mandag 17. november 2008

Một cuộc bầu cử Tổng Thống lịch sử.

Một cuộc bầu cử Tổng Thống lịch sử.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ và trong lịch sử các quốc gia da trắng trên thế giới một công dân da đen được bầu làm tổng thống. Dù chưa biết ông Obama có cứu vãn được nước Mỹ ra khỏi những cơn khủng hoảng trầm trọng của ngày hôm nay hay không nhưng cả thế giới đều phải công nhận một điều là dân tộc Mỹ vừa làm một việc lịch sử là cuộc cách mạng màu da. Vì nhu cầu và khát vọng thay đổi, muốn đất nước vươn lên dân tộc Mỹ đã không ngần ngại đứng trên mầu da bầu cho Obama. Chính cái tinh thần phóng khoáng, cởi mở dám tiên phong làm chuyện mới, dám thay đổi đã và sẽ tiếp tục giúp cho nước Mỹ vượt qua nhanh chóng những trở ngại cũng như tiến nhanh hơn các quốc gia khác trên thế giới. Đây là điểm son đặc thù của dân tộc Mỹ rất khác với các quốc gia Âu tây hay Á châu với lối tư duy bảo thủ sợ thay đổi. Và cũng chính nhờ tinh thần cách mạng dám thay đổi đó mà nước Mỹ đã nhanh chóng trở thành một cường quốc trên thế giới dẫu tuổi đời lập quốc của họ còn non trẻ so với những quốc gia khác trên thế giới.

Sau khi Obama thắng cử một nhà báo Pháp đã phải thốt một câu đáng để người dân Pháp suy nghĩ: “Biết đến bao giờ mới có hiện tượng Obama xảy ra ở xứ Pháp ?!”. Một câu hỏi mà chỉ có những ai sống ở Pháp và từng chứng kiến qua 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp (14 năm) mới hiểu nổi nỗi buồn chua chát trong câu nói trên, bởi vì ngoài chuyện dám bầu cho một người da đen làm tổng thống Pháp khó mà có thể xảy ra, từ hơn 30 năm nay những nhân vật ứng cử Tổng thống Pháp vẫn quanh quẩn đâu đó toàn là những khuôn mặt cũ xuất hiện nơi chính trường Pháp hàng chục năm khiến người dân chán ngấy. Cũng vì thế, rất khó xảy ra chuyện một nguời "vô danh tiểu tốt" như kiểu Obama bỗng 4 năm sau trở thành tổng thống Pháp mà không có bề dầy hàng chục năm trên chính trường Pháp như những cựu tổng thống Mitterand, Giscard D’estaing, Sarkozy, v.v...

Ngoài tinh thần cách mạng màu da mà dân tộc Mỹ thể hiện qua cuộc bầu cử vừa rồi, người dân thế giới còn rút tỉa được những bài học gì hay nơi cuộc bầu cử đó?

Thứ nhất, trong tất cả mọi cuộc tranh cử tổng thống xảy ra ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, tất cả những phe tranh cử đều dùng mọi thủ đoạn tốt lẫn xấu để lấy phiếu người dân. Những ứng cử viên thì tranh luận với nhau trên đường lối của đảng phái họ để tranh thủ giới trí thức. Còn ban vận động của họ cũng chẳng ngần ngại dùng những thủ đoạn tình cảm khơi lại những quá khứ không tốt đẹp của đối phương để lấy phiếu của những cử tri lười suy nghĩ. Chẳng hạn như qua cuộc bầu cử Mỹ vừa rồi, phe Obama gợi lại quá khứ của bà Palin, còn phe McCain thì đưa ra những câu hỏi về thân thế thời trẻ mập mờ của Obama là người theo đạo Hồi, một hình thức tuyên truyền khéo léo hướng người dân Mỹ liên tưởng đến những lo âu về khủng bố, v.v... Kết quả bầu cử cho thấy, những loại vận động khơi động cảm tính ưa ghét để lấy phiếu cử tri chỉ tác động trên một thiểu số trong dân chúng lười suy nghĩ mà thôi. Điều này chứng minh cho thế giới thấy trình độ dân trí nước Mỹ rất cao nên những kiểu vận động đó không ảnh hưởng được đại khối quần chúng Mỹ.

Điểm son khác trong cuộc bầu cử này là ngay sau khi biết mình thất cử, ông McCain đã không ngần ngại khen đối thủ mình tài ba và kêu gọi những ai ủng hộ mình hãy bắt tay hợp tác với Obama vì quyền lợi của nước Mỹ trên hết. Đây là điểm đặc thù của những quốc gia dân chủ có trình độ dân trí cao như ở Mỹ, Úc, v.v...

Nhìn chuyện bầu cử xảy ra nơi xứ ngưòi mà ngẫm tới chuyện đất nước VN mình. Ở một quốc gia bị chà đạp dân chủ như VN ngày hôm nay người dân chỉ có dám mơ đặt câu hỏi: “ Biết đến bao giờ một người dân thường Việt Nam không thuộc thành phần con cháu "Bác, Đảng" được ghi danh ứng cử Tổng Thống?”, chứ làm sao dám đặt câu hỏi như người dân Pháp là: “ Biết đến bao giờ hiện tượng Obama xảy ra ở Việt Nam?”. Chỉ nội qua sự kiện đặt câu hỏi khác nhau người ta hiểu ngay cái nền dân chủ tập trung của CSVN đứng ở bậc nào trên cái thang dân chủ toàn cầu!

Nam Dao ( Adelaide )

Ingen kommentarer: