Giải Nobel Lạ Lùng.
Ông Norman E. Borlaug mới qua đời tháng trước. Ông là người Mỹ được tặng giải Nobel Hòa Bình năm 1970, sau Mục Sư Martin Luther King Jr. (1964) và một chục người Mỹ khác. Borlaug là một cậu bé nhà nông ở vùng Trung Tây (Midwest), lúc lớn lên được bố dẫn đi thăm thành phố Minneapolis cậu ngạc nhiên vì lần đầu tiên trông thấy người đói, những người Mỹ đói đang đi xin ăn. Từ đó Borlaug bị ám ảnh, cứ nghĩ phải làm sao giúp người ta khỏi đói. Cậu học về thực vật, nông nghiệp và cố gắng gây giống từ những loại lúa mì khác nhau để tạo những giống lúa mới, có hiệu năng cao hơn và tự chống lại được sâu, rầy.
Năm 1944, sau khi đã làm công việc khảo cứu trong hãng DuPont để phục vụ quân đội trong thời chiến, Borlaug đã bỏ công ty lớn này ra đi, từ chối món lương tăng gấp đôi, để sang Mexico làm công việc nghiên cứu tìm giống lúa mì mới. Tại đây, ông làm việc 12 tiếng một ngày dưới thời tiết nóng và khô. Mexico đang bị nạn đói liên tiếp nhiều năm trước vì sâu rầy phá hại mùa màng. Borlaug không chỉ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm mà đích thân ra ngoài ruộng, ông cầy, bừa, gieo hạt, tưới bón, theo dõi hạt nẩy mầm, chờ lúa lớn lên, thí nghiệm các thứ phân bón khác nhau. Sau mấy năm chính ông đem trồng thứ lúa mới có kết quả rõ ràng, một thửa ruộng có thể gặt được nhiều lúa hơn giống lúa cũ, Borlaug mới thuyết phục các nông dân Mexico dùng thử các hạt giống mới. Mấy năm sau, Mexico không còn nạn đói mà trở thành một quốc gia xuất cảng lúa mì. Borlaug vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu ở Ấn Ðộ và Pakistan, ngay trong lúc hai quốc gia này đang đánh nhau. Ông nói rằng loài người không thể nào có hòa bình nếu người ta còn đói, và dần dần nông dân hai nước này cũng bắt đầu trồng những giống lúa mới và không bị đói nữa - tuy nhiên họ vẫn tiếp tục đánh nhau vài lần nữa! Ông mất vào ngày 14 Tháng Chín vừa qua, chắc ít có ai nghe báo đài loan tin!
Sau một đời cần cù làm việc, Norman E. Borlaug đã cứu hàng trăm ngàn người khỏi chết đói và hàng tỷ người thoát cảnh đói khổ. Ông xứng đáng được trao giải Nobel Hòa Bình, mặc dù người lập ra giải này không có ý tặng cho những người có công cứu đói như ông. Trong di chúc viết năm 1895, Alfred Nobel yêu cầu giải này đem tặng cho “người nào đã làm nhiều nhất hay việc tốt nhất để xây dựng tình huynh đệ giữa các quốc gia, hoặc giải trừ hay giảm bớt quân lực và xây dựng, phát triển sự tiến bộ của hòa bình.” Các ủy ban tuyển lựa giải Nobel Hòa Bình đã mở rộng thêm tiêu chuẩn ra ngoài những điều ghi trong di chúc trên và tặng giải cho cả những người như ông Norman E. Borlaug hoặc ông Al Gore (2006) một cựu phó tổng thống Mỹ đã góp công vận động cho phong trào bảo vệ môi trường sống. Những nhà tranh đấu cho dân chủ tự do và nhân quyền cũng được trao giải, vì khi thế giới chắc sẽ hòa bình hơn khi quyền làm người, quyền công dân được các chính quyền tôn trọng. Mẹ Theresa được trao giải năm 1979 vì những công cuộc bác ái bà đã theo đuổi suốt đời. Tiêu chuẩn lựa chọn càng ngày càng được mở rộng thêm.
Nhưng khi nghe tin giải Nobel Hòa Bình năm 2009 được trao cho Tổng Thống Mỹ Barack Obama thì hầu hết mọi người phải ngạc nhiên, kể cả ông Obama như ông công khai thú nhận.
Ông Michael Steele, chủ tịch Ủy Ban Quốc Gia đảng Cộng Hòa nói, “Câu hỏi mà người Mỹ đang đặt ra là Tổng Thống Obama đã thực hiện được những gì mà được trao giải?” Cựu Tổng Thống Ba Lan Lech Walesa đồng ý, “Sao mau vậy? Còn sớm quá. Ông ấy đã đóng góp được gì đâu? Ông ấy mới bước lên sân khấu, mới bắt đầu hành động!” Lech Walesa đã được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1983, mà thường một người đã lãnh giải ít khi tỏ ý nghi ngờ việc phát giải cho người sau mình. Tuy nhiên Walesa vẫn được tiếng là người chất phác, bộc trực, tính nết một công nhân thợ điện.
Walesa là một thí dụ cho thấy ủy ban tuyển chọn giải Nobel Hòa Bình thường tìm cách dùng giải này gây tác động trên chính trị quốc tế. Ông được trao giải trong lúc đang lãnh đạo công đoàn độc lập Solidarnos đối đầu với đảng Cộng Sản Ba Lan. Mọi người hiểu việc trao giải cho ông là một lời tán thưởng gửi tới một nhà tranh đấu cho tự do dân chủ. Ðó cũng là một lý do khiến trong những năm qua nhiều người đã đề cử Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ để tặng giải Nobel Hòa Bình. Bà Aung San Suu Kyi được tặng giải năm 1991 cũng vì bà lãnh đạo công cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ ở Myanmar, Miến Ðiện và đến giờ vẫn bị tù.
Năm 1975, giải được trao cho nhà bác học Andrei Shakarow, người đã lên tiếng chống chế độ độc tài Cộng Sản ở Liên Xô mà vì thế bị tù đầy. Năm sau, giải được trao cho hai phụ nữ đã vận động hòa bình ở Ái Nhĩ Lan, tìm cách chấm dứt cuộc nội chiến ở vùng miền Bắc nước này. Năm 1984, Giám Mục Desmond Tutu ở Nam Phi được tặng giải vì công trình tranh đấu bất bạo động của ông cùng dân da đen ở đây để thay đổi chế độ kỳ thị chủng tộc. Năm 1989, ngay sau khi đảng Cộng Sản Trung Quốc đàn áp đẫm máu các sinh viên, công nhân biểu tình ở Thiên An Môn, giải Nobel Hòa Bình được tặng cho Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, một cử chỉ gián tiếp lên án chế độ độc tài ở Bắc Kinh. Năm 1990, giải Nobel Hòa Bình cũng được tặng cho ông Mikail Gorbachev, chủ tịch đảng Cộng Sản Liên Xô, để tán thưởng ông đã không đưa quân qua các nước Ðông Âu ngăn cản phong trào tự do dân chủ bùng lên ở đó trong năm 1989, như những người lãnh đạo Liên Xô đã làm trong những năm 1956 ở Hungary và 1968 ở Tiệp Khắc.
Walesa cho rằng việc trao giải cho Tổng Thống Obama chắc có ý “khuyến khích” ông tiến tới các hành động cụ thể sau này. Trong quá khứ mục tiêu “khuyến khích” cũng thường được sử dụng. Nhưng hành động khuyến khích của quý vị trong ủy ban tuyển chọn ở Oslo không biết có công hiệu hay không! Năm 1971, giải Hòa Bình được tặng cho Thủ Tướng Ðức Willy Brandt, vì ông là người lãnh đạo đầu tiên ở Tây Ðức đã lên tiếng kêu gọi hòa giải với Ðông Ðức và cả khối Cộng Sản ở Ðông Âu. Chính sách Phương Ðông (OstPolitick) của ông đi trước các quốc gia Tây phương khác, có thể đã tác động trên công luận đưa tới các biến cố ở Ðông Âu sau đó hàng chục năm. Năm 1978, thủ tướng Israel, Menachem Begin và Tổng Thống Ai Cập Anwar Sadat được trao giải Hòa Bình sau khi hai nước ký một hòa ước chấm dứt những cuộc chiến tranh kéo dài suốt 30 năm; đây là một cử chỉ khuyến khích các nước Á Rập khác làm theo, nhưng không thành công. Năm 1994, các thủ tướng Shimon Peres và Ytzhak Rabin của Israel cùng lãnh tụ Palestine ông Yasir Arafat được tặng giải để khuyến khích hai dân tộc tiến đến hòa bình; nhưng tới nay viễn ảnh đó vẫn còn xa vời.
Không có năm nào mà giải Nobel Hòa Bình bị chỉ trích mạnh như năm 1973 khi ủy ban ở Oslo, thủ đô Na Uy, trao giải cho hai ông Henry Kissinger và Lê Ðức Thọ, hai người đã đàm phán trong mấy năm đưa tới Hiệp Ðịnh Paris kết thúc chiến tranh Việt Nam. Người chủ trương chấm dứt chiến tranh Việt Nam là Tổng Thống Nixon còn Kissinger chỉ làm theo lệnh. Còn mọi người đều biết Lê Ðức Thọ ăn gian nói dối khi khẳng định rằng quân đội Bắc Việt không có mặt ở miền Nam! Kissinger đi lãnh giải nhưng Lê Ðức Thọ từ chối vì đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn tiếp tục chiến tranh cho đến khi chiếm được miền Nam Việt Nam mới thôi.
Việc trao giải Nobel Hòa Bình cho Tổng Thống Mỹ Barack Obama cũng là một cử chỉ mang tính cách chính trị. Nhiều người coi đây là một cách bầy tỏ thái độ với cựu Tổng Thống Mỹ Gorges W. Bush, một thái độ không thân thiện của người Âu Châu. Ủy ban tuyển chọn gồm 5 người do Quốc Hội Na Uy cử ra, mà Quốc Hội Na Uy hiện nay do các đảng tả phái chiếm đa số. Họ muốn chứng tỏ ý hoan nghênh ông Obama khi ông thay đổi triết lý ngoại giao của nước Mỹ, từ xung đột chuyển sang hòa hoãn.
Nhưng nếu chỉ tuyên bố những lời hòa hoãn và đọc những bãi diễn văn kêu gọi hòa bình mà được giải Nobel, trước khi đạt được những thành tựu cụ thể, thì việc trao giải cho ông Obama sẽ hạ thấp giá trị cả định chế quốc tế xưa nay vẫn được tôn trọng này. Chính ông Obama đã thú nhận ông cảm thấy “không đáng” được trao giải. Ông có thể từ chối lãnh giải (như Lê Ðức Thọ) được không? Việc từ chối sẽ gây bất lợi cho cả nước Mỹ! Khi vị tổng thống Mỹ từ chối một giải Hòa Bình thì cả thế giới sẽ đặt câu hỏi không biết nước Mỹ đang toan tính gây chiến với ai mà ông ta lại sợ không đi lãnh giải? Ủy ban tuyển chọn ở Oslo đã đặt ông Obama vào một tình thế lưỡng nan. Có lẽ chưa có ai được trao giải thưởng mà lại trở thành một nạn nhân của giải đó như ông Obama.
Và việc trao giải chắc chắn sẽ không ích lợi gì cho ông Obama trong các cuộc đấu tranh chính trị nội bộ ở Mỹ. Dân Mỹ có thể bất mãn vì thấy “người Âu Châu” có ý gây ảnh hưởng trên chính trị nước Mỹ. Năm 1919 Tổng Thống Mỹ Woodrow Wilson được tặng giải Nobel Hòa Bình sau khi ông đề nghị lập Hội Quốc Liên để cho các nước gặp gỡ thường xuyên, tránh gây thêm chiến tranh. Nhưng sau đó Thượng Viện Mỹ nhất định không phê chuẩn việc gia nhập tổ chức quốc tế này, để sau này tổ chức đó tan rã.
Bây giờ Tổng Thống Obama sẽ bị cả nước Mỹ và cả thế giới nhìn vào và thẩm lượng, không phải với tư cách một trong nước Mỹ không thôi mà còn tư cách một người lãnh giải Nobel Hòa Bình. Nếu ông tỏ ra cứng rắn trong trường ngoại giao, thí dụ đưa thêm 40,000 quân sang Afghanistan như đang được yêu cầu, thì người ta sẽ chỉ trích là hiếu chiến. Còn nếu ông tỏ ra mềm mỏng, với Iran hay Cuba thì ông sẽ bị chỉ trích là không làm đúng trách nhiệm của một vị tổng thống mà chỉ lo bảo vệ danh tiếng con người lãnh Giải Nobel Hòa Bình! Ông Obama ăn nói rất giỏi. Ðến ngày sang Oslo lãnh giải chắc ông sẽ tìm cách nói sao cho mọi người đừng trông đợi ở ông nhiều quá! Có thể ông sẽ nhắc đến một câu tục ngữ La tinh để làm vừa lòng cả diều hâu lẫn bồ câu: Muốn có hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh!
Ngô Nhân Dụng
lørdag 17. oktober 2009
Abonner på:
Legg inn kommentarer (Atom)
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar