tirsdag 11. oktober 2011
Bệnh Hình Thức
Bệnh Hình Thức.
Một trong những nét tính cách không được đẹp của người VN mình là bệnh hình thức, thói sĩ diện. Cái bệnh hình thức, thói sĩ diện này không loại trừ một ai-từ ông nhà nước nói chung cho đến các ông quan cụ thể, từ giới có chữ cho đến dân đen ít chữ; và ngày càng nặng, càng phát triển thành nhiều trò lố lăng.
Vào nhà một gia đình người Việt, nhìn chung cái phòng khách bao giờ cũng được trang hoàng đẹp đẽ nhất, bao nhiêu cái gì quý nhất, có giá trị nhất được chưng ra cho khách xem, trong khi đó có nhiều gia đình lại không để ý đến cái phòng ngủ, bếp và nhà cầu. Phòng khách thật đẹp, nhưng bếp, nhà cầu thì chật chội, thiếu vệ sinh. Khác với dân Mỹ, dân Tây, cái nhà trước hết là để tạo ra môi trường sống thoải mái cho chính chủ nhân cái đã, nên nhà bếp, nhà cầu và phòng ngủ rất được họ coi trọng, sau đó mới đến phòng khách.
Với đa số người Việt, vẫn còn phổ biến cái tâm lý trong nhà ăn/ở/mặc sao cũng được, nhưng ra đường thì phải đẹp, phải ra vẻ đàng hoàng, phong lưu. Cái bệnh này nói thật, ở người Hà Nội và người Bắc nói chung, dường như nặng hơn người Sài Gòn và người miền Nam. Người Sài Gòn và người miền Nam làm ra bao nhiêu ăn xài bằng hết, sướng cái miệng, sướng cái thân trước đã, còn người Hà Nội và người miền Bắc có thể nhịn mồm nhịn miệng để sắmcon xe thật xịn, sắm cái nhà thật to, đồ đạc trong nhà thật hoành tráng. Nhiều người Sài Gòn trung lưu vẫn có thể đi những chiếc xe gắn máy đời cũ, chứ dân Hà Nội mà có tiền một chút thì đừng hòng.
Bệnh hình thức của người Việt thể hiện rất rõ ở thói quen chuộng hàng ngoại (dù lắm mặt hàng nhiều khi chất lượng chưa chắc đã hơn hàng VN), hàng hiệu (kể cả hàng nhái, miễn là có cái thương hiệu nổi tiếng!). Chả trách nhiều mặt hàng như quần áo may sẵn, giày dép túi xách, hàng phụ trang người bán cứ hô lên là hàng Thái, Đài Loan, Hàn Quốc gì đó cho cao giá!
Thời kinh tế thị trường, khi một bộ phận dân Việt trở nên sung túc hơn thì càng có điều kiện xài hàng ngoại, hàng đắt tiền. Ai cũng ngạc nhiên khi một quốc gia vẫn thuộc vào loại nghèo trên thế giới, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 vào khoảng 1200 USD/năm, GDP quốc gia năm 2010 đạt 104,6 tỷ USD, vẫn thua kém so với các nước láng giềng trong khu vực như Philippines 189 tỷ USD, Malaysia 218,9 tỷ USD, Thái Lan 312, 6 tỷ USD. (Báo Tuổi Trẻ ngày 31.12.2010). Thế nhưng các mặt hàng như điện thoại di động, iPod, iPhone đời mới nhất, mỹ phẩm, hàng trang sức…đắt tiền cho đến những thương hiệu xe hơi sang trọng nhất thế giới đều có mặt tại VN.
Việc nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ, đặc biệt là các loại ô tô cao cấp, các sản phẩm công nghệ cao đắt tiền… theo các nhà chuyên môn, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhập siêu lớn của VN.
Chuộng hình thức bên ngoài, người Việt cũng có thói quen chuộng/trọng bằng cấp. Nền giáo dục của VN thiếu vắng hẳn một triết lý giáo dục. Đi học, với người VN, là để có mảnh bằng, ra làm ông này bà kia, làm “thầy” chứ không chịu làm thợ. Học không nổi thì tìm cách chạy chọt mua bằng, xài bằng giả …Đó là lý do vì sao ngày càng nhiều vị trí thức dỏm, các ông quan to quan nhỏ bị dư luận phanh phui mua bằng, xài bằng dỏm, bằng giả.
Ở VN nếu làm giám đốc, làm quan chức trong bộ máy chính quyền thì thể nào cũng phải có vài mảnh bằng vắt vai cho nó sang, thông thường là cái bằng B Anh Văn, bằng trung cấp/cao cấp chính trị cộng thêm bằng Cử nhân luật hoặc Cử nhân Kinh tế, Quản trị kinh doanh…ở một trường đại học mở /đại học dân lập nào đó. Và không hiếm người có bằng Phó Tiến Sĩ, Tiến sĩ ngành này ngành kia dù cả đời chưa bao giờ có một công trình nghiên cứu hoặc những bài viết chuyên sâu về nghề nghiệp trên các tạp chí chuyên môn. Hoặc được phong Phó Giáo Sư, Giáo Sư của Viện kia, Bộ nọ nhưng chưa bao giờ có khả năng đứng lớp để dạy dỗ ai! Nhiều người chua chát bảo, Tiến sĩ ở VN bây giờ nhiều và rẻ mạt, muốn có cái Tiến sĩ đâu có gì là khó, chỉ cần có tiền!
Mới đây nhất, là chuyện ông Trịnh Thanh Tùng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Phú Yên bị lộ ra chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng lại có bằng tại chức Trường ĐH ngành kinh tế và quản trị kinh doanh Đà Nẵng, hay Thứ trưởng bộ y tế Cao Minh Quang khai man có bằng Tiến sĩ Dược khoa v.v.
Không chỉ mua bằng ở trong nước, nhiều vị còn bỏ tiền để mua bằng ở những trường đại học dỏm ở nước ngoài mà báo chí đã từng nêu lên rất nhiều trường hợp. Như vụ hai ông Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao-Du lịch tỉnh Phú Thọ và ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó bí thư tỉnh uỷ Yên Bái bỏ tiền mua bằng Tiến sĩ dỏm từ một cơ sở giáo dục dỏm có tên là trường “Đại học” Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University). Ông Nguyễn Ngọc Ân, theo thông tin từ báo chí, không biết tiếng Anh, còn ông Nguyễn Văn Ngọc chỉ mất sáu tháng kể từ lúc ghi danh đến lúc nhận bằng!
Khi còn ở VN, không ít lần tôi nhận được những cái Cartes de Visite/Business Cards của người này người kia và cứ thấy buồn cười trong bụng. Phổ biến là Cartes de Visite phải in tiếng Anh hoặc in hai mặt, một mặt tiếng Việt, mặt kia tiếng Anh dù người đó cả đời chỉ làm việc với người VN ở những cơ quan VN. Nếu có học vị, học hàm Tiến Sĩ, Giáo Sư là phải khoe ra ngay. Nếu là Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân cũng ghi ra. Có người được gọi là Nhà giáo Ưu tú bèn dịch luôn ra tiếng Anh “Excellent Professor” cho thằng Tây thấy nó sợ chết khiếp! Có người trên danh thiếp ghi một lô một lốc nào là nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nghệ sĩ…Là hội viên của Hội nhà văn thành phố HCM, Hội Nhà văn VN, Hội điện ảnh VN, thậm chí Hội viên hội Chim cá cảnh cũng ghi ra. Nghĩa là có bao nhiêu chức vụ, bao nhiêu bằng cấp, mấy cơ quan…tất tần tật phải khoe cho bằng hết!
Bệnh hình thức ở các quan chức còn biến tướng thành muôn ngàn trò lố khác. Như vụ ông quan Nguyễn Hùng Dũng ở Cần Thơ bị Thành Ủy tỉnh này kiểm điểm vì tổ chức đám cưới cho con vào ngày 5.9 nhưng in đầy đủ họ tên và chức vụ của mình trên phong bì của thiệp mời là Phó ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TP Cần Thơ! Tưởng chỉ một ông có sở thích khoe khoang không đúng chỗ này, mới đây lại thêm một cán bộ ở Bạc Liêu gửi thiệp mời đám cưới con gái, ngoài phong bì có ghi rõ tên, nơi công tác là Ủy Ban Kiểm Tra Tỉnh Ủy. Không biết các ông cán bộ nói trên khi ghi chức vụ Phó ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TP Cần Thơ hoặc cơ quan Ủy Ban Kiểm Tra Tỉnh Ủy thì nó có oai gì hơn không và có dụng ý gì?
Dân đen cho đến các quan to quan nhỏ mắc bệnh hình thức, nhà nước VN cũng mắc bệnh này. Nước thì nghèo mà làm cái gì cũng muốn thật hoành tráng. Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội một thời bị dư luận chỉ trích vì quá tốn kém, lên đến 94 ngàn tỷ đồng, vào khoảng 4,5 triệu đô la Mỹ thời điểm đó và bằng khoảng 10% GDP cả nước. Tiêu tốn vào rất nhiều công trình lớn, nhỏ, vào chương trình lễ lạc, các hoạt động, sự kiện, triễn lãm… kéo dài suốt 10 ngày, với tâm lý cái gì cũng phải to, phải nhất. Nào đại lộ Thăng Long dài nhất VN, nào con đường gốm sứ kỷ lục Guiness, cầu Vĩnh Tuy rộng nhất VN, bảo tàng Hà Nội được xây dựng rất to, hiện đại.
Nhiều ý kiến cho rằng tổ chức đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội là cần thiết, nhưng không nên quá tốn kém trong khi cả nước còn nghèo, và nên dùng số tiền đó để cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thành phố thì có ích hơn. Nhưng điều đáng nói là nhiều công trình vừa xây xong sau đại lễ đã bị xuống cấp nghiêm trọng như đại lộ Thăng Long, con đường gốm sứ, công viên Hòa Bình, hoặc các rạp chiếu phim Công Nhân, Kim Đồng, Đại Nam được xây dựng rất tốn kém nhưng từ sau khi khánh thành đến giờ vẫn thường xuyên ế khách!
Đó chỉ là một trong muôn ngàn ví dụ về sự lãng phí xuất phát từ căn bệnh hình thức cộng với thói quen xài tiền thuế của dân như tiền chùa của nhà nước VN. Nhiều chuyện cần làm thì không làm, như đường sắt khổ hẹp lạc hậu, cũ kỹ, bao nhiêu năm nay cần mở rộng, nâng cấp thì lại không nâng cấp mà chỉ mơ làm đường sắt cao tốc vì như thế mới là có IQ cao!
Mới đây lại thêm chuyện tỉnh Quảng Nam muốn xây tượng đài Mẹ VN anh hùng với tổng chi phí 410 tỷ đồng, vì “Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho rằng theo nguyện vọng của mọi người muốn công trình tượng đài này được thực hiện mang tinh thần dân tộc, thời đại và có giá trị vĩnh cửu nên điều chỉnh quy mô to lớn và hoành tráng hơn!” Trước phản ứng không đồng tình của dư luận, ông “Nguyễn Văn Hàm, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, phụ trách theo dõi mỹ thuật công trình tượng đài BMVNAH cho biết công trình đã và đang tiến hành thi công, dù khó khăn về vốn thì vẫn phải tiếp tục tiến hành, có thể vừa thi công vừa vận động kinh phí.” (Báo Người Lao Động ngày 21.9.2011)
Chuyện này dư luận đã nói nhiều trong những ngày qua, kể cả việc đưa ra hai hình ảnh so sánh, một bên là những em học sinh ở xã miền núi Trọng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) hàng ngày phải bơi qua sông đến trường, vì huyện còn nghèo không đủ tiền xây cầu cho các em, một bên là tượng đài lớn nhất VN tốn 410 tỷ đồng, số tiền đó có thể xây bao nhiêu cái cầu? Lại nhớ, trước đó, khi báo chí đưa tin về chuyện trẻ em xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi (Kom Tum) du dây qua sông đến trường, người dân bức xúc đã tình nguyện đóng góp để xây cầu cho các em. Ngẫm lại, chuyện từ thiện ở nước mình bao giờ cũng dựa vào dân lá lành đùm lá rách là chính, vì nhà nước còn mãi lo những chuyện lớn lao quan trọng!
Trong đời sống xã hội VN lâu nay, bệnh hình thức khiến chúng ta coi trọng những cái bên ngoài như quần áo, xe cộ, nhà cửa…(mà không cần biết cái xe cái nhà đó có được từ đâu, từ thành quả lao động, trí tuệ hay bằng con đường tham nhũng, mánh mung, làm ăn phi pháp), coi trọng bằng cấp (mà không cần biết năng lực thật sự của người đó như thế nào). Nghĩa là chạy theo những giá trị ảo mà coi thường những giá trị thật: năng lực, tài đức, nhân cách của một con người.
Còn ở cấp độ quốc gia, một nhà nước chuộng hình thức chỉ gây nên chuyện lãng phí tiền thuế mồ hôi nước mắt của nhân dân, làm cho đất nước đã nghèo càng nghèo thêm.
Hình như Trung Quốc- vốn có rất nhiều điểm tương đồng với VN về mặt văn hóa cho đến mô hình thể chế chính trị, cũng mắc bệnh hình thức, thích phô trương, xây cái gì cũng muốn to nhất thế giới, tàu cao tốc thì nhanh nhất thế giới, tàu sân bay thì muốn hiện đại nhất v.v. Thế giới đã chỉ ra thực chất của nhiều cái nhất đó như thế nào. Nhưng dẫu sao, anh Tàu lắm tiền, có chơi ngông một chút cũng chả sao, còn VN nghèo mà lại xài sang vô lối thì chỉ tổ sụp sớm!
Song Chi.
Abonner på:
Legg inn kommentarer (Atom)
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar