torsdag 15. juli 2010

Đảng Chia Hai Sức Mạnh Quyền Lực Nhân Ðôi ?

Đảng Chia Hai Sức Mạnh Quyền Lực Nhân Ðôi ?

Đọc bài viết “Chia hai là nhân đôi” của ông Nguyễn Thanh Giang, mô tả và ca ngợi quan điểm chính trị của ông Luật sư Trần Lâm làm tôi ngạc nhiên và bối rối quá.

Hai ông đều thừa nhận sự tha hoá, tồi tệ của Đảng Cộng sản ở Việt Nam. Điều đó ai cũng thấy rõ, nhưng mức độ hiểu biết vấn đề thì có lẽ ở mỗi người khác nhau.

Theo ông Nguyễn Thanh Giang, “ông Trần Lâm cho rằng Đảng suy thoái là do lãnh đạo suy thoái và không xứng tầm”, “cha truyền con nối”; còn ông Nguyễn Thanh Giang thì nhận định “ không phải là thiếu sót của một ai. Đó là những vấn đề của lịch sử”.

Theo tôi hiểu, suy thoái nghĩa là trước đây tốt đẹp, còn giờ trở nên xấu xa. Tôi không cho rằng Đảng suy thoái. Bản chất của Đảng từ trước tới nay vẫn vậy, hoàn toàn không thay đổi. Trong quá khứ, Đảng đã là tác giả của bao nhiêu chuyện tày đình với nhân dân đó thôi? Nào là Cải cách ruộng đất nồi da nấu thịt, làm băng hoại đạo đức xã hội; Nào là đánh Tư sản mại bản: triệt tiêu mọi quyền tư hữu và động lực phát triển; Rồi Nhân văn Giai phẩm: bóp chết trí thức, văn nghệ sĩ có tư tưởng khoáng đạt và coi rẻ chất xám của nhân dân; Tiêu thổ kháng chiến: hy sinh tài sản của người dân cho mục đích riêng của Đảng; Thảm sát Mậu Thân: “ Bài ca của những xác người” (Trịnh Công Sơn). Ngay cả cuộc chiến tranh “Đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào” mà nhiều người cho rằng chẳng khác một cuộc nội chiến đẫm máu, Đảng cũng đã dùng sinh mạng của hàng triệu người dân hai miền Nam- Bắc để phục vụ cho tham vọng thống trị quyền lực tuyệt đối của Đảng đấy thôi? Ít ra, sau khi hiệp định Paris được ký kết, Mỹ rút khỏi miền Nam, Đảng có bao giờ đưa ra ý định tổng tuyển cử, hoà hợp thống nhất hai miền trong dân chủ và hoà bình đâu?

Vậy thì giờ đây, những hành động, quyết định của Đảng vẫn thể hiện bản chất coi thường dân tộc như trước đây mà thôi, vì tôn chỉ mục đích của Đảng thực chất là đặt quyền lợi thống trị của mình lên trên quyền lợi nhân dân mất rồi.

Đó hoàn toàn không phải là vấn đề của lịch sử như ông Nguyễn Thanh Giang nói. Lịch sử là cái gì khi con người là nhân vật trung tâm, bởi chính con người đã làm nên các sự kiện tạo thành lịch sử? Lịch sử không phải mơ hồ và càng không thể đổ tại lịch sử được. Nói như vậy là lảng tránh sự thật, không nhìn thẳng vào nỗi đau của dân tộc, không nhìn thẳng vào tội ác của kẻ đã gây ra nỗi đau ấy.

Mọi “tiêu cực”, “tham nhũng” mà hai ông Nguyễn Thanh Giang và Trần Lâm nêu ra đều xuất phát từ sự độc quyền thống trị của Đảng. Thiết nghĩ, không riêng gì Đảng Cộng sản, bất cứ đảng nào nắm giữ vị trí độc quyền cũng vậy cả. Muốn có một môi trường quyền lực chính trị lành mạnh cho Việt Nam phát triển trong tương lai thì sự độc quyền ấy bắt buộc phải bị xoá bỏ bằng mọi giá.

Cho nên, phỏng có ích gì khi tách Đảng hiện nay ra làm hai đảng khi mà tôn chỉ mục đích và bản chất của cả hai Đảng ấy vẫn chỉ là một và không thay đổi? Tách một Đảng ra làm hai chỉ làm cho nó thêm sức mạnh và tạo ra một môi trường chính trị dân chủ giả tạo. Liệu có gì đảm bảo sẽ không xảy ra khả năng hai Đảng có cùng một tư tưởng ấy hoặc sẽ tranh ăn với nhau, hoặc sẽ bắt tay nhau tạo thành một liên minh, tham nhũng nhiều hơn, đàn áp và bóp nghẹt sự hoạt động của các đảng phái khác dã man hơn và củng cố quyền lực vững chắc hơn? Không thể có dân chủ thực sự khi không có nhiều luồng tư tưởng chính trị hoàn toàn khác biệt, nhiều đảng phái chính trị với những tôn chỉ mục đích khác nhau song song cùng tồn tại trong một xã hội.

Tại sao ông Trần Lâm lại cho rằng không có đảng nào khác đủ thực lực? Nhận định đó có chủ quan quá không khi mà từ trước đến nay, bất cứ một ý tưởng chính trị tiến bộ nào ở Việt Nam đều bị diệt từ trong trứng nước? Tôi tin rằng, nếu cho Việt Nam một môi trường tự do, cởi mở, dân chủ thì ắt sẽ có những bộ óc đủ sức kêu gọi, thành lập và lãnh đạo những đảng chính trị, phục vụ quyền lợi người dân tốt hơn nhiều cái Đảng cầm quyền hiện thời.

Ông Trần Lâm và ông Nguyễn Thanh Giang đưa ra ý định tách Đảng để “giữ được ổn định xã hội. Luật pháp giữ nguyên, bộ máy giữ nguyên, mọi hoạt động vẫn bình thường”, “Hai Đảng cùng kết nạp thêm người mới, đó là sự thay máu làm cho Đảng khỏe khoắn, tươi trẻ, bừng bừng sức sống”.

Tôi không nghĩ cái xã hội Việt Nam hiện tại đang ổn định, đó chỉ là cái vỏ bề ngoài. Bên trong nó là một sự hỗn loạn, bất ổn bởi mọi giá trị bị đảo lộn, nhân phẩm con người bị chà đạp. Một xã hội với những cuộc biểu tình, đình công bị đàn áp và không được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng thì không thể gọi là ổn định được. Một xã hội mà sự bất mãn ngày càng tăng, nỗi oan ức và căm phẫn của người dân không được đáp trả bằng công lý mà bằng sự đe dọa và tù ngục thì không thể gọi là ổn định được. Cái vẻ ổn định giả tạo ấy không đáng để giữ nữa. Mặt khác, có cuộc cách mạng thật sự nào mà không có thiệt hại, không làm biến đổi mạnh mẽ cuộc sống xã hội đâu?

Chính ông Trần Lâm cũng nhận xét “Nhà dột từ nóc”. Vậy cái nóc dột nát, mục ruỗng ấy thì còn giữ lại làm gì? Sao không vứt bỏ nó và xây một cái nóc mới? Hai ông Nguyễn Thanh Giang và Trần Lâm vẫn muốn duy trì sự thống trị quyền lực của Đảng và điều 4 Hiến pháp để làm gì? Pháp luật ở Việt Nam hiện nay chỉ là công cụ thống trị của Đảng mà thôi. Không những điều 4 Hiến pháp mà cả cái Hiến pháp lẫn hệ thống Pháp luật ở Việt Nam đều đáng bị đào thải. Hiến pháp cần được viết lại toàn bộ. Hệ thống hoạt động Pháp luật từ Quốc hội đến Toà án cũng phải bị xoá sổ để xây dựng một hệ thống Pháp luật mới, hoàn toàn độc lập với hệ thống chính trị. Bất kể đảng phái nào lên nắm chính quyền cũng phải tôn trọng nó.

Ông Trần Lâm mong muốn Quốc hội sẽ trở thành đối trọng với Đảng, đó là điều phi logic. Một Quốc hội dân chủ có nhiệm vụ đưa tiếng nói của người dân vào các quyết định lớn của đất nước và hoạt động Lập pháp. Nó hoàn toàn không có tính chất và vai trò chính trị tương đương với Đảng. Đối trọng với một đảng phái này phải là một hay nhiều đảng phái khác. Quốc hội phải có vai trò và vị trí độc lập riêng của mình.

Còn vấn đề “thay máu” cho Đảng mà ông Trần Lâm nêu ra thì chỉ là sự tưởng tượng khôi hài. Từ bao năm nay, Đảng vẫn kết nạp Đảng viên mới mà có “thay máu” được đâu? Bởi tư tưởng đứng trên dân tộc của Đảng vẫn được duy trì, lý thuyết Marcist của Đảng vẫn được dùng làm lá chắn cho lũ Đảng viên sâu bọ. Đảng chẳng thể nào tự “thay máu” được mình khi không có động lực nào để làm vậy. Chỉ có sự cạnh tranh khốc liệt với những đảng phái khác mới có thể làm cho Đảng Cộng sản phải thay đổi- tất nhiên cũng chỉ là hình thức- mà thôi.

Trong vấn đề đối ngoại, hai ông Trần Lâm và Nguyễn Thanh Giang cho rằng cần bắt tay với cả Trung Quốc và Mỹ để Việt Nam được độc lập bởi “ Người Mỹ thì rõ ràng, thẳng thắn, họ biết hàn gắn quá khứ, họ biết tranh thủ cả một dân tộc”. Tôi lại nghĩ Mỹ hay Trung Quốc cũng đều là ngoại bang cả. Vận mệnh và quyền lợi của nhân dân Việt Nam phải do chính người Việt Nam tự quyết định và tạo dựng. Không thể dựa dẫm hay trông chờ vào bất cứ thế lực bên ngoài nào, cho dù Mỹ có nền dân chủ tiên tiến hay ông anh láng giềng Trung Quốc phát triển kinh tế hùng mạnh. Chiêu bài “dân chủ’ của Mỹ đang áp dụng cho Việt Nam chẳng qua để làm suy yếu Đảng cầm quyền, từ đó nuôi dưỡng những đảng phái chính trị khác thân Mỹ hơn. Giả sử Đảng Cộng sản đổi tên khác và chấp nhận cúi đầu làm chư hầu cho Mỹ để Mỹ được lợi về chính trị và kinh tế thì chắc gì Mỹ đã kêu gào “dân chủ” cho Việt Nam nữa? Hay Mỹ lại dung túng cho một chế độ độc tài, nhằm đem cả dân tộc Việt Nam phục vụ cho quyền lợi nước Mỹ? Hãy nhìn vào Trung Đông để thấy vấn đề này. Mỹ sẵn sàng làm ngơ trước thể chế chính trị độc tài một đảng ở các quốc gia Ả Rập, miễn sao vẫn được khai thác dầu với giá rẻ đấy thôi?

Tôi cho rằng, Việt Nam chỉ độc lập thật sự khi coi cả Mỹ và Trung Quốc là người đem lại cơ hội cho mình- chứ không phải đồng minh- trong đường lối ngoại giao. Lịch sử đã chứng minh, không có ai là bạn mãi mãi và không có ai là kẻ thù mãi mãi. Điều gì sẽ xảy ra nếu đến thế kỷ 22, Mỹ và Trung Quốc không còn là cường quốc trên thế giới nữa? Khi ấy, Việt Nam sẽ “nắm tay” ai?

Giấc Mơ Xanh.

Ingen kommentarer: