torsdag 12. september 2013

Tự Do KHÔNG THỂ CẦU XIN


Nhân đọc bài viết của ông Nguyễn Minh Cần, phân tích về bối cảnh đấu tranh để đem lại Tự Do - Dân Chủ cho Việt Nam khá hay. 

Bài viết quá dài có nhiều đoạn đề cập đến Thế Giới, cho nên chúng tôi chỉ trích những phần trong bài viết của ông có liên qua đến tình hình Việt Nam để chúng ta cùng đọc và nhận định về mô thức đấu tranh khá thiết thực hầu áp dụng trong tiến trình dân chủ hóa cho Việt Nam. 

Do đó trang Blogger Những Sự Thật xin mạng phép ông Nguyễn Minh Cần trích lại nhửng phần chính liên quan đến tình hình Việt Nam.

KHÔNG THỂ CẦU XIN:

Một chân lý đúng muôn đời: Không ai cho ta tự do và dân chủ cả, mà phải đấu tranh mới giành được. Nhưng, trong thực tiễn không phải lúc nào người ta cũng nghĩ và làm như thế.

Có hai khuynh hướng có hại cho phong trào dân chủ là manh động phiêu lưu và thỏa hiệp với đảng cầm quyền. Trong tình hình hiện nay, khuynh hướng manh động phiêu lưu ít có điều kiện bộc lộ ra, còn khuynh hướng thỏa hiệp với đảng cầm quyền thì thường thấy hơn. Chẳng hạn, khi vận động cho một “tuyên ngôn” để khẩn cầu lãnh đạo của ĐCS ban bố tự do dân chủ cho người dân, chuyển đổi hệ thống chính trị độc đảng sang hệ thống chính trị đa đảng, mà một số người không dám nói một lời nào về ĐCS đã dựng nên chế độ độc tài toàn trị ở nước ta, không dám nói một lời nào về thực chất chế độ độc tài toàn trị của ĐCS, không dám nói một lời nào về trách nhiệm của ĐCS đã gây ra biết bao khổ nạn cho người dân. Trong lúc đó lại buộc trách nhiệm ấy cho mọi người Việt Nam, cho những người trí thức, nhân sĩ…! Mà thực ra ai cũng biết rõ là cách đây không lâu, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các ủy viên Bộ chính trị đã nhiều lần thẳng thừng bác bỏ mọi kiến nghị rất xây dựng, rất đáng trân trọng của các tổ chức dân chủ, các hàng giáo phẩm cao cấp của các tôn giáo, của “Nhóm 72” nhà trí thức, nhân sĩ mà còn cao ngạo, hàm hồ buộc “tội” họ là “suy thoái tư tưởng”.

Nhiều người cho rằng không thể nào thỏa hiệp với đảng cầm quyền được, những người dân chủ chỉ có một con đường đi đến thắng lợi là một mặt, ra sức mở rộng xã hội dân sự, mặt khác, vận động dân ta đấu tranh bất bạo động bằng mọi hình thức khác nhau để tạo nội lực mạnh có khả năng thay đổi chế độ toàn trị. Phong trào dân chủ phải dựa vào sức mạnh kỳ diệu của quần chúng và của xã hội dân sự thì mới áp lực được lên tập đoàn cầm quyền buộc họ phải chuyển hoá hay đổi thay chế độ toàn trị. Nếu họ ngoan cố thì sức mạnh của đại chúng sẽ biến thành trận sóng thần cuốn hết tập đoàn cầm quyền và chế độ độc tài ra Biển Đông.

Mọi ý đồ thỏa hiệp với ĐCS đều rất nguy hại cho cuộc đấu tranh chung! Nhất là trong tình hình hiện nay: khi ĐCS đang lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng về mọi mặt và Đất nước ta đang ngập sâu vào cuộc tổng khủng hoảng nặng nề hầu như không lối thoát; khi quan thầy của tập đoàn cầm quyền nước ta là Trung Cộng cũng đang lúng túng trong khó khăn, nguy cơ bùng nổ xã hội ở đấy đang tới gần; và khi xu hướng chung toàn cầu là xóa bỏ độc tài toàn trị, xây dựng chế độ dân chủ, tự do, tôn trọng nhân quyền.

* LÒNG TIN QUYẾT THẮNG:

Hồi năm 1998, chúng tôi có viết bài “Cần một sức mạnh tổng hợp” 5 nói đến sự cần thiết phối hợp đấu tranh nhắm vào năm hướng chính để tạo nên nội lực mạnh cho phong trào dân chủ chung. Những “hướng chủ công” đó là:

1/ đấu tranh cho quyền lợi hằng ngày và thiết thân của dân chúng, như phong trào “dân oan” chống lại cưỡng chiếm đất đai, đòi quyền tư hữu đất đai, công nhân đòi tăng lương, bảo vệ quyền lao động, v.v…

2/ đấu tranh cho tự do dân chủ, như đấu tranh đòi tự do ngôn luận, đòi quyền con người, v.v…

3/ đấu tranh yêu nước, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải, chống bá quyền Trung Cộng, chống bọn “cõng rắn cắn gà nhà”, v.v…

4/ các đảng viên tiến bộ, cấp tiến đấu tranh đòi lãnh đạo dân chủ hóa nội bộ, dân chủ hóa xã hội, v.v…

5/ cộng đồng người Việt hải ngoại ủng hộ, chi viện cho cuộc đấu tranh ở trong nước, vận động quốc tế tạo áp lực lên kẻ cầm quyền ở Việt Nam, v.v…

Chúng ta rất vui mừng nhận thấy rằng, cho đến nay, những cuộc đấu tranh trên các hướng đó đã được mở rộng và đi vào chiều sâu. Ngày nay, phong trào dân chủ nước ta tận dụng được thế mạnh của internet, của các mạng xã hội rộng lớn trong và ngoài nước, nhờ đó khí thế của phong trào tăng lên rõ rệt.

Phong trào đấu tranh của “dân oan” tiếp diễn không ngừng, ngày càng quyết liệt vì chính quyền cưỡng chế chiếm đoạt đất đai ngày càng nhiều. Vài năm gần đây đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh lớn của “dân oan” có tiếng vang mạnh trong xã hội, như vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng thành phố Hải Phòng, vụ Văn Giang tỉnh Hưng Yên, vụ Giáo xứ Cồn Dầu tỉnh Quảng Nam, vụ Vụ Bản tỉnh Nam Định, v.v… Những “cuộc chiến giữ đất” ngày càng xảy ra ở nhiều nơi. Qua các cuộc đấu tranh này ý thức chính trị của người dân lên cao, nhiều người “dân oan” đã đã trở thành chiến sĩ dân chủ. Các cuộc đình công của người lao động diễn ra khắp nơi trong nước. Người lao động ngày càng thấy rõ ĐCS và công đoàn “nhà nước” không bênh vực họ mà «ăn cánh» với giới chủ nước ngoài.

Cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền ngày càng thu hút đông đảo quần chúng, nhất là giới trẻ; đã xuất hiện nhiều hình thức đấu tranh mới, như picnic nhân quyền, việc tiếp xúc, trao kiến nghị về nhân quyền cho các cơ quan ngoại giao nước ngoài, v.v… Những tờ báo dân chủ tiếp tục xuất bản âm thầm trong nước, như bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận, tờ Tổ Quốc…; các trang Web nổi tiếng, như bôxitvietnam, danlambaovn, danchimviet, danluan, x-cafevn, diendantheky, doithoaionline… và hàng trăm trang blog đã đem đến cho người đọc nhiều thông tin, nhiều hiểu biết mới lạ…; các tác phẩm Hồi Ký Của Một Thằng Hèn của Tô Hải, Ngày Long Trời Đêm Lở Đất của Trần Thế Nhân, Bên Thắng Cuộc của nhà báo Huy Đức… được xuất bản ở hải ngoại rồi phổ biến rộng trong nước; Vài Lời Với TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng của Nguyễn Đắc Kiên… đều là những bước tiến ngoạn mục của tự do ngôn luận, phá vỡ tấm màn bưng bít của chế độ toàn trị.

Cuộc đấu tranh yêu nước, bảo vệ chủ quyền của Tổ Quốc bùng phát có sức lôi cuốn mạnh mẽ, mọi người đều đã biết, thiết tưởng không phải nói dài. Còn cuộc đấu tranh của các đảng viên cấp tiến thì đáng ghi nhớ nhất là việc các nhân sĩ, trí thức và nhiều đảng viên CS trong “Nhóm 72″ góp ý xây dựng Hiến pháp và đề nghị một bản Hiến pháp mới 2013 soạn thảo rất công phu theo tinh thần dân chủ đa đảng, sự kiện đảng viên lẻ tẻ ra Đảng và mới đây hai đảng viên kỳ cựu của ĐCSVN là Luật gia Lê Hiếu Đằng và nhà báo Hồ Ngọc Nhuận kêu gọi các đảng viên tập thể bỏ đảng và lập Đảng Xã Hội-Dân Chủ.

Về hoạt động của người Việt ở hải ngoại thì chúng tôi đánh giá cao những hoạt động rất kiên trì và có hiệu quả của các nhà trí thức, nghệ sĩ, nhà văn, giáo sư, luật sư, nhạc sĩ, doanh nhân, và các giới đồng bào ở Hoa Kỳ, Canada, ở châu Âu, châu Úc, trong việc thầm lặng và khéo léo vận động quốc tế, các tổ chức đấu tranh cho quyền con người, như Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, các phong trào sôi nổi, như “Triệu con tim, một tiếng nói”, sự cố gắng của các Nhà xuất bản hải ngoại luôn luôn trợ lực cho các nhà văn, nhà báo, các tiếng nói đối lập trong nước, như Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông, Tủ Sách Tiếng Quê Hương, v.v…, các Đài phát thanh, cũng như nhiều tổ chức vô danh khác của các nhà văn, nhà báo… âm thầm hỗ trợ cho tù nhân lương tâm, cho các chiến sĩ dân chủ trong nước… Có thể nói, cho đến nay sự “phối hợp trong ngoài” đã khá chặt chẽ. So với năm 1998 thì hiện nay, năm “mũi chủ công” đó đang tạo nên nên một sức mạnh tổng hợp khá hữu hiệu giúp cho phong trào dân chủ trong nước phát triển, bất chấp sự đàn áp vô cùng tàn bạo của tập đoàn cầm quyền.
Những thành tựu này của phong trào dân chủ là do công sức và sự hy sinh lớn lao của hàng triệu người trong và ngoài nước. Chúng ta tin chắc rằng những thành tựu này ngày càng tích lũy sức mạnh giúp cho sự nghiệp dân chủ hóa, tự do hóa nước ta.

Trước đây, chúng tôi đã từng kể lại lời nói có tính giáo huấn sâu sắc của Viện sĩ Andrei Sakharov, chiến sĩ nhân quyền kiên cường nhất chống chế độ toàn trị Liên Xô. Hồi đó, phong trào dissident đang trong thời kỳ cực kỳ đen tối, hầu như bị dẹp tan, các phóng viên nước ngoài hỏi Viện sĩ: “Ông có hy vọng là Liên Xô sắp có thay đổi lớn về chính trị không?”. Ông trả lời: “Không, tôi không hy vọng điều đó. Tôi cho rằng đời sống chính trị nước tôi còn lâu mới xảy ra được một sự thay đổi lớn”. Các phóng viên ngạc nhiên hỏi tiếp: “Thế thì ông làm những điều này để làm gì?” Sakharov trả lời: “Giới trí thức biết làm gì? Họ chỉ biết làm một việc là xây dựng lý tưởng, cứ để cho mỗi người làm được điều gì anh ta có thể làm được”. Suy nghĩ một lúc, ông nói thêm: “Nên biết rằng những con chuột chũi đào hang ngầm dưới đất có thể làm sụp đổ những thành trì lịch sử”. Đây có thể là một lời khuyên cho các chiến sĩ dân chủ nước ta: hãy cứ làm việc đi, làm những việc mà lương tâm mình mách bảo và mình có thể làm được mà không sốt ruột mong đợi kết quả ngay. Những thành trì lịch sử sẽ có ngày sụp đổ! Xin nói thêm, nếu so sánh phong trào đấu tranh chống chế độ cực quyền của ĐCSLX hồi đầu những năm 80 (khoảng năm 81-84) thế kỷ trước với phong trào dân chủ hiện nay ở nước ta thì mặc dù tập đoàn cầm quyền nước ta có phần độc ác và thâm hiểm theo kiểu phong kiến hơn ở Liên Xô, nhưng phong trào ở nước ta vẫn có phần khả quan hơn nhiều. Chúng tôi đã sống trong thời kỳ đen tối hồi đó ở Liên Xô nên hiểu rõ và có thể so sánh được.

Còn đây là ý nghĩ chân thực của cố Tổng thống Cộng hòa Czech:
“... Trong các buổi chuyện trò, nhiều lần tôi nhấn mạnh rằng trong một chế độ toàn trị, thật khó mà nhìn thấu ruột gan của xã hội. Khi nhìn quanh chỉ thấy xã hội là một khối nguyên vẹn và đâu đâu cũng chỉ thấy một sự trung thành với chế độ… …do nỗi sợ đào luyện con người, nên cái vẻ ngoài nguyên vẹn như thế thực ra lại là vô cùng yếu đuối. Không một ai có thể tiên báo một ngày nào đó, chỉ một nắm tuyết cỏn con tình cờ sẽ tạo ra cả một trận núi tuyết lở. …Cách đây hai chục năm, ở Tiệp Khắc có một nắm tuyết cỏn con xuất hiện dưới hình thù một cuộc đàn áp hung bạo đối với sinh viên, và nắm tuyết đó đã biến thành trận núi tuyết lở. Thế rồi toàn bộ hệ thống toàn trị đã lung lay, rồi sụp đổ như một tòa lâu đài ghép bằng giấy bồi”.

Đúng như vậy, lịch sử đã từng chứng tỏ các chế độ độc tài toàn trị ở Liên Xô, ở các nước Đông Âu… bên ngoài tưởng như là kiên cố “muôn năm trường thọ”, nhưng thực ra đó là “những pho tượng người khổng lồ chân đất sét”! Khi phong trào dân chủ lên thật mạnh và khi điều kiện chủ quan, khách quan thuận lợi hồi cuối những năm 80 đầu những năm 90 thế kỷ trước thì chế độ đó sụp đổ tan tành nhanh chóng không ai có thể ngờ được. Các chiến sĩ dân chủ nước ta cần có lòng tin quyết thắng để hun đúc ngọn lửa đấu tranh hừng hực trong lòng mình./.

Ngày 04/09/2013.
Nguyễn Minh Cần.















 
      

Ingen kommentarer: