tirsdag 28. april 2009

Ðôi Mắt Phượng

Ðôi Mắt Phượng.

Tôi là một quân y sĩ ra trường năm 1974; đơn vị đầu tiên, cũng là đơn vị cuối cùng của tôi, là một tiểu đoàn Nhẩy Dù. (Xin bạn đọc cho phép tôi được bất chấp văn phạm, viết hoa hai chữ “Nhẩy Dù”, vì đó là những chữ tôi thương yêu nhất.)

Tôi lập gia đình năm 22 tuổi, ngày còn là một sinh viên quân y. Mẹ tôi bảo “chờ ra trường, có việc làm, có lương nuôi vợ, rồi hãy cưới vợ.” Tôi biết mẹ tôi có lý, nhưng tình yêu cũng không vô lý. Tình yêu thúc dục tôi cưới Phượng ngay. Nàng quá đẹp! Thằng Quỳnh, thằng Khương, thằng Ðịnh, những đứa bạn cùng lớp bảo tôi, “Phượng đẹp ngây ngất.”

Phượng là nữ sinh đệ nhất Trưng Vương; nàng cũng yêu tôi nhưng xin một năm đính hôn để học hết trung học. Tôi chờ. Một năm dài được chia thành 52 tuần lễ ngắn hơn, đánh dấu bằng 52 ngày chủ nhật chúng tôi gặp nhau.Không phải là một nhà văn, tôi không mô tả được nét đẹp của Phượng. Tôi chỉ biết là Phượng rất đẹp, và nhất là có một sức hút dễ sợ; chỉ cần gặp Phượng một lần là không người đàn ông nào quên được nàng.Xin đừng hiểu lầm Phượng là “típ” người nở nang, ăn mặc khêu gợi. Sức hút của Phượng là sức hút ngầm do duyên dáng, do tình ý, chuyển đi từ đôi mắt. Ðôi mắt thật là tình. Mẹ tôi phán là đôi mắt lẳng lơ. Tôi không thích hai chữ này vì nó làm mất đẹp cặp mắt trữ tình của Phượng.

Trước hôn nhân tôi mê mệt với đôi mắt ấy. Sau hôn nhân tôi khổ sở, bực bội cũng vì đôi mắt ấy. Không một người đàn ông nào, dù chỉ gặp Phượng lần đầu, không có cảm tưởng đã yêu nàng và tình yêu của họ không bị nàng hất hủi. Ít nhất Phượng cũng không xua đuổi, không vô tình với họ. Tôi mất một số bè bạn cũng vì Phượng, vì một vài lần gặp Phượng, chạm mắt với Phượng cũng đủ để họ thầm nghĩ là tôi đã mọc sừng.

Dĩ nhiên vợ tôi không thể có tình ý với tất cả mọi người, nhưng cái khổ là đôi mắt đắm đuối của Phượng không nhìn mọi người một cách thản nhiên như người ta nhìn những vật vô tri quanh mình.Giờ này, vợ tôi không còn trên cõi đời trần tục nữa tôi mới thấm thiá hiểu được một việc rất giản dị, rất tầm thường là không tạo ra đôi mắt của chính mình. Phượng không có trách nhiệm gì về những đổ vỡ đôi mắt gây ra. Chỉ có tác giả đôi mắt đó, ông Thợ Tạo, mới đúng là người tôi oán trách.

Ði đôi với cặp mắt tình tứ là một đồng tiền rưỡi (một ở bên má trái, và một nửa ở cạnh môi dưới) trên khuôn mặt tươi như hoa, trắng mỏng manh. Cái đồng tiền rưỡi ấy, dù chỉ có đồng rưỡi, cũng đủ ma lực giết người. Xin hiểu hai chữ “giết người” theo nghĩa trắng của nó. Chỉ riêng tôi biết cũng đã có 2 người chết đuối trong cái vũng thịt sâu không đầy nửa ly này.Một trong 2 người xấu số là bạn thân của tôi.. Nó tự bắn vỡ toang đầu ngay trên bậc cửa nhà tôi. Lá thơ tuyệt mạng trong túi nó chỉ có mấy chữ “hình dung em đang nằm trong tay một người đàn ông khác, anh không còn can đảm sống nữa.” Tôi cũng không bao giờ đủ can đảm để tìm hiểu xem vợ tôi có nằm trong vòng tay nó không. Hai giòng chữ nó viết không cho phép tôi hiểu khác được.

Tôi chạy trốn trước mọi ngờ vực. Tôi quan niệm đã không tránh được bão cát thì thà vùi đầu xuống cát để không còn biết tới giông bão bên ngoài nữa. Tôi hèn nhát? Có thể, nhưng tôi làm gì hơn được? Không chỉ yêu thương vợ, tôi vẫn còn say mê vợ tôi sau 3 năm chăn gối.

Mẹ tôi, chị tôi đề quyết vợ tôi đã cho tôi ăn bùa mê, thuốc lú. Tôi hiểu quan điểm những người thân của tôi. Tôi hiểu cả định mệnh của tôi, của vợ tôi, và của cả những người say mê vợ tôi nữa.Tôi vừa nói tôi hiểu định mệnh của vợ tôi. Ðiều đó cần được giải thích rõ hơn. Đôi khi tôi nghĩ Phượng cũng đáng trách, nhưng trong đa số những đổ vỡ quanh nàng, Phượng chỉ thụ động, đáng thương.. Phượng sợ và tránh né tất cả mọi gặp gỡ. Những buổi liên hoan của đơn vị tôi, những cuộc họp khóa, họp bạn của tôi, luôn luôn Phượng cáo bệnh hay tìm cớ bận con để không tham dự.Cũng như tôi, Phượng sợ hậu quả của những cuộc giao tiếp, sợ cái bản chất đa cảm, đa tình của chính mình. Không phải là một người đàn bà trắc nết, vợ tôi thật sự chỉ là nạn nhân của bản ngã.

Sở dĩ tôi phải dài lời nói về vợ tôi như vậy, là để người đọc hình dung được cái ray rứt, khổ sở của tôi trong 14 tháng tù khổ sai được cộng sản đánh bóng bằng hai chữ “cải tạo.”Cũng như mọi sĩ quan cấp úy khác, tôi bị cộng sản lừa bằng cách chơi chữ. Trên đài phát thanh, chúng kêu gọi binh sĩ trình diện và đem theo 3 ngày ăn. Sau 3 ngày học tập, thành phần binh sĩ được ra về yên ổn. Tiếp theo đó, chúng kêu gọi các sĩ quan cấp úy trình diện với 10 ngày tiền ăn. Chúng tôi tin tưởng, hoặc ít ra chúng tôi cũng mong mỏi là thời gian cải tạo chỉ kéo dài 10 ngày. Ðó là cái lầm của tôi, cái ảo tưởng đưa đến chỗ tự diệt của mọi cán bộ chỉ huy.

Cộng sản hiểu rằng mặc dù nhất thời thất trận, lực lượng quân sự của miền Nam vẫn còn là một đe dọa nghiêm trọng đối với nền thống trị mà lúc ấy chúng mới rắp tâm đem đặt lên lưng người dân Nam Việt. Một triệu quân nhân bị đặt vào hoàn cảnh thất thế vì những lừa đảo, phản phúc chính trị, những dốt nát chiến lược đã bị những mũi dùi tấn công của 15 sư đoàn Bắc Việt xé thành từng mảng nhỏ. Muốn ngăn ngừa sự kết hợp lại của những mảng quân lực, cộng sản chủ trương đánh vỡ đầu rắn: chúng phải tiêu diệt bằng mọi giá hệ thống cán bộ chỉ huy của QLVNCH. Trong 3 ngày học tập, chúng đối xử hết sức nhã nhặn lễ độ với anh em hạ sĩ quan, binh sĩ. Không một hình thức hành hạ giam cầm, không một lời nói nặng, một đe dọa.

Sau 3 ngày học tập binh sĩ đem loan truyền với chúng tôi cái tin tưởng học tập qua loa, ra về đúng kỳ hạn. Ðiều đó làm đa số sĩ quan cấp úy chúng tôi yên lòng khăn gói lên đường với 10 ngày tiền ăn. Nhiều anh lười, không đem theo cả mùng mền, tính ngủ nhờ với bạn bè cũng đủ qua khoảng thời gian 10 ngày ngắn ngủi. Dĩ nhiên là chúng tôi đã lầm. Chỉ ngay sau khi cái bẫy xập xuống đầu chúng tôi, cộng sản trắng trợn vứt bỏ mặt nạ “đại đoàn kết dân tộc, xóa bỏ hận thù.”

Bài học đầu tiên chúng tôi được nghe qua giọng nói hằn học căm hờn của một anh cán bộ quản giáo Bắc Việt. Anh ta oang oang bảo chúng tôi, “Các anh quên hết địa vị xã hội của các anh đi. Kể từ ngày hôm nay, vợ con các anh sẽ ngửa tay xin nhân dân từng hột cơm và vài tháng sau vợ các anh chỉ còn nước đi làm đĩ để sống.”Chúng tôi thắc mắc về thời gian 10 ngày, hắn cười khẩy, vẻ mặt câng câng, đểu cáng, “Các anh chỉ có 10 ngày ăn thôi ư ? Ðừng lo, cứ ăn hết 10 ngày đó đi đã. Sau đó ăn bám vào sức sản xuất của nhân dân.”

Trước mỗi cửa phòng giam, cộng sản cắc cớ bắt chúng tôi phải dán lên khẩu hiệu “Không có gì quý bằng độc lập, tự do.” Cán bộ Việt Cộng còn phụ giải “người đi trên sa mạc thấy không có gì quý bằng nước uống. Các anh sẽ thấy đối với các anh thì không có gì quý bằng tự do.”Ðề cao cái giá của tự do trong nhà giam quả là việc làm vừa châm biếm, vừa độc ác. Nhưng không phải chỉ trong nhà giam tôi mới thấm thía hiểu tự do là quý. Sau này ra khỏi trại cải tạo, sống trong cái nhà giam lớn hơn là nguyên cả Miền Nam Việt Nam tôi càng thấy rõ không phải chỉ một mình tôi, mà cả 20 triệu người dân Nam Việt đều đang khắc khoải giữa sa mạc thống trị, thèm khát ngụm nước tự do.Xin trở lại với trại cải tạo và với vợ tôi. Tôi bị giam 2 tháng hơn thì một buổi chiều nghe loa gọi lên văn phòng. Tôi tái người, nghĩ ngay đến những vụ thủ tiêu, biệt giam, thường xẩy ra đối với những thành phần cộng sản gọi là ngoan cố.

Bản chất hiền lành, tôi không ra mặt chống đối bọn giảng viên, quản ngục. Cái tội của tôi chỉ là không nuốt trôi được mớ lý thuyết rẻ tiền, lẩm cẩm của cộng sản. Nhưng đối với chúng, đó không phải là một khinh tội. Tôi lo lắng chờ đợi một hình thức trừng phạt vì trọng tội trí thức.Lên đến văn phòng, tôi được một anh binh ba Bắc Việt, mặt non choẹt, đưa vào phòng chính ủy. Và tôi đã chết đứng khi thấy Phượng trong đó.Giọng đầy cải lương, nhân vật số một của trại giam bảo tôi, “Xét thành tích học tập tốt của anh, nhân dân đặc biệt cho anh được nhận sự chăm nuôi của gia đình.”Tôi học tập tốt? Thật là mai mỉa. Những âm thanh giảng huấn chan chát của bọn cán bộ cộng sản đối với tôi không một mảy may khác những tiếng cuốc đất trong giờ lao động sản xuất. Tôi đoán hiểu cái lý do đã khiến “nhân dân đặc biệt cho phép” tôi được nhận sự thăm nuôi của gia đình.

Cặp mắt nẩy lửa vì giận, tôi nhìn Phượng. Vợ tôi đã đến cái nước đi làm đĩ như bọn cộng sản tiên đoán rồi ư? Phượng cũng nhìn tôi, đôi mắt vẫn tình tứ, nhưng buồn thăm thẳm và ướt đẫm. Những giọt lệ lăn dài trên đôi má nhung mịn màng, làm lòng tôi se thắt. Tôi thèm bước tới, ôm Phượng vào vòng tay, và hôn dài trên đôi mắt đắm đuối ấy. Nhưng dĩ nhiên ngoại cảnh không cho phép tôi làm việc tôi thường làm đó.Vợ tôi nghẹn ngào, “Bé Mai nhớ anh lắm.”Bé Mai! Ðứa con gái 2 tuổi của tôi, báu vật của vợ chồng tôi! Tôi đứng khựng như trời trồng trước cái hình ảnh nhỏ bé, thương yêu mà vợ tôi vừa gợi ra.Suốt 10 phút gặp gỡ, tôi không nói được một lời nào với Phượng cả. Cổ họng tôi nghẹn cứng, rồi bên tai tôi văng vẳng thật xa có tiếng nói của tên chính ủy: “Thôi, xách đồ ăn về phòng đi, tuần sau lại được thăm nuôi nữa.”

Ðêm đó tôi không chợp mắt. Tôi hình dung những chuyện đã xẩy ra giữa vợ tôi và tên chính ủy cộng sản trước khi tôi được dẫn vào và sau khi tôi bị đưa ra khỏi văn phòng hắn. Tôi không tin đã có gì quá đáng trong phòng làm việc. Nhưng sau đó hắn có thể đến nhà tôi hay bảo vợ tôi đến một chỗ nào đó.Tuần sau và những tuần kế tiếp, Phượng đều đều đến thăm tôi, mỗi lần đem theo một món ăn mà trước kia tôi ưa thích. Tôi nuốt những món khoái khẩu mà có cảm tưởng như mình đang ăn rơm khô, không mùi, không vị. Mỗi lần thăm viếng chúng tôi được nói chuyện với nhau 10 phút. Toàn những chuyện bâng quơ. Cả hai đứa chúng tôi đều không dám đả động tới điểm ngờ vực đau xót của tôi.Có lần Phượng nói với tôi bằng cái giọng thiết tha nhưng nghiêm trọng, “Em chỉ xin mình tuyệt đối tin tưởng là em yêu mình. Suốt đời em, em chỉ yêu có một mình mình. Mặc dù những gì đã xẩy ra hay sẽ xẩy ra thì tình em yêu mình vẫn mãi mãi là sự thật duy nhất.”

Qua tâm linh, tôi biết Phượng nói thật. Tôi muốn quên những việc đáng buồn đã xẩy ra. Quên không được, tôi cố gắng bào chữa cho Phượng. Nhưng ghen tương, ích kỷ, cũng không phải là những cảm nghĩ nhỏ trong lòng người chồng.Những cuộc thăm viếng kéo dài được 4 tháng thì một hôm Phượng bảo tôi, “Tuần sau em về Long Xuyên với má. Sống ở thành phố, không có sinh kế gì hết.”Tôi hăng hái khuyến khích vợ tôi xa lìa Saigon. Ít nhất về ruộng sống với mẹ Phượng cũng đỡ phải lo 2 bữa ăn hàng ngày, cái lo to lớn của người thị dân sau ngày bị giải phóng.“Mỗi tuần được gặp em là niềm an ủi lớn cho anh,” tôi bảo vợ. “Nhưng cái nhìn ngờ vực, khó chịu của 2.000 anh em đồng đội, đồng cảnh trước việc anh được ưu đãi làm anh khổ sở. Anh muốn chịu chung những đầy ải với họ.”

Tuần sau Phượng không đến thăm tôi nữa. Cuộc sống khổ sai không hạn định trở thành dài hơn vì thiếu sự chia cắt của những tiêu mốc ngắn hạn. Tôi trở lại vị trí của cái máy người, vô tri giác, không phản ứng, bảo đi thì đi, bảo học thì học, bảo lao động thì lao động. Những bạn nào đã sống trong trại cải tạo của Việt Cộng hẳn đồng ý với tôi là cộng sản đã thành công trong việc làm chúng tôi mất hết tri giác. Không vui, không buồn, không hy vọng, thất vọng, không mong chờ bất cứ một điều gì nữa. Cuộc sống hàng ngày như một bộ máy được điều động bằng những tiếng còi, những khẩu lệnh. Phần ăn quá đói làm tất cả chúng tôi tìm được cái khôn ngoan của loài vật: không làm một cử động thừa, không nói một câu thừa để không phí phạm bất cứ một phần thật nhỏ nào cái sinh lực còn le lói trong xác người.

Chính trong trạng thái vật vờ của một xác chết chưa chôn ấy, tôi nhận được giấy phóng thích. Cầm tờ giấy chấm dứt cuộc sống tù ngục của mình trong tay, tôi dửng dưng như cầm một tờ truyền đơn học tập. Nói dửng dưng cũng vẫn chưa đúng. Tôi không ý thức được những thay đổi tờ giấy mang lại cho tôi. Nhẩn nha nhơi từng hột bắp của bữa ăn trưa đói khổ, tôi nghe cơ thể khoan khoái với chút bồi dưỡng ít oi. Trái bắp có trong tay vẫn quý hơn hai chữ “tự do” mới viết trên giấy.Một cán bộ bảo tôi, “Chiều nay anh khỏi lao động. Về sửa soạn nóp, chén trả lại nhà kho.”

Khỏi lao động, một tin mừng khác. Tôi trở về căn phòng giam hôi hám nhưng mát rượi như một thiên đàng so sánh với cái hỏa ngục lao động sản xuất mà các bạn tôi đang chịu đựng ngoài trời. Bốn giờ chiều, Phượng đón tôi ngoài cổng trại giam. Người vợ đài các của một bác sĩ mặc cái áo bà ba vải bông và cái quần đen, đứng vịn một chiếc xe đạp đàn ông cũ kỹ. Có thể tôi sẽ ít ngỡ ngàng hơn nếu từ trong thế giới tù ngục bước ra được gặp lại thế giới cũ của mình với xe Honda, với áo dài. Tôi đang bước vào một thế giới hoàn toàn khác lạ sau chưa đầy 2 năm mất nước.Thế giới bên ngoài nhà tù không phải ít khe khắt, ít đọa đầy. Suốt một năm trời, tôi phải sống trong chế độ “quản chế của nhân dân”. Tôi xin giải thích những chữ văn hoa này. Chế độ “quản chế của nhân dân” có nghĩa là tôi phải làm mọi không công, phải sợ sệt tất cả mọi người. Bất cứ ai trong phường cũng có quyền phán xét là tôi chưa giác ngộ, cần học tập thêm, là tôi lại đi tù nữa.

Tôi cúi mặt trước tất cả mọi người, dù đó chỉ là một đứa con nít. Tôi vâng dạ, tôi tuân lệnh, không cần biết lệnh đến từ đâu. Một bà hàng xóm gọi tôi đến coi chứng bệnh cho thằng con tám tuổi. Sau khi quan sát kỹ mọi triệu chứng, tôi bảo bà là con bà bị thương hàn và không có cách nào hơn là đưa nó đi bệnh viện. Bà quắc mắt, “Anh đi học tập ra mà còn như vậy đó hả ? Nhân dân có quá nhiều nhu cầu để bệnh viện thừa chỗ trống cho một đứa con nít nóng lạnh. Anh không biết cách nào khác nữa sao ?”Tôi đề nghị bà đừng cho con ăn gì hết để ruột không hư. Bà ta cáu kỉnh nạt, “Lang băm tư bản.”

Sau khi tôi về không hiểu bà có nghe lời tôi khuyến cáo không, nhưng rất may là đứa trẻ lành bệnh. Suốt nửa tháng trời tôi hồi hộp lo sợ: cái chết của đứa trẻ vì thiếu thuốc, thiếu chăm sóc có thể đưa tôi trở lại trại cải tạo như không. Nguồn an ủi của tôi là số người thiếu ý thức như bà hàng xóm mà tôi vừa kể tương đối rất ít. Đa số dân Saigon sống trong một tình đoàn kết ngấm ngầm nhưng khắng khít. Một bà cụ dúi cho tôi gói gạo nhỏ qua câu nói chí tình, “Bác sĩ phải ăn thêm mới sống nổi, tôi già rồi, thiếu thốn chút đỉnh cũng không đến nỗi nào.” Bà vợ của một công chức còn đang tù tội cho tôi đôi giầy. Ông hàng xóm sát vách cho cái áo.

Nhưng mọi nguồn vui của tôi đến từ Phượng thì nàng cũng là nguyên nhân của mọi buồn khổ. Phượng làm đĩ ra mặt, không còn e dè gì tôi nữa cả. Vợ tôi không chỉ tống tình cán bộ cộng sản để thăm nuôi tôi nữa, mà xuống đến tận chân thang của xã hội. Mỗi ngày, vài lần, những anh phu xích lô đến gọi Phượng đi khách. Những lần đầu tiên Phượng còn ngượng với tôi, nhưng sau quen dần, nàng chỉ bảo tôi, “lát em về.”Phần tôi, tôi vẫn phải tình nguyện xung phong trong mọi công tác nặng nhọc của phường như hốt rác, quét đường, trồng cây, thông cống... Tôi xung phong để được chấm điểm, xung phong để khỏi trở lại lao tù cải tạo. Ðôi khi nghĩ quẩn tôi cho rằng đi tù mà còn tự do hơn chế độ nhân dân quản chế.

Thêm một lần nữa, tôi tuyên dương sự thành công của cộng sản. Chúng đã hoàn toàn đập tan uy thế của giới chỉ huy, giới trí thức miền Nam . Suốt một năm ra khỏi tù, tôi không được phép làm bất cứ một việc gì cả. Nói một cách khác, tôi phải ăn bám vào đồng tiền vợ tôi ngày ngày bán thân tạo ra. Sau 31 năm, nghĩ lại tôi vẫn rùng mình khiếp sợ. Tôi xin độc giả ngưng đọc một phút để hình dung cái nhục nhã của tôi, của tất cả giới trí thức miền Nam. Tôi không đủ can đảm để nói bất cứ câu gì với vợ tôi về việc làm của nàng. Cả hai chúng tôi cúi đầu, chịu phép trước guồng máy xã hội mới. Nếu một ngày tù dài bằng một ngàn năm sống tự do thì 365 ngày bị trói tay, thất nghiệp, sống đói khổ dưới quyền quản chế của nhân dân, và nhìn vợ đi làm đĩ chắc phải dài hơn sự hiện hữu của cả hệ thống vũ trụ.

Giữa hai vợ chồng tôi nẩy sinh ra một tình trạng ngượng ngập khó tả. Ít khi tôi dám nhìn thẳng vào mắt Phượng, và gần như không bao giờ tôi dám nói với nàng chuyện gì khác hơn là những câu đối thoại tầm thường quanh sinh hoạt nho nhỏ trong nhà. Thỉnh thoảng bà mẹ vợ tôi lén lút đem được ít gạo, ít thịt lên cho chúng tôi. Qua những cuộc tiếp tế lậu này, tôi khám phá thêm được một bí mật: vợ tôi không hề về Long Xuyên với mẹ như nàng đã nói với tôi. Phượng đã làm gì, ở đâu, trong 7 tháng trời tôi nghĩ nàng về quê sống với mẹ ? Cả đến câu hỏi này cũng chưa lần nào tôi dám hỏi Phượng. Tôi trốn chạy một sự thật phũ phàng nào nữa đó sẽ đến, nếu Phượng phải trả lời tôi.

Tối 30 tháng Chín 1978, sau khi theo một anh xích lô “đi khách” về, Phượng kéo tôi vào phòng trong cùng với bé Mai. Trên bộ ván thay cho cái giường nệm đã đi vào chợ trời từ hai năm trước, Phương mở gói thịt quay ra rồi bảo tôi, “Mình ăn với em.”Từ sau ngày mất nước đây là lần đầu tiên tôi lại được nhìn thấy miếng thịt quay; Phượng lăng xăng bới cơm, và vợ chồng con cái chúng tôi ăn uống ngon lành như chưa bao giờ được ăn ngon đến như thế. Những đó không phải là điều ngạc nhiên duy nhất của tôi. Ăn uống xong, vợ tôi kéo từ trên đầu tủ xuống một gói giấy: bên trong là một bộ đồng phục thanh niên xung phong. Tay chân run rẩy, Phượng trải bộ quần áo lên mặt bộ ván, rồi giọng nói cũng run rẩy nàng bảo tôi, “8 giờ sáng mai, mình mặc đồng phục này đứng đón tàu ở bến Bạch Ðằng.”

“Ðón tầu ? Ðể đi đâu ?”Không trả lời câu hỏi của tôi, vợ tôi chỉ lập cập nói, “Em đã đóng đủ 10 cây cho họ rồi.”Mười cây vàng! Tôi choáng váng với con số lớn khiếp đảm đó.“Vàng đâu mà em có đến 10 cây?” Câu hỏi buột miệng không nuốt trở vào được nữa, tôi chỉ còn biết nhìn vợ tôi, câu xin lỗi ngầm chứa trong ánh mắt. Phượng cũng nhìn tôi, đôi mắt thăm thẳm tình tứ trên khuôn mặt vẫn còn đẹp dù đã gầy đi và dạn dầy phong trần. Sau một phút im lặng, nàng nghẹn ngào, “Em không biết mình có tin hay không, nhưng sự thật lúc nào em cũng yêu mình.”Tôi ôm Phượng vào lòng. Giữa một xã hội thù hận, cái bóng mát yêu thương nhỏ bé thật là vô giá. Mặc dù Phượng chưa nói, nhưng tôi cũng đoán hiểu mục đích vượt thoát của chuyến đi ngày mai, và hiểu 10 lượng vàng, giá của chuyến đi là kết quả của những canh dài Phương đem thể xác ra cho thiên hạ dầy vò để góp nhặt từng đồng hầu mua tự do cho tôi.

Cổ nghẹn lại, tôi không nói được một tiếng nào cả. Tôi vừa sung sướng trước những bằng chứng hiển nhiên của một mối tình to lớn, bền chắc, vừa xấu hổ nhận những hy sinh nhục nhã của vợ. Phượng bảo tôi, “Em chỉ đủ tiền đóng cho mình, nhưng em với con vẫn đi theo mình.” Nàng giải thích cho tôi hiểu chuyến tầu vượt thoát là tầu thầu việc chuyên chở thanh niên xung phong đi làm rừng ở cửa Cần Giờ. Sáng mai, tôi sẽ cùng với 30 người nữa, đội lốt thanh niên xung phong xuống tầu tại bến Bạch Ðằng. Ðàn bà, trẻ con đi đường bộ xuống ngã ba Ðồng Chanh, chờ tại đó và sẽ đổ lên tầu. Họ là những người đi lậu, không đóng vàng.“Người ta đi lậu nhiều lắm,” Phượng bảo tôi. “Em cũng trà trộn vào đám người đó. Không lẽ người ta xô mình xuống sông. Sợ gì ?”Tôi sợ. Rùng mình tôi nghĩ đến cảnh “người ta xô vợ con tôi xuống sông”, nhưng có sợ tôi cũng không giải quyết được cái khó không tiền và đành theo mọi xếp đặt của Phượng.

Ðêm đó tôi trằn trọc không ngủ, Phượng cũng không ngủ. Vào khoảng gần sáng nàng hỏi tôi, “Mình đã đủ tin vào tình em yêu mình để tha thứ hết mọi việc cho em chưa?” “Anh tin. Anh yêu mình.”“Em còn một tội nữa, chưa thú nhận được với mình.”Trong bóng đêm, tôi lặng thinh lo lắng. Ngần đó bất hạnh chồng chất vào một cuộc sống ngắn ngủi, cay cực, còn chưa đủ nữa hay sao. Vợ tôi thở dài, “Lúc đó em còn khờ quá nên chuyện mới xẩy ra. Em phải nói dối mình là em về Long Xuyên với má. Thật ra em không muốn mình buồn. ”Dù vợ tôi chưa nói ra, nhưng tôi cũng đoán hiểu. “Em có con?” tôi hỏi. Rúc đầu vào ngực tôi, vợ tôi thút thít khóc, “Mình tha cho em. ”Ðứa con chỉ là hậu quả đương nhiên của những việc làm mà tôi đã nhìn vợ tôi hàng ngày đi theo những bác phu xích lô để làm. Bây giờ tôi lại hiểu mục đích cao cả của việc làm đê tiện đó. Tôi thương Phượng hơn là trách nàng. “Ngày mai em muốn cho con cùng đi ?” “Nếu mình đồng ý.”Dĩ nhiên tôi đồng ý; đồng ý đưa những người thân nhất đời mình vào chuyến đi địa ngục, vào vòng tay tử thần.

Trước 5 giờ sáng hôm sau, trong bộ đồng phục thanh niên xung phong, tôi chở Phượng và bé Mai trên chiếc xe đạp mà mấy tháng trước Phượng đã dùng để đón tôi ra khỏi trại tù cải tạo. Mặc dù giờ hẹn là 8 giờ, nhưng tôi vẫn đi sớm để hàng xóm đừng để ý đến bộ đồng phục của tôi. Hơn nữa, Phượng còn ghé Phú Nhuận, nơi nàng gởi nuôi thằng Vinh, đứa trẻ ra đời trong thời gian tôi ở tù. Mọi việc xuôi lọt và tương đối dễ dàng. 7 giờ sáng tôi đến điểm hẹn. Nhiều người cũng mặc đồng phục như tôi đã có mặt. Nhìn thái độ ngỡ ngàng, dè dặt của họ, tôi hiểu họ cũng như tôi, ngoài bộ áo thanh niên xung phong, chúng tôi không xung phong làm gì hết.

Phượng bảo tôi, “Mình chờ ở đây, em qua Tân Thuận đón đò máy. ”Nhìn vợ lưng đai một đứa con, chở đứa thứ nhì trên thanh ngang xe, ra sức đạp chiếc xe cót két, tôi nghe đứt ruột. Nửa tiếng đồng hồ sau tôi xuống tàu, chọn chỗ ngồi ngay bên hông, hy vọng giúp đỡ Phượng đưa con lên. Khoảng 8 giờ 45, tàu đến ngã ba sông Ðồng Chanh. Bốn chiếc đuôi tôm xáp lại, đàn bà trẻ con ồn ào dành nhau leo lên. Tôi đỡ bé Mai trên tay Phượng, rồi kéo Phượng, tay còn bồng thằng Vinh lên theo. Cuộc đổ bộ của khoảng 70người đàn bà, trẻ con lên tàu không những đã công khai mà còn ồn ào, hỗn độn, tranh dành, la lối, đính chánh hùng hồn cái huyền thoại gán cho cộng sản một hệ thống an ninh bao trùm và hữu hiệu. Hàng chục khách thương hồ và ít nhất là 4 người tài công đuôi tôm đã chứng kiến và chắc chắn cũng đã biết mục đích của chuyến đi, nhưng cộng sản vẫn không bắt buộc được họ khai báo, phản phúc đồng bào ruột thịt.

Mười giờ rưỡi, tàu ra đến cửa biển Cần Giờ, và trưa hôm đó quê hương thương yêu chỉ còn là một vệt dài dậm hơn mầu biển. Ðến lúc này các “giới chức” trên tàu mới hò hét chửi mắng những người vượt thoát lậu. Họ bảo chỉ dự trù lương thực và nước uống cho những người có ghi tên và có góp vàng. Những người khác sẽ không có khẩu phần. Phần ăn và nhất là phần nước uống ít oi của tôi được chia làm 4. Bao tử trống nhưng tâm tư vợ chồng chúng tôi tràn đầy hạnh phúc. Vợ tôi ngồi sát bên tôi, tay ẵm thằng Vinh, bé Mai nằm gọn trong lòng tôi; đầu vợ chồng tôi đội chung một cái áo, vừa làm nón cho người lớn, vừa làm mái nhà cho trẻ con. Ngồi bó rọ trong cái cảnh mà nếu được nhìn thấy, chắc mọi người phải gọi là địa ngục trần gian, vợ chồng tôi bàn chuyện thiên đàng mộng tưởng. Cái thiên đàng của chúng tôi rất giản dị: bất cứ nơi nào cho tôi được đem sức đàn ông ra đi làm, làm bất cứ việc gì để nuôi vợ, nuôi con.

Tôi bảo Phượng, “Anh sẽ làm việc, làm ngày, làm đêm, để không bao giờ em và con còn phải thiếu thốn khốn khổ nữa.” “Em thương mình,” Phượng thủ thỉ bên tai tôi. “Không bao giờ em còn làm mình buồn nữa. ”Tất cả những cam kết, hứa hẹn, dự tính đẹp như mộng ấy, chúng tôi đem ra làm thức ăn để đánh lừa cơn đói. Khẩu phần của tôi mỗi bữa khoảng 2 chén cơm chỉ vừa đủ cho 2 đưa nhỏ. Phượng và tôi nhắp một đầu đũa để cầm hơi. Qua đến ngày thứ 3, vì đói quá, khi đi lãnh cơm tôi thò tay vào nồi, vừa bốc thêm một nắm cơm vừa nói, “Cho tôi xin thêm chút cơm. ”Một quả đấm bay vào mặt tôi; yếu đuối sau 14 tháng bị giam cầm đói khổ, yếu đuối sau 3 ngày thiếu cơm, thiếu nước, tôi té ngửa dưới sức mạnh của quả đấm trời giáng. “ÐM quân ăn cướp. Ðã đi lậu mà còn đòi ăn nữa hả.”

Quả đấm tuy đau, nhưng tôi vẫn mừng vì cà mèn cơm chưa đổ. Bưng cà mèn đầy cơm hơn nhờ bốc thêm được một nắm về mái lều che bằng manh áo. Tôi sung sướng nhìn Phượng được ăn thêm miếng cơm thứ nhì. Tôi an ủi vợ, “Mình đi được 3 ngày rồi, nhiều lắm 2 ngày nữa cũng phải đến Thái Lan hay Mã Lai. ”Héo hắt cười, Phượng nhìn tôi. Tôi muốn thuyết phục cho vợ yên lòng, nhưng chính giọng nói của tôi cũng không vững. Mũi tàu vẫn hướng về phía Nam , điều làm tôi thắc mắc. Mặc dù không có cả đến một tấm địa đồ nhỏ trong tay, nhưng tôi vẫn mường tượng được vị trí của Thái Lan và Mã Lai so với Việt Nam. Tôi góp ý với những người điều khiển tàu là nên cho mũi tàu chếch thêm về hướng Tây Nam. Tôi chưa nói dứt lời, một ông vạm vỡ nạt ngang, “Anh biết gì mà nói.”

Ðến ngày thứ 5 của chuyến hải hành, vợ tôi lả đi vì đói, vì mệt và say sóng. Phượng dựa vào thành tàu, mắt nhắm nghiền, đầu gục xuống. Tôi van xin ông ngồi cạnh nửa thước khoảng trống để vợ tôi có thể ngả lưng trong thế nằm co quắp. Hai đứa bé không còn khóc được nữa. Tiếng khóc của chúng trở thành những tiếng rên nho nhỏ. Tôi mò xuống bếp tán tỉnh xin phụ việc. Khoản thù lao tôi mong mỏi chỉ là mỗi bữa một chén nước cơm cho trẻ con uống. Vì chúng không còn sức để nhai và nuốt vật cứng nữa. Một ông “giới chức” hất hàm hỏi tôi, “Trước kia anh làm nghề gì ? ”Dĩ nhiên việc đi cải tạo không phải là một nghề, mà cũng không phải là việc đem ra khoe được, tôi đành khai, “Thưa ông, tôi làm bác sĩ.” “Biết chích không?” “Dạ biết.”Thế là tôi biến thành thầy Hai chích dạo. Bà vợ ông giới chức bị bệnh đái đường; ông đem theo một xách thuốc cần thiết cho bà, nhưng thiếu thầy Hai chích. Ðường lên, bà nằm mê man từ 2 ngày nay. Tôi được đưa vào khoang để chích insuline cho bà. Bữa đó không những có được chén nước cơm, mà trong cà mèn còn thêm được một miếng thịt.

Ðược dinh dưỡng, vợ tôi và 2 đứa trẻ cũng tỉnh táo hơn. Chiều hôm đó tôi lại có thêm một thân chủ: gia đình một người Trung Hoa nhờ tôi chăm sóc cho đứa con bị cảm nắng. Họ tạ thầy một hộp Sumaco, khiến bữa ăn chiều của chúng tôi có thể nói là thịnh soạn. Cà mên cơm đầy ăn với cá hộp giúp Phượng đủ sức ngồi dậy săn sóc con. Hai đứa trẻ vẫn đuối, nhưng nhờ được uống nước cơm nên không đến nỗi bị lả đi như hôm trước nữa. Sáng hôm sau tôi trở lại chích thuốc cho bà giới chức. Nhờ insuline làm tan đường, bà đã ngồi dậy được, tỉnh táo hơn. Uy tín lang băm của tôi gia tăng nhanh chóng, số thân chủ cũng gia tăng vì sau 5 ngày ngồi bó rọ phơi nắng, gần như tất cả mọi người đều cảm thấy mệt đuối, đau nhức, nhiều người sốt, cảm và ho. Nỗi khổ tâm của tôi là trị bệnh không dược liệu. Đem kinh nghiệm 14 tháng giúp bạn tù trị bệnh bằng phương pháp kháng bệnh, tôi chỉ dẫn mọi người cách hô hấp, cánh tập trung tư tưởng để tự kỷ ám thị.

Nhờ hành nghề bác sĩ, khẩu phần ăn của gia đình tôi trở nên sung túc hơn rất nhiều. Mỗi gia đình vượt biển đều có thủ theo một vài thứ thực phẩm khô, họ chia cho tôi một ít để thù lao bác sĩ. Ðến ngày thứ 7, nhờ được ăn no hơn vợ tôi đã bình phục và hai đứa trẻ cũng tỉnh táo. Trưa hôm ấy chúng tôi gặp hoạn nạn: chiếc áo mái nhà của tôi bị gió biển cuốn đi, vợ tôi lục giỏ tìm cái áo khác ra căng lều. Lần này tôi có ý cột kỹ tay áo vào thành tầu. Tối hôm đó, đang gục đầu trong thế ngủ ngồi tôi nghe như một biến chuyển lớn đang xẩy ra. Giật mình tôi thức dậy trong tiếng reo hò của mọi người. “Tới rồi. Thấy đất rồi.” “Cảm ơn Trời Phật. Chuyến đi quá dài nhưng rồi cũng đến. ”Giọng quát của một giới chức, “Ngồi cả xuống! Chạy tới, chạy lui, mất thăng bằng lật tàu chết cả đám bây giờ. ”Mọi người ngoan ngoãn ngồi trở xuống, nhưng tiếng ồn ào vẫn không ngớt. Người ta bàn tán, “Chắc là Mã Lai.” “Có lẽ như vậy, vì nó là hòn đảo, chứ Thái Lan thì đã thấy lục địa.“Không chừng Nam Dương.” “Rất có thể là Úc.”

Vợ tôi nắm tay tôi bóp mạnh. Tôi nghe như những mừng vui của Phượng đang được truyền sang tâm hồn tôi mà không cần một lời nói. Mọi người mừng vì chuyến hải hành 8 ngày đã đến đích. Cuộc hành trình của riêng tôi và Phượng đã kéo dài gần 4 năm, mà mỗi ngày là một cơn ác mộng bất tận cho cả 2 chúng tôi cũng đang chấm dứt với chuyến đi này. Nỗi mừng của chúng tôi, vì vậy mà to lớn hơn tất cả. Chúng tôi mừng đến không nói được nên lời, không hò reo được như mọi người. Tôi ngồi yên, không buồn chồm lên nhìn hòn đảo mà tàu đang tiến vào nữa. Niềm vui của tôi đã quá đầy từ ngày bước chân xuống tầu, rời bỏ quê hương địa ngục, trên những bằng chứng xác nhận tình yêu tuyệt vời của Phượng đối với tôi. Không một người bạn đồng thuyền nào thỏa mãn bằng tôi. Ông bạn ngồi cạnh gợi chuyện, “Hình như hòn đảo nhỏ quá.” “Vâng,” tôi lơ đãng đáp. “Không chắc đã có người trên đảo.” “Vâng.”

Mũi tàu vẫn hướng vào hòn đảo cô đơn trong khi niềm lạc quan trên tàu lắng xuống. Khoảng cách thu ngắn dần làm mọi người thấy rõ kích thước nhỏ bé của hải đảo. Nhưng giữa khoảng ngàn trùng của đại dương nhấp nhô hòn đảo kia vẫn là đất, vẫn bảo đảm vững vàng. Hơn nữa, nó cũng lớn tối thiểu bằng 20 lần con tàu dài 15 thước, rộng 3 thước với 140 người trong lòng tàu. Ða số góp ý kiến nên ngừng lại đảo. “Biết đâu bờ bên kia lại không có một làng chài lưới.” “Ghé nghỉ ngơi một ngày, đi lại cho dãn gân; ngồi bó gối mãi, mỏi quá.” “Có thể tìm nước ngọt, đánh cá tăng thêm thực phẩm trước khi tiếp tục đi nữa.”Cuối cùng, những giới chức trên tầu quyết định cho tầu chạy một vòng quanh đảo để quan sát trước. Và đó là quyết định cuối cùng của họ với tư cách chỉ huy chiếc tiểu hạm tử thần. Mới chạy được nửa vòng đảo, tàu chạm đá ngầm, vỡ đáy, lật nghiêng qua 30 độ.

Phượng văng từ thành tàu bên này sang thành tàu bên kia, thằng Vinh tuột tay mẹ, rơi thẳng xuống biển. Trên đà nghiêng của con tàu, tôi phóng nhanh đến bên Phượng, trao vội bé Mai cho nàng và nhẩy xuống biển để chỉ vừa kịp nắm tay đứa bé chưa đầy năm, theo nó ngụp vào một đợt sóng lớn. Sóng đưa tôi và thằng Vinh vào gần bờ, và do đó tôi trở thành người đầu tiên đặt chân lên hòn đảo san hô thê lương, sau này biến thành nơi gởi xác của nhiều người trong chúng tôi. Việc làm đầu tiên của tôi là bồng thằng Vinh đưa lên cao để vợ tôi nhìn thấy mà yên lòng. Cách bờ khoảng 15 thước, mọi người nhốn nháo; tiếng kêu khóc thật là thê thảm, nhiều người nhẩy xuống nước chạy vào bờ.Sau khi bị vỡ đáy, con tàu mắc cạn đang từ từ trở lại thế thăng bằng, mặc dù vẫn còn hơi nghiêng. Những người trên tàu không đến nỗi phải bám cứng vào thành tàu để khỏi rơi xuống biển nữa.

Nhờ người coi chừng thằng Vinh, tôi lội xuống nước trở ra mạn tàu bồng bé Mai, và xách gói hành lý khiêm tốn của chúng tôi, rồi dắt Phượng lên đảo. Nhiều người khác cũng làm như chúng tôi. Họ lìa bỏ con tàu mà không cần biết là đi đâu, nhắm mắt đưa chân, như 8 ngày trước rời bỏ quê hương Việt Nam. Ðó là sai lầm của chúng tôi.. Hòn đảo san hô khô cằn, lởm chởm, không dung nạp chúng tôi. Tìm được một chỗ bằng phẳng để ngồi xuống cũng đã khó chứ chưa nói đến việc ngả lưng. Sau gần một tiếng đồng hồ loay hoay tìm kiếm, tôi chọn được một hốc đá tương đối rộng rãi để định cư. Cái áo làm mái nhà đổi vai trò trở thành tấm chiếu cho trẻ con ngồi. “Ðau đít quá ba ơi,” bé Mai nhăn nhó nói. Tôi ẵm con lên, đặt nó ngồi trên bọc quần áo, rồi bảo Phượng, “Em coi chừng con, anh đi quanh tìm xem có con ốc, con sò nào không..”

Tôi ngỡ mình là người nhanh chân trong việc đi kiếm ăn, nhưng hơn chục người khác cũng đã lom khom trong các hốc đá tìm kiếm như tôi. Cái may của tôi là trong một kẹt đá nhỏ, tôi chụp được hai vợ chồng một chú tôm hùm khá to, mỗi con khoảng hai ký. Phượng reo mừng, “đồ biển sẵn thế này là không phải lo đói nữa. ”Phượng lầm, mà tôi cũng lầm. Ðồ biển không sẵn như chúng tôi tưởng, hoặc ít ra thì đó cũng không phải là nguồn thực phẩm đủ cung cấp cho 140 người đói khát.T ôi đi nhặt rác và rong biển về làm củi nướng tôm; tôi cũng tìm được một mảnh ván nhỏ cho Phượng ngồi. Bữa ăn đầu tiên trên hoang đảo, cách tìm thực phẩm, nướng và ăn bốc theo kiểu thượng cổ, vừa ngon lại vừa vui. Vợ chồng, con cái chỉ ăn hết một con tôm, con thứ nhì để dành.

“Em chưa thấy con tôm hùm nào lớn đến như vậy,” Phượng vừa chôn vỏ tôm xuống cát vừa bảo tôi. Mới 6 giờ chiều, mặt trời còn cao mà gió biển nghe đã lạnh. Tôi lo lắng bảo Phượng, “Có bao nhiêu quần áo em lấy mặc hết cho con. Cả em nữa. ”Gói hành lý được mở ra, tắp hết lên người. Mỗi đứa trẻ mặc 4 áo, 3 quần. Phượng được 3 áo, 2 quần. Tôi mặc thêm cái sơ mi nữa ra ngoài bộ đồng phục chưa thay từ ngày đi. Gia đình ông hàng xóm sát hốc đá nhà tôi định xuống tầu tránh lạnh nhưng bị đuổi trở lên. Một số thanh niên tổ chức chiếm độc quyền cư ngụ trên tầu. Họ cũng ngưng, không phát thực phẩm như trước nữa.

Ðêm hôm đó một người đàn bà chết, có lẽ vì quá lạnh. Chúng tôi xuống tầu mượn được một cây xà beng và một cái búa để đục đá chôn người xấu số. Ðó là người đầu tiên và người cuối cùng được chôn. Lý do thứ nhất khiến chúng tôi không chôn người chết nữa là vì đục đá làm mồ là một công trình quá khó mà lại không hiệu quả. Lớp đá vụn lấp xác chết không chặt được như đất nên chỉ một ngày sau mùi thối đã xông lên nồng nặc. Lý do thứ nhì chua chát hơn: người ta không muốn vùi đi mấy chục kí thịt của người chết trong lúc tất cả đều đói. Xác chết đầu tiên tôi thấy bị xẻ thịt là xác một thiếu nữ trắng trẻo, xinh xắn. Tôi đang đi nhặt ốc thì nhìn thấy xác cô, khuy áo bị cổi banh ra, chỗ đôi nhũ hoa chỉ còn thịt lầy nhầy và mấy rẻo xương lồng ngực. Một tiếng đồng hồ sau, tôi trở lại, cô đã bị lột truồng, bắp vế, bắp chuối bị xẻo mất.

Tôi rùng mình. Suốt 2 năm chinh chiến tôi cũng đã chứng kiến nhiều cái chết ghê rợn do súng đạn gây nên, nhưng quả thật chưa một xác chết nào làm tôi khiếp đảm hơn. Thượng Ðế ơi, người đã sinh ra con người như sinh vật khôn linh hơn mọi sinh vật khác, sao người lại còn bày ra những thử thách trớ trêu đó để làm gì ? Ðể chứng minh là con người cũng không hơn gì loài cầm, loài thú ư ? Tôi trở về hốc đá với khuôn mặt chắc phải vô cùng sầu thảm. Nhìn tôi, Phượng bảo, “Mình đuối lắm rồi, để em đi kiếm thực phẩm thay mình.” “Em không đi đâu hết,” tôi gạt phăng.

Vợ tôi nhìn tôi lo sợ. Có thể Phượng thấy phản ứng của tôi không bình thường, chưa bao giờ tôi gắt gỏng với nàng, ngay cả những lần nàng theo bác phu xích lô đi khách. Quanh chúng tôi, người ta phát điên, người ta đánh nhau chỉ vì những chuyện không đâu. Tình trạng tuyệt vọng, kinh hoàng làm chúng tôi thành hốt hoảng. Có thể Phượng nghĩ tôi cũng đang có những triệu chứng bắt đầu. Tôi an ủi vợ, “Anh không muốn em đi đâu hết. Quanh chúng ta đang có trên 100 người mất tự chủ. Em phải ở cạnh anh.”

Thật ra tôi chỉ muốn tránh cho Phượng khỏi nhìn thấy xác người thiếu nữ không vú, không đùi. Kéo đầu Phượng gục vào vai, tôi vỗ về, “Rồi mọi chuyện sẽ khá hơn. Thế nào chẳng có một thương thuyền đi qua đây. ”Tôi nói để mà nói, nhưng tôi nghĩ Phượng không mấy tin, không mấy quan tâm đến những điều tôi nói. Chúng tôi đã đói khát gần 1 tuần lễ. Quanh bờ biển không còn một cái vỏ hào nào nguyên vẹn. Người đầu tiên vừa đập vỡ con hào để lấy ruột, thì chỉ vài phút sau đã có người đến đập lần thứ nhì, hy vọng vớt vát một chút gì còn xót lại.

Ðến tuần thứ nhì không ai còn dấu diếm chuyện ăn thịt người nữa. Gần như tất cả mọi người đều đã ăn thịt đồng loại. Tệ hơn là họ không chờ nạn nhân chết hẳn mới xẻ thịt. Ðể thịt và ruột gan không lạnh tanh, họ xẻ thịt những người đang thoi thóp, ngắc ngoải. Xương và đầu người chết bị ném xuống biển, cám dỗ hàng bầy cá mập. Nhìn những con cá hung hãn chồm vào đến tận bờ để chia phần thịt người, tôi bàn với ông hàng xóm tìm phương pháp bẫy cá mập. Chúng tôi đào một vũng cạn, rồi lấy đá be bờ khá cao. Sườn vũng nước nghiêng vào bờ, bên trong sâu hơn bên ngoài bờ biển. Mượn cái đầu của một bà lão vừa bị xẻ thịt, chúng tôi thả mồi chờ cá mập. Thời gian chờ đợi không lâu hơn 20 phút. Theo đà sóng một con cá mập nhỏ, khoảng trên dưới 40 kí, trườn vào bẫy.

Sóng rút ra, cá mập mắc cạn và chết ngay sau vài chục nhát búa và xà beng của chúng tôi. Chúng tôi lôi cá lên cạn xẻ thịt; khoảng vài chục người đến hôi món thịt cá mập. Việc xẻ thịt chưa xong, con cá mập thứ nhì đã lại trườn vào bẫy trước tiếng reo hò mừng vui của hơn 100 con người đói khổ. Thịt cá mập béo ngậy và tanh rình, nhưng vẫn giúp chúng tôi tránh được ăn thịt người, và cái bẫy cá mập của tôi trở thành nguồn cung cấp thực phẩm khá dồi dào cho những nạn nhân mắc cạn. Cái khổ của chúng tôi là trên đảo san hô không còn một thứ gì có thể sử dụng thay củi nữa cả; một vài người liều lĩnh xách búa ra định bửa tầu lấy gỗ, nhưng chỉ cần một phát súng bắn chỉ thiên của nhóm thanh niên khỏe mạnh, ăn uống đầy đủ, lại có võ khí, đang chiếm giữ con tàu, cũng đủ làm những người liều nhất trở thành khôn ngoan, lui nhanh vào bờ.

Cầm miếng cá sống, vừa xệu xạo cắn, Phượng vừa hỏi tôi, “Mình có còn tin được câu người ta thường nói ‘trời xanh có mắt’ nữa không ? ”Tôi thở dài. Nếu quả trời có mắt thì cặp mắt đó đã nhắm lại từ 4 năm nay rồi. Bé Mai chỉ còn là một cái xác nhỏ xíu, gầy ốm, thoi thóp níu vào cuộc sống. Thằng Vinh khá hơn đôi chút, nhưng cũng nằm lả, đôi mắt gần như không bao giờ hé mở. Tôi nhai miếng cá trong miệng đến thành nước rồi cúi xuống mớm cho con. Phượng thút thít khóc. Cũng như tôi, vợ tôi hiểu mạng sống của đứa con gái chúng tôi thương yêu, nâng niu, đang tàn lụi dần và sẽ tắt hẳn, khi gió biển, nắng cháy, và thiếu dinh dưỡng, cướp đi những sinh lực cuối cùng. Bé Mai bỏ đi tối hôm đó. Ôm con trong tay tôi nghe hơi thở nó yếu dần, yếu dần trước khi tắt hẳn. Cơ thể của đứa con yêu thương vẫn mềm mại nhờ chút hơi ấm của tình phụ tử ủ ấp.

Tôi lặng đi ngồi ôm xác con trong gió biển cắt da. Khoảng một tiếng đồng hồ sau Phượng hỏi tôi, “Con có khá hơn không mình ? ”Tôi hiểu nghĩa câu hỏi này: Phượng muốn biết bé Mai đã chết chưa, nhưng chữ “chết” ghê rợn không phát ra được trên đôi môi người mẹ. Tôi lặng thinh để vợ tôi ngỡ là tôi đã thiếp đi trong mòn mỏi. Nhưng rồi tôi thiếp đi thật. Sức chống đỡ của cơ thể chỉ có giới hạn. Giữa những hoàn cảnh phi lý nhất, thể chất vẫn giữ nguyên những đòi hỏi bình thường của nó. Ôm xác con trong tay, ngồi giữa một cô đảo Thái Bình Dương, tôi ngủ ngon lành. Tôi bị mặt trời nhiệt đới đánh thức. Mở mắt dậy trong ánh nắng chói lòa, tôi hốt hoảng nhận ra là bé Mai không còn nằm trong tay tôi nữa. Phượng cũng không thấy đâu cả. Tôi cất tiếng gọi vợ, tiếng sau lớn hơn tiếng trước, những tiếng cuối cùng trở thành tiếng gào kinh hoảng.

Những người chung quanh nhìn tôi. Cặp mắt họ không thiện cảm, nhưng cũng không ác cảm, mà chỉ là những cập mắt vô can mất hết khả năng xúc động. Cái khổ đau, bất hạnh của tôi, tôi cứ tự gánh lấy. Phần riêng của họ cũng đã quá lớn, họ không thể chia xẻ thêm với ai chút gì nữa cả. Tay ẵm thằng Vinh, tôi phóng nhanh xuống bờ biển vừa chạy quanh đảo, vừa gọi Phượng. Vợ tôi ngồi xẹp trên một phiến đá, vẻ mặt sầu khổ. Ôm chầm lấy vợ, tôi hỏi, “Em đi tìm con ? ”Vợ tôi không nói được một tiếng nào cả. “Họ đã xẻ thịt bé Mai ? ”Phượng gật đầu rồi gục vào vai tôi thút thít khóc. Tôi lặng đi, tê tái.

Nguyên ngày hôm đó vợ chồng chúng tôi không nói thêm với nhau một câu nào nữa. Trước những đổ vỡ, thương đau toàn diện, chúng tôi không còn khả năng khóc than. Sáng hôm sau, sau một vòng đi tìm thực phẩm thất bại như từ nhiều ngày nay, tôi trở về hốc đá và tình cờ khám phá ra nguyên nhân giúp bé Vinh còn tương đối mạnh khỏe: Phượng đang cho con bú. Tôi ngạc nhiên vì từ trước đến giờ Phượng không hề làm việc đó. Cả bé Mai cũng bú sữa bò từ khi mới lọt lòng.

Phượng bối rối nhìn tôi, trong lúc tôi nhìn bé Vinh: môi đứa bé đỏ lòm. Tôi kéo vú Phượng ra để thấy một vết cắt còn mới trên đầu vú. Tôi tìm thấy nhiều vết cắt khác ở đầu ngón tay, ở cổ tay người mẹ khốn khổ. Thở dài, tôi cúi đầu. Phượng đang trút tàn lực sang để nuôi một mầm sống. Việc làm vô cùng đáng kính phục đó chắc chắn sẽ làm tôi trở thành góa bụa sớm hơn. Dĩ nhiên tôi không ngăn cản, cũng không phiền trách gì Phượng. Ðiều độc nhất tôi có thể làm là cố gắng hơn nữa trong việc tìm kiếm thực phẩm để nuôi Phượng và bé Vinh, nhưng số người đói khát thì đông mà số thực phẩm lại giới hạn nên gần như chúng tôi không còn tìm ra bất cứ một thứ gì, dù chỉ là cỏ, là cây, để nhai trong miệng. Bốn ngày sau ngày bắt gặp Phượng cho con bú bằng máu, tôi tìm được một con cua khá lớn. Phượng ăn gượng gạo rồi lại nằm ngay. Vợ tôi đuối đến mức tôi phải xé từng miếng thịt cua, đút vào miệng cho nàng.

Suốt tuần sau, tôi chỉ tìm được vài con ốc. Nhìn những triệu chứng sắp chết của vợ, tôi nghe đứt ruột. Tôi không dám đi kiếm thực phẩm xa nữa, sợ người ta đến ăn thịt Phượng. Hai ngày sau, đang nửa mơ, nửa tỉnh, tôi chợt nghe nhiều tiếng súng. Tiếp theo là tiếng reo hò. Bàng hoàng choàng dậy, tôi nhìn theo hướng nhìn của mọi người và thấy một chiếc tàu đang từ từ tiến lại. Tim tôi ngừng đập. Cuối cùng trời vẫn còn có mắt. Chúng tôi sắp được cứu sống, và tôi vẫn còn Phượng, còn người vợ mà trong hoạn nạn tôi thấy tình yêu trở thành to lớn hơn, bền chặt hơn. Tôi sẽ lại được mê mệt, được khổ sở với cặp mắt đa tình của Phượng.

Trong tiếng reo hò của những người đồng cảnh ngộ, tôi cúi xuống thủ thỉ bảo vợ, “Hôm trước em hỏi anh có còn tin là trời xanh có mắt nữa không. Bây giờ anh trả lời em là anh tin. Anh tin cuối cùng rồi ông trời vẫn có mắt. ”Nhưng tôi đã lầm. Ðối với những kẻ bất hạnh, vô phước như tôi, ông trời (nếu có ổng) đã vĩnh viễn nhắm mắt, quay mặt đi. Con tầu tôi đang nhìn theo là một ngư thuyền của Ðài Loan. Họ neo xa bờ chừng 2 cây số, rồi cho ghe nhỏ vào chở người đại diện của chúng tôi ra thương lượng. Cuộc thương lượng, nói trắng ra chỉ là một cuộc trả giá. Người đại diện trở về cho chúng tôi biết tầu Trung Hoa đòi một số vàng lớn mới chịu cứu chúng tôi. Số người có vàng đề nghị chia số người Trung Hoa đòi hỏi trên đầu người; những kẻ trắng tay như tôi ngồi lặng thinh, dự thính.

Chiều hôm ấy người đại diện của chúng tôi trở ra ngư thuyền Trung Hoa với một phản đề nghị. Cuộc trả giá kéo dài cho đến tối, và ông ta ngủ lại trên tầu đánh cá. Sáng hôm sau ông trở lại với 3 người Tầu, và bắt đầu cuộc ghi danh, góp vàng. Những người có vàng để góp lần lượt được xuống ghe máy để ra tàu trước cặp mắt thèm thuồng của chúng tôi. Khoảng xế chiều việc đưa những người góp vàng ra tàu hoàn thành. Người Trung Hoa chở vào cho chúng tôi một thùng cá và bảo, “Các anh ăn uống tạm tối nay. Sáng mai chúng tôi sẽ vào chở tất cả ra tàu. ”Thì ra họ chỉ muốn làm khó dễ để lột một số vàng của những người có tài sản. Sáng hôm sau toàn bộ chúng tôi được chở ra tàu. Một thủy thủ Trung Hoa giúp tôi bồng bé Vinh, trong lúc tôi bồng Phượng xuống ghe.

Yếu đuối, tôi ngã mấy lần. Phượng mở mắt nhìn tôi, cặp mắt tình tứ, đắm đuối ngày xưa, giờ này đã mất thần. Xuống tầu, tôi xin một ly sữa, đút cho Phượng, nhưng vợ tôi không còn nuốt được nữa. Tôi biết cơ thể nàng đã mất hết nước hydrate. Giải pháp độc nhất còn lại là nuôi bằng nước biển, nhưng làm gì có thứ đó trên một ngư thuyền. Phượng lịm dần và hơi thở thật sự tắt hẳn vào đêm hôm đó. Xác nàng bị chuồi xuống biển theo hình thức thủy táng.

TÔI DỨT CÂU CHUYỆN vào lúc 11 giờ sáng ngày 30 tháng Tư năm 2004, rồi bảo thằng Vinh, “Ba hứa ngày con học xong, ba sẽ kể lại câu chuyện về mẹ con cho con nghe. Ba đã thực hiện lời ba hứa. ”Nó bước đến trước ghế tôi ngồi, quỳ xuống, gục đầu lên đùi tôi, “Ba đau khổ nhiều quá!”.Lời nó nghẹn lại. “Con thương ba. ”Tôi vuốt tóc nó, “Ba thương con. ”“Con muốn vinh danh mẹ, ” thằng Vinh bảo tôi.. Năm đó nó 26 tuổi, vừa ra trường thuốc Austin , và đang tập sự tại nhà thương Memorial Hermann, Houston , nơi tôi làm việc. “Bằng cách nào?” tôi hỏi nó.

“Con muốn về Việt Nam để cùng bác sĩ Nguyễn Ðan Quế tranh đấu giải thể chế độ cộng sản dã man đã giết mẹ con, giết chị Mai, và làm ba buồn khổ suốt cuộc đời.” “Môi trường tranh đấu tại hải ngoại thuận lợi hơn môi trường quốc nội, ” tôi bảo Vinh. “ Tiếng nói của con sẽ lớn hơn, vì có một đối tượng rộng hơn, quyền hạn hơn. ”Nó nghe lời tôi, và giờ này bác sĩ Trần Phượng Vinh, con của bác sĩ Trần Quang trở lại trường đại học. Môn học mới của nó là điện ảnh.

Họa sĩ Thương Thương, hôn thê của nó đã vẽ xong từ năm ngoái bức tranh quảng cáo cuồn phim đầu tay: ÐÔI MẮT PHƯỢNG của tài tử kiêm đạo diễn Phượng Vinh. Nó đóng vai trung úy quân y của Sư Ðoàn Nhẩy Dù, trung úy Trần Quang.

Chuyện Thưong Tâm

Thiên Thần Áo Xanh

(Một câu chuyện viết cho mùa Tháng Tư Đen)

---
Blue Ridge (LCC19) Thiên Thần Áo Xanh

Thay cho lời giới thiệu:

Một số lớn những người Việt tha hương (tỵ nạn) và những người đang lê lết một cuộc đời cùng khổ, đầy bất công, áp bức dưới chế độ CS tại quê nhà đều có những quảng đời - là những cuốn phim mà không một cuốn phim nào dầu chiếm được hàng bao giải thưởng cũng không sao sánh bằng; là những tập truyện mà không một tập truyện nào dầu thuộc loại bán chạy nhất cũng không làm sao qua mặt được.

Những quảng đời đó dầu có thực sự được quay thành phim, viết thành truyện cũng không bao giờ có thể lột tả, nói lên được tất cả những gì đã xảy ra chung quanh họ, và những gì đã diễn ra trong lòng họ. Do đó chỉ có chính họ, là những người trong cuộc, là những chứng nhân, là những nhân vật trong cuốn phim, trong tập truyện của đời mình mới cảm nhận được tất cả những sự âu lo, phiền muộn, những nổi buồn xót xa, câm nín, những niềm hy vọng mong manh, thoáng chốc, những nổi tuyệt vọng não nề, buông xuôi cho số kiếp, những sự sợ hải, kinh hoàng đến chết ngất, những cơn đói khát vật vã, rã rời, những nổi uất nghẹn đắng cay đến tột cùng, những nổi tủi nhục tối tăm sâu thẳm, những nổi mừng vui nghẹn ngào đầy nước mắt, những nổi đớn đau quằn quại có lúc chất ngất trong lòng có lúc ray rức kéo dài như vô tận ... Quảng đời họ là những cuốn phim không cần đạo diễn dàn dựng, là những tập truyện không cần hư cấu bởi nhà văn, là những câu chuyện sống thực cùng với nhịp tim, hơi thở và những cảm xúc của một đời người.

Câu chuyện xảy ra cách đây hơn 28 năm, tuy vậy ký ức tôi vẫn còn ghi rõ, vì đó là một kinh nghiệm đau thương, hãi hùng nhất trong cuộc đời tôi.

Trưa hôm đó (10/09/1980/) một buổi trưa gần cuối Thu, trời Đà Nẵng bổng dưng mây kéo về đen kịt, và mưa đổ không ngớt, tôi đang khe khẽ hát những câu ca dao ru con ngủ, nhìn con ngủ mà lòng xót xa, nghỉ rằng tương lai nó sẽ mù mịt như bầu trời ngoài kia, vì nó không may sanh ra trong một đất nước không có tự do. Nhà nội nó thì bị nhà nước trưng dụng, cả gia đình nội phải dồn vào một nhà kho chật hẹp tối tăm ẩm thấp để sinh sống. Không chổ nương thân ba mẹ nó phải bồng nó chạy về nhà ngoại để tá túc ... Thình lình tiếng chuông trước cổng nhà vang lên cắt đứt dòng tư tưởng, tôi nhẹ nhàng xỏ vội đôi dẹp nhựt đi xuống lầu thì đã thấy má tôi mở cửa đón khách vào nhà. Đó là một chàng thanh niên, anh ta là người bà con với ông chủ tàu mà gia đình tôi có dịp bàn tính chuyện vượt biên. Sau khi được trấn an là không có ai khác ngoài má tôi, ông ngoại và tôi, thì người thanh niên này vô đề liền "Bây giờ mưa to gió lớn và biển đang động, công an biên phòng không nghĩ rằng có ai to gan dám vượt biên trong thời tiết này, nên mình phải nắm lấy cơ hội". Rồi người thanh niên này bắt đầu cho biết giờ giấc, điểm hẹn và cách gặp người dẫn đường, xong anh ta vội vã đội mưa ra về.

Không khí trong nhà trở nên căng thẳng vì lòng mỗi người đầy những nỗi lo âu: chồng tôi đi làm chưa về, 2 em trai cũng không có mặt tại nhà, không có cách nào liên lạc được, còn ngoài kia trời mưa như thác lủ, vượt biên trong lúc này có nghĩa là đem mạng đi nạp cho thần biển. Trong lúc má tôi và tôi đang rối lên không biết toan tính như thế nào, thì ông ngoại tôi bảo quỳ xuống để ông cầu nguyện. Khi ông ngoại tôi vừa dứt lời cầu nguyện thì hai em trai của tôi về tới, lúc đó gần ba giờ chiều. Và chúng tôi lại thêm một phen sốt ruột chờ chồng tôi nữa, rất may hôm đó chồng tôi về nhà sớm hơn mọi khi vì trời mưa nên bạn bè không rũ đi nhậu, cuối cùng rồi mọi người cũng về đầy đủ, cuộc hành trình của chúng tôi bắt đầu từ đó.

Theo như lời người thanh niên lúc trưa căn dặn, tôi và hai em trai tôi đi phà qua sông Hàn, lúc đó khoảng gần 5:30. giờ chiều, sau khi phà cập vào bến quận Ba, An Hải, chúng tôi phải đảo mắt kiếm người thanh niên nào có mang dây chuyền hình cái neo, trời lúc đó nhá nhem tối và mưa rất lớn nên rất khó cho chúng tôi tìm người mà mình chưa bao giờ biết mặt. Người dẫn đường nhận ra được dáng điệu dáo dác của chúng tôi, nên anh ta tiến tới trước mặt chúng tôi không nói gì hết rồi lặng lẽ bước đi (đó là mật hiệu), chúng tôi thấy nơi cổ của anh có sợi dây chuyền hình cái neo, do đó người này đi đâu chúng tôi cũng phải bám sát theo để không bị lạc. Vì nhằm giờ cao điểm kẻ tan trường, người tan sở nên việc bám sát theo người này cũng rất khó, nhiều lần bị lạc, chúng tôi ngẫn ngơ quýnh quáng không biết mình đang ở đâu, tim chúng tôi đập thình thịch vì sợ công an nghi ngờ đến bắt, nhưng rồi người dẫn đường quay trở lại kiếm được chúng tôi. Sau đó anh đi vào quán bún bò Huế ven đường, chúng tôi cũng vào theo, sau này tôi mới hiểu, thì ra phải chờ thêm một nhóm năm người con của bạn ba tôi nữa. Sợ chủ quán nghi ngờ tôi gọi ba tô bún bò Huế cho ba chị em tôi, nhưng bún đem lên chưa kịp ăn thì người thanh niên dẫn đường đứng dậy rời quán vì đã thấy nhóm năm người kia sắp bước vào, chúng tôi vội vã trả tiền và rời theo làm chủ quán cũng ngơ ngác. Rời quán bún, người dẫn đường đưa chúng tôi đến một khu nghĩa địa, anh bảo chúng tôi phải ở đó chờ người khác dẫn đường tiếp. Ba chị em chúng tôi núp ở một ngôi mộ có tấm bia thật lớn, thình lình người trong xóm cầm đuốc đi kiếm gà của họ bị lạc. Một lần nữa ba chị em chúng tôi lại một phen sợ hãi, tay chân run rẫy, tim hầu như ngưng đập vì thấy người đàn bà đó càng lúc càng tiến về nơi chúng tôi đang núp, ba chị em chúng tôi nhắm nghiền mắt và ôm chặt lấy nhau, hình ảnh nhà tù cộng sản hiện lên trong trí tôi thật kinh khiếp, nước mắt chúng tôi tuôn trào, không ai bảo ai chúng tôi cắn chặt môi cố nén tiếng khóc. Nhưng lạ lùng thay, Chúa đã ngăn trở bước đi của người đàn bà đó, khi tiếng chân của người đàn bà đến gần nơi chúng tôi ẩn núp trong gang tấc thì bà bắt được con gà của bà. Tiếng kêu oang oác của con gà làm chúng tôi bừng tỉnh lại, chúng tôi chỉ biết cúi đầu thầm tạ ơn Chúa.

Bây giờ thì trời đã tối hẳn, có một người thanh niên khác tìm đến nơi chúng tôi ẩn núp, anh ta không nói gì ngoài ba tiếng “đi theo tôi”. Anh dẫn chúng tôi đi qua những con đường đất ngoằn nghèo rồi cuối cùng dẫn chúng tôi vào một căn nhà nào đó mà bây giờ tôi không tài nào nhớ được, vì lúc đó trời tối đen như mực, ngay cả chị em chúng tôi cũng không nhìn thấy mặt nhau. Họ để ba chị em chúng tôi tại đây cho đến khoảng 12 giờ khuya (sau này tìm hiểu tôi mới biết khoảng giờ đó) thì họ dẫn ba chị em tôi ra bờ biển thuộc vùng Thọ Quan nơi đó có sẵn một cái thúng lớn, người này lật thúng lên thì đã có một người nằm chờ dưới thúng ngồi dậy, và họ đưa chúng tôi ra tàu cá đang chờ sẵn ngoài khơi. Nhưng ra đến nơi thì chúng tôi không thấy bóng dáng chiếc tàu cá đâu hết, chung quanh chúng tôi là vùng biển rộng mênh mông với một màu đen tối rợn người. Chúng tôi ngồi trên thúng chồng chềnh theo làn sóng mà lòng bồn chồn lo lắng, rồi lần lượt những thúng khác chở ăm ắp người cũng chèo đến, gần hai tiếng đồng hồ sau thì tàu mới xuất hiện. Khi lên tàu rồi thì việc đầu tiên là tôi kiếm chồng và con tôi, vì hai người được dẩn đi đường khác. Thấy tôi, chồng tôi lên tiếng để trấn an, chồng tôi khen con tôi rất ngoan, tuy mới hơn ba tuổi nhưng dặn nó không được hỏi, không được nói, không được khóc nếu sợ bóng tối, thì nó rất ngoan ngoãn không lên tiếng trong suốt cuộc hành trình trong bóng đêm, có lẻ nó cũng cảm nhận được sự nguy hiểm vây quanh cha con nó.

Hai giờ sáng tàu bắt đầu chạy ra cửa biển, ra đến cửa biển sóng có phần êm hơn. Tàu chạy một lúc xa thì trời hừng sáng, mọi người thấy an tâm vì thoát được sự kiểm soát của công ban biên phòng. Bắt đầu từ đó tàu chúng tôi lênh đênh không định hướng, vì tài công là một thanh niên trẻ chỉ biết lái tàu đi đánh cá chứ không biết nhắm hướng cũng không biết xem la bàn. Trên tàu ngoài gia đình tôi năm người, năm người con của bạn ba tôi, chín người của gia đình ông chèo thúng đưa khách, ba người anh bà con của tôi và hai con trai của họ, còn có một số thanh niên nam nữ bạn của người tài công trẻ chạy theo. Do đó số người trên tàu lên đến bốn mươi lăm người kể cả mười đứa con nít dưới mười tuổi. Trong khi đó thực phẩm chỉ tính đủ cho hai mươi lăm người chính thức có trong kế hoạch vượt biên này mà thôi. Đã vậy, sau này mới vỡ lẽ ra là trước đó, gần ngày vượt biên một số lương thực bị mất cắp.
Qua đến ngày thứ ba, một cơn bảo biển suýt nhận chìm chiếc tàu mỏng manh của chúng tôi giữa lòng biển cả. Tôi không thể nào quên được cơn hãi hùng này, chiều hôm đó mây đen phủ kín cả vòm trời, gió mạnh như cơn lốc, và sóng biển cuồn cuộn trổi lên, vợ chồng tôi và cháu nhỏ cùng hai em trai tôi và vài người nữa đang còn ngoài khoang tàu trong khi hầu hết mọi người khác được ở trong cabin. Cửa cabin lúc ấy bị đóng chặt, chúng tôi đập cửa khóc lóc kêu gào thảm thiết . Có lẽ những người bên trong không dám mở cửa cabin trong lúc này vì sợ nước biển tràn vào, một phần có lẽ tiếng gió và tiếng gầm thét của những đợt sóng khổng lồ át đi tiếng kêu gào của chúng tôi. Mãi đến 10 phút sau, gió càng mảnh liệt và sóng càng dử dội hơn thì họ mở cửa cho chúng tôi vào ẩn mình. Trong những giờ phút ngoài khoang tàu, tôi vô cùng kinh khiếp khi nhìn thấy từng đợt sóng khổng lồ nâng bổng chiếc tàu nhỏ bé của chúng tôi lên thật cao, rồi ném chiếc tàu nhỏ bé của chúng tôi xuống vực sâu tối ngòm, nhìn lên tôi thấy đợt sóng khác tới nó vươn lên như một bức tường thật cao và đổ ập xuống như muốn nhận chìm chiếc tàu của chúng tôi, nước văng tung toé, tay tôi ôm chặt thanh gỗ nơi cửa vào cabin vừa khóc vừa kêu gào thảm thiết. Nhiều khi nghĩ lại, tôi tự hỏi làm sao chồng tôi có thể vừa giữ chặt con vừa bám chặt vào mạng thuyền, và tất cả chúng tôi ngoài khoang tàu không bị sóng biển ném tung ra khỏi tàu, làm sao chiếc tàu nhỏ bé của chúng tôi có thể sống còn qua cơn bảo đó, chắc chắn phải có bàn tay vô hình nào đó che chở chúng tôi, bàn tay vô hình đó chính là bàn tay của Thượng Đế.

Trong những ngày đầu còn dầu, thì tài công không biết định hướng đi đến Hong Kong, anh ta cứ nhắm hướng mặt trời mọc mà chạy cho đến khi cạn không còn dầu để chạy nữa thì lúc đó chúng tôi thấy dãy núi mờ mờ từ đàng xa. Thì ra tàu chúng tôi trôi giạt đến Nha Trang mà tưởng rằng đang ở gần đảo Hãi Nam, lương thực và dầu đã cạn, có ba người thanh niên đưa ý kiến, ai có vàng hoặc tiền bạc, đồng hồ đeo tay thi giao cho họ, họ sẽ đi thúng vào dãy núi đó mua dầu và lương thực đem ra để đi tiếp. Đó là niềm hy vọng cuối cùng nên mọi người có vàng đưa vàng, có đồng hồ đưa đồng hồ, tôi cũng cởi chiếc nhẩn cưới đưa cho ba người này (sau này đến được bến bờ tự do, chúng tôi mới hay rằng ba người này đi thúng vào bờ và bị công an bắt tại Nha Trang).

Ngày lại ngày trôi qua, nhưng bóng dáng 3 người đi mua dầu và lương thực vẫn biệt tăm. Chúng tôi chi biết cầu nguyện và phó thác đời sống mình cho Chúa. Không thức ăn, nước uống, chúng tôi phải uống nước tiểu và nước biển có bỏ đường hoá học để sống qua ngày, nhờ năm người con của bạn ba tôi có mang theo đường hoá học. Nói chung, gia đình tôi và năm người con của bạn ba tôi vì tin tưởng chủ tàu chuẩn bị lương thực chu đáo nên chúng tôi không mang theo bất cứ một lương thực nào, ngoài trừ chồng tôi trước khi đi anh có dấu được một lon sữa đặc trong túi quần cho con tôi và năm người kia có dấu theo một gói nhỏ đường hoá học. Hơn nữa, cũng để tránh cặp mắt nghi nghờ của mọi người, chúng tôi không mang theo bất cứ quần áo hay vật dụng cá nhân nào, trên người chúng tôi vỏn vẹn mỗi người chỉ có một bộ áo quần mình đang bận.

Hơn mười ngày trôi qua không thức ăn, nước uống, trẻ con khóc lóc kêu gào thảm thiết, con tôi chỉ nước trên biển mà trách chúng tôi tại sao nước trên biển nhiều như vậy mà không cho nó uống, lòng tôi đau như đứt từng đoạn ruột khi nhìn thấy con tôi và những trẻ con khác rã rời, quằn quại, rên xiết vì đói và khát. Rồi 1, 2, 3, 4, đứa con nít dần dần ra đi.

Đêm hôm đó là đêm thứ mười sáu trên biển, tôi ôm con tôi vào lòng tuyệt vọng, thình lình một cơn mưa thật lớn đổ xuống, mọi người đều mừng rỡ, chồng tôi mau mắn hứng được một bình nước nhỏ, gắng sức trườn người vào cabin đưa cho tôi để tôi cho con uống, vì quá mừng nên tôi hút một hơi thật mạnh để nước chảy vào một ống nhỏ, xong tôi chuyền ống nhỏ đó vào miệng con tôi với hy vọng con mình sẽ được nuôi sống, nước vào miệng quá nhanh con tôi không kịp nuốt thì tắt thở ngay trên tay của tôi vì sức lực nó không còn nữa. Quá đau khổ, tôi ôm con chặt vào lòng và khóc, khóc thật nhiều nhưng hầu như không có một giọt nước mắt nào tuôn ra. “Khi con người quá đau khổ thì không còn nước mắt để khóc", tôi nghe câu nói này nhiều lần nhưng cứ nghỉ rằng đó chỉ là một câu trong văn chương thôi, bây giờ thì tôi thật sự kinh nghiệm về điều đó. Sáng hôm sau, một tay ẳm xác con, một tay chống đở lê lết tấm thân kiệt sức của mình để đem xác con ra ngoài khoang tàu cho chồng và hai người cậu nó thấy mặt lần chót. Vì chồng tôi và hai cậu nó ở cuối mõm thuyền, do đó con tôi được chuyền qua một vài người trước khi đến tay chồng tôi. Khi ở trên tay những kẻ xa lạ tôi không thấy điều gì lạ xảy ra, tuy nhiên khi chồng tôi vừa đưa tay ẳm lấy con tôi, thì tự nhiên môi con tôi sùi bọt nước miếng, và máu thật tươi tuôn ra từ lỗ mũi và hai lỗ tai của nó. Con tôi biết giờ đây nó được nằm trong vòng tay yêu thương của ba nó, một mối liên hệ phụ tử thiêng liêng được bày tỏ qua một thân xác không còn sự sống.

Dầu yêu thương con đến mức nào đi nữa cũng không thể nào giữ được xác con trong vòng tay của mình, chúng tôi đành lòng phải bỏ xác nó xuống lòng biển cả. Đặc biệt cái chết của con tôi được nhiều người thương và lo chu đáo, vài người trên tàu gở hai tấm ván nhỏ từ chiếc tàu của chúng tôi, họ đóng lại như hình chữ thập, đặt xác con tôi nằm trên đó, rồi dùng lưới cá quấn quanh thân hình nhỏ bé của con tôi. Họ nói rằng phải đóng ván theo hình chữ thập thì mới thăng bằng không bị sóng đánh lật úp mặt nó xuống biển cá sẽ đến rĩa ăn, họ cho rằng nếu con tôi may mắn gặp một tàu cá nào đó, họ sẽ làm phước vớt đem vào bờ để chôn vì lúc đó chúng tôi vẫn còn thấy dãy núi mờ mờ từ đàng xa, nên chúng tôi chỉ biết hy vọng như vậy, (trong một bản tóm tắt chuyến vượt biên của chúng tôi bằng tiếng Anh có một sơ sót nhỏ là con tôi được cột vào cục đá để bỏ xuống biển thay vì cột vào 2 tấm ván thuyền). Sau đó một người anh bà con của tôi có mang theo quyển Kinh Thánh, anh mở ra đọc vài câu trong Kinh Thánh rồi cầu nguyện trước khi thả xác con tôi xuống biển, lúc đó tôi ngoảnh mặt đi nơi khác vì không muốn chứng kiến cảnh đau lòng này.

Nước mưa hứng được đêm đó đã tạm nuôi sống chúng tôi trong một thời gian ngắn. Rồi một hôm (06/10/1980/) tôi nằm chờ chết trong cabin vì sức tôi đã quá kiệt quệ, 26 ngày không một chút gì trong bao tử ngoại trừ nước tiểu vì nước mưa hứng được hôm trước đã không còn một giọt. Thình lình có tiếng chồng tôi và vài người nữa ngoài cabin “có máy bay, có máy bay”, tôi nhìn ra thấy chồng tôi đang dùng cái áo thun trắng đã cũ mèm để vẩy ra hiệu, nhưng tôi vẫn không một chút hy vọng nào, vì đã bao lần chúng tôi thấy máy bay bay xa thật xa trên bầu trời nhưng họ nào có thấy chúng tôi đâu. Nhưng rồi tiếng máy bay trực thăng dần dần nghe rõ dần, và tiếng mọi người mừng rỡ, hình như có một lực nào thật mạnh trong tôi vực tôi dậy và tự nhiên tôi có sức để bò ra ngoài khoang tàu. Tôi thấy chiếc máy bay trực thăng từ từ hạ thấp xuống, lúc đó một người trên tàu chúng tôi viết hàng chữ bằng tiếng Anh “Don't drop any food, Please rescue us”, thì ngay lập tức một quân nhân Mỹ trên máy bay trực thăng viết hàng chữ bằng tiếng Việt “chờ năm phút sẽ có tàu đến”. Rồi họ bắt đầu bắn những trái khói màu quanh tàu của chúng tôi để định vị trí cho tàu lớn đến cứu. Vài phút sau qua làn khói màu tản mác, từ đàng xa chúng tôi nhìn thấy một vật nhỏ di động rồi từ từ lớn dần, chẳng mấy chốc trước mặt chúng tôi sừng sững một chiếc tàu chiến khổng lồ cách tàu chúng tôi ở một khoảng cách an toàn. Đó là chiếc Soái Hạm (Command Ship) của Đệ Thất Hạm Đội có tên là “Blue Ridge LCC19”. Chúng tôi vô cùng mừng rỡ như được sinh lại lần thứ nhì. Đoàn thuỷ thủ bắt đầu bỏ thang dây xuống và đi ca-nô qua tàu chúng tôi. Trên ca-nô có 4 người lính Hải Quân mang phao cá nhân, và nỗi bật hơn hết là lá cờ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ tung bay trước gió, nhìn lá cờ mà lòng tôi bồi hồi xúc động vì nó biểu tượng cho Tự Do và tình nhân loại. Họ dùng loa yêu cầu chúng tôi giữ bình tỉnh, anh Hải Quân cầm tay lái cố gắng điều khiển chiếc ca-nô cặp sát vào tàu chúng tôi, trẻ em và phụ nữ được ưu tiên di chuyển qua tàu chiến trước, sau cùng là nam giới. Các thuỷ thủ, một tay kẹp chúng tôi và một tay chụp lấy thang dây để leo, hàng chục cánh tay thòng xuống kéo chúng tôi lên. Đối với tôi, đó là giờ phút vô cùng thiêng liêng và vô cùng xúc động, nó cho tôi thấy chỉ có những người của chủ nghĩa Tự Do mới thể hiện được tình yêu thương nhân loại và cảm thông được những đau thương mất mát của những người vì 2 chữ Tự Do mà liều mình vượt biển.

Khi tất cả chúng tôi được an toàn đưa lên chiếc Soái Hạm này rồi, thì điều đầu tiên là họ cho chúng tôi mỗi người 1 ly súp lỏng (clear soup) đang còn nóng hổi và sau đó họ bắt đầu khám tim mạch từng người. Tôi và em tôi cùng một vài phụ nữ khác vì quá yếu nên được chuyển lên Medical Clinic. Tại đây chúng tôi được chăm sóc sức khoẻ thật chu đáo, họ bồng chúng tôi đi tắm, dĩ nhiên là họ rất tôn trọng phụ nữ chúng tôi, nên họ chỉ mở nước điều chỉnh ở độ ấm vừa phải và dạy chúng tôi cách dùng thuốc gội đầu đặc biệt để giết chí, rồi họ đứng canh ngay cửa phòng tắm để đề phòng trường hợp chúng tôi bị té hay bất cẩn gì đó. Chúng tôi vô cùng cảm kích trước tấm lòng nhân ái bao la của những người lính Mỹ khác màu da, họ không màng đến thân hình xơ xác bẩn thỉu hôi hám của chúng tôi, trong khi chí trên đầu rơi rớt đồm độp, nhưng họ ôm chúng tôi vào lòng, bồng ẳm chúng tôi khi chúng tôi cần những phương tiện vệ sinh cá nhân. Sau đó họ phát cho chúng tôi mỗi người 1 áo thun trắng và đồ lót để bỏ đi những áo quần hôi hám mà suốt 26 ngày đêm dầm với mồ hôi, dầu nhớt, nước tiểu và nước biển mặn.

Tôi còn nhớ rõ một kỷ niệm rất buồn cười mà tôi đã làm những người trong đội y tế một phen cười nứt bụng, đó là ngay sau khi uống cạn ly súp đầu tiên khi vừa mới được chuyển lên tàu, một anh y tá hỏi tôi rằng “How do you feel”?, tôi trả lời ngay không chút suy nghĩ “I feel healthy” (ý tôi muốn nói là “tôi cảm thấy khỏe”) tức thì cả đội y tế ôm bụng cười ngặt nghẻo trong khi đó thân hình tôi không khác nào bộ xương người chết. Thật ra, từ lúc bắt đầu được tàu Mỹ vớt thì bao nhiêu vốn liếng từ ngữ Anh Văn mà tôi học ở những năm trung học chưa có cơ hội thực hành thì giờ đây nó lần lượt kéo đến trong tâm trí tôi, chỉ có điều chữ nào thoáng đến trong đầu là tôi vụt nói liền không cần để ý đến văn phạm. Nhưng rồi sau đó tôi rất ngại nói, nên tôi luôn dùng bút viết xuống những gì tôi cần nói, vì khi viết tôi có thì giờ sắp xếp câu kéo cho đúng văn phạm hơn. Nhờ có chút vốn liếng Anh Ngữ nên tôi có cơ hội gần gũi với vị thuyền trưởng, các bác sĩ trong đó có 1 bác sĩ người Nhật, và các y tá, đặc biệt là anh Hải Quân đầu bếp (Mr. Clinton A. Eastwood), anh thường xuyên trò chuyện với tôi, hỏi thăm những món ăn anh nấu có ngon không, tôi có thích không (và anh cũng là người sau này thường xuyên liên lạc thư từ với gia đình tôi khi chúng tôi được đưa vào tạm cư ở trại tỵ nạn Palawan Philippines, nhờ đó mà tôi có được những bài báo và hình ảnh chụp được trong lúc được tàu vớt, và năm 1982 khi chiếc Soái Hạm Blue Rigde LCC19 đến cảng Sydney cách nơi tôi cư ngụ khoảng gần 1 tiếng lái xe, thì anh cũng tìm đến thăm gia đình chúng tôi, khi đó tôi vừa mới sanh được cháu thứ nhì khoảng mười lăm ngày (đứa thứ nhất đã mất trên biển).

Trở về câu chuyện trên chiếc Soái Hạm, thì một hôm có phái đoàn báo chí bay trực thăng đến thăm người tỵ nạn trên tàu và để phỏng vấn. Trước khi phái đoàn đến, tôi được khuyến khích để được quay một đoạn phim ngắn trong buổi phóng vấn nhỏ này vì tôi cứ lắc đầu từ chối, tôi cứ lấy tay che mặt và nói rằng “Tôi xấu lắm, tôi không muốn người khác thấy tôi trên truyền hình và tôi cũng không biết nói tiếng Anh nhiều”, nhưng anh y tá Hải Quân người luôn kề cận chăm sóc tôi (anh Robin) đưa cho tôi một cái gương và một cái lược, anh chãi đầu cho tôi và bảo tôi nhìn trong gương rồi anh nói “Look! You're beautiful!” (tôi chưa bao giờ thấy Chung Vô Diệm nhưng tôi tự nghĩ rằng mình cũng xấu như vậy) rồi anh nói tiếp “We're going to ask you a very very simple question, so don't worry, OK”. Thế rồi trong phút chốc phái đoàn báo chí đến có luôn vị Tham Mưu Trưởng của Đệ Thất Hạm Đội nữa, và rồi hàng loạt đèn sáng choang chiếu thẳng đến cái giường tôi đang được đở ngồi, một anh phóng viên cầm máy nói gì nhiều lắm nhưng tôi không để ý vì tâm trí bận suy nghĩ không biết họ sẽ hỏi tôi điều gì. Thế rồi người phóng viên đó chậm rãi hỏi tôi từng chữ một “Why did you escape from Vietnam”? tôi chỉ trả lời vỏn vẹn “About freedom” và câu thứ hai là “How do you feel now?” lần này tôi đang tìm chữ nào khác với chữ “healthy” của hôm nọ thì anh y tá Hải Quân này mau mắn cất giọng hỏi khéo “Better”? nên tôi liền nói “Yes, I feel better”.

Năm ngày tạm trú trên chiếc Soái Hạm này rồi cũng phải đến ngày chia tay, ngày cuối trước khi chúng tôi chia tay với vị Hạm Trưởng cùng toàn thể các thuỷ thủ, tôi được vinh dự đi cùng vị Tham Mưu Trưởng đến từng giường bệnh để phát cho họ mỗi người một bảng danh dự “Anh Hùng Vượt Biển” và một số tiền là 32 Mỹ Kim cho mỗi đầu người, số tiền này là do sự đóng góp của vị Hạm Trưởng và của toàn thể các thuỷ thủ trên chiếc Soái Hạm này. Tôi cũng được vinh dự đại diện cho nhóm người ty nạn trên phòng y tế này để ngỏ lời tri ân và bày tỏ lòng cảm kích của chúng tôi trước sự chăm sóc không hề mệt mõi của toàn thể các thuỷ thủ trong các ngành. Chúng tôi luôn nhớ ơn nhân dân Mỹ nói chung và toàn thể mọi người trên chiếc Soái Hạm này nói riêng, lòng nhân đạo của họ là ngọn đuốc, là ánh sáng của thế giới Tự Do, nó sẽ chiếu sáng mãi mãi trong lòng chúng tôi, lòng của những người dân Việt tỵ nạn.

Qua những kinh nghiệm đau thương trong suốt cuộc hành trình vượt biển này, chúng tôi nhận biết rằng mạng sống con người thật quý báu, nhưng Tự Do là điều quý báu hơn hết. Lòng nhân đạo của nhân dân Mỹ đã để lại trong chúng tôi niềm cảm kích và sự tri ân sâu xa, tấm gương sáng này đã chứng minh được chỉ có con người của chủ nghĩa Tự Do mới có được những đức tính đó, chúng tôi đã học được từ quý vị lòng nhân ái, vị tha, và tình thương yêu nhân loại và những hình ảnh cao đẹp này sẽ không bao giờ phai nhạt trong lòng người dân Việt tỵ nạn yêu Tự Do của chúng tôi. Chúng tôi xin bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu xa đến vị Tham Mưu Trưởng của Đệ Thất Hạm Đội (Chief of Staff for Commander SEVENTH Fleet) ông Lewis W Chatham, vị Hạm Trưởng (Commanding Officer) ông John D Chamberlain, cùng toàn thể thuỷ thủ đoàn của chiếc Soái Hạm Blue Ridge LCC19 (dĩ nhiên trong đó có cả anh Hải Quân đầu bếp Clinton A. Eastwood và anh Robin). Hình ảnh của những vị đó sẽ không bao giờ nhạt nhòa trong ký ức chúng tôi. Chúng tôi luôn ao ước có cơ hội gặp lại những vị ân nhân này bằng xương bằng thịt để một lần nữa ngỏ lời tri ân đến họ và cũng để họ nhìn thấy gia đình chúng tôi - kết quả của việc làm nhân đạo quý báu mà họ đã thực hiện cách đây hơn 28 năm.

Tóm lại, vì quen sống trong một đất nước Tự Do Dân Chủ, vốn thừa hưởng được tất cả những quyền cơ bản của một con người, nên kể từ khi Miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản thì tâm trí chúng tôi không ngừng nghỉ đến việc trốn thoát khỏi chế độ này. Vượt biên là con đường duy nhất và cái giá chúng tôi phải trả có thể là sự chia lìa (kẻ ở người đi, vợ xa chồng, con xa cha, ...), sự tù đày (chính bản thân mình và người thân cũng bị liên luỵ), cái chết (chính mạng sống mình và ngay cả mạng sống của những người thân yêu). Bằng nhiều cách, chồng tôi trước đây đã vượt biên 2 lần, anh đi một mình vì chủ tàu không nhận con nít, tôi đành để chồng ra đi và ở lại với con. Tôi nghĩ thoát được người nào hay người đó, để chồng ra đi một mình là tôi chấp nhận sẽ vĩnh viễn mất chồng vì thời gian đó chính quyền Việt Nam chưa có sự bang giao với các nước ngoài về vấn đề “Đoàn Tụ Nhân Đạo”. Nhưng hai lần vượt biên đó không thành công, lần thứ nhất bị lộ anh chạy thoát được nên không bị tù, còn lần thứ nhì thì đi với người em nhưng khi ra đến bến tàu, người chủ tàu thay đổi ý kiến chỉ nhận một người thôi nên chồng tôi nhường cho người em và người này đã đến được bến bờ Tự Do. Lần này là lần thứ ba chồng tôi được đi với vợ con vì người chủ tàu này nhận con nít, tưởng rằng lần ra đi này trọn vẹn không bỏ lại sau lưng người thân yêu của mình, nhưng cuối cùng chúng tôi vĩnh viễn mất đứa con yêu quí đầu lòng của mình, nỗi đau xót đó mãi theo chúng tôi đến cuối cuộc đời và đó chính là cái giá cho sự Tự Do mà chúng tôi đã chọn.

Hiện nay chúng tôi đang định cư tại Úc Đại Lơi, một quốc gia đầy lòng nhân ái, người dân ở đây đã mở rộng vòng tay yêu thương đón nhận và cưu mang gia đình chúng tôi trong suốt 28 năm qua và còn tiếp tục cho đến đời các con cháu của chúng tôi nữa. Không một lời nào đủ để diễn tả tấm lòng biết ơn sâu xa của gia đình chúng tôi đến với chính phủ và toàn thể nhân dân của đất nước này. Chúng tôi nguyện ghi khắc ơn sâu nghĩa nặng cho đến muôn đời.

Lý Tuyết Lê

Người kể chuyện (tác giả của bài viết này) rất mong mỏi tìm kiếm, liên lạc được với các vị ân nhân đã từng cứu sống cô và gia đình cùng với rất nhiều người vượt biển khác. Vậy kính xin quý vị nào làm việc hoặc quen biết với những ai làm việc trong bộ Quốc Phòng hoặc Hải Quân Hoa Kỳ có được chi tiết của vị Tham Mưu Trưởng của Đệ Thất Hạm Đội (Chief of Staff for Commander SEVENTH Fleet) ông W. Lewis Chatham, vị Hạm Trưởng (Commanding Officer) ông John D. Chamberlain, và các thuỷ thủ đoàn trên chiếc Soái Hạm (Command Ship) USS Blue Ridge LCC19 đặc biệt là anh đầu bếp Clinton A. Eastwood và anh Robin (tất cả những người này đã làm việc trên tàu này trong khoảng thời gian 1980-1982) xin vui lòng gởi về đia chỉ email: tlblueangel@gmail.com
Xin đa tạ!



Dưới đây là bản tóm tắt cuộc hải trình lên đênh trên biển 26 ngày phong ba, bảo táp, đói khát, chết chóc, ... do chính những người sống sót được chiếc Soái Hạm Blue Ridge LCC19 cứu vớt kể lại bằng Anh ngữ. Chắc hẳn quý vị cũng phải hiểu rằng họ mới được cứu sống, chưa hoàn hồn và vẫn còn đang sống trong nổi kinh hoàng, trong nổi đớn đau, mất mát người thân, ... và tuy được sự giúp đở của thủy thủ đoàn về một số từ ngữ nhưng vốn liếng tiếng Anh của họ rất là it ỏi, hơn nữa lại được viết theo lối nói và cách suy nghĩ của người Việt Nam chúng ta (nghĩ sao nói vậy), do đó lổi chính ta, văn phạm rất nhiều (nhưng viết được như vậy là khá lắm rồi). Cho nên khi đọc bài này, những người mà Anh văn là ngôn ngữ chính thì sẽ “điên đầu”, nhưng những người lớn (thuộc thế hệ thứ nhất) thì hiểu ngay.

Trong cuốn sổ hải trình của chiếc Soái Hạm Blue Ridge LCC19 cũng có đề cập chuyện cứu vớt chuyến tàu vượt biển kể trên,

Blue Ridge LCC-19 Naval Cruise Book
http://www.e-yearbook.com/yearbooks/Blue_Ridge_LCC_19_Cruise_Book/1986/Page_69.html

Nắm cho vững ! Bám cho chặt !

Nắm cho vững ! Bám cho chặt !

Nắm đây là nắm các vấn đề cho vững.
Bám đây là bám cho chặt những nhân vật cần bám.
Cuộc đấu tranh của các chiến sỹ dân chủ và của toàn dân ta cho quyền sống dân tộc đang ở một thời điểm rất thuận lợi.
Nhóm lãnh đạo - 15 nhân vật trong bộ chính trị đảng CS - đang tự phơi bày nhiều sai lầm cực kỳ nghiêm trọng tai hại cho đất nước. Họ đang bối rối, nao núng, tiến lui đều khó.
3 sai lầm nghiêm trọng nhất đang làm xôn xao công luận trong và ngoài nước là họ đã theo yêu cầu trịch thượng của nhóm lãnh đạo cộng sản Trung quốc mở toang cửa cho các công ty và công nhân Trung Cộng ồ ạt nhập vào vùng Tây nguyên nước ta khai thác quặng bôxít theo quy mô lớn, bất chấp can ngăn, cảnh báo của nhiều trí thức, nhà khoa học, nhà văn hoá, nhân sỹ tiêu biểu về sự tàn phá môi trường tự nhiên, môi trường xã hội - văn hoá - an ninh và môi trường sống.
Ðám đầu tôm CSVN đã nhân nhượng trong các cuộc thương lượng với Bắc kinh, để mất một số vùng đất có giá trị lịch sử - văn hóa - du lịch, một vùng biển quốc gia rộng và có nguy cơ để mất tiếp những quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vốn thuộc nước ta từ xa xưa.
Họ cũng đã nuốt lời hứa "kiên quyết và khẩn trương chống quốc nạn lãng phí và tham nhũng", coi đó là những tên giặc nội xâm, nuốt lời cam kết sớm xét xử công khai, đúng luật 10 vụ án trọng điểm; vụ án số 1 là vụ PMU 18, kéo dài đã hơn 3 năm; vụ án lớn mới nhất là vụ án ăn hối lộ của công ty Nhật bản PCI, bị đánh tráo bằng một vụ án khác, với thủ đoạn "tạm giam 2 bị cáo trong 4 tháng" và trò "khám kỹ nhà ở" của bị cáo chính là Huỳnh Ngọc Sỹ, sau gần 6 tháng thả lỏng !
Tháng 5 tới Quốc hội Hànội họp phiên họp hàng năm, Xuân, Thu nhị kỳ. Cuộc họp sẽ kéo dài chừng 1 tháng. Đây là dịp để nhân dân và công luận vào cuộc. Bà con ta hãy chuẩn bị đàng hoàng.
Chúng ta không hy vọng gì Quốc hội độc đảng có thể có những nghị quyết có lợi cho quyền sống tự do của dân chúng; nhưng chúng ta coi cuộc họp này của quốc hội là dịp để nhân dân ta theo dõi đánh giá các đại biểu quốc hội và quan sát xem cái lũ bạo quyền trả lời ra sao, xử sự ra sao về những hồ sơ đã để ngỏ.
Họ từng long trọng cam kết coi quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, từng "biểu diễn" màn thủ tướng và các bộ trưởng trả lời mọi chất vấn của các đại biểu quốc hội. Để xem !
Ở các nước có truyền thống dân chủ, trước và sau mỗi cuộc họp quốc hội, các đại biểu quốc hội đều tiếp xúc nhiều lần với cử tri ở cơ sở tỉnh, huyện, đơn vị bầu cử ...để tiếp nhận những ý kiến, đề nghị, chất vấn để mang đến cuộc họp rồi trở về báo cáo lại tường tận kết quả cho cử tri.
Vậy tháng 5 này, mong rằng cử tri nước ta hãy nắm cho thật chắc 3 vấn đề lớn trên đây và bám chặt từng đại biểu quốc hội, yêu cầu họ chất vấn và kiến nghị với những nhân vật cầm quyền, đòi hỏi những người này trả lời, giải đáp cho rõ ràng, minh bạch những băn khoăn vướng mắc của người dân.
Người dân có trách nhiệm với quê hương đất nước hãy đặt ra cho quốc hội và chính quyền hàng loạt câu hỏi nóng bỏng sau đây :
1-/ về khai thác quặng bôxít: - tại sao chưa họp cán bộ khoa học để xem xét đầy đủ mọi ý kiến như chính quyền đã hứa mà đã huy động máy móc san bằng hằng trăm héc-ta và cho hàng ngàn công nhân nước ngoài vào nước ta ? Sao lại vội vã, hấp tấp, đảo lộn trình tự như thế ?
- Tại sao lao động ta thất nghiệp nhiều mà lại đưa nhiều công nhân nước ngoài vào những vùng Quảng Ninh, Lâm đồng, Bình thuận...
- Tây nguyên được coi là nóc nhà của Việt nam, "bụi đỏ" và "bùn đỏ" sẽ có nguy cơ ra sao đối với môi trường tự nhiên và đời sống nhân dân ở Tây nguyên và vùng lân cận, chính phủ đã cân nhắc ra sao trước khi triển khai dự án ?
- Nhà nước đã có Luật Môi trường sao không thực hiện ? (*)
- sao không đưa "chủ trương lớn" này ra quốc hội thảo luận, thông qua ? sao chính phủ lại đã đề ra kế hoạch 2007-2015 và kế hoạch 2007-2020 khai thác Bôxít ?
- Có phải Trung Cộng đã đóng cửa hàng trăm mỏ bôxít ở Quảng Tây và Tứ Xuyên vì tai họa môi trường tự nhiên và nhiều bệnh lạ, nay lại yêu cầu ta khai thác bôxít nhằm cung cấp alumin cho nền công nghiệp quốc phòng Trung Cộng ?
- Có phải việc đấu thầu khai thác bôxít của các công ty quốc doanh Trung Cộng đã diễn ra với nhiều nhượng bộ dễ dãi của Tổng công ty Than và Khoáng sản Việt nam ? Chính phủ có chỉ đạo chặt chẽ việc này không ?
- Yêu cầu chất vấn thủ tướng, phó thủ tướng được giao thực hiện dự án bôxít, bộ trưởng kế hoạch - đầu tư, bộ trưởng tài nguyên - môi trường, bộ trưởng lao động, bộ trưởng văn hoá, bộ trưởng khoa học và công nghệ, chủ nhiệm uỷ ban dân tộc, tổng thanh tra chính phủ về phần trách nhiệm và ý kiến của mỗi người đối với dự án khai thác bôxít.
- Nay nếu như thấy rõ việc khai thác bôxít không có lợi về nhiều mặt, quốc hội và chính phủ có sẵn sàng có tinh thần trách nhiệm và ý chí từ bỏ dự án này hay không ?

2-/ Về mối quan hệ Việt - Trung: - yêu cầu đưa ra quốc hội thảo luận kỹ về nội dung các hiệp ước về biên giới trên bộ, về ranh giới và đánh cá chung trong Vịnh Bắc bộ, về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, về đăng ký vùng biển nội địa cho Liên Hợp quốc theo Luật Biển 1982.
- Tổ chức phiên điều trần, chất vấn kỹ lưỡng về các nội dung trên; cần nói rõ về việc công bố các bản đồ tỷ mỷ đi kèm các hiệp ước, lý giải rõ ràng về các điểm Cổng Nam quan, Bản Giốc, vùng núi Lão Sơn, điểm nối đường sắt 2 nước gần Đồng Đăng, bãi Tục Lâm ở Quảng Ninh...

3-/ Về lời hứa "kiên quyết, khẩn trương" chống lãng phí tham nhũng như chống giặc :
- Tại sao vụ PMU 18 sau hơn 3 năm vẫn còn dở dang, đến bao giờ mới kết thúc ?
- Tại sao vụ PCI gần đây đã được thay bằng một vụ án hoàn toàn khác nội dung, tính chất và tên gọi ? bị cáo Huỳnh Ngọc Sỹ có phạm tội ăn hối lộ 2 triệu 6 đôla của công ty PCI như phía Nhật bản tố cáo hay không ? sao lại để 5 tháng sau khi phát hiện mới khám nhà và tạm giam ? sao đến nay vẫn chưa công bố kết quả điều tra sơ bộ ? vậy là phía Nhật đã bịa đặt, dựng chuyện và vu cáo việc quan chức Việt nam ăn hối lộ ? Còn những vụ án khác trong 10 vụ án tham nhũng trọng điểm mà thủ tướng từng hẹn giải quyết sớm, sao vẫn còn bùng nhùng kéo dài ? Lòng dân sao yên được khi phép nước bị coi thường, luật pháp không nghiêm, người lãnh đạo hứa mà không làm, lại đi bênh che kẻ có tội. Người cầm quyền phải ngay thật, kiên quyết chống tham nhũng, xử đúng luật, đúng tội, sớm xử công khai 10 vụ án trọng điểm không lần lữa, không bênh che.

Bà con cử tri ta, từ các bậc lão thành đến các bạn trẻ 18 tuổi cầm lá phiếu lần đầu, hãy nắm cho chắc các vấn đề nóng bỏng trên đây, hãy viết thư và trực tiếp gặp rồi bám chắc từng đại biểu, yêu cầu các đại biểu quốc hội nơi mình làm việc, cư ngụ, chuẩn bị cho kỹ kỳ họp tháng 5 này, để cho 3 vấn đề nóng bỏng của đất nước như trình bày trên đây nổi bật lên, buộc nhóm cầm quyền phải công khai đối thoại và trả lời, trình bày và giải thích.
Các nhà báo ở trung ương, ở các địa phương hãy viết nhiều bài báo thông tin, điều tra, phóng sự, phỏng vấn... về các chủ đề trên đây, hướng dẫn dư luận, phơi bày những chủ trương hấp tấp, vội vã có hại đến cuộc sống làm ăn, đến an ninh và sức khoẻ, tính mạng của nhân dân.
Hãy nhân dịp này nêu bật tình trạng phi lý là vì sao Mặt trận Tổ quốc, Bộ tư lệnh Hải quân kêu gọi mọi tấm lòng yêu nước, nhất là tuổi trẻ đứng thẳng dậy, công khai khẳng định chủ quyền nước ta trên vùng biển, vùng đảo quê hương, vì sao Ban Tuyên giáo trung ương đảng mở cuộc thi tìm hiểu về chủ quyền nước ta trên Biển và Đảo nước nhà, mà lại đồng thời giữ trong tù nhà báo Nguyễn Văn Hải - Điếu Cày và cô Phạm Thanh Nghiên là 2 thanh niên tiêu biểu cho lòng yêu nước, chỉ có " tội "(!) là từng tham gia biểu tình ôn hoà trước toà lãnh sự Trung quốc với biểu ngữ : "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam". Cô Nghiên còn vào tận Thanh hoá tìm gặp những gia đình bà con đánh cá bị tàu Trung Cô5ng giết hại để điều tra, an ủi, giúp đỡ. Một tấm lòng vàng đáng là gương sáng thức tỉnh những kẻ cầm quyền mê muội.
Trên tinh thần ấy, hãy ghi công anh Lê Chí Quang, người đã viết bài "Hãy cảnh giác với Bắc triều" từ rất sớm để rồi bị tù rất phi lý. Hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân còn đi trước lời kêu gọi của Mặt Trận Tổ quốc và của Ban Tuyên giáo trung ương khi bênh vực chủ quyền nước ta trên biển và đảo quê hương, vậy lẽ gì mà Ban thường trực trung ương Mặt Trận và Ban Tuyên giáo không đòi trả tự do ngay cho 2 trí thức trẻ đầy lòng yêu nước, yêu biển, yêu đảo này, và trao cho 2 tấm lòng kiên trung ấy những phần thưởng xứng đáng.
Đây cũng là những chuyện mà cử tri nước ta xin chớ quên trong các cuộc tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội và cử tri trong thời gian sắp đến, chuẩn bị cho cuộc họp quốc hội tháng 5 - 2009 này.
Tha thiết mong rằng khẩu hiệu "Nắm cho chắc, bám cho chặt" là một sáng kiến hành động mang tính tiến công trong nhiều sáng kiến của những tấm lòng khắc khoải với vận mệnh dân tộc Việt nam ta lúc này.

Người thu thập sáng kiến.

Tâm Thư Muốn Bày Tỏ: Viết Cho Bạn

Kính thưa quý chú bác anh chị.

Xin thành thật cảm ơn quý chú bác anh chị đã chuyển và ủng hộ bức thư "Viết cho bạn VN đói nghèo, thất thế". Chung quy đây cũng chỉ là lời tâm tình bộc trực.

Thường thì người ta sợ kẻ khác đánh giá mình là ham sanh úy tử, xem trọng đời sống vật chất hơn tinh thần. Bởi sự sợ hãi này mà nhiều người trong chúng ta không nhìn thẳng sự thật. Những kẻ quay lưng lại với chính nghĩa, không góp tay chống Cộng, những tay nằm vùng, lợi dụng điểm yếu này mà dè bỉu chúng ta. Sự thật là mỗi người trong lòng chúng ta đểu có một tấm lòng cho đồng bào, quê hương, dân tộc, nhưng cũng mang một bản ngã vị kỷ cho cá nhân, gia đình. Sự thật là chúng ta đều xem trọng tình yêu dành cho người khác, nhưng cũng yêu mình và cũng rất cần nhu cầu vật chất.

Người thực sự vì kẻ khác 100%, người không đấu tranh vì ánh sáng, vì danh dự, quyền lợi bản thân không phải là không có, nhưng bậc siêu nhân, thánh nhân ấy rất hiếm hoi. Chúng ta không được như bậc thánh nhân này, nhưng vẫn còn thiện chí, vẫn làm điều phải trong khả năng và hoàn cảnh của mình. Sống như các chú bác, nửa đời đổ mồ hôi, xương máu cho đất nước, cuối đời còn mang tâm huyết, tinh thần lo nghĩ cho đồng bào thì đã là sống trọn vẹn đạo làm người lắm rồi.

Nếu 90% người Việt trong nước có được hiểu biết, suy nghĩ và tinh thần của chú bác, hay của dân Đức, dân Nhật, dân Anh, dân Mỹ thì VC đã dẹp tiệm từ lâu.

VC còn nắm quyền được là vì có quá nhiều người trong nước bạc nhược hay thiếu hiểu biết. Các chú bác có tinh thần mà lăn xả về VN đấu tranh thì cũng là "một con én không làm được mùa xuân" (nhiều vị đã về rồi mà mùa Xuân của đất nước vẫn chưa trở lại). Người trong nước thì thêm vế sau cho câu ngạn ngữ "một con én không làm được mùa xuân" là "nhưng hai con én thì làm cũng được... nửa lít đế". Cách đây 25 năm, trong nước còn có rzanh ngôn: "Đế quốc nào ta cũng đánh bại, đế quốc Pháp, đế quốc Mỹ, chỉ thua có đế... quốc doanh".

Từ ngày VC vô thì quán nhậu mọc lên như nấm, người chết vì nước thì ít mà kẻ chết vì rượu thi nhiều. Có lẽ đó là một trong những quốc sách của VC nhằm ngu dân hóa. Việc gì mà CS không cấm được, họ cấm sách báo, cấm dân trau giồi tư tưởng, nhưng lại không hạn chế nhậu nhẹt. Sự bạc nhược, thiếu hiểu biêt của người dân cũng là lý do mà CS Trung Cộng, VN, Bắc Hàn và Cu Ba còn tồn tại, trong khi CS Đông Âu sụp đổ. Dân trí của Âu châu khác với dân trí của 4 nước CS còn lại. Tuy có nhiều nguyên nhân, như vị trí địa lý, tình trạng kinh tế, hoàn cảnh lịch sử, nhưng nếu chỉ quy lại hai chữ cho lý do VC còn tồn tại, Hoàng xin cho hai chữ ấy là "Dân Thức".

Bức thư "Viết cho bạn VN đói nghèo, thất thế" dựa theo tích Lưu Bình, Dương Lễ. Không thể chỉ chửi đám VC lưu manh mà không trách kẻ bạc nhược, mặc dù làm như vậy có thể bị hiểu lầm. Đó cũng là lý do Hoàng gi rõ là không đại diện cho ai hết.

Nguyễn văn Hoàng

TỰ DO PHẢI TRẢ BẰNG MÁU CHỚ KHÔNG THỂ TRẢ BẰNG NƯỚC BỌT !

• TỰ DO PHẢI TRẢ BẰNG MÁU CHỚ KHÔNG THỂ TRẢ BẰNG NƯỚC BỌT!

Ðừng vội bàn chi đến những việc cao xa như tự do, dân chủ, nhân quyền, hiến pháp hay tam quyền phân lập,chúng ta cứ lấy một ví dụ thật đơn giản như sau:
Giả sử một gia đình đang sống hạnh phúc trong một căn nhà. Một hôm họ bị bọn cướp đến cướp nhà và tống cổ họ ra ngoài đường. Bây giờ gia đình ấy muốn đòi lại căn nhà đã bị cướp thì họ phải làm cách nào? Có những cách sau đây:

1. Quỳ lạy, năn nỉ bọn cướp, xin bọn chúng động lòng từ bi hỷ xả mà trả lại căn nhà cho họ.

2. Dùng biện pháp "thương lượng", đến để thuyết phục, khuyên nhủ bọn cướp trả lại nhà cho họ.

3. Vận động hàng xóm lên tiếng nói, gây áp lực khiến bọn cướp phải trả lại nhà.

4. Ðấu tranh bằng những hành động cụ thể, mạnh hay yếu tùy thời cơ, tùy trường hợp để lấn chiếm, giành lại căn nhà từng phần rồi tiến đến giành lại toàn bộ tài sản đã bị cướp.

Phương pháp 1 và 2 là cạm bẫy của bọn việt gian cộng sản, thông qua các tổ chức đấu tranh cuội trong và ngoài nước để lèo lái phong trào đấu tranh của chúng ta đi xuống hố. Những cạm bẫy này thường mang những mỹ từ nghe rất kêu, rất cao đẹp, chẳng hạn như: - cách mạng nhung; đấu tranh ôn hòa, bất bạo động trong khuôn khổ tôn trọng luật pháp ..v..v..

Ðấu tranh mà quỳ lạy, năn nỉ, van xin hay thương lượng là đấu tranh ngu! Không thể gọi đó là "đấu tranh" được! Bên cạnh củ cà rốt, chúng ta phải có cây gậy. Nếu nói lời phải trái không nghe thì chúng ta đập! Ðã gọi là bọn cướp rồi thì chúng làm gì có lương tâm, có lòng từ bi hỷ xả mà van xin, năn nỉ? Ðặc biệt đây là băng đảng cướp có tầm vóc quốc tế gồm hơn ba triệu tên chớ không phải là một vài tên cướp cạn, chuyên đi giựt bóp, giựt đồng hồ ở ngoài chợ! Bọn chúng là bọn cướp nước, đã cướp hàng chục triệu căn nhà của chúng ta và bắt cầm tù hơn 80 triệu dân từ hơn 60 năm nay. Với số tài sản đã cướp, với tài nguyên thiên nhiên sẵn có và với hơn 80 triệu nô lệ thì đây là một cái mỏ vàng có thể khai thác hầu như vô tận, không bao giờ cạn! Từ thế hệ ông cố nội năm 1945 cho đến thế hệ cháu chắt sau này đều phải được sinh ra để làm nô lệ, nuôi báo cô bọn cướp! Cứ thế mà đảng cướp bóp cổ, khai thác "mỏ vàng"! Tài nguyên thiên nhiên thì cũng có thể gọi là vô tận vì cây rừng chặt phá đem bán thì lứa cây khác lại mọc lên, dầu thô dưới biển có thể khai thác cho đến khi trái đất đến ngày tận thế!

Có khi nào bọn cướp tình nguyện trả lại tài sản cho chúng ta không? Ðây là điều hoang tưởng, chỉ có những người bị bệnh tâm thần mới tin tưởng như vậy! Cái đám dân chủ cuội ma trơi đang cấy con chíp điện tử HOANG TƯỞNG đó vào đầu óc của những người ngây thơ về chính trị!

Ðấu tranh chính trị, trong hoàn cảnh đất nước ta, không thể là hình thức đấu tranh "con khóc mẹ cho bú". Ðứa bé nó khóc, nó giận lẫy, nó áp lực người mẹ phải chiều nó vì nó biết chắc người mẹ thương nó. Trong khi đó, mối quan hệ giữa 85 triệu dân và đảng việt gian cộng sản là mối quan hệ giữa CHỦ NÔ và NÔ LỆ. Hai mối quan hệ này rất khác xa. Và xin đừng nhầm lẫn với mối quan hệ giữa người dân và chính quyền ở các nước dân chủ, ví dụ như tại nước Mỹ hoặc Canada. Người dân tại hai quốc gia này là những người có thực quyền. Một khi họ bất mãn, lên tiếng nói thì BẮT BUỘC chính quyền phải lắng nghe. Nếu không nghe thì a lê hấp, họ sẽ dùng lá phiếu của họ để truất phế!

Do đó, trong hoàn cảnh đất nước ta hiện nay, muốn giành lại tự do thì phải đổ mồ hôi và xương máu. Ðổ máu nhiều hay ít thì tùy tình hình và thời cơ nhưng chắc chắn là phải có đổ máu. TỰ DO không bao giờ khơi khơi từ trên trời rớt xuống cho chúng ta được hưởng. Và chắc chắn là không bao giờ chúng ta giành được tự do nhờ ... nước bọt, hơặc nhờ họp hội nghị Tiểu Diên Hồng. Tự do cũng không bao giờ có nhờ những bản Tuyên ngôn hay Tuyên cáo. Bọn việt gian cộng sản không sợ những thứ đó. Bọn chúng chỉ sợ những hành động cụ thể của chúng ta đánh đúng điểm, đúng huyệt và sợ những phong trào hành động nhất loạt của quần chúng, đấu tranh một cách có hiệu quả và đúng phương pháp. Ví dụ như những cuộc đấu tranh của giáo dân Hà Nội, Thái Hà, đòi lại đất, đòi lại tòa Khâm Sứ. Tuy bọn cướp tạm thời "chiến thắng" nhưng không có nghĩa là phong trào đấu tranh sẽ dừng lại tại đó mà nó sẽ tiếp tục bùng lên vào những dịp khác dưới nhiều hình thức khác nhau. Từng người trong chúng ta phải tích cực xắn tay áo mà có những HÀNH ÐỘNG cụ thể, đánh đổi máu của chúng ta lấy hai chữ TỰ DO. Một khi có tự do thì chúng ta sẽ có tất cả, cũng ví như khi chúng ta đã lấy lại được căn nhà thì chúng ta có thể tân trang, sửa chữa lại tất cả theo ý chúng ta mong muốn.

Chúng ta hãy nhìn tấm gương của những người dân oan đấu tranh đòi lại nhà đất. Hàng núi đơn từ đã được gởi đi, kể cả gởi ra nước ngoài để nhờ quốc tế can thiệp. Ðó là đấu tranh về mặt pháp lý. Mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, trong sự uất ức tột cùng, nhiều người đã dám đổ xăng lên người để tự thiêu, nhiều người đã dám chửi thẳng vào mặt bọn công an ngay trước họng súng của bọn chúng, và có những người đã dám tụt quần, cởi truồng 100% trước những trụ sở trung ương của bọn việt gian cộng sản, kêu réo tên những thằng lãnh đạo cao nhất ra mà chửi. Họ có sợ chết đâu và nhiều người đã bị công an đánh đổ máu và đi tù! Họ đã đấu tranh bằng những hành động cụ thể, bằng máu và nước mắt. Vậy mà bọn cướp vẫn chưa hề nhân nhượng một chút xíu nào thì thử hỏi cái đường lối đấu tranh bằng nước bọt, đấu tranh bằng "tiểu diên hồng", đấu tranh "hòa bình, bất bạo động"; nói tóm gọn là đấu tranh bằng "VAN XIN" thì sẽ làm được cơm cháo gì ?

Trước hết chúng ta thấy nhóm chữ (việt cộng gọi là "cụm từ"!) "dân chủ hóa đất nước" là không ổn. Sự lừa bịp, trí trá, lươn lẹo về chữ nghĩa nằm ngay ở đây!

Trong tiếng Việt của chúng ta, khi chúng ta dùng chữ "hóa", một dạng như một tiếp vĩ ngữ (suffix) thì có nghĩa là một vấn đề gì đó được nâng lên một bình diện cao hơn, tổng quát hơn. Ví dụ như:

- Việt Nam hóa chiến tranh: Khối đồng minh gồm các nước như Mỹ, Úc, Nam Triều Tiên, Tân Tây Lan, Thái Lan cùng với Việt Nam Cộng Hòa chống cộng nhưng sau này thì khối đồng minh rút lui để một mình VNCH đảm nhận cuộc chiến, tất cả đều do người Việt Nam.

- Khái quát hóa vấn đề: một vấn đề gì đó chỉ được mô tả trong một phạm vi hạn hẹp, ví dụ những hòa đồng giữa những cá nhân trong một gia đình, bây giờ chúng ta khái quát hóa vấn đề, nâng lên ở một phạm vi lớn hơn là sự hòa đồng giữa những cá nhân hay những nhóm người trong xã hội.

Như vậy, khi chúng ta dùng tiếp vĩ ngữ "hóa" là chúng ta nâng một vấn đề gì lên một bình diện ở mức độ cao hơn, tổng quát hơn, trên căn bản một vấn đề gì ÐÃ CÓ SẴN. Nhóm chữ "dân chủ hóa" đất nước có nghĩa là trong đất nước đã có sẵn một phần nào "dân chủ", bây giờ cần phải thực hiện dân chủ toàn diện trên toàn đất nước! Tức là cái chế độ của bọn việt gian cộng sản nó đã có sẵn cái mầm mống "tốt" rồi,(ví dụ là 5%) bây giờ chỉ cần phát huy cái hạt nhân tốt đó lên 100% cho toàn dân được nhờ! Ðiều này có nghĩa là không cần phải hủy diệt cái chế độ cộng sản mà chỉ cần canh tân, tân trang và sửa ... sắc đẹp thì Thị Nở sẽ biến thành .... hoa hậu thế giới! Ðiều này có nghĩa là vẫn cứ duy trì đảng cộng sản, cứ để cho nó được tiếp tục sinh hoạt và tồn tại! Và điều này cũng có nghĩa là tất cả bọn cướp và những tài sản của bọn cướp vẫn phải được duy trì và tồn tại!

Cái điểm lưu manh, lừa bịp mấu chốt nó nằm ngay trong ba chữ "DÂN CHỦ HÓA"!

Ðây là một hình thức kêu gọi "hòa hợp hòa giải" trá hình, nghĩa là cả hai phe quốc gia và cộng sản cùng tồn tại, cùng chia nhau quyền hành để cùng lãnh đạo đất nước! Nếu chúng ta nhốt chung hai con rắn hổ mang và con thỏ vào chung một chuồng để cả hai cùng "sống chung hòa bình" thì kết quả sẽ ra sao nhỉ!!!???

Trần Thanh

Nghề Làm Ngân Hàng Của Thụy Sĩ

Nghề Làm Ngân Hàng Của Thụy Sĩ

Ở đây cũng nên nói qua về nưóc Thụy Sĩ và về cái nghề làm ngân hàng của người Thụy Sĩ thì vấn đề mới thông được.

Thụy Sĩ là một nước nhỏ nằm gọn giữa Tây Âu, diện tích 41.210 km2, dân số 7,7 triệu, nửa tin lành, nửa là công giáo, sống nếp sống văn minh và truyền thống Thiên Chúa Giáo. Người Thụy Sĩ hãnh diện được cung cấp cho Vatican một đội binh sĩ để bảo vệ các cung điện của Tòa Thánh. Là một nước nhỏ, nhưng Thụy Sĩ lại là một quốc gia phát triển được kể là đứng hàng đầu trên thế giới với tổng sản lượng nội địa (GDP năm 2008) là 313.173 billion US dollars (thứ 6 chỉ sau Luxemburg, Norway, Qatar, Iceland và Ireland), và lợi tức trung bình đầu người (GDP per capita) là 42.840 US dollars. Thụy Sĩ phát triển đồng đều trên mọi lãnh vực. Nhiều sản phẩm nổi tiếng của Thụy Sĩ rất quen thuộc với người Việt Nam như đồng hồ đeo tay, sữa đặc có đường hiệu Nestlé v.v. Nhưng cái nghề nổi tiếng nhất của người Thụy Sĩ, và cũng là nghề hái ra bạc nhất của họ là nghề làm ngân hàng. Người ta ước lượng có tới 1/3 số tiền trên thế giới mà giới tài chánh gọi là offshore funds (tức là đồng bạc đi chu du ngoài lãnh thổ quốc gia của nó) phiêu bạt chán rồi tới nằm nghỉ dài hạn tại các ngân hàng của Thụy Sĩ. Năm 2007 con số này lên tới khoảng 6.7 trillion Franc Thụy Sĩ hay 5.7 trillion US dollars. Cách đây 3 năm, nước Thụy Sĩ đã có tới 408 ngân hàng lớn nhỏ hoạt động hợp pháp. Các ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ là Union Bank of Switzerland (UBS) và Credit Suisse (Thụy Sĩ Tín Dụng). Hai ngân hàng này đã nuốt trên 50% tổng số các ngân khoản ký thác tại Thụy Sĩ. UBS được thành lập năm 1862 nhưng chỉ chính thức mang tên này năm 1998 khi nó sát nhập với ngân hàng Swiss Bank Corporation. UBS có trụ sở chính tại Zurich và Basel . Nó có khoảng 81,600 nhân viên và xử dụng 7 văn phòng chính trên khắp thế giới (4 tại Mỹ, London, Tokyo và HongKong mỗi nơi có 1) và các chi nhánh trên 5 lục địa. Năm 2005, nó đã cung ứng một khối lượng trên 100 billion dollars cho thị trường tiền tệ thế giới và đã thu được một số lãi thực (net profit) là 7.2 billion dollars.

Các ngân hàng Thụy Sĩ có các đặc tính là ổn định (stability), riêng tư (privacy), tài sản và thông tin về thân chủ được bảo vệ (protection of clients’ assets and information) chu đáo. Ngoài ra Thụy Sĩ là một quốc gia trung lập, rất ổn định về chính trị cũng như kinh tế nên dễ trở thành tổ ấm cho các đồng tiền offshore ngoại quốc sau khi chúng đã chán cuộc đời lênh đênh không bờ bến.

Sở dĩ ngân hàng Thụy Sĩ hấp dẫn và các hoạt động của nó lâu nay được coi là uy tín nhất là vì nó bảo vệ tối đa quyền riêng tư (privacy) và quyền giữ bí mật (secrecy) cho các thân chủ. Hơn nữa, tại Thụy Sĩ người ta còn lập ra cả một Ủy Ban Ngân Hàng Liên Bang (Federal Banking Commision FBC) để giám sát việc làm ăn của các ngân hàng.

Trở về với việc Obama chĩa mũi dùi vào ngân hàng UBS của Thụy Sĩ. Cũng dễ hiểu thôi vì thứ nhất, Thụy Sĩ mới là nơi cất giấu tiền kín đáo, bảo đảm, và nổi tiếng trên thế giới. Và thứ hai là vì tư thế bá quyền của ngân hàng UBS ở trong nước (ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ). Obama áp dụng chiến thuật đánh rắn phải đánh đầu. Đúng lắm, nhưng ông ta đánh đấm kiểu đó chẳng ra cái trò trống gì cả. Giá như Bush làm thì có lẽ đã khác. Khỏi cần phải nói năng gì hết, ông ta chỉ cần liên minh với các nước Anh, Pháp, Đức, Ý đổ quân vào mở các két sắt của Thụy Sĩ là biết có tiền của bọn xấu cất giấu trong đó hay không ngay thôi. Các nước kia cũng đang muốn biết kia mà. Bush tấn công Irak đâu cần phải báo trước. Nói là Irak có vũ khí giết người hàng loạt nhưng đâu cần phải có thiệt. Phải thế thì bọn khủng bố mới kinh hồn khiếp vía. Lý của kẻ mạnh luôn luôn là cái lý tất thắng, không phải sao. Bọn Tầu cộng dem quân chiếm hết luôn biển Nam Hải, thế giới im re, có thằng chó nào dám hé môi đâu. UBS chắc chắn có cất giấu tiền bạc của rất nhiều tên bất lương trên thế giới. Nhưng Obama vừa đánh lại vừa run. Ông ta không có cái liều và đởm lược của Bush.

Cái Vựa Chứa Tội Ác

Như đã trình bầy ở trên, Thụy Sĩ là một quốc gia phát triễn hàng đầu và giầu có vào bậc nhất nhì thế giới. Ít người để ý rằng Thụy Sĩ còn là cái nôi dân chủ của Tây phương, nói không sai, cũng là của thế giới nữa. Nhưng lại càng không mấy người quan tâm đến chuyện quốc gia này lại cũng là cái “VỰA” chứa tội ác rất đáng ghê tởm của nhân loại. Nếu không có chuyện suy thoái kinh tế thế giới hiện nay, và nếu không có chuyện cãi vã ỏm tỏi tại cuộc họp G20 cấp bộ trưởng tại Luôn Đôn thì người viết đã không để tâm đem chuyện đất nước Thụy Sĩ với đầy dẫy thơ mộng và mơ ước ra mà nghị luận. Vậy xin nói qua về cái nôi dân chủ Thụy Sĩ trước.

Người ta vẫn thường gọi nền dân chủ của Thụy Sĩ là Dân Chủ Trực Tiếp (direct democracy). Cũng là kiểu dân chủ đại nghị (parliamentary democracy) thôi, nhưng trong nền dân chủ của Thụy Sĩ người dân còn được tham gia vào công việc làm luật bằng 2 cách khác nữa là phương thức trưng cầu dân ý toàn quốc (federal referendum) và phương thức đề xuất hiến định (constitutional initiative). Với 2 phương thức này, người dân Thụy Sĩ có thể trực tiếp tu chính Hiến Pháp hoặc làm đảo lộn một đạo luật đã được quốc hội thông qua. Ngoài ra, ở Thụy Sĩ các cộng đồng dân chúng cũng sống quần cư với nhau trong một khu vực thành từng làng, xã (commune) giống như ở Việt Nam ta. Nhiều quyết định có tính cách lập qui tại các làng xã được người dân trực tiếp tham gia bằng cách biểu quyết trong các cuộc họp làng. Nền dân chủ trực tiếp của Thụy Sĩ là như thế, và như thế Thụy Sĩ rất đáng được coi là cái nôi của cả nền dân chủ tại Âu Châu.

Nhưng thật rất đáng tiếc, ngay giữa lòng của nền dân chủ đáng ngưỡng mộ kia lại là cái vựa tội ác to lớn mang tính quốc tế. Tội ác này là lề lối làm ăn bất minh của các ngân hàng tỷ như tàng trữ, cất giấu tài sản cho những tên gian ác trên khắp thế giới. Những tài sản này là đủ mọi thứ quí giá và tiền bạc bất chánh như tiền ăn cướp, tiền ăn cắp, tiền lường gạt, tiền tham nhũng, tiền hối lộ, tiền mua gian bán lận v.v. mà chúng đã dùng quyền lực hoặc lưu manh ma giáo để cướp đoạt của người nghèo. (Xin được nói cho rõ, chúng tôi kể là tội ác việc các ngân hàng tự nguyện oa trữ, cất dấu tiền bạc cho các tên lãnh đạo tham nhũng ăn cướp được của người dân mà chúng cai trị như bọn lãnh đạo cộng sản VN chẳng hạn). Tôi không hiểu có luật pháp nào buộc ngân hàng phải tìm hiểu xuất xứ của nguồn tiền ký thác không. Nhưng ngân hàng không thể không biết được một cách tưong đối rõ ràng số tiền gởi từ đâu mà có. Một người gởi một vài ngàn trở xuống, số tiền này thường chẳng có gì đáng nghi ngờ. Nhưng nếu một người đem đến ngân hàng gởi một lúc mấy trăm ngàn, một vài triệu thì ngân hàng không thể không đặt dấu hỏi. Giả dụ thân chủ là người VN từ trong nước thì người này chắc chắn phải là cán bộ CS gộc hay bà con thân thích của hắn. Số tiền hắn gởi nhất quyết là tiền ăn cướp bóc lột của dân hoặc tham nhũng mà có thôi, không thể khác được. Anh là thằng vô sản mới ở trong rừng ra lại chẳng làm ăn buôn bán gì. Vậy thì tiền của anh từ đâu có mà nhiều thế. Là tiền ăn cướp, tham nhũng chứ còn gì nữa.

Ngân hàng là nơi giữ tiền. Giữ tiền bạc thôi thì đâu có phải là cái tội? Đúng thế, nhưng giữ tiền ăn cắp, tiền tham những, tiền bóc lột được từ người khác thì nhất định không phải là việc làm ăn lương thiện. Như ở phần đầu của bài viết chúng tôi đã đưa ra làm thí dụ, tiệm auto body shop cho để tạm một chiếc xe ăn cắp cũng đã có tội rồi. Một người vô tình mua phải chiếc cell phone lấy trộm thôi cũng khó thoát khỏi liên lụy trước pháp luật. Huống chi một ngân hàng chứa hàng tỷ, tỷ bạc tiền bất chánh lại không đáng kể là tội phạm sao? Người ta đều biết các ngân hàng Thụy Sĩ và một vài nơi khác làm ăn như thế, nhưng không ai cho rằng đó là việc làm bất chánh. Luật pháp quốc gia và cả luật pháp quốc tế không coi là tội phạm, và không hề truy tố bao giờ. Đây không phải là chuyện bất công và khó hiểu sao? Cho đến khi ông Obama nổi sùng tính lấy lại tiền của Mỹ gởi ở ngân hàng UBS đem về Mỹ thì người ta mới chịu tin rằng quả thật việc làm ăn của người Thụy Sĩ đã có điều gì không ổn. Điểm người viết xin lưu ý là việc ông Obama chỉ nhắm đến ngân hàng UBS cho thấy Thụy Sĩ đúng là nơi chúa đồ gian cấp quốc tế không còn nghi ngờ gì nữa. Cũng với một cảm nghĩ tương tự nên trong bài viết, chúng tôi thường nêu đối tượng tiêu biểu là ngân hàng UBS mà thôi.

Như trên đã nói, sở dĩ hoạt động của ngân hàng Thụy Sĩ lâu nay được cho là uy tín là vì nó bảo vệ tối đa quyền của thân chủ như quyền riêng tư (privacy), quyền giữ bí mật (secrecy) v.v.. Hơn nữa, tại Thụy Sĩ người ta còn lập ra cả một cơ quan gọi là Ủy Ban Ngân Hàng Liên Bang (Federal Banking Commision FBC) để giám sát việc làm ăn của các ngân hàng. Như thế thì ai dám bảo rằng các ngân hàng Thụy Sĩ làm bậy. Bề ngoài thì các ngân hàng của Thụy Sĩ làm ra vẻ con nhà lành như thế, nhưng bên trong nó đúng là một thứ điếm thúi. Nó lưu manh, gian xảo bằng nhiều mánh lới để chiêu dụ bọn gian tham quốc tế. Chẳng hạn, để bảo đảm tuyệt đối sự kín đáo cho các thân chủ, Thụy Sĩ bầy ra kế cho mở các trương mục vô danh (anonymous accounts), tên người gởi tiền được thay bằng một hàng các con số. Trương mục rủi có rơi vào tay kẻ xấu chúng cũng không thể biết được là của ai. Hoặc trong luật Banking Law of 1934 qui định việc trốn thuế (tax evasion) không phải là tội hình (criminal offence), mà chỉ là chuyện vi phạm dân sư (civil offence). Việc cho phép mở trương mục vô danh rõ ràng là để khuyến khích bọn lãnh đạo tham nhũng thế giới như lũ cán bộ VGCS chẳng hạn càng hăng say ăn bẩn hơn nữa. Còn việc luật pháp xếp tội trốn thuế thành vi phạm dân sư có mục đích dụ dỗ bọn tài phiệt tham lam vô độ trên thế giới, có thế thôi.

Phối Kiểm