Năm ngoái cậu làm cuốn phim 40 năm gì đó, đánh dấu 40 năm của người Việt Hải Ngoại, năm nay tháng tư lại đến. Cậu lại muốn làm gì?
- Vậy anh muốn em phải làm gì ?
- Thì cũng giữ chút lửa cho mấy "thằng già" như anh chứ !
Vài câu đối thoại ngắn ngủi với ông anh "tiền bối" ở xa, tôi lại bị chứng "hồi tưởng", nói về cuộc chiến 41 năm trước ? Tôi còn quá nhỏ (năm 75 tôi vừa tròn 7 tuổi), thì biết gì về cuộc chiến mà nói ? Nói về ý thức hệ của cuộc chiến? Nói thêm cũng bằng thừa, 41 năm qua, "vàng" hay "thau" cũng đã rõ ràng quá rồi. Ai thắng ? Ai bại ? Ai tà ? Ai chánh ? Những người như tôi sống qua nhiều xã hội khác nhau, đã quá hiểu rõ.
Nhưng cái dấu mốc tháng tư, có lẽ vẫn còn là một "nhát kiếm" cho cả kẻ thắng lẫn người bại. "Kẻ chiến thắng" thì khoe khoang tròn 41 năm, không năm nào mà họ không dùng cái chiến thắng quân sự năm 1975, để che đậy cái "dốt nát", cái "hèn", cái "yếu kém quản lý", và năm nào cũng "tự sướng" rằng chiến thắng đế quốc Mỹ, Thực Dân Pháp, Phát xít Nhật. Nhưng 41 năm qua, "kẻ chiến thắng" vẫn đi ăn mày khắp thế giới từng đồng ODA cho đến FDI, năn nỉ đế Quốc Mỹ, Thực dân Pháp hay Phát xít Nhật, cấp cho cái này, bỏ giùm cái kia.
Còn "kẻ chiến bại", 41 năm sau, họ đã trở thành những ông già, sáng thì nhàn nhã ngồi ở quán cafe nhắc lại những kỷ niệm, và có một chút gì đó nuối tiếc thời trai trẻ, trưa thì xách xe đón cháu ngoại, nội đi học về, tối thì lại bò lên Face book đọc tin, vào Youtube kiếm phim... miễn phí xem. Và hàng năm "kẻ chiến bại" vẫn bơm hàng tỷ Mỹ kim về xứ sở mà họ đã bại trận, trong khi vẫn làm lễ... tưởng niệm quốc hận.
Có nghịch lý hay không ? Khi vấn đề bị đảo ngược, "kẻ chiến thắng" điều hành cả một đất nước thì khiến con dân mang nợ cùng mình, xã hội đảo lộn, luân lý gia đình bị vứt vào xọt rác, nhường chổ cho "soái ca", cho "Hậu Duệ Mặt Trời", ra đường thì cứ như là... đánh loto cho mạng sống, đến cửa "quan" thì giống như... phải quì lạy Phật.
Còn 'kẻ chiến bại" thì sau thời gian trả nợ chiến tranh bằng tuổi đời, trả nợ cơm áo bằng 2 bàn tay trắng, thì giờ lại nhàn nhã, ấm no trên xứ sở vốn được gọi là "vùng đất hứa", thảnh thơi chở cháu đi học, con cái thì ở nhà bạc triệu, sức khỏe thì có chính phủ lo, mỗi năm lại được con cháu dẫn đi du ngoạn khắp thế giới, ngắm danh lam thắng cảnh.
Và có nghịch lý hay không ? Khi những người dân trong nước Việt Nam, nơi mà "kẻ chiến thắng" đang nắm quyền cai trị, hàng ngày vẫn mơ ước, và bằng mọi giá cho con cái của họ đến sinh sống với "kẻ chiến bại", con số này cứ mỗi năm lại gia tăng không ngừng.
Con người thông thường "phù thịnh, không phù suy", đáng lý kẻ chiến thắng là 'thịnh" thì người ta phải phò chứ, ai lại đi mơ tưởng đến "kẻ thua", sao lại có nghịch lý này ?
Khi báo chí trong nước khoe khoang rằng, ông này, bà kia về quê hương sinh sống, rằng đất nước 'thanh bình", thì cứ mỗi một người về Việt Nam sinh sống, thì lại có cả ngàn người khác rời khỏi Việt Nam bằng nhiều hình thức, di dân, đầu tư, đi lao động nước ngoài, thậm chí đến giờ này vẫn còn có người tìm cách vượt biên.
- Nước mình còn nghèo anh ạ ?
- Tại sao nghèo ?
- Mỹ nó cấm vận hơn 10 năm trời, lại chiến tranh liên miên.
- Chiến thắng đế quốc Mỹ thì phải cấm vận nó chứ, tại sao thằng "thua" mà có thể cấm vận thằng 'thắng" là thế nào ?
Câu chuyện hôm nào với những kẻ mà tôi và bạn bè thường gọi là Dư Luận Viên trong nước, tức là những kẻ suốt ngày được trả lương để "xóa tan dư luận xuyên tạc đảng và nhà nước", cho thấy sự bịp bợm nghịch lý đến như vậy vẫn có kẻ tin. Quản lý đất nước yếu kém, thì than rằng không có nhân tài, ai cũng từ chức, ai cũng sa thải thì lấy đâu ra người làm việc ? Không lẽ một đất nước 90 triệu dân không có nhân tài nào đủ bản lãnh à? Vấn đề là gia đình của các đảng viên không có người, không có nhân tài, chứ nào phải dân tộc 90 triệu dân không có nhân tài! Cái gọi là "Hiến Pháp" kia đã chận đường phát triển của dân tộc rồi, lấy khỉ gì mà đòi phát triển.
Một số bạn bè ở Bolsa của tôi vài năm trước than rằng ở Mỹ khó làm giàu quá, nên bán tài sản chạy về Việt Nam làm ăn, thời gian đầu còn đi đi về về, qua lại, gặp nhau trong bàn nhậu, thì toàn kể chuyện bù khú, chổ này nhậu ngon, chổ kia chơi vui, chả có thằng bạn nào kể cho tôi nghe dể kiếm tiền bằng cách nào, chỉ thấy họ kể con ông này, cháu bà kia của đám lãnh đạo trong nước bây giờ làm đại gia thôi. Còn giờ đây, đám bạn chạy về Mỹ, có thằng không có nổi một đồng trả tiền thuê phòng ở tạm.
Trong khi một số người cả đời sống tận ngoài bắc, cái nôi của đảng cầm quyền hiện nay, nhờ quan hệ với ông nọ bà kia, kiếm được khấm khá thì tìm cách chạy sang xứ của "kẻ thua trận", tìm cách cho con cái được hợp pháp ở lại xứ này.
- Các ông ở đây sướng quá, mua chiếc xe mới rẽ gấp 3 lần ở Việt Nam
- Thì chắc tại đường phố Việt Nam chật chội quá, họ muốn giới hạn nhập cảng xe hơi chứ gì
- Thôi đi ông ạ! có gì ngon bằng "cướp" hợp pháp bằng đánh thuế nhập cảng xe, 200% thuế đấy, mua một "con" Toyota ở đây trung bình $30,000, Còn bên đó chúng tôi phải mua đến $90,000, chúng nó "cướp bằng thuế" đến $60,000, ngu dại gì chúng nó bỏ. Ba cái chuyện "ùn tắt" chỉ là cớ thôi ông ạ.
Thì ra vậy! Hèn chi không chỉ có thuế nhập cảng xe hơi, mà người dân sống "thanh bình" ở Việt Nam vẫn phải "yêu nước" bằng hàng trăm loại thuế, ngay cả con cái trong học đường cũng không yên, nào phí sách vở, phí an ninh, phí bảo tồn, phí quần áo, phí... ngân quỹ cho trường.
Còn những "ông già hưởng tiền trợ cấp xã hội" bên xứ "thua trận" thì con cái ra trường, đứa học nào học "bèo" lắm thì lương cũng $60k - $80k mỗi năm, đứa nào học cao thì lương $150k cho đến cả triệu bạc mỗi năm, đứa nào không đi học chỉ là nghề chuyên môn như nail, tóc thì lợi tức mỗi tháng cũng $4,000 - $6,000, và các "ông già lãnh trợ cấp xã hội" vẫn mỗi tháng được con cái mỗi đứa "lì xì" cho vài trăm, tha hồ... cúng dường cho chùa, nhà thờ và làm "mạnh thường quân" cho các chương trình văn nghệ.
Tôi cũng không biết định nghĩa của chữ "thắng - thua" theo kiểu nào ? Nhưng theo kiểu lý giải "cùn" này của tôi thì có vẻ ngược lại. 41 năm tuy không dài không ngắn, nhưng cũng đủ cho người ta nhận rõ "chính nghĩa" nằm ở đâu, nó không nằm ở những từ ngữ hoa mỹ trên báo chí hàng ngày, không nằm trên những "tô hồng" bằng các loại thông tin "thế giới ngỡ ngàng vì Việt Nam...." hay "cậu học trò nghèo thành... chủ tịch nước", mà nó nằm ở khát vọng của chính con người.
Khát vọng đó rất tầm thường ở những xứ sở mà tôi đang sinh sống, nhưng lại là khát vọng to lớn của cả một dân tộc trên địa đồ hình chữ S, đó là khát vọng được tự do nói, tự do làm giàu, tự do suy nghĩ, tự do làm chính trị, tự do sáng tạo và tự do... làm chủ miếng đất dưới ngôi nhà của họ.
"Chính nghĩa" là không nhân danh "yêu nước" để đặt hàng trăm loại thuế lên mình dân, không nhân danh "có công trạng với đất nước" để độc quyền lãnh đạo, không nhân danh "làm bạn với các nước" để "hèn" với những tội ác đang hàng ngày đe dọa con dân Việt Nam trên biển.
Một đất nước, một dân tộc, mà mỗi ngày, mỗi giờ, đều đề phòng con dân của mình bỏ trốn ra nước ngoài, thì đủ thấy chính phủ đó "chính nghĩa" cỡ nào ? Một chính phủ mà sợ con dân nói này, nói nọ, phải ra luật cấm, phạt vạ hay kết án tù thì đủ biết chính phủ đó "dân chủ" ra sao.
- Cậu cho rằng sau 41 năm, miền nam của mình thật ra "thắng" hay "bại" ?
Câu hỏi của ông anh "tiền bối" thiệt làm tôi khó trả lời, nếu anh hỏi tôi từ vĩ tuyến 17 trở vào, thì câu trả lời của tôi là miền nam đã bại trận, bại là vì thế hệ các anh đã đánh mất quyền bảo vệ con dân bằng quân sự, bằng thể chế. Nhưng nếu anh hỏi tôi con người ở miền nam "thắng" hay "bại", thì tôi có thể trả lời với anh rằng, con người ở miền nam đã thắng, thắng là sau năm 1975, hàng triệu người miền bắc đã tràn vào nam sinh sống, nhưng lại gần như không có ai "lội" ra bắc sinh sống cả. Thắng là vì những người rời khỏi mảnh đất chữ S đó sau năm 1975, tản mác ra khắp thế giới, nhưng họ vẫn giữ được bản sắc của người Việt Nam, còn thế hệ sinh sau đẻ muộn ở Việt Nam, thì đã trở thành dân tộc 'thập cẩm" rồi, họ hiểu văn hóa kim chi của "soái ca" nhiều hơn nước mắm, họ thuộc sử Võ Tắc thiên, Tần Thủy Hoàng còn hơn Trần Khắc Chung hay Đặng Dung, và họ khóc cho "cô dâu 8 tuổi" nhiều hơn chứ chẳng biết Cao Long Ngà, Năm Phỉ là ai cả.
Tháng tư lại đến, báo chí trong Việt Nam lại rôm rã, nào "cờ xí", nào "chiến thắng vĩ đại", nào "cả thề giới ngưỡng mộ", để rồi sau đó, sẽ là những con lộ thu thêm "phí", những ngân hàng lại "sung công ngân quỹ", những mái trường lại có thêm hàng chục "phụ phí", rồi "giá điện tăng là có lợi cho dân" và... xây tượng... công đức bác... Giáp !!!!
Còn Bolsa, vẫn sẽ có lễ tưởng niệm quốc hận 30 tháng tư, kèm theo những khẩu hiệu "chính trị gia A, B, C làm lợi cho Cộng Sản", "bỏ phiếu cho XYZ vì chánh nghĩa sáng ngời" lúc nào cũng có mặt trong các cuộc biểu tình. Và người dân Bolsa vẫn tiếp tục buôn bán, làm ăn, tiếp tục... bơm hàng tỷ Mỹ kim về cho "thiên đường đáng sống", và dân số gốc Việt ở Bolsa mỗi năm vẫn tiếp tục gia tăng theo tỷ lệ thuận.
Trần Nhật Phong.