lørdag 17. oktober 2009

Vận Ðộng Cho Trại Tỵ Nạn

Vận Ðộng Cho Trại Tỵ Nạn

Cộng đồng người Việt ở hải ngoại tổ chức chuyến đi Galang trong tháng 10 và ký thỉnh nguyện thư trên Internet để yêu cầu chính quyền Indonesia hủy ý định triệt hạ di tích trại tỵ nạn Galang theo yêu cầu của nhà cầm quyền Việt Nam.

Cách nay 4 năm, bất chấp sự phản đối của cộng đồng người Việt tại nước ngoài, hai nước Malaysia và Indonesia đã cho đập bỏ các bia tưởng niệm thuyền nhân tại Bidong và Galang, theo lời yêu cầu của Hà Nội.

Sau đó, các cựu thuyền nhân Việt Nam từ nhiều nước trên thế giới đã tổ chức mấy chuyến đi đến Bidong và Galang để vừa sửa sang lại các mộ phần của người thân, vừa tìm lại những kỷ niệm xưa.

Có lẽ những chuyến đi này làm Hà Nội bực bội, vì thế đã có những áp lực ở cấp chính phủ để đóng cửa khu vực trước đây là trại tỵ nạn Galang, nằm trong quận Batam.

Theo tin của tờ Jakarta Post, chính quyền quận Batam đang nỗ lực để ngăn chận việc đóng cửa trại tỵ nạn này.

Ông Dwi Djoko Wiwoho, Phát ngôn viên của quận Batam cho biết, các giới chức của bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa Du lịch của Indonesia đã đến Galang nghiên cứu tình hình để sau đó sẽ có cuộc họp với Đại sứ Việt Nam tại Jakarta để có quyết định về số phận của trại Galang, bây giờ đã thành một điểm du lịch của Indonesia, vừa thu hút khách trong nước, vừa thu hút khách nước ngoài.

Ông nói tiếp: “Trên nguyên tắc, chính quyền quận Batam không muốn đóng cửa trại Galang vì quyền lợi của người dân địa phương, quyền lợi của các doanh nghiệp trong ngành du lịch, và các du khách; nhưng vì sự kiện này có liên hệ đến bang giao giữa hai chính phủ, do đó, quận sẽ dựa vào quyết định của chính quyền trung ương”.

Ông Kamsa Bakri, Đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp tổ chức các tour du lịch của Indonesia nói với báo Jakarta Post rằng đóng cửa trại tỵ nạn là coi như cắt đứt nguồn thu nhập của các nhà tổ chức tour du lịch tại Batam. Ông đặt câu hỏi: Nếu trại đó mang lại nhiều lợi ích cho khu vực thì tại sao lại không giữ nguyên?

Bà Nada Faza Soraya, Chủ Tịch Phòng Thương mại Batam nói rằng trại này quan trọng đối với các doanh nghiệp tổ chức tour du lịch và các doanh nghiệp này không có ý định khai thác quá khứ đen tối của nhà cầm quyền Việt Nam.

Cho đến khi đóng cửa vào năm 1996, trại Galang đã là nơi tạm trú cho khoảng 250 ngàn thuyền nhân Việt Nam trước khi đi định cư ở các nước thứ ba.

Theo lời ông Trần Đông, Giám đốc Văn Khố Thuyền Nhân, một nơi lưu trữ rất nhiều tài liệu về thuyền nhân Việt Nam, thì trong khoảng thời gian đó, trại được chia làm 3 khu, Galang 1 và 2 là khu người ở, và Galang 3 là khu nghĩa trang. Hiện nay trại vẫn còn một số di tích của thời kỳ đó.

Ông Trần Ðông cho biết: “Có 3 cái chùa, có nhà thờ, một nghĩa trang chôn 503 người ở Galang 3. Các dãy nhà tập thể ở Galang 2 cũng vẫn còn. Ở Galang 1, Trung tâm Sinh hoạt Thanh niên vẫn còn, nhà thờ, các dãy nhà ở tập thể vẫn còn đó”.

Ông Trần Đông kêu gọi cộng đồng hải ngoại, nhất là các cựu thuyền nhân, tham gia chuyến đi đến Galang vào ngày 11 tháng này để ủng hộ tinh thần người dân địa phương trong việc giữ lại di tích trại tỵ nạn ở đó.

Ông Trần Ðông nói: “Mục tiêu chánh của chuyến đi là gặp gỡ một vài nhân vật trong chính quyền địa phương để trình thỉnh nguyện thư, và tham khảo với họ về tương lai của trại Galang nó như thế nào. Những áp lực của Hà Nội được làm ngấm ngầm cho nên mình cũng chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai. Mình chỉ dự trù những tình huống xấu nhứt để có biện pháp bảo vệ càng nhiều càng tốt, vậy thôi”.

Ông Trần Đông cũng kêu gọi cộng đồng hải ngoại ký tên vào thỉnh nguyện thư để yêu cầu chính quyền Indonesia giữ lại trại Galang, nơi được xem là di tích cuối cùng của các trại tỵ nạn Đông Nam Á đã từng dung chấp các thuyền nhân Việt Nam trên bước đường vượt biển.

Bà Vân Hải ở bên Pháp, một trong những người hợp tác với ông Trần Đông tổ chức chuyến đi lần này cho rằng sự tham gia ký vào thỉnh nguyện thư của cộng đồng người Việt ở hải ngoại là quan trọng để giữ lại trại Galang.

Bà Vân Hải nói: “Mục đích của thỉnh nguyện thư là để xin chính quyền Indonesia lưu giữ trại tỵ nạn Galang làm một di tích lịch sử, nói lên lòng biết ơn của người tỵ nạn chúng tôi đối với thế giới, đối với Liên Hiệp Quốc và đặc biệt đối với Indonesia. Xin quý bà con ký tên ủng hộ thỉnh nguyện thư đó. Hiện thời đã thu thập trên 1.200 tên của quý vị đồng hương ở khắp 5 châu. Qua đài VOA tôi kính xin quý thính giả hưởng ứng càng nhiều càng tốt thì hy vọng trại Galang sẽ được giữ lại. Bước kế tiếp là anh Trần Đông ở bên Úc, Giám đốc Văn Khố Thuyền Nhân sẽ mang thỉnh nguyện thư đó đến nói chuyện với chính quyền Indonesia."

Huy Phương

Ingen kommentarer: