Tưởng Niệm Tướng Nguyễn Khoa Nam:
Những Phút Tâm Tình Cuối Cùng
Cuối
năm 1973, tôi được lệnh bổ nhiệm về Liên đoàn 67 Truyền tin tại Cần
Thơ. Lúc đầu, Thiếu tướng Nam không đồng ý cho tôi rời khỏi Sư đoàn 7 Bộ
binh. Ông bảo: "Anh ở đó chứ đi đâu". Tôi thưa với ông rằng: "Thưa
Thiếu tướng, tôi đã phục vụ ở Sư đoàn ròng rã 7 năm trời.
Trong
binh chủng Truyền tin chỉ có 3 Liên đoàn. Thiếu tướng giữ tôi lại
SĐ7BB, e sau này tôi mất cơ hội". Suy nghĩ một chốc, ông đồng ý và hỏi
ai là người thay thế tôi.
Tôi
trình rằng nếu ông đồng ý thì Cục Truyền tin sẽ cử anh Bùi Văn Hạp,
trung tá hiện đang giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Truyền tin SĐ7 BB (người
cùng khóa 3, cùng trung đội với thiếu tướng Nam) thay thế tôi. Tướng
Nam đồng ý. Tôi về Cần Thơ được 6 tháng thì thiếu tướng Nam cũng về Cần
Thơ nhận chức vụ Tư lệnh Quân đoàn IV. Một người bạn bảo tôi chạy trời
không khỏi nắng.
Buổi
lễ bàn giao chức vụ Tư lệnh Quân đoàn IV được tổ chức tại sân cờ Bộ Tư
lệnh. Sau khi một sĩ quan tuyên đọc lệnh bổ nhiệm Tân Tư lệnh - Trung
tướng cựu Tư lệnh trao quân kỳ Quân đoàn IV cho tân Tư lệnh. Không có
thượng cấp chủ tọa, không diễn văn, không huấn thị. Một buổi lễ bàn giao
"ngắn, gọn" và "độc đáo". Buổi lễ tuy vắng bóng cấp trên của Quân đoàn
nhưng thân hào, nhân sĩ, các vị lãnh đạo tinh thần dự lễ rất đông. Sau
buổi lễ bàn giao, ông bắt tay vào công việc mới. Từ nay, công việc của
ông không còn hoàn toàn thuần túy quân đội mà còn liên hệ đến các lãnh
vực khác như hành
chánh, ngoại giao, chính trị. Tuy rất bận nhưng thỉnh thoảng ông cũng
đến thăm Liên đoàn của tôi, đóng tại gần cầu Bình Thủy.
Lần
thăm viếng đầu tiên, sau phần thuyết trình, ông muốn đi thăm doanh trại
và cơ sở. Ông hài lòng và có ý định dùng bản doanh Liên đoàn 67 Truyền
tin làm bản doanh Bộ Tư lệnh Đặc nhiệm để chỉ huy và điều hợp các tiểu
khu Kiến Phong, Sadec, Long Xuyên, Châu Đốc. Do gợi ý của ông, những hôm
sau, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Phó và Đại Tá Nguyễn Đình Vinh,
Bộ Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn đến thăm đơn vị tôi. Công việc chỉ mới
dự định, chưa thực hiện thì mất nước.
Một
hôm, ông đến thăm, ghé vào cư xá, tôi sống một mình vì vợ con tôi vẫn
còn ở Mỹ Tho. Trông thấy trong phòng khách có tượng Phật Quan Âm và
tượng Đức Mẹ bằng thạch cao. Ông hỏi tượng Phật ở đâu mà đẹp vậy, thỉnh
cho ông một chiếc được không. Tượng Phật Quan Âm do vợ tôi mua tại một
cửa hàng mỹ thuật tại Sài Gòn. Đơn vị tôi có trách nhiệm cung cấp các
mạch liên lạc điện thoại và viễn ấn cho các thành phố, các căn cứ quân
sự của Hải, Lục, Không Quân thuộc 15 tỉnh miền Tây. Tháng nào cũng có
anh em trong đơn vị bị thương vong do bị mìn, bị bắn sẽ, bị trúng đạn
pháo nên vợ tôi thỉnh
tượng Phật Quan Âm để cầu an. Còn tượng Đức Mẹ thì do các bà xơ thuộc
một tu viện trước mặt Liên đoàn tặng làm kỷ vật. Tôi thiết trí một bàn
thờ, mẫu mã đơn giản nhưng gọn đẹp, một bộ đèn bằng gỗ trắc và thỉnh
tượng Phật về đặt tại phòng khách dinh Tư lệnh. Ngày an vị Phật, ông mời
thầy Tuyên úy Phật Giáo và một số quan khách đến cầu an và dự cơm chay
tại tư dinh. Ngờ đâu, sau ngày 30-4-1975, ông đã kết liễu cuộc đời tại
phòng khách, trước bàn thờ Phật.
Đêm
29 tháng 4, Cộng Sản tấn kích Rạch Sỏi, Sóc Trăng, Trà Vinh. Các mạch
liên lạc với Sài Gòn bị trở ngại vì đài viễn thông Núi Lớn ở Vũng Tàu bị
pháo gây thiệt hại. Tôi nhận được điện thoại của Thiếu tướng, ông hỏi
lý do vì sao liên lạc với Sài Gòn bị khó khăn. Tôi trình cho ông biết lý
do và báo đã chuyển mạch liên lạc Cần Thơ - Sài Gòn qua ngã Đồng Tâm.
Sáng
30-4-1975, lúc 6 giờ rưỡi sáng, Quân đoàn mời các đơn vị trưởng hay phụ
tá đến họp tại Bộ Tư lệnh. Các đơn vị trưởng phần lớn đều còn ở lại.
Đại tá Nguyễn Đình Vinh được chỉ định làm quyền Tham mưu trưởng Quân
đoàn IV. Tôi ngồi cạnh anh Huỳnh Ngọc Diệp (khóa 3 Thủ Đức), đại tá Tỉnh
trưởng Cần Thơ, anh Lê Nguyên Bình, đại tá Trưởng Phòng 2 Quân đoàn và
anh Nguyễn Bá Trang, đại tá Hải Quân. Anh Trang và tôi cùng học chung
khóa Chỉ huy Tham mưu năm 1972. Tôi hỏi anh Trang rằng anh sẵn tàu sao
không đi? Anh trả lời: "Bậy nào - Để chờ xem Tư lệnh quyết định thế nào
đã - Mặt mũi nào mà
bỏ chạy". Sau này tôi gặp lại anh và cả người anh của anh là đại tá
Nguyễn Bá Trước, gốc Dù, cựu tỉnh trưởng Phước Tuy và có thời kỳ làm
Tham mưu trưởng SĐ7BB. Các anh đều bị đưa ra cải tạo ở miền Bắc như
chúng tôi.
Tướng
Nam vừa bước vào phòng họp thì tùy viên báo cho ông là Tổng Thống Dương
Văn Minh muốn nói chuyện với Tư lệnh Quân đoàn IV qua điện thoại. Tướng
Nam rời phòng họp. Liền sau đó Trung tâm Hành quân Quân đoàn mở đài Sài
Gòn. Đài phát đi lời kêu gọi của ông Dương Văn Minh:
"Quân đội VNCH
ngưng chiến đấu để chờ bàn giao". Đại tá Hiền vật vã khóc: "Đầu hàng
rồi tụi bây ơi! Nhục ơi là nhục!" Thật thấm thía, đau khổ không thể nào
kể xiết. Rồi đây, bản thân và gia đình sẽ ra sao? Đất nước, dân tộc đi
về đâu?
Tướng
Nam trở lại phòng họp, nét mặt ông lộ vẻ buồn, rất buồn. Giọng nói còn
xúc động, ông nói với chúng tôi: "Chúng ta là quân nhân. Quân nhân phải
thi hành lệnh thượng cấp. Nay Tổng Thống ra lệnh ngưng chiến đấu, ở vị
trí tại chỗ, chờ bàn giao. Thôi chào anh em và anh em trở về đơn vị".
Ông lại nói tiếp: "Tôi không chủ trương ra đi. Với cương vị của tôi, ra
đi lúc nào cũng được, nhưng nghĩ đến anh em chiến sĩ ngoài mặt trận, gia
đình vợ con binh sĩ và đồng bào nên tôi không ra đi." Đây là lần chót
tôi gặp ông.
Tôi
lên xe trở về đơn vị, tâm thần bất định, nửa muốn chết nửa tham sinh.
Lời vợ tôi vẫn còn văng vẵng: "Anh đi đi, ở lại tụi nó giết cho bây
giờ". Giữa đường, tôi có thấy hai anh Huỳnh Ngọc Diệp và Lê Nguyên Bình.
Khi ra Bắc cải tạo, không thấy các anh ấy, tôi biết rằng các anh đã
vượt thoát và tôi mừng cho các anh ấy.
Sáng
1-5-1975, lính gác bảo là "cách mạng" muốn gặp đơn vị trưởng. Tôi vẫn
mặc quân phục đầy đủ ra tiếp họ. Một nhóm bộ đội, trong đó có vài người
mang túi vải trên vai, cán bộ chỉ huy, một người trạc dưới 50 tuổi, nói
giọng Huế, giới thiệu là Tám Thanh. Đơn vị anh ta đến tiếp quản khu vực
Liên đoàn của tôi. Họ tập họp binh sĩ các cấp lại, cấp giấy tờ cho về
nhà, trừ cấp chỉ huy, lấy lý do họ cần chúng tôi để "bàn giao". Hai hôm
sau, cũng chính ông cán bộ tên Tám Thanh này cho biết trong đơn vị có
người tự sát. Khi mở cửa nhà kho, chúng tôi thấy thi thể một hạ sĩ quan
đã tự sát bằng lựu
đạn. Đang dự tính tháo ván trên vách đóng thành quan tài để chôn ngay
tại đơn vị thì một hạ sĩ quan tài xế xuất hiện, thấy chúng tôi bị giữ
tại đơn vị, anh ta mua ít bánh mì tặng chúng tôi làm lương thực. Anh ta
báo rằng, ở Trung đội Chung sự còn bốn quan tài, người ta lấy một chiếc
để chôn Thiếu tướng Nam, còn 3 chiếc có thể xin mấy ông cách mạng viết
giấy giới thiệu, lãnh quan tài về chôn bạn mình. Nghe tin, tôi bàng
hoàng xúc động. Thượng cấp đã đi rồi và thuộc cấp cũng lấy cái chết để
bảo toàn danh dự.
Sau 5 ngày bị lưu giữ tại đơn vị, bộ phận tiếp
quản thấy không có gì xẩy ra, họ cấp cho tôi giấy trở về nhà. Trước khi
trở về Mỹ Tho, tôi ghé lại nhà một người quen và được biết sau khi tự
sát, thi hài Thiếu tướng Tư
lệnh được đưa về Quân y viện Phan Thanh Giản Cần Thơ. Đêm hôm ấy, hai
bác sĩ, một trung tá thuộc Trung tâm Tiếp huyết, và một đại úy cháu của
tướng Nam đến viếng thi hài của ông thì bị lính Việt Cộng bắn, Trung tá
chết và Đại úy bị thương nặng. Anh Hoàng Như Tùng, trung tá Bác sĩ, giám
đốc Quân y viện Phan Thanh Giản đích thân giải phẩu và điều trị cho vị
sĩ quan, sau này tôi mới biết là bác sĩ Nguyễn Khoa Lai. Anh Hoàng Như
Tùng, nay định cư ở Houston - Texas là bạn học của tôi khi chúng tôi còn
học trung học ở trường Khải Định - Huế. Chính anh Hoàng Như Tùng đứng
ra chôn cất thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam. Thi hài ông được an táng ở
Nghĩa trang Quân đội Cần Thơ. Việt Cộng xóa dòng chữ "Nghĩa trang Quân
đội" và viết lên đó những dòng chữ
"Mồ chôn quân giặc". Thân nhân các người quá cố thấy tủi thân nên chờ
ban đêm, họ lén đào các mộ người thân đem đi cải táng nơi khác - Việt
Cộng đã xả súng bắn vào nhóm người đó gây thêm một số thương vong.
Khi
tôi còn ở trại cải tạo số 8 đoàn 776 Hoàng Liên Sơn, bỗng một hôm gặp
bác sĩ Hoàng Như Tùng. Anh từ một trại cải tạo ở Sơn La được chuyển
xuống Yên Bái. Lẽ ra các bác sĩ chỉ bị cải tạo ở trong Nam. Trường hợp
của bác sĩ Tùng, anh phải ra Bắc là vì Cộng Sản nghi các chết của thiếu
tướng Nam có "vấn đề". Họ nghi xác đó là Nguyễn Khoa Nam giả. Hơn nữa,
khi tiếp nhận thi hài của thiếu tướng Nam, trong hoàn cảnh đó, anh dám
nói lên một câu: "Đời ông ấy để lịch sử phê phán".
Sau
khi được tha từ trại cải tạo về, đời sống gia đình quá khó khăn. Kinh
tế gia đình kiệt quệ, nhà cửa và tài sản đều bị tước sạch, tôi thì bị
Công An theo dõi ngày đêm, các con tôi mang một lý lịch chính trị của
cha nó đen xì. Chúng tôi từ một trại tù nhỏ được chuyển về một nhà tù
lớn. Và không cứ gì gia đình tôi phải gánh chịu cuộc sống bi đát đó. Cả
một dân tộc sống trong đau thương. Tôi nghe người ta bàn tán rằng tướng
Nguyễn Khoa Nam hiện đang ở trên một chiếc tàu ngoài biển khơi, chỉ huy
đoàn quân phục quốc. Rồi còn để thuyết phục lòng tin của mọi người,
người ta còn bảo đài BBC
loan tin như vậy. Tôi biết Thiếu tướng đã mất, nhưng khi mọi người chỉ
còn dựa vào tên ông như là một hy vọng vào niềm tin để sống, tôi chia xẻ
và cảm thông với họ.
Shakespeare,
qua các nhân vật của một vở kịch, có viết rằng, mỗi người xuất hiện
trên sân khấu một lần, diễn xuất một cách vụng về rồi biến mất. Điều này
có thể đúng với tôi, với nhiều người khác nhưng không đúng với Thiếu
Tướng Nguyễn Khoa Nam. Ông không diễn xuất vụng về, trái lại, ông diễn
xuất rất đạt, rất thành công. Ông không biến mất - Ông vẫn trường tồn.
Ông được nhiều người ca tụng là anh hùng. Theo tôi, ông có những cái gì
khác hơn anh hùng. Anh hùng dựa vào dân tộc, dựa vào lịch sử mà trường
tồn, được xem như người chiến thắng, được bỏ qua những lổi lầm. Còn ở
ông còn
toát ra những gì thanh cao, khí tiết. Ông là kết tụ của tinh thần bất
khuất Trần Bình Trọng, Nguyễn Biểu - ninh thọ tử bất ninh thọ nhục - thà
chết chứ không chịu nhục. Ông là tiếp nối của truyền thống hào hùng
tiết tháo của Võ Tánh, Hoàng Diệu - tướng chết theo thành. Cái chết của
ông thật lặng lẽ, âm thầm và cô đơn nhưng lại chuyển vào mạch sống của
dân tộc. Ông đã để lại cho lịch sử khúc ca chính khí.
Tôi
viết lên những dòng này vào giữa đêm khuya, trong phòng vắng. Đến đây,
tôi ngừng viết, đọc lại những gì ghi trên giấy, nước mắt bỗng tuôn tràn
trên gò má. Tôi khóc cho ông, người thầy của tôi và cho những người nằm
xuống. Nhưng tôi cũng khóc cho tôi, cho những người thân, cho những bạn
bè đã hứng chịu những hệ lụy bi đát sau ngày tàn cuộc chiến. Tôi khóc vì
cảm động trước đắng cay mà đồng bào tôi đang sống trong màn đêm bạo tàn
ở ngay chính trên quê hương của mình.
Tôi viết những dòng này, trước ngày húy nhật thứ 30 của ông để dâng lên ông lòng kính trọng.
Tôi viết những dòng này, trước ngày húy nhật thứ 30 của ông để dâng lên ông lòng kính trọng.
Tôi
không ca tụng ông vì danh
ông lớn quá, ca tụng cũng bằng thừa. Tôi chỉ ghi lại vài mẩu chuyện rất
"người" của một con người bình thường, nhưng đã vươn lên cao, nếu không
nói là vĩ đại.
Lê Chu.
Ingen kommentarer:
Legg inn en kommentar