc khai thác bauxite, ông đã đưa ra những luận chứng phản bác xác đáng về tính không khả thi của các dự án. Xin tóm tắt:

- Về chiến lược: Dự án khai thác bauxite là một sai lầm chiến lược, chứa đựng nhiều rủi ro không thể lường hết. Nhôm không phải là kim loại quý và chưa có quốc gia nào coi bauxite là khoáng sản chiến lược để dốc sức khai thác như Việt Nam.

- Về môi trường, sinh thái: Dự án sẽ làm cạn kiệt nguồn nước hiện đang còn thiếu để phát triển các loại cây công nghiệp. Sinh thái bị thay đổi, ảnh hương xấu đến miền Trung Nam Bộ, Campuchia, hạn hán sẽ kéo dài, lũ lụt sẽ xảy ra thường xuyên hơn.

- Về kỹ thuật: Dự án phải lưu giữ một khối lượng khổng lồ bùn đỏ, một loại chất thải cực kỳ độc hại, phải chôn lấp trên cao nguyên thành những núi bom bẩn. Tây Nguyên là thượng nguồn nhiều dòng sông lớn. Vì thế, nếu xẩy ra thiên tai lũ quét thì bom này sẽ gây nguy hại cho dân Tây Nguyên và cả dân miền Nam và Đông Nam Bộ.

- Về kinh tế: Dự án chiếm dụng quá nhiều đất, nhưng bauxite không có hiệu quả và không thể giúp phát triển bằng các dự án trồng các loại cây công nghệ như cao su, cà phê, chè và điều…

- Về an ninh: Việc chọn lựa nhà thầu Trung Quốc vào Tây Nguyên là một nguy cơ rất lớn đối với an ninh quốc phòng.

Từ những luận chứng trên, tiến sĩ Sơn đã đề ra kiến nghị 4 điểm:

Thứ nhất, đình chỉ các dự án khai thác và chế biến bô-xit qui mô lớn ở Tây Nguyên.

Thứ nhì, chỉ nên triển khai 1 dự án thử nghiệm.

Thứ ba, cần quan tâm và ưu tiên nước ngọt và có chính sách cho việc phát triển cây công nghiệp, đúng với tiềm năng của Tây Nguyên

và thứ tư, thành lập “Ủy Ban Quốc Gia Về Phát Triển Kinh Tế Tây Nguyên” trực thuộc chính phủ hoặc Quốc Hội để chỉ đạo toàn diện việc phát triển kinh tế, xã hội Tây Nguyên.

2. Sự im lặng:

Dân lo sợ dự án khai thác Bauxite và những tiếng kêu trên đây đã kết tinh được mối lo đó. Nhưng Nguyễn Tấn Dũng đã họp báo xác định khai thác Bauxite là chủ trương lớn của đảng và nhà nước, và ra lệnh cấm báo chí không được loan tin về Bauxite.

Rồi ngày 17-3, Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải đã ra thông báo yêu cầu Tập Đoàn Than và Khoáng Sản tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư triển khai các dự án bauxite nhôm ở Bảo Lâm, Lâm Đồng và Nhân Cơ, Đắc Nông.

Đó là trên mặt tin tức của nhà nước, còn trong thực tế qua tin tức và hình ảnh của dân chúng địa phương thì việc san mặt bằng xây dựng nhà máy tại Nhân Cơ và Bảo Lâm đã được tiến hành trước đó với những chiếc xe ủi đất cày ủi rừng Tây Nguyên đêm ngày và công nhân người Hoa đã xuất hiện hàng loạt ở Nhân Cơ và Bảo Lâm.

Thêm một chuyện đáng sợ khác là báo Tuổi Trẻ (27/3) cho biết các nhà thầu Trung Quốc đã thắng thầu nhiều công trình trọng điểm về điện, xi măng, hóa chất và họ đã đem vào Việt Nam hàng chục ngàn công nhân cùng thiết bị để thực hiện các dự án. Chẳng hạn, chỉ riêng công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện ở Quảng Ninh đã sử dụng tới 2000 công nhân Trung Quốc.

Đó là những sự việc khó hiểu và đáng sợ, nhưng đảng và nhà nước im lặng thực hiện, không quan tâm đến những làn sóng dư luận phẫn nộ. Vì đối với đảng thì tất cả những tiếng kêu của dân hay của tướng Giáp, tướng Vĩnh, của chuyên gia Nguyễn Thành Sơn, của nhà văn Phạm Đình Trọng hay của nhiều nhân vật khác nữa thì cũng chỉ là những tiếng nói cá nhân.

Thảm kịch của Việt Nam là trước những biến cố trọng đại về hại dân, nguy nước như thế mà không thể có được những tiếng nói tập thể lớn.

Mười sáu ngàn tiến sĩ, hàng chục ngàn thạc sĩ, hàng triệu sinh viên, hàng ngàn nhà văn nhà báo, học giả, sử gia, hàng ngàn tướng tá của quân đội nhân dân anh hùng đang ở đâu? Sao không có vài ngàn người cùng kêu với tướng Giáp, tướng Vĩnh ? Sao không có được vài trăm nhà văn, học giả cùng kêu với nhà văn Phạm Đình Trọng? Sao không có được vài trăm chuyên gia lên tiếng cùng với tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn ?

Từ đó, chúng ta hiểu tại sao đảng sổ toẹt những tiếng nói đơn lẻ, vì đảng không quan tâm đến môi trường sinh thái, đến hiệu quả kinh tế, đến sự sống chết của dân đen mà chỉ quan tâm đến một việc là dùng những dự án để có thể dễ dàng đem quân Tàu vào chiếm lĩnh Tây Nguyên, đem quân Tàu vào chiếm giữ những ngành kỹ nghệ quan trọng của đất nước.

3. Vinh quang của đảng:

Từ nửa thế kỷ nay, dân Việt đã nằm lòng câu nhật tụng: "Đảng Cộng Sản Việt Nam Quang Vinh". Và đến mùa xuân thì đường phố rợp biểu ngữ đỏ với hàng chữ: "Mừng Đảng, Mừng Xuân, Mừng Đất Nước". Đảng là tối thượng, ở trên cả trời đất, nói chi nước. Dân Việt từ lâu đã hiểu như thế, nhưng đến nay, trước việc người Tàu lên Tây Nguyên khai thác Bauxite, và công nhân Tàu tràn vào chiếm lĩnh những công trình kỹ nghệ trọng yếu trên khắp nước cùng với sự im lặng của dân Việt, chúng ta mới sợ hãi nhận chân thêm rằng: Đảng quang vinh là đảng có thể bắt dân nuốt sự tuyệt vọng trước những việc hại dân, nguy nước của đảng mà Nguyễn Trọng Vĩnh, trong thư cất tiếng kêu bảo đảng dừng tay cũng phải nói lên tâm trạng tuyệt vọng đó khi viết: “Đành rằng các đồng chí có quyền muốn làm gì cũng được, quyết định như thế nào cũng được, nhưng cũng nên quan tâm dư luận…”. Đành rằng và nhưng… Mấy lời đó nói lên sự nguy khốn của Việt Nam với chế độ độc đảng, độc quyền khi một nhóm người có thể tự định cái quyền muốn làm gì cũng được, quyết định thế nào cũng được trên vận mệnh của đất nước cùng số phận của 85 triệu con người. Khi nói Đành Rằng và Nhưng, chắc tướng Vĩnh đã hiểu hơn chúng ta là 15 Bộ Chính Trị muốn làm gì, quyết định thế nào cũng được thì không thể có chữ “nhưng”, vì dân với dư luận có là cái gì trước quyền uy tuyệt đối của vua Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, và Nguyễn Phú Trọng…

Vì thế chúng ta hiểu thêm vinh quang của đảng là đảng có toàn quyền đem quân Tàu vào chiếm lĩnh Tây Nguyên, đem quân Tàu vào chiếm giữ những kỹ nghệ trọng yếu hay nói gọn hơn là Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam có toàn quyền bán nước vì lợi ích của tập đoàn lãnh đạo đảng Cộng Sản.

Dân Việt có thấy không ? Đảng Cộng Sản VN đã tạo ra hai cuộc chiến tranh nhân danh giải phóng dân tộc, hy sinh mấy triệu người, xẻ dọc Trường Sơn, chiếm cho được miền Nam để cuối cùng đưa nước vào vòng lệ thuộc Tàu, dìm 80 triệu dân Việt vào kiếp nô lệ Tàu.

Trước tình thế đang diễn ra, chúng ta hiểu nếu không tạo được sự kết hợp quật khởi của toàn dân mà chỉ có những tiếng nói cá nhân thì mai đây tất cả sẽ chẳng còn gì khi quân Tàu đặt xong xiềng xích, gông cùm trên đất nước Việt Nam.

Sự im lặng khinh dân của đảng Cộng Sản nói lên quyền uy tuyệt đối của bạo quyền, còn chúng ta, những con dân Việt có thể tiếp tục cúi đầu nuốt hận, im lặng để nhìn cái chết của chúng ta cùng với cái chết của đất nước hay không ?

Việt Dương

Ingen kommentarer: